Friday, November 27, 2009

Nhà Văn PHẠM ĐÌNH TRỌNG Từ Bỏ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Nhà văn Phạm Đình Trọng: Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng Cộng sản
Bài này được đăng lúc 07:14 ngày Thứ Sáu, 27/11/2009
http://bauxitevietnam.info/c/19423.html
Nhà văn Phạm Đình Trọng là một trong những người sớm ký tên vào Kiến nghị dừng dự án bauxite ở Tây Nguyên. Nhận thấy trong một quốc gia dân chủ, gia nhập đảng hay từ bỏ đảng là việc làm bình thường, tùy vào nhận thức và sự lựa chọn của từng người, Bauxite Việt Nam xin đăng Thông báo sau đây theo đề nghị của anh.
Bauxite Việt Nam
--------------------------

Nhà văn Phạm Đình Trọng:
Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng Cộng sản


Kính gửi:
- CHI ỦY VÀ CHI BỘ 4
- ĐẢNG ỦY PHƯỜNG 15 QUẬN TÂN BÌNH TPHCM


Tội là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19.5.1970. Đến nay, 20.11.2009, tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng. Thiếu vài tháng nữa, tôi tròn 40 năm là người Cộng sản. Từ lúc tự nguyện đứng vào hàng ngũ Cộng sản, đến tự rút ra khỏi đảng là một quá trình chuyển biến trong tôi, từ nhận thức bằng tình cảm sang nhận thức bằng lí trí và cũng là quá trình chuyển biến của chính đảng Cộng sản, từ ý chí vì dân, vì nước sang ý chí chỉ vì sự tồn tại của đảng. Tôi xin trình bày về quá trình hai chuyển biến đó, một chuyển biến thuận, tất yếu, hợp qui luật phát triển và một chuyển biến nghịch, tiêu cực, thóai hóa.

I. TÌNH CẢM ĐƯA TÔI ĐẾN LÍ TƯỞNG CỘNG SẢN

Sinh ra trong không khí sôi sục của cuộc cách mạng đã khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa những người cộng sản lên nắm chính quyền. Cuộc cách mạng ấy như cũng khai sinh ra thế hệ chúng tôi, một thế hệ của cách mạng, của nhà nước mới. Cả tuổi thơ, cả tuổi cắp sách đến trường của tôi được sống trong không khí thần thoại của những câu chuyện về lớp người Cộng sản tiền bối chiến đấu hi sinh vì dân, vì nước. Lí tưởng của những người Cộng sản ấy đã trở thành lí tưởng, thành lẽ sống của thế hệ chúng tôi. Cốt cách lương thiện và dũng cảm của những người Cộng sản ấy cũng là khuôn mẫu cho cốt cách của lứa chúng tôi.
Rời trường trung học vào bộ đội rồi đi vào cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược, chúng tôi lại gặp những người Cộng sản bằng xương bằng thịt vô cùng cao đẹp ở mọi nơi gian nan ác liệt. Máy bay Mĩ tập trung đánh hủy diệt một trận địa pháo cao xạ ở miền Tây Quảng Bình. Người Cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Viết Xuân bị đạn bắn nát đùi vẫn bám thành công sự phất lá cờ đỏ dõng dạc chỉ huy: Nhằm thẳng quân thù, bắn! Với cuộc sống anh hùng đó, với lí tưởng đã có, chúng tôi trở thành người Cộng sản như là lẽ đương nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, đảng phát động đợt kết đảng viên lớp Hồ Chí Minh. Ngay sau lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi viết đơn xin vào đảng. Lễ kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh đầu tiên của cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh Thông tin tổ chức đúng vào ngày 19. 5. 1970.
Con vào đảng vào ngày sinh của Bác
Mười chín, tháng năm, năm một ngàn chín trăm bảy mươi
Ba mươi tuổi Bác thành người Cộng sản
Để cho con hai mươi sáu tuổi được là đồng chí của Người

Thơ tôi ghi nhận ngày tôi trở thành người Cộng sản. (Sau này, chuyển sinh họat đảng qua nhiều nơi, ngày vào đảng của tôi bị ghi sai thành 12. 5. 1970)
Vào đảng, rồi tốt nghiệp trường Sĩ quan Thông tin, đeo ba lô đi trong bạt ngàn màu xanh Trường Sơn vào mặt trận Tây Nguyên, tôi viết về đảng:
Nâng niu sự sống trong lòng
Đất là mẹ của trái tròn mầm xanh
Bao nhiêu trong mát ngọt lành
Đất chắt chiu để cây cành đơm hoa.
Đảng là đất mẹ bao la
Ta là chồi biếc đó mà, hỡi em!

Lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đảng đã đồng hành cùng dân tộc. Đặt dân tộc lên trên, đảng đã chấp nhận những hi sinh to lớn vì độc lập dân tộc. Với nhận thức đó, tôi đến với đảng hòan tòan bằng tình cảm của một trái tim khao khát lí tưởng cống hiến. Với tư cách người Cộng sản, tôi đã vững vàng vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, đi qua suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt để viết về thế hệ của tôi, viết về thời đại của tôi và tôi trở thành nhà văn quân đội.

II. LÍ TRÍ CHO TÔI NHẬN THỨC LẠI


1. Từ cơ sở đảng cho tôi sự thức tỉnh
Con người được thử thách, tôi luyện trong chiến tranh, năng lực được khẳng định bằng trang viết cho tôi một tư thế của khí phách và một cái nhìn biện chứng, thấu đáo. Với tư thế ấy tôi đã lên tiếng thẳng thắn chỉ ra sự mua quan bán chức của ông Thứ trưởng kiêm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Tào Hữu Phùng và ông Phó tổng biên tập Đào Ngọc Hùng đã đưa một người bị đào thải ở nơi khác và không viết nổi một mẩu tin lên trưởng chi nhánh phía Nam Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn đến những đổ vỡ, bê bối lớn và làm tê liệt chi nhánh phía nam đến tận hôm nay. Đầu tư lớn để có chức thì phải triệt để dùng chức nhanh chóng thu lại vốn đầu tư. Trong lúc nhiều tờ báo cảnh báo việc hủy diệt môi trường của công ty Vedan thì ông trưởng chi nhánh Thời báo Tài chính không viết nổi một mẩu tin đã cùng một cộng tác viên đến Vedan viết bài đăng Thời báo Tài chính Việt Nam tấm tắc ngợi ca môi trường Vedan trong lành. Sức mạnh và quyền uy của cả một đảng ủy cơ quan đại diện Bộ Tài chính được huy động trấn áp, truy bức tiếng nói sự thật của tôi để việc mua quan bán chức trót lọt và tồn tại đến tận hôm nay! Đi xa hơn, họ còn vội vã, độc đoán chuyển tôi về sinh hoạt đảng tạm tại nơi cư trú để họ thông qua mau lẹ việc kết nạp đảng cho người mua chức, giúp người mua chức có được chuẩn mực quan trọng của chức danh.
Sự việc trên không phải là cá biệt của cơ sở đảng. Trong lúc nước còn nghèo, dân còn khổ, lòng nhân đạo cả thế giới còn phải dồn về Việt Nam làm từ thiện giúp đỡ người nghèo thì vẫn có những quan chức, đảng viên mang cả triệu đô la đi đánh bạc và sống sa đọa nhưng ở chi bộ họ vẫn được xét là đảng viên bốn tốt!
Bây giờ đảng ở cơ sở, đảng ở cấp thấp là vậy đó! Còn đảng ở cấp cao? Đó là những tín điều, những chủ trương ngược với lợi ích dân tộc!

2. Vì tín điều Cộng sản, vất bỏ lợi ích dân tộc

A. Đưa giai cấp lên trên dân tộc làm cho dân tộc tan rã, li tán, suy yếu

Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Giai cấp công nhân là một khái niệm quá chung chung, rộng lớn trên phạm vi thế giới, chỉ có định tính mà không có định hình vì thế cũng khá trừu tượng, không xác định được không gian, không ổn định trong thời gian, không có bản sắc văn hóa riêng và giai cấp công nhân cũng chỉ mới xuất hiện vài trăm năm gần đây cùng với sự xuất hiện của máy hơi nước, máy phát điện. Với Việt Nam, giai cấp công nhân lại càng mới mẻ, mới có từ đầu thế kỉ trước cùng với sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Công nhân chỉ là một hình thái lao động của cả loài người, không của riêng dân tộc nào. Trong khi đó dân tộc là một khái niệm thiêng liêng, là hồn cốt của mỗi con người tồn tại trên thế gian này. Dân tộc là một thực thể đã tồn tại hàng ngàn năm, có không gian sinh tồn được xác định bằng lịch sử, bằng công pháp. Dân tộc có bản sắc văn hóa, tinh hoa văn hóa riêng. Mỗi dân tộc có mặt đến hôm nay đều phải có một tinh hoa văn hóa không thể bị đồng hóa với nền văn hóa khác. Nhiều dân tộc đã tạo nên những nền văn minh rực rỡ đưa loài người bước những bước dài trên đường tiến hóa. Văn hóa dân tộc là hạt nhân tập hợp cả cộng đồng tạo nên dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới góp phần làm rạng rỡ, lung linh thêm phẩm chất NGƯỜI của Nhân loại bằng văn hóa của dân tộc mình. Đơn vị của một cộng đồng người là dân tộc chứ không phải là giai cấp. Không cộng đồng nào có mặt trong gia đình Nhân loại với danh xưng giai cấp công nhân!
Đưa giai cấp công nhân lên trên hết, trở thành chủ thể, điều lệ đảng Cộng sản đẩy dân tộc xuống cuối cùng là sự bất công phũ phàng. Trong thực tế, sự đối xử của đảng Cộng sản với dân tộc còn là sự phủ nhận cay đắng.
Chống ngoại xâm, đưa ra mục tiêu giải phóng dân tộc là đảng Cộng sản đã đồng hành cùng dân tộc, điều đó giúp đảng Cộng sản có sức mạnh vô địch. Nhưng cùng với chống ngoại xâm, với học thuyết chuyên chính vô sản của tín điều Cộng sản, đảng Cộng sản còn tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp vô cùng khốc liệt đánh thẳng vào khối đoàn kết dân tộc, đánh tiêu diệt những tinh hoa của dân tộc!
. Cải cách ruộng đất danh nghĩa là đánh đổ tầng lớp bóc lột ở nông thôn nhưng những gì diễn ra đã chứng tỏ rằng đó là cuộc phát động gây hận thù ngay trong lòng dân tộc. Lấy bạo lực chuyên chính vô sản đánh vào giá trị văn hóa, đánh vào đạo lí gia đình, đánh vào văn hóa làng quê, đánh cả vào tín ngưỡng tâm linh, những nền tảng của văn hóa dân tộc.
. Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã phá sạch cơ sở vật chất của nền sản xuất công nghiệp tư nhân vừa hình thành, biến những người chủ giỏi tính toán làm ăn, biết gây dựng cơ đồ thành trắng tay, thành người làm thuê bằng cơ bắp. Dân tộc Việt Nam thông minh, thao lược đã tạo ra những doanh nhân tài ba Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô . . . ngang sức đua tranh với những nhà tư sản của nước Pháp công nghiệp phát triển để bắt đầu xây dựng một nền công nghiệp tư nhân phát triển ở Việt Nam. Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc không những phá sạch cơ sở công nghiệp tư nhân ban đầu đó mà còn chối bỏ, kìm hãm tài năng, trí tuệ nhân dân. Chỉ sử dụng cơ bắp làm thuê làm cho nền kinh tế miền Bắc thụt lùi hàng trăm năm. Tiếp tục cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam đã đưa kinh tế cả nước xuống vực thẳm, đưa dân tộc Việt Nam thông minh, tài giỏi tới nghèo khổ, hèn mọn. Dòng người bỏ nước ra đi kéo dài trong nhiều năm đến sống vạ vật ở những trại tị nạn khắp thế giới là hình ảnh của sự hèn mọn ấy. Đổi mới, trở lại kinh tế thị trường chỉ là trở lại cung cách làm ăn thông thường, phổ biến của cả thế giới, trở lại với tư bản, tư doanh mà trước đó đã hai lần bị cải tạo, bị xóa sổ tức tưởi. Trở lại kinh tế thị trường là sự xóa bỏ đầu tiên nguyên lí cơ bản của tín điều Cộng sản đã cứu được nhân dân khỏi sự khốn cùng, cứu được nhà nước khỏi sụp đổ.
. Vụ án Nhân văn Giai phẩm là sự dằn mặt của chính quyền công nông, của nhà nước chuyên chính vô sản với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Nhân văn Giai phẩm chính là cuộc cải cách ruộng đất đối với trí tuệ đã dập tắt thê thảm những quầng sáng rực rỡ nhất của trí tuệ Việt Nam, vùi dập những trí tuệ Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo…, vùi dập tàn nhẫn những tinh hoa sáng nhất của dân tộc.
Suốt chiều dài lịch sử, luôn phải đối đầu với những lực lượng xâm lược khổng lồ nhưng dân tộc Việt Nam nhỏ bé vẫn tồn tại được đến hôm nay là nhờ tâm hồn Việt Nam đã tạo nên nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, sâu đậm, bền vững cùng núi sông Việt Nam, là nhờ ý thức dân tộc mạnh mẽ sâu đậm trong mỗi con người Việt Nam. Nền văn hóa dân tộc ấy, ý thức dân tộc ấy đã gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối vững mạnh, tồn tại qua ngàn năm Bắc thuộc, qua trăm năm thực dân thống trị.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhà giàu ở nông thôn, nhà tư sản ở thành phố, quan lại triều đình cũ, trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đều tham gia kháng chiến đánh giặc. Là những người giỏi giang, thành đạt, là tinh hoa của dân tộc, họ có sức lôi cuốn, tỏa sáng, có vai trò rất to lớn trong đánh giặc giữ nước, họ càng vô cùng cần thiết trong xây dựng đất nước. Nhưng tín điều Cộng sản đưa giai cấp công nhân lên làm chủ thể, lấy giai cấp nông dân nghèo là đồng minh, coi các thành phần khác là đối lập, cần đánh đổ, cải tạo, chuyên chính. Những cuộc đánh đổ (cải cách ruộng đất), cải tạo (công thương nghiệp tư bản tư doanh), chuyên chính (Nhân văn Giai phẩm) là những đòn chí tử, liên tiếp đánh vào khối đoàn kết dân tộc.
Chiến thắng năm 1975 không phải là chiến thắng của ý thức hệ Cộng sản mà là chiến thắng của ý chí dân tộc, của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Chiến thắng năm 1975 không phải là chiến thắng của miền Bắc với miền Nam mà là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam. Đặt dân tộc lên trên, chúng ta sẽ có một tiềm lực vô cùng to lớn để xây dựng đất nước. Cơ sở vật chất kĩ thuật và lực lượng lao động cao cấp còn ở lại miền Nam là một vốn quí, một bệ phóng thuận lợi để nhanh chóng cất mình bay lên cùng những con rồng kinh tế châu Á. Nhưng giành hết chiến thắng của dân tộc về đảng, những người Cộng sản trở nên kiêu ngạo, tự mãn, lại càng tư tin vào tín điều Cộng sản! Lại say sưa đấu tranh giai cấp! Lại cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh! Lại hủy hoại khối lượng lớn của cải, làm tan hoang những cơ sở vật chất của một nền sản xuất công nghiệp tương đối phát triển! Lại hận thù dân tộc, đẩy hàng vạn người đã tham gia chính quyền cũ vào những trại cải tạo, gây chia rẽ, li tán trong lòng dân tộc! Thời cơ mất đi! Tiềm lực vô cùng quí giá để phát triển đất nước cũng mất đi! Đất nước bị đẩy đến tận cùng quẫn bách. Kinh tế kiệt quệ! Lòng người li tán! Thế giới cấm vận! Năm 1975, kinh tế Việt Nam ngang ngửa với các nước Đông Nam Á thì nay tụt lại sau vài chục năm!
Nỗi đau li tán còn khoét sâu trong lòng dân tộc lại lộ ra mỗi khi lãnh đạo nước ta đến Mĩ đều có những đoàn người của cộng đồng người Việt ở Mĩ rầm rộ biểu tình chống đối. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phải đi cổng sau vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Mĩ vì cổng trước bị đoàn người biểu tình phong tỏa! Đau quá! Người đứng đầu nhà nước đã đánh thắng Mĩ phải đi cổng sau Phủ Tổng thống vào gặp người đứng đầu nước chủ nhà thua trận! Nỗi đau li tán dân tộc dẫn đến nỗi đau quốc thể! Đặt giai cấp lên trên dân tộc nên đến nay đất nước thống nhất đã hơn 30 năm mà vẫn chưa thể hòa giải, hòa hợp dân tộc!
Nước Đức thống nhất sau Việt Nam 14 năm rưỡi. 9.11.1989 bức tường Berlin dài 155 kilomet do nhà nước Cộng sản Đông Đức xây bị dân Đức phá sụp đổ. Hai miền Đông – Tây nước Đức ôm chầm lấy nhau. Nước Đông Đức Cộng sản bị xóa sổ, bị gom về với Tây Đức Tư bản. Đặt dân tộc Đức vĩnh hằng lên trên ý thức hệ nhất thời, không có một trại cải tạo nào dành cho viên chức chính quyền Đông Đức. Địa lí Đức thống nhất. Dân tộc Đức cũng thực sự thống nhất, hòa hợp. Bà Angela Merkel Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay vừa tái trúng cử nhiệm kì thứ hai là đoàn viên thanh niện Cộng sản Đông Đức trước đây.
Nỗi đau li tán của dân tộc Việt Nam còn âm ỉ, nhức nhối đến hôm nay là hậu quả tất yếu của kiên trì tín điều Cộng sản đưa giai cấp lên trên dân tộc, là trách nhiệm không thể chối bỏ của đảng Cộng sản.

B. Đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc
Với chuyên chính vô sản tạo ra những cuộc đấu tố, thanh trừng thảm khốc, với nền kinh tế kế hoạch duy ý chí bóp nghẹt sản xuất và cuộc sống, với nền văn hóa nghệ thuật khuôn phép, xơ cứng, triệt tiêu tìm tòi, sáng tạo, sau gần nửa thế kỉ tồn tại, hệ thống Cộng sản thế giới khuôn xã hội con người vào khuôn mẫu ra đời từ thế kỉ 19 trái tự nhiên, tất yếu phải sụp đổ. Từ một hệ thống Cộng sản thế giới trải rộng thành một khối lớn từ châu Âu sang châu Á nay chỉ còn năm nước Cộng sản như năm hòn đảo chơi vơi và Việt Nam là một hòn đảo chơi vơi và nhỏ bé. Đây chính là lúc phải bừng tỉnh để nhận lại đường, từ bỏ sự trì trệ, trái tư nhiên, đưa đất nước trở lại dòng chảy tiến hóa, cùng nhịp bước với sự phát triển của loài người. Làm việc này không phải chỉ vì đất nước, vì dân tộc mà trước hết vì chính đảng Cộng sản để đảng thoát khỏi xơ cứng, trì trệ của những tín điều đã bị thực tế cuộc sống bác bỏ, đã bị lịch sử chứng minh là sai trái, để đảng Cộng sản vẫn giữ được vai trò lãnh đạo bằng lòng tin và sự gửi gắm của nhân dân, chứ không phải bằng điều 4 của Hiến pháp, không phải bằng bạo lực chuyên chính vô sản. Nhưng đảng ở cấp cao đã không làm được như thế! Không có sự nhạy bén, năng động của tư duy công nghiệp để thắng sức ỳ của tư duy nông nghiệp thô sơ, không có sự mẫn cảm và sáng láng của trí tuệ và tài năng tạo ra bước ngoặt cần có cho dân tộc, vẫn kiên trì với những tín điều Cộng sản, những người lãnh đạo đảng ở cấp cao đã bình thản neo đất nước ta, dân tộc ta trên hòn đảo chơi vơi. Để tồn tại được trên hòn đảo chơi với đó, đảng đã thực hiện hai điều ngược với quyền lợi nhân dân và dân tộc.

. Bạo lực chuyên chính vô sản lại được sử dụng với nhân dân
Nhân dân có tiếng nói xây dựng, đóng góp, nói tiếng nói bức thiết của cuộc sống, tiếng nói vì lợi ích chính đáng của người dân nhưng không thuận tai đảng, không phù hợp với lợi ích của đảng, có hại cho sự tồn tại của đảng thì nhân dân nói tiếng nói đó liền bị đẩy sang phía kẻ thù “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, phải chuyên chính! Đẩy nhân dân trở thành kẻ thù, hàng loạt vụ bắt bớ đã diễn ra, hàng loạt cuộc đấu tố dựng tội tàn nhẫn, hàng lọat phiên tòa đã tuyên những bản án khắc nghiệt. Chuyên chính vô sản đã gây ra Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Vụ án Nhân Văn Giai phẩm, Vụ án Xét lại chống đảng, đã chà đạp lên số phận bao người trung thực, tài giỏi, gây nỗi kinh hoàng cho dân tộc, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước. Những cuộc bắt bớ, đấu tố đang diễn ra là cuộc cải cách ruộng đất kinh hòang năm nào vẫn đang âm thầm tái diễn đến tận hôm nay! Sức mạnh tạo ra bằng lòng tin mới là sức mạnh trường tồn, vô tận. Đó là sức mạnh của lẽ phải, của nhân nghĩa, của lòng người. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi). Sự nhân nghĩa tạo ra sự yên dân, tạo ra sức mạnh trường tồn. Sức mạnh của bạo lực là sức mạnh nhất thời, sức mạnh nghịch đạo. “Cái còn thì sẽ còn nguyên / Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan” (Trần Đăng Khoa) Sức mạnh bạo lực ngự trị ở xã hội yên hàn là sự bất ổn lớn của cuộc sống, là nguy cơ lớn cho dân tộc.

. Liên minh thua thiệt với Trung Quốc

Là một đảng nhỏ bé, lại theo đuổi chủ nghĩa quốc tế vô sản, đảng Cộng sản Việt Nam muốn tồn tại không thể thiếu thành tố quốc tế. Suốt quá trình tồn tại trước đây, đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Xô Viết là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc. Đảng Cộng sản Liên Xô giải tán. Nhà nước Xô Viết tan rã. Mất chỗ dựa tưởng như trường thành bền vững muôn đời, chơi vơi giữa thế giới đang ầm ầm biến chuyển không thuận cho Cộng sản, lại ảo tưởng rằng cùng là nước Cộng sản, cùng kiên trì con đường Xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô, giương cao ngọn cờ Cộng sản, làm chỗ dựa cho các nước Cộng sản còn lại, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã cố quên đi bản chất tham lam, bành trướng của Trung Quốc, cố quên đi bàn tay những người lãnh đạo Trung Quốc còn đỏ lòm máu nhân dân Việt Nam, cố quên đi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc phát động giết hại hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta năm 1979, cố quên đi những cuộc chiến do Trung Quốc gây ra chiếm đất, chiếm biển đảo của ta. Cuộc chiến năm 1974 đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hòang Sa của ta. Cuộc chiến năm 1988 đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của ta, giết hại gần 70 chiến sĩ ta. Cố quên đi để cầu thân với Trung Quốc, tìm chỗ dựa để đảng tồn tại, cố lấy lòng lãnh đạo Trung Quốc để giữ chiếc ghế quyền lực!
Nhìn thấy cuộc chiến tranh chống Mĩ của ta rất có lợi cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy vừa làm cho Mĩ sa lầy, yếu đi, để Trung Quốc vượt lên, vừa làm cho Việt Nam kiệt quệ càng phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Trung Quốc liền trù tính thiết kế cuộc chiến tranh ấy theo công thức: Đánh Mĩ = Máu người Việt Nam + Vũ khí, trang bị Trung Quốc. Viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ rất to lớn, cấp bách. Sự phối hợp giữa Việt Nam với Trung Quốc trong đối sách quốc tế của cuộc chiến tranh cũng rất quan trọng, khẩn thiết. Khẩn trương, cơ mật như vậy nhưng lúc đó đâu có cần lập đường dây nóng, đường dây bảo mật! Thế mà ngày nay, trong mối bang giao hòa hiếu thông thường, trong cuộc sống hòa bình, dân chủ, công khai, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Trung Quốc và Việt Nam lại phải lập đường dây nóng, đường dây bảo mật giữa lãnh đạo hai nước. Đầu tháng 6. 2008, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc, đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được đề xuất. Chỉ bốn tháng sau, tháng 10. 2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Trung Quốc chính thức kí kết văn bản thiết lập đường dây này. Tháng 5. 2008, tên đường dây được gọi là đường dây nóng. Đến tháng 10. 2008 được gọi là đường dây bảo mật. Với người dân, đó là đường dây vô cùng bất bình thường. Từ đường dây bất bình thường đó mà bao nhiêu điều bất bình thường trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã xảy ra. Nhà nước Trung Quốc cứ ngang ngược lấn tới và nhà nước Việt Nam cứ cam tâm chấp nhận!
Trung Quốc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào phủ huyện Tam Sa của họ. Học sinh, sinh viên Hà Nội liền mang cờ Tổ quốc, mang băng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tập hợp đông đảo nhưng ôn hòa và trật tự trước sứ quán Trung Quốc. Ngày 9.1.2008 có mặt ở Hà Nội, tôi đã được chứng kiến cuộc tập hợp của lòng yêu nước đó. Tôi đã được nghe tiếng hô Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là tiếng nói của lịch sử dựng nước Việt Nam, tiếng nói của những người Việt Nam ở những thế kỉ xa xưa đã dong buồm cánh dơi ra nhận đất Hoàng Sa, Trường Sa, tiếng nói của Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam từ thế kỉ 18 đã vẽ chuỗi đảo cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ Việt Nam, tiếng nói của đội binh Hoàng Sa được triều đình nhà Nguyễn phái ra giữ đất Hoàng Sa, tiếng nói của những người lính Việt Nam đã bỏ mình ngoài biển Đông trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là tiếng nói của ý chí mọi thế hệ người Việt Nam khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với mảnh đất đã thấm đẫm máu xương tổ tiên người Việt, là tiếng nói vô cùng cần thiết trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhưng một lực lượng công an hùng hậu được huy động đến quyết liệt và nhanh chóng giải tán cuộc tập hợp của lòng yêu nước, bắt đi những người nồng nhiệt bộc lộ lòng yêu nước. Nhìn sắc áo xanh, áo vàng công an giăng kín che chở sứ quán Trung Quốc và sát khí đằng đằng xua đuổi, giằng kéo bắt bớ thanh niên ta, giật xé băng chữ Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, trong lòng tôi nghẹn một nỗi đau xót, tủi nhục!
Ngày 17 tháng 2 năm nay, 2009, tròn 30 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng là lần giỗ tròn thứ 30 hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta đã ngã xuống để bảo vệ đất đai biên cương nhưng gần ngàn cơ quan thông tấn báo chí cả nước được lệnh không được nói một lời, không được viết một chữ nhắc đến sự kiện này, không được nhắc đến sự hi sinh bi tráng và cao cả của đồng bào chiến sĩ ta trong cuộc chiến giữ nước này! Trong khi đó, một nhà xuất bản cấp nhà nước của ta lại xuất bản tập sách dịch của Trung Quốc ca ngợi những người lính Trung Quốc đã sang chinh phạt Việt Nam! Ôi chao, để làm đẹp lòng những người lãnh đạo Trung Quốc, để có chỗ dựa cho đảng, chúng ta phải vô ơn và nhục nhã phỉ báng cả hương hồn liệt sĩ của chúng ta! Đảng tồn tại bằng cách đó, làm sao tôi có thể đứng trong đảng đó được!
Báo Du Lịch đăng bài tri ân chiến sĩ quân đội ta đã chiến đấu hi sinh để bảo vệ Trường Sa thì báo bị đình bản! Blogger viết blog bày tỏ sự bất bình trước việc dân ta đánh cá trên vùng biển của ta bị lính Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp bóc, thì Blogger bị bắt! Còn báo Điện tử đảng Cộng sản Việt Nam sốt sắng tiếp sóng tuyên truyền cho Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa là của Trung Quốc thì báo bình thản vô can!
Những sự việc đau lòng, tủi nhục này diễn ra hàng ngày nhiều lắm, không sao kể xiết!
Những nhượng bộ, thỏa hiệp để Trung Quốc vạch lại biên giới, phân chia lại vùng biển, chiếm đất, chiếm biển của ta. Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 3. 3. 2009 tôi đã dẫn chứng về việc mất đất mất biển. Những hợp đồng kinh tế dễ dãi, ưu ái dành cho Trung Quốc. Đại dự án bô xít gây lo lắng bất an cho cả dân tộc về môi trường, về văn hóa, về an ninh quốc phòng và đại dự án bô xít không vì nhu cầu cấp bách của sự phát triển kinh tế đất nước mà chỉ vì năm 2001, vừa trở thành người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang Bắc Kinh ra mắt những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, từ bô xít đột ngột xuất hiện trong tuyên bố chung Giang Trạch Dân – Nông Đức Mạnh: “Nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trong dự án bô xít nhôm Đắc Nông”. Năm 2006, từ bô xít lại được nhắc lại trong thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào: “Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô xít Đắc Nông”! Thế là dự án bô xít Tây Nguyên trở thành “chủ trương lớn của đảng và nhà nước ta” (lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Căn nguyên vì sao Trung Quốc cần khai thác bô xít của Việt Nam và mối nguy hại của việc khai thác bô xít Tây Nguyên tôi đã nêu trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 3. 3. 2009. Điểm xuất phát của dự án bô xít Tây Nguyên là từ chuyến đi Trung Quốc của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam và từ chuyến đi Việt Nam của người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, sự nôn nóng thúc giục thực hiện dự án bô xít Tây Nguyên của phía Trung Quốc, sự phân tích thấu đáo của các nhà khoa học chỉ ra sự thua thiệt về kinh tế, mối nguy cơ về môi trường, về văn hóa, nỗi bất an về thế chiến lược quốc phòng của dự án bô xít Tây Nguyên đã cho thấy chủ trương lớn này của đảng không vì dân tộc Việt Nam! Cũng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn người Trung Quốc lũ lượt đến Tây Nguyên, đào bới bô xít, đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa làm cảng biển, những người Trung Quốc sục sạo khắp rừng sâu núi thẳm với danh nghĩa thăm dò khai thác khoáng sản nhưng thực chất họ làm gì chúng ta không biết! Càng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn ô tô tải sức chở trên 20 tấn đêm đêm ầm ầm chở khoáng sản hiếm, tài nguyên quí của nước ta kìn kìn chạy sang phương Bắc!
Vì mối giao hòa với Trung Quốc làm chỗ dựa bảo đảm cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam mà đất đai của tổ tiên không được bảo toàn, quyền lợi kinh tế đất nước không được coi trọng, đạo lí làm người, văn hóa dân tộc không được giữ gìn, cả đến quyền công dân, lòng yêu nước của nhân dân không được nhìn nhận thì tôi không thể là đảng viên Cộng sản như vậy. Tôi xin trở về làm quần chúng, làm dân thường, đau nỗi đau của dân, cùng dân lo toan giữ lấy nước.

III. ĐẢNG ĐANG THỰC HIỆN NHỮNG ĐIỀU TRÁI VỚI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong đời sống chính trị của đất nước ta hiện nay, từ ngữ có tần số sử dụng cao nhất là từ Hồ Chí Minh. Thần thánh hóa Hồ Chí Minh, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nói đi theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn, rầm rộ học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhưng trong thực tế đã hoàn toàn làm trái tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Ăn mày dĩ vãng – thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi đã thẳng thắn nêu ra sự làm trái đó chính là để bảo vệ tư tưởng dân tộc rất sâu đậm của Hồ Chí Minh, bảo vệ hình ảnh bình dị và vô cùng gần gũi, thân thiết với dân của Hồ Chí Minh, những mong đảng tỉnh táo, dũng cảm nhìn nhận, xem xét lại. Hai cội nguồn sức mạnh của đảng là tinh thần dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mà cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là dân tộc. Khởi đầu con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là dân tộc và đích đến của con đường ấy cũng là dân tộc. Như trên tôi đã nêu, đảng đã lấy giai cấp đánh tan rã, li tán, suy yếu dân tộc. Nay đến tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra học tập ồn ào nhưng từ lâu, đảng đã bác bỏ những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh. Bài “Ăn mày dĩ vãng” tôi viết về sự bác bỏ đó. Đó là đóng góp của tôi, một đảng viên với đảng, là bộc lộ lòng yêu nước, bộc lộ tấc lòng trung trinh với dân tộc, với tổ quốc Việt Nam thân yêu của tôi.
Nhưng trong cuộc họp tôi được mời tham dự với nội dung “Nghe UBKT/ĐU thông báo việc giải quyết tài liệu Ăn mày dĩ vãng – thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh“, ngày 13.11.2009, đảng ủy nơi tôi sinh hoạt đã kết luận bài viết của tôi “đã phủ định chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã thể hiện rõ đồng chí không còn trung thành với đảng, với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.” Đó là kết luận áp đặt, khiên cưỡng, thiếu thiện chí với tôi và né tránh, không đủ dũng khí nhìn vào sự thật.

IV. LỜI KẾT


Tất cả những điều tôi trình bày ở trên bộc lộ sự thất vọng của tôi về đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Vì thế tôi xin từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản. Cuộc sống luôn vận động và phát triển. Tư tưởng con người cũng luôn vận động và phát triển. Không còn vận động và phát triển được sẽ bị cuộc sống đào thải. Tình cảm của tuổi trẻ đưa tôi đến với đảng Cộng sản. Hiểu biết của nhận thức và thực tế cuộc đời đưa tôi đến quyết định từ bỏ sự lựa chọn cảm tính của tuổi trẻ. Tôi đã tự nguyện vào đảng, nay tôi tự rút ra khỏi đảng cũng là việc rất bình thường, lành mạnh đối với đảng cũng như với riêng tôi. Đảng ủy cần nhìn nhận sự việc ở góc nhìn của sự vận động, là sự bình thường, sinh động của cuộc sống, không nghiêm trọng hóa sự việc để dẫn đến qui kết, truy bức tư tưởng.
Tôi cảm ơn.

Ngày 20 tháng 11 năm 2009
Người viết
PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Nhà văn
---------------------------------

Nhà văn Phạm Đình Trọng sinh năm 1944 tại Hải Phòng, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số tác phẩm của ông đã xuất bản bao gồm: Rừng và biển (1981), Một sự nổi tiếng (1987), Sự tích đảo (1993), Cuộc gặp gỡ muộn màng (1994), Ve ve nói chẳng thèm nghe (1995), Niềm vui lớn của mẹ (2004), Một thuở (2008)…

Bài liên quan:

“Thư gửi Thủ tướng về vấn đề khai thác bauxit Tây Nguyên” . Thông Luận, ngày 07/03/2009.

“Ăn mày dĩ vãng – thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông Luận, ngày 14/07/2009.

“Thời nghịch lí”. Thông Luận, ngày 30/09/2009.





No comments: