Sunday, November 1, 2009

LỄ KÉO CỜ TRUNG QUỐC SAU TOÀ BẠCH ỐC

Lễ kéo cờ Trung Quốc sau Nhà Trắng
Thạch Tảo - Tổng hợp
01-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6864

Trung Cộng: Phấn khởi
Ngày 20/09/2009 lá cờ đỏ Trung Quốc được kéo lên gần Nhà Trắng.
Báo Global Times đầu tháng Bảy đưa tin về lễ thượng kỳ “chúc thọ” với lời mở đầu:
“Lá cờ quốc gia của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc sẽ được kéo lên lần đầu tiên tại Sân Phía Nam của Nhà Trắng ngày 20 tháng Chín.”
Cũng theo bài báo, những hội đoàn của người Trung Quốc hải ngoại đã xin phép chính phủ Hoa Kỳ tổ chức buổi lễ thượng kỳ để kỷ niệm ngày Quốc Khánh và qua đó “thể hiện tình yêu quê mẹ” của họ. (1)
Ông Chen Ronghua, chủ tịch Hội Phúc Kiến‒Hoa Kỳ (American-Fujian Association), người vận động và tổ chức lễ thượng kỳ, tuyên bố với báo Global Times rằng:
“Ước mơ của tôi là được thấy lá cờ Trung Quốc bay chính giữa Washington, D.C. Năm nay, sinh nhật quê mẹ lần thứ 60 là dịp tuyệt vời nhất để làm điều đó. Buổi lễ thượng kỳ được chính thức chấp thuận là do giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có những mối giao hảo tốt đẹp.”

Foxnews: Xàm quá đi!
Ông chủ tịch Chen chắc không coi kỹ bản đồ D.C. trước khi phát biểu nên đã lẫn lộn tên một vài địa điểm. Foxnews đầu tháng Chín đã sửa chữa lỗi này của Chen trong bản tin tựa đề:
White House Debunks Reports It Will Fly China's Flag on South Lawn” (Nhà Trắng bác bỏ những tin tức nói rằng sẽ kéo cờ Trung Quốc tại Sân Phía Nam)
Nhà Trắng thứ Sáu này đã bác bỏ những thông báo không chính xác của Trung Quốc về việc chính quyền (Hoa Kỳ) sẽ đánh dấu 60 năm kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân bằng việc kéo cờ Trung Quốc trên sân South Lawn.
China Daily, viết theo những nguồn tin khác, đã cho rằng ông chủ tịch của hội Fujian Association tại Hoa Kỳ đã được cho phép kéo cờ Trung Quốc “trong một buổi lễ được tổ chức trước tư dinh Tổng thống”
Quả thực sẽ có một buổi lễ diễn ra, nhưng nó không được cử hành trong khuôn viên của Nhà Trắng, nó chỉ được thực hiện ở sân Ellipse, cách tư dinh Tổng thống bằng con đường E Street.
Những buổi lễ do các cộng đồng nước ngoài tổ chức tại sân Ellipse hay sân Lafayette Park, trước mặt Nhà Trắng, là điều thường xảy ra. Khi lãnh tụ các quốc gia khác viếng thăm, quốc kỳ nước đó sẽ được kéo lên (cùng với quốc kỳ Hoa Kỳ) trong khuôn viên Nhà Trắng hay trên đường Pennsylvania Avenue để đánh dấu cuộc viếng thăm đó có tầm mức “quốc gia” (state) hay “chính thức” (official).
Theo những tiêu chuẩn trên, lá cờ Trung Quốc đã từng được kéo lên trong khuôn viên Nhà Trắng vào tháng Tư 2006, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào viếng thăm Tổng thống George W. Bush.
Sự việc đang tranh cãi ngày hôm nay khiến người ta nhớ lại việc cũ. Trung Quốc cứ nhất định cho rằng cuộc gặp gỡ lần đó là “quốc gia” mặc dù Hoa Kỳ từng khẳng định nó chỉ có tính “chính thức.”
Dán cái nhãn “state visit” (thăm viếng ở tầm quốc gia) sẽ tăng thêm phần trang trọng cho ông Hồ và Trung Quốc, thế nhưng ông Bush chỉ có vài cuộc hội kiến có tầm mức quốc gia, và cuộc gặp ông Hồ không phải là một trong những cuộc gặp gỡ như thế.
Dù rõ ràng đến vậy nhưng truyền thông Trung Quốc vẫn cứ loan tin rằng đó là một cuộc thăm viếng quốc gia cho tới khi bế mạc. Và bây giờ thì họ cứ nói cái hội Phúc Kiến sẽ tụ tập trong sân Nhà Trắng cho dù các viên chức Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng điều đó là không đúng.
Theo một số chuyên viên phân tích, truyền thông Trung Quốc rất thường ngụy tạo thông tin. Họ cũng chỉ ra rằng sự tuyên truyền đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân. Để đạt được cả hai mục đích ngụy tạo lẫn tuyên truyền, truyền thông Hoa Lục sẵn sàng đưa tin không đúng sự thật. (2)
Ông Zang Lun, phóng viên của đài Á Châu Tự Do (RFA) nhận xét:
Vì bị tuyên truyền nặng nề về việc Trung Quốc là một sức mạnh đang trỗi dậy trong những năm gần đây cộng thêm mặc cảm tâm lý bị khinh rẻ trong nhiều thập niên vừa qua, người dân Hoa Lục hy vọng rằng đất nước họ sẽ nắm một vai trò chủ chốt và trở thành một ngôi sao sáng. Theo tôi, đó là một tâm lý bất bình thường.

Bloggers tại Mỹ: Thật là ghê tởm!
Tin tức về lá Cờ Đỏ nhanh chóng được loan truyền. Cộng đồng blogger Mỹ đã tỏ ra hết sức giận dữ. Ý kiến, bài viết đầy mạng điện tử lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ giúp kỷ niệm ngày Quốc Khánh của một nước cộng sản, ngày mà có người gọi là “Mao appreciation Day” (Ngày nhớ ơn Mao).
Một blogger trong topic
Shocking Unbelievable! Commie Chinese Flag to fly over White House” (Không thể tưởng tượng nổi vì quá sốc! Cờ Trung Cộng bay trước Nhà Trắng) ngậm ngùi than: “Những Người Cha Khai Sáng (của Hoa Kỳ) nằm trong mồ cũng phải bật dậy!”
Ann Shibler viết bài
Flags Flying at the White House, but Whose” (Cờ bay tại Nhà Trắng, nhưng mà cờ nước nào?) và đề nghị:
Các cựu quân nhân và những hội đoàn yêu nước cần mạnh mẽ phản đối bất kỳ một chương trình nào muốn kéo cờ cộng sản trên đất nước Hoa Kỳ. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người đó đã từng đặt mình vào nơi nguy hiểm, đã từng chiến đấu và chứng kiến sự tàn nhẫn đến tột độ của chế độ cộng sản tại Nga, Đại Hàn, Bắc Việt Nam - Tất cả những chế độ đó đều được cộng sản Liên Xô và Trung Cộng tiếp tay.
Blogger Cassy Fiano thì la hoảng:
“Why are we celebrating 60 years of murder and oppression?” (Tại sao chúng ta phải kỷ niệm 60 năm giết chóc và áp bức?) - Rồi nhận xét: “Biết sao không, người dân nước này hổng thích cộng sản. Thực ra, hầu hết người Mỹ đều bảo cộng sản là quỷ, mà đúng nó là như thế.”
Blogger rchumer làm một màn trưng cầu dân ý:
“The government is going to raise the Chinese Flag at the White House, do you agree with this?” (Chính quyền sẽ kéo cờ Trung Quốc tại Nhà Trắng, bạn có đồng ý không?) - Chọn 1 trong 3: Yes, Maybe, No. Và kết quả là: Yes – 13.43%, Maybe – 5.97%, No – 80.60%
Blogger Marie Woods lên Net hỏi thăm chuyện “Cờ Đỏ - Nhà Trắng” vì chính mẹ của cô đã để lại lời nhắn báo tin. Cô còn hét to

“Come on! Somebody stop this traitor” (Coi kìa! Bà con phải ngăn kẻ phản bội lại chứ!)
Chữ “traitor” không chỉ bật ra với riêng cô Woods, Mục sư Chuck Baldwin, một nhà báo kỳ cựu, cũng chua chát nghĩ thế khi ông viết:
Những chữ như: unbelievable, unreal, horrific, obscene , even traitorous (không thể tưởng tượng nổi, không thật, khiếp đảm, bẩn thỉu, ngay cả đồ phản bội) đã hiện ra trong đầu tôi. Có lẽ Obama thật sự là Manchurian Candidate (người đã bị tẩy não để khủng bố/ám sát theo mật mã).
Nên nhớ rằng, những lãnh tụ Trung Quốc của Mao bị gọi là “Những tên đồ tể Bắc Kinh” không phải là không có lý do. Từ khi nắm quyền năm 1949, người ta ước lượng rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc đã giết hại hơn 50 triệu người (nhiều bản phúc trình còn nói con số này là trên 70 triệu). Có hơn 3 triệu người đã bị thảm sát trong cuộc cải cách đầu tiên của Mao.
Bài viết
“Red Flag To Fly Over White House” của ông Baldwin đã được nhiều trang mạng đăng tải - Đọc bản tiếng Việt ở đây.

Người Tàu: Phải chăng đó là điềm gở?
Lễ thượng kỳ của Trung Quốc cuối cùng vẫn được cử hành tại Nhà Trắng. Thế nhưng nó đã gặp một số trở ngại bất ngờ: phải mất tất cả 4 lần lá cờ mới lên được đỉnh cột.
‒ Lần thứ nhất: khi là cờ lên khoảng một phần tư cột, người ta mới nhận ra lá cờ bị treo ngược. Phải kéo xuống để sửa lại.
‒ Lần thứ hai: lá cờ bị rối, không bung ra được. Lại phải kéo xuống.
‒ Lần thứ ba: lá cờ bị nghẽn lưng chừng. Cố kéo thêm lá cờ mới lên được nhưng vẫn không lên tới đỉnh cột, vẫn nằm ở vị trí thấp hơn lá cờ Hoa Kỳ. Trong khi đám đông còn vỗ tay hoan hô thì lá cờ được nhanh chóng kéo xuống.
‒ Lần thứ tư: lần này cờ mới leo được lên vị trí đúng.
Theo ý kiến của bà Ying Rong, một bạn đọc trang nhà của “Hội Nghiên cứu Thế giới” (WAIS) của Đại học Stanford (USA), đối với nhiều người Hoa hiện tượng lá cờ phải mất 4 lần mới lên được tới đỉnh là một điềm gở. (3)
Bà Ying Rong còn cho biết Bắc Kinh đã vận động chính giới Hoa Kỳ trong 10 năm để có được lễ thượng kỳ này. Người Trung Quốc vốn tin vào những con số hên, con số 6 được coi là một con số may mắn (chữ Lục phát âm giống như Lộc), vì thế kỷ niệm 60 năm tượng trưng cho một điều tốt lành. Cũng vì lý do tương tự, Trung Quốc đã tìm mọi cách để đăng cai Thế Vận Hội 2008, vì con số 8 cũng là một con số rất hên (chữ Bát phát âm giống như Phát)
Trong các con số, chỉ có con số 4 là xấu, xui xẻo nhất, vì số 4 phát âm là Tứ nghe tựa tựa như Tử. (4)
bốn (4) 四 sì (tứ)
chết 死 si (tử)
Tiền lì xì trong các phong bao đỏ, vì thế, khi cộng lại không được thành ra số 4 để giữ vẹn ý nghĩa chúc mừng. Tất cả các khách sạn trong Hong Kong Disneyland Resort không có tầng lầu thứ tư và thang máy cũng không có nút bấm mang số 4 để khách Hoa lục thập phần yên tâm khi đến chơi thế giới “thần tiên”.
Bà Ying Rong thuật lại: “Những nhân viên Trung Quốc có mặt tại buổi lễ đã lập tức ra lệnh cho đám đông, “Không người nào, không đài truyền thông nào được phép tiết lộ chi tiết (4 lần) này ra ngoài. Phải xóa sạch tất cả các đoạn phim và ảnh chụp.”

Lễ kéo cờ Trung Quốc tại sân bầu dục sau Nhà Trắng đánh dấu Quốc Khánh lần thứ 60 của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (AP).
http://www.youtube.com/watch?v=9P53UFVm2-k
http://www.youtube.com/watch?v=9P53UFVm2-k&feature=player_embedded

Thế nhưng, đoạn video của cuộc kéo cờ cò cưa kí két đó vẫn được quay lại, vẫn được chiếu ra. Nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh dù đã tìm đủ mọi cách để thổi lên cái gọi là “Tinh thần Đại Hán” bằng cách dựa vào niềm tin vốn có của người Trung Quốc vào những con số thì nay lại bị chính những điều mê tín đó lật ngược tình thế.
Một tình thế mà người xưa từng gọi là: “Người tính không bằng… Trời tính!”
© DCVOnline

-------------------------

(1).
China’s national flag to fly outside White House, Wen Xian, world.globaltimes.cn, 13/07/09
(2).
False China Reports of Flying Chinese Flag Outside White House, the epochtimes.com, 10/09/09
(3).
China: PRC at 60; October 1st Celebrations (US), Ying Rong, cgi.stanford.edu, 05/10/09
(4).
Độc tài và u mê, Vũ Nam Hải, DCVOnline.net, 23/06/08



No comments: