Monday, July 27, 2009
TOÀN BỘ CUỘC TOẠ ĐÀM "BIỂN ĐÔNG và HẢI ĐẢO VIỆT NAM"
Tọa đàm “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” đã… diễn ra!
Thứ Hai, 27/07/2009
http://bauxitevn.info/
Quả đúng như vậy, khi đặt tít cho bài tường thuật… muộn này, chúng tôi muốn chuyển đến bạn đọc một “hiện thực khách quan”: cuối cùng, thì Tọa đàm khoa học “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” do CLB trí thức Công giáo Phaolô Nguyễn Văn Bình (P.NVB) và NXB Tri Thức phối hợp thực hiện cũng đã được (phép) diễn ra và tạo ra những tác động tích cực đến nhiều phía, giới, “các bên liên quan”. Chúng ta hẳn biết rằng bản thân việc “diễn ra được” cũng đã là một thành công!?
Trước giờ khai mạc
Các công tác gọi là “chuẩn bị” đeo đẳng và ám ảnh ban tổ chức (BTC) cho đến những phút cuối trước giờ “bóng lăn”. Hơn 1 tuần trước đó, tất cả các tham luận trình bày trong chương trình được yêu cầu phải gửi ngay đến các cơ quan chức năng… Cùng lúc đó, 1 trong 3 đơn vị dự kiến đồng tổ chức lúc ban đầu “bỏ cuộc” bằng cách ứng khẩu “không liên quan”. Chỉ 2 ngày trước khi tọa đàm diễn ra, những người tổ chức lại phải nhận thông báo từ Tòa Tổng giám mục TP.HCM, vì lý do “mục vụ đột xuất”, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn không thể khai mạc cũng như bế mạc tọa đàm. Địa điểm tổ chức phiên thứ ba và cuộc triển lãm hơn 70 bản đồ cổ liên quan đến Biển Đông, thềm lục địa Việt Nam của Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đình Đầu cũng phải gấp rút dời khỏi số 180 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM). Bên ngoài, râm ran nhiều nguồi tin cho rằng tọa đàm sẽ bị hủy. Từ đây, không khí căng thẳng đè nặng lên “các bên”. Tình hình không mấy khả quan, hết đột xuất này đến đột xuất nọ, cứ bám lấy BTC cho đến khi kết thúc 2 ngày tọa đàm…
Khai cuộc
14 giờ 30 phút, 24/7/2009, phòng họp Phạm Long Tiên của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình (số 43 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) vốn có sức chứa chỉ non 100 chỗ đã chật cứng. Khá đông người còn phải đứng bên ngoài. BTC phải yêu cầu mọi người di chuyển sát lên bàn chủ tọa để tận dụng chỗ trống ở phía sau, kê thêm ghế… thế nhưng nhiều người vẫn phải tham dự phiên tọa đàm đầu tiên trong tư thế đứng.
Không khí háo hức được xoa dịu khi mãi gần 15 giờ, tiếng micro mới sột soạt lời mở đầu của người dẫn chương trình – nhà báo Vương Đình Chữ. Lời cáo lỗi về hai sự vắng mặt đầu tiên. Đức Hồng y Mẫn như chúng ta đã biết và TS Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri Thức – điện thoại xin lỗi không thể tham dự vì mới từ Paris về đến Hà Nội vào buổi trưa cùng ngày.
Phát biểu khai mạc, chủ nhiệm CLB P.NVB Linh mục (LM) Nguyễn Thái Hợp khởi đầu bằng nhận định: “Biển Đông đang nổi sóng và nằm trong tầm ngắm của tất cả các nước trong khu vực. Một số nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tranh chấp chủ quyền này từ khoảng nửa thế kỷ nay và Việt Nam là nước ít nghiên cứu về chủ quyền của mình nhất”. Ông dẫn lại lời khẳng định của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 09/4/2009, như sau: “Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học (đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông). Đây không phải là vấn đề mang tính lý luận, mà đây là nhận thức, là quan điểm”. LM Hợp khai triển: “Trong tinh thần và ý hướng đóng góp đó, CLB P.NVB cùng NXB Tri Thức tổ chức tọa đàm khoa học này với mong muốn vừa thể hiện mối quan tâm lớn của dư luận xã hội và của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, vừa góp phần cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học. Ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình để làm sáng tỏ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng Biển Đông & hải đảo Việt Nam sẽ là một cơ hội tốt để đoàn kết tất cả người Việt trong cũng như ngoài nước, vì tiền đồ dân tộc”.
Phiên 1 – Không khí nóng
Sau lời khai mạc của LM chủ nhiệm, cử tọa sốt ruột chờ đợi các tham luận trong phiên đầu tiên do Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Bích làm chủ tọa.
1. Khai pháo là đề tài nghe rất ca dao Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây của LM Thiện Cẩm. Từ bỏ phong cách “oanh kích tự do” quen thuộc, ông kể về hoàn cảnh và tình cảm của quân dân ta tại Trường Sa trong chuyến thăm vừa qua với từng câu chữ bám sát bản tham luận. Ông liên tưởng dãy Hoàng Liên Sơn với quần đảo Hoàng Sa, dãy Trường Sơn với quần đảo Trường Sa như một sự ấn định tuyệt vời của Tạo hóa để đưa ra cái nhìn về đất nước trải dài từ núi trên đất liền tới đảo ở trên biển.
Nhiều “ca” cáo lỗi bất ngờ!?
Ngoài sự vắng mặt của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TS Chu Hảo và LS Phan Đăng Thanh vào phút chót như đã nêu trong bài, còn có sự rút lui từ sớm của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Muộn hơn, trước khai mạc chừng 5 ngày, NNC Phạm Hoàng Quân cũng thông báo không thể tham dự. Và theo sắp xếp, phiên 2 sẽ do ThS Nguyễn Thu Vân chủ tọa. Giờ chót, LS Phương phải thay thế bà Vân. Bà cho biết không thể tham dự được vì lý do sức khỏe yếu.
2. Máy lạnh của khán phòng hoạt động hết công suất không ngăn nổi “sức nóng” từ cử tọa và sức nóng ấy có dịp lan tỏa mạnh hơn khi tọa đàm bước vào phần trình bày thẳng thắn của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về Chủ quyền Biển Đông và Hải đảo. Qua phân tích các cứ liệu lịch sử, ông Phúc cho thấy chủ quyền hợp pháp, không chối cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các nước khác trong khu vực hoàn toàn không có bằng chứng thuyết phục nào cho chủ quyền của họ trên các quần đảo này. Ông Phúc khẳng khái: “Những luận cứ, luận chứng mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong hai vấn đề quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam chỉ có thể lừa dối một số người, chứ không thể phủ nhận được các văn kiện của Bản tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, Bản tuyên ngôn Potsdam và sự thật lịch sử”. Tiếng vỗ tay vang lên. Nhiều điểm “nhạy cảm” khác cũng được ông Phúc khéo léo đề cập và những tràng pháo tay lại có dịp vang lên. Không khí càng nóng hơn… Điều ông Phúc đặc biệt tâm huyết là làm sao Việt Nam học được cách giải quyết thuận cả đôi đàng của Malaysia và Singapore trong vụ tranh chấp các đảo Pedra Blanca (còn gọi là Pulau Batu Puteh), Middle Rocks và South Ledge kéo dài suốt gần 30 năm. Ông đề nghị nên cử chuyên gia đi học hỏi kinh nghiệm về vụ kiện này.
3. ThS Hoàng Việt với Đường lưỡi bò” trên Biển Đông và Luật Quốc tế, đã cho thấy tương quan lực lượng giữa ta và người láng giềng phương Bắc, chỉ mới xét ở góc độ nghiên cứu khoa học thôi, là rất chênh lệch: “Trung Quốc hơn ta là họ có giáo sư ở hầu hết các đại học lớn trên thế giới”. Ông cảnh giác: “Hiện họ cũng đã có chân thẩm phán tại cả hai Tòa Công lý quốc tế và Tòa Quốc tế về luật biển”; và bùi ngùi cho biết số người nghiên cứu về “đường lưỡi bò” của Việt Nam đếm chưa hết năm đầu ngón tay.
Trước giờ giải lao, chủ tọa đoàn “vấp” phải câu hỏi mà ai cũng thấy nó thuộc loại “câu hỏi tu từ” kinh điển đề cập đến Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1958). Ông Phúc trả lời bằng cách “khuyên” mọi người nên xem lại các hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973. Ông Việt thì nói thêm rằng trong công hàm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề khẳng định điều gì liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa cả…
Phiên 2 – Ấm lại
Khán phòng sau giờ giải lao vẫn thiếu chỗ, điều hiếm thấy ở hầu hết các tọa đàm, hội thảo hiện nay. Lực lượng chìm nổi, “quay phim tư liệu” dường như được tăng cường thêm sau khi có sự cố xuất hiện 3 thanh niên mặc áo trắng (ảnh) mang dòng chữ “Paracel and Spratlys belong to Vietnam forever!” Trong lúc LS Nguyễn Văn Phương – chủ tọa phiên thứ hai – đang chuẩn bị cho tọa đàm tiếp tục thì các thanh niên này bị mời ra ngoài theo lệnh của cơ quan chức năng. Một người thuộc bậc niên trưởng trong BTC đã ôm những người trẻ này vào lòng với thái độ kính trọng, xin các em thông cảm cho BTC, cho công cuộc chung. Các em đã khóc và nhượng bộ cởi áo. Lập tức các chiếc áo trắng bị tịch thu bởi những người trước đó có bộ dạng bình thường chỉ là những tham dự viên.
4. Nước mắt của người trẻ cùng với chủ đề Vai trò của Nhà Nguyễn đối với Biển Đông của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, dường như làm cho không khí ấm lại. Đây là đề tài trích từ cuốn Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế của ông vừa nối bản gần đây. Ông gây cho cử tọa những tràng cười sảng khoái trong cách pha trò đặc sệt Quảng Nam khi “đá” đến các vấn đề khó hiểu từ phía nhà nước xung quanh chuyện phát hành cuốn sách. Ông Thắng kết luận và giúp mọi người điềm tĩnh hơn: “Chúng ta phải dựa trên cơ sở pháp lý, luật pháp quốc tế chứ không thể lập luận trên ý thức hệ được…”
5. Đồng ý với các diễn giả trước về tình trạng học thuật, TS Nguyễn Nhã nghẹn ngào: “Trong khi Trung Quốc gửi hàng trăm người đi khắp nơi để nghiên cứu về vấn đề Nam Hải của họ thì Việt Nam hầu như không có hành động nào mang tính chiến lược về Biển Đông”.
Tham luận mang tên Quan điểm của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa của ông tỏ rõ ưu tư làm cách nào để phổ biến rộng rãi tài liệu của chúng ta ra nhiều ngôn ngữ cho toàn thế giới biết?
Đồng thời, bằng tất cả thái độ chân thành, ông Nhã khiến nhiều người bật dậy khỏi ghế tán thưởng: “Vấn đề đối phó với Hoàng Sa – Trường Sa theo tôi là thử thách vô cùng to lớn trong thiên niên kỷ này. Bất cứ một hành động nào, làm cho thế nước ta suy là có tội. Vậy chúng ta phải làm thế nào để có sự đồng thuận, nối kết trong cũng như ngoài, nhà nước cũng như nhân dân… Nếu không thì hình ảnh của Tân Cương, Tây Tạng không phải là hình ảnh quá xa vời!”
Cử tọa, diễn giả và cả BTC hoàn toàn làm ngơ trước quỹ thời gian hạn hẹp, tất cả vẫn muốn kéo dài thêm. Đồng hồ chỉ gần 18 giờ 30 phút, LS Phương mới có thể kết thúc phiên 2 cũng như ngày làm việc đầu tiên của tọa đàm bằng kết luận rút trong tham luận của TS Nhã: “Quan điểm chủ yếu của những nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa là Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bình và liên tục. Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo ấy là không có gì để tranh cãi”.
Phiên 3 – Nỗi niềm
Sau một đêm, sáng 25/7/2009, LM Nguyễn Thái Hợp – chủ tọa phiên 3 – tiếp tục xin lỗi vì có sự cáo lui ngay trước giờ bắt đầu của LS TS Phan Đăng Thanh. Theo chương trình, ông Thanh sẽ trình bày tham luận Luật pháp Quốc tế về Biển Đông và hải đảo. Không đắn đo trước đề nghị của LM Hợp, TS Nguyễn Nhã sẵn sàng lấp vào khoảng trống đó…
6. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu rất bức xúc trước tình thế khó khăn của BTC: “Tôi không hiểu vấn đề mà chúng ta đang bàn ở đây tại sao lại trở thành ‘tế nhị’’, ‘’nhạy cảm’’…? Theo tôi nó hoàn toàn là vấn đề khoa học, là lịch sử!”
Phiên 3 được tổ chức ở hội trường Đỗ Minh Vọng có sức chứa lớn hơn, khoảng 200 người, cũng thuộc Trung tâm P.NVB. Phòng họp Phạm Long Tiên và tiền sảnh trở thành khu triển lãm hơn 70 bản đồ cổ về Biển Đông, thềm lục địa và hải đảo Việt Nam của ông Đầu. Phần giới thiệu của ông về bộ sưu tập này cũng mở đầu phiên làm việc cuối cùng của tọa đàm.
Theo ông, bản đồ quan trọng thể hiện rõ đường biên giới nước ta với thềm lục địa là các bản đồ Hồng Đức (có từ năm 1490), bản đồ Đắc Lộ (năm 1650, chủ yếu dựa trên các nét vẽ của bản đồ Hồng Đức và thêm được những đường kinh và vĩ tuyến).
7. Được mời thay người vắng mặt đột xuất, TS Nguyễn Nhã tiếp tục kêu gọi: “Chúng ta mới chỉ có tình cảm yêu nước thôi chưa đủ. Cần cụ thể hóa lòng yêu nước ấy bằng cách đi sâu vào nghiên cứu pháp lý quốc tế. Tôi muốn giới luật gia, luật sư của Việt Nam phải đi sâu vào vấn đề và lên tiếng.”
Ông cũng lập lại nỗi lòng: “Đây là thời điểm tốt để chúng ta giương cao ngọn cờ đồng thuận!” và “mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ cho riêng mình trong vấn đề này thì mới mong giữ được Biển Đông và hải đảo”.
8. Cuối cùng, Nhà văn Nguyên Ngọc “nã phát pháo” cuối cùng của tọa đàm lần này bằng tham luận nghe rất êm ái Nỗi niềm Biển Đông. Ông lấy ngay tên một cuốn sách xuất bản ở Pháp, nhan đề “Trung Hoa có thể trở thành cơn ác mộng của nhân loại không?”, đề làm tư tưởng xuyên suốt cho phát biểu đầy nỗi niềm của mình.
Sự bành trướng quyết liệt của Trung Quốc hòng trở thành siêu cường số 1 mới là một thực tế đang diễn ra trên khắp các châu lục. Đặc biệt, tại châu Phi và Á. Riêng tại châu Á, Việt Nam là cửa ngõ của sự bành trướng đó… Vì thế, vấn đề Biển Đông và bauxite phải được nhìn nhận và trở thành vấn đề quốc tế. Nó không chỉ đặt ra với chúng ta thôi, mà còn có thể là vấn đề của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Mỹ… Ông kết luận: “Nỗi niềm Biển Đông là cả sự tâm huyết lẫn sự thông minh của chúng ta nữa. Nhà nước và nhân dân cần phối hợp với nhau thật giỏi, vì chưa bao giờ, chúng ta lại lâm vào tình thế quá nguy hiểm như hiện nay”.
Giờ giải lao tiếp tục bị cắt bớt. Lúc này, chúng tôi kịp nhận ra những thanh niên bị tịch thu áo hôm qua (24/7/2009) vẫn can đảm đến tham dự.
Thảo luận – đúc kết
Nhà báo Đinh Phong làm cử tọa nổ tung. Ông hô lớn phải “trả đũa” Trung Quốc theo như cách họ đã hành xử với chúng ta trên phương diện truyền thông: “Cứ để cho báo địa phương và blog của chúng ta đáp trả những gì mà phía Trung Quốc đã dùng để xuyên tạc, bôi nhọ, đánh phá chúng ta. Bằng mọi con đường phải bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo, đặc biệt Công giáo có quyền lên tiếng”. Ông cũng hứa sẽ chuyển tất cả những kiến nghị từ tọa đàm lần này lên Ban Tuyên giáo thành ủy và trung ương.
Nhà văn Nguyên Ngọc mong rằng những tọa đàm tương tự nên được khuyến khích vì đây là hành động khẳng định chúng ta đứng sau lưng ngư dân của chúng ta đang ở tuyến đầu Biển Đông. Ông và TS Nguyễn Nhã cùng gặp nhau khi cho rằng những cuộc đấu tranh này là cơ hội không gì tốt hơn để đoàn kết, khôi phục, hàn gắn vết thương dân tộc.
ThS Hoàng Việt đưa ra kiến nghị nên huy động thành lập 1 quỹ để xúc tiến nghiên cứu và quảng bá nghiên cứu ấy ra thế giới đồng thời khuyến khích các em sinh viên tham gia nghiên cứu.
Tọa đàm kết thúc trong sự nhất trí cao: “vũ khí khoa học” là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh này!
LM Nguyễn Thái Hợp đúc kết:
“Tháng 3 vừa qua, Hội thảo quốc gia đầu tiên về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội. Một số tham luận đã đặt vấn đề khá rõ rệt và minh bạch. Nhưng rất tiếc, hội thảo đã quá thu hẹp vào một số chuyên viên và hầu như không có sự tham gia của xã hội dân sự. Người ta vẫn băn khoăn tự hỏi bao giờ xã hội dân sự mới được tham gia suy nghĩ về vấn đề quan trọng này? Không nói chắc chắn tất cả quý vị cũng đã rõ, trong việc tổ chức và thực hiện tọa đàm này chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn.
Từ các chứng cứ sử liệu do các nhà khoa học đưa ra trong tọa đàm của chúng ta, chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Một kết luận khác rút ra từ khá nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và nguy hiểm của lịch sử. Chính vì vậy, để vượt qua giai đoạn sinh tử này, cần sự đồng thuận của cả dân tộc để đối phó với nguy cơ đến từ nơi khác.
Đặc biệt, cần nâng cao nội lực khi mà chúng ta đang quá thiếu những chuyên viên, luật sư chuyên ngành về luật pháp quốc tế và làm sao để vận dụng được lớp trí thức hải ngoại. Đồng thời, xây dựng lực lượng trẻ kế thừa trong công cuộc đấu tranh mà chúng ta biết có thể sẽ còn kéo dài hàng chục năm, hàng trăm năm nữa”.
Q.N.
HD Bauxite Việt Nam biên tập
HÌNH ẢNH :
1. Phòng họp Phạm Long Tiên chật cứng người tham dự phiên 1 và 2 ngày 24/7/2009. Báo chí được phép tham dự nhưng không được đưa tin.
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong01.JPG
2. LM Nguyễn Thái Hợp khai mạc Tọa đàm khoa học Biển Đông và hải đảo Việt Nam.
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong02.JPG
3. Ban chủ toạ
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong03.JPG
4.TS Nguyễn Nhã trình bày tham luận
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong04.JPG
5. Những bạn trẻ can đảm này sau đó đã bị cơ quan chức năng tịch thu áo và đã khóc.
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong05.JPG
6. Tọa đàm khoa học Biển Đông và hải đảo Việt Nam
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong06.JPG
7. NNC Nguyễn Q. Thắng tranh thủ bán sách và ký tặng độc giả
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong07.JPG
8. NNC Nguyễn Đình Đầu bên triển lãm bản đồ cổ của mình
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong08.JPG
9. LM Huỳnh Công Minh (giữa) trong phiên 3 ngày 25/7/2009
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong09.JPG
10. Toàn cảnh phiên 3 tại hội trường Đỗ Minh Vọng
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong10.JPG
11. Chủ tọa đoàn phiên 3 (từ phải qua): Nhà văn Nguyên Ngọc, LM Nguyễn Thái Hợp, NNC Nguyễn Đình Đầu và TS Nguyễn Nhã
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong11.JPG
12. Nhà văn Nguyên Ngọc trao đổi với các bạn trẻ trong giờ giải lao
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong12.JPG
13. Lẵng hoa của Đại học Quốc gia TP. HCM mừng học giả Nguyễn Đình Đầu và cuộc triển lãm về Biển Đông và hải đảo Việt Nam, được tổ chức như một phần của cuộc Toạ đàm
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/Hoa.jpg
14. Bên bản đồ Việt Nam
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong141.JPG
15. Nhà báo Đinh Phong (trái) và LM Thiện Cẩm
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/QN-BienDong15.JPG
-----------------------------------------------------------------------
Ghi chép ngày đầu về buổi Tọa đàm Khoa học “BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM” (DongA SG’s Site)
Buổi Tọa đàm Khoa học về Biển Đông ngày thứ 2 thành công tốt đẹp. (DongA SG’s Site)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment