Saturday, July 25, 2009
TOẠ ĐÀM VỀ BIỂN ĐÔNG TẠI SÀI GÒN
Toạ đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tại Sài Gòn
Trần Hải Châu
Đặc Phái Viên Radio Chân Trời Mới
24/7/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8767
Sau nhiều nỗ lực của ban tổ chức, chiều ngày 24 tháng 7 năm 2009 tại số 43 đường Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn buổi tọa đàm về chủ đề BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM đã chính thức khai mạc. Dự kiến ban đầu, tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục số 182 Nguyễn đình Chiểu - Quận 3, đã không thành và phải chuyển về một phòng nhỏ thuộc giáo xứ Mai Khôi.
Trong diễn văn khai mạc Linh mục P. Nguyễn Thái Hợp, đại diện cho ban tổ chức bao gồm Câu Lạc Bộ Phao Lô Nguyễn văn Bình và Nhà Xuất Bản Tri Thức, nói lên quyết tâm tổ chức buổi tọa đàm dù gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho hay vào tháng 3/2009 một cuộc Hội Thảo về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng buổi đó chỉ thu hẹp trong giới chuyên viên chứ không mở rộng cho nhiều thành phần xã hội dân sự. Và đó là lý do hình thức tọa đàm này rất cần thiết đối với một vấn đề của cả dân tộc.
Phiên I của cuộc tọa đàm
Sau diễn văn khai mạc là Phiên I của cuộc tọa đàm do luật sư Nguyễn Ngọc Bích chủ trì. Trong Phiên I này có 3 tham luận được trình bày:
1. Tham luận: “Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây” của linh mục O.P. Thiện Cẩm. Ông kể về kỷ niệm 1 chuyến đi thăm Trường Sa và những cảm xúc của ông về nơi đón mặt trời đầu tiên của tổ quốc.
2. Tham luận: “Chủ quyền Biển Đông và Hải Đảo” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Ông đề cập đến nhiều tài liệu và nghiên cứu hơn 20 000 bản đồ để chứng minh những tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ. Ông đề cập đến nhiều phát hiện mới và vững chắc chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Theo ông, giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Malaysia là khuôn mẫu tuyệt vời để giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippin. Phần trình bày của ông dài khoảng 30 phút và được khán phòng tán thưởng sôi nổi.
3. Tham luận: “Đường lưỡi bò trên Biển Đông và Luật quốc Tế” của Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại Học Luật Thành phố trình bày. Ông trình chiếu các hình ảnh tàu hải quân Trung Quốc bắt bớ và ức hiếp các ngư dân Quảng Ngãi. Ông tuyên bố: "Những ‘tàu lạ’ mà báo chí hay dùng chính là tàu của Trung Quốc" giữa tiếng vỗ tay đồng ý của mọi người.
Sau các tham luận là phần dành cho các câu hỏi từ những người tham dự. Chủ yếu các câu hỏi được đặt cho ông Đinh Kim Phúc và ông Hoàng Việt về các luật lệ quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp hải phận. Trong phần này, bất ngờ tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đăng đàn đóng góp cho phần trả lời, và cả hội trường nóng lên từ đó. Khi trả lời câu hỏi về công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/10/1958, vị tiến sĩ nghẹn ngào một hồi lâu rồi bật lên cảm xúc xót xa, ông nói: “Cần phải điều chỉnh ý thức hệ chiến tranh lạnh. Cả dân tộc ta là nạn nhân của chiến tranh lạnh”. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết, theo hiệp định Genève thì từ vĩ tuyến 17 trở vào là của Miền Nam, nên ông Phạm văn Đồng không có quyền gì mà công nhận nó là của ai và trao tặng nó cho ai. Ngay cả chính quyền Việt nam Cộng Hòa cũng không có quyền làm việc sai trái như vậy.
Phiên II của buổi tọa đàm
Sau phần giải lao là Phiên II của buổi tọa đàm. Phần này có 2 bài tham luận:
1. Tham luận: “Vai trò của Nhà Nguyễn với Biển Đông” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng. Ông là tác giả cuốn HOÀNG SA & TRƯỜNG SA. Trước khi trình bày bài tham luận ông thuật lại việc bị công an xách nhiễu mấy ngày nay. Ông đi đến buổi tọa đàm trễ vì bị an ninh làm khó dễ. Hôm kia thì họ khuyên ông không nên tham dự làm gì. Chiều hôm qua (23/7/2009) thì họ báo tin là buổi tọa đàm đã kết thúc và người ta đang tổ chức ăn mừng. Ông gọi điện kiểm tra thì quả đúng là "tin vịt".
Ông cũng cho biết: “Cuốn sách HOÀNG SA & TRƯỜNG SA bị làm khó dễ nhưng cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi và đã phát hành”. Có nhà báo đe dọa ông coi chừng bị tình báo Trung Quốc "khử" nhưng ông mặc kệ. Và nhà báo này cho hay là tình báo Trung Quốc hoạt động ở Việt nam nhiều vô kể. Tham luận của ông chính là bản tóm tắt cuốn sách đó.
Ông cho biết Bộ Ngoại Giao đã liên lạc với ông và chịu trả chi phí để ông dịch cuốn này sang Anh Ngữ để phát hành ở "Hải Ngoại".
Ông bức xúc khi chính "Ông chủ tịch huyện Đảo Hoàng Sa" ở Thành phố Đà Nẵng, quê hương của ông, gọi vào hỏi thăm “chứ ông viết cái gì ở trong đó?”. Câu hỏi ngớ ngẩn ấy làm cả khán phòng bật cười.
Người tham dự vỗ tay hăng hái nhất khi ông so sánh giữa việc Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các nhà nghiên cứu của họ đi tìm chứng cứ về "Tây Sa và Nam Sa" và sự thờ ơ của nhà cầm quyền Việt Nam về chủ quyền của ta trên "Hoàng Sa và Trường Sa".
Do ông trình bày khá "đụng chạm" nên linh mục Nguyễn Thái Hợp có ý nhắc nhở. Ông đành dứt lời để nhường cho diễn giả kế tiếp.
2. Tham luận: “Quan Điểm của Việt Nam về Trường Sa và Hoàng Sa” của tiến sĩ Nguyễn Nhã. Ông công bố việc dân binh Quảng Ngãi giúp triều đình nhà Nguyễn trồng cây xanh trên các đảo và nhiều chứng cứ khác về chủ quyền của Việt Nam. Trong phần này, ông Nguyễn Nhã bớt xúc động hơn phần ông trả lời ban đầu nhưng vẫn rất quyết liệt. Ông phản bác các tuyên bố của phía Trung Quốc rằng Hoàng sa và Trường Sa vô chủ cho đến năm 1909. Và vào năm đó Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa. Ông thách thức các học giả, các luận án tiến sĩ chứng minh Trường Sa và Hoàng Sa vô chủ đến năm 1909. Ông dẫn chứng thí dụ 1 tiến sĩ uy tín của Đài Loan đã rất ngạc nhiên khi thấy những chứng cứ lịch sử của Việt Nam do ông cung cấp.
Khoảng 200 diễn giả và người tham dự say sưa theo dõi các trao đổi bất kể sự trà trộn của hơn 10 nhân viên công an mà chúng tôi nhận mặt được qua các động thái của họ. Chúng tôi cũng thấy có 2 sinh viên mặc áo thun trắng in hình bản đồ Việt Nam với hàng chữ Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tiến sĩ Chu Hảo và Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã không đến được buổi tọa đàm hôm nay như đã dự trù trong chương trình.
Phiên III của buổi tọa đàm sẽ bắt đầu vào sáng ngày mai, lúc 8 giờ ngày 25 tháng 7 năm 2009, do chính linh mục Nguyễn Thái Hợp chủ trì. Theo chương trình sẽ có 3 bài tham luận — nhà sử học Nguyễn Đình Đẩu với tham luận Sưu tập bản đồ về Biển Đông và hải đảo VN; tiến sĩ Phan Đăng Thanh với tham luận Luật pháp Quốc tế về Biển Đông và hải đảo; và nhà văn Nguyên Ngọc với tham luận Nỗi niềm Biển Đông.
Ban tổ chức cung cấp các số điện thoại 0918456754, 0903962431, 0903110140 để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách đến địa điểm tọa đàm.
RadioChanTroiMoi.com
---------------------------------
TOẠ ĐÀM VỀ BIỂN ĐÔNG và HẢI ĐẢO VIỆT NAM
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment