Monday, July 27, 2009
CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC "HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN"
Đọc “Hồi Ký Tô Hải”
Đỗ Văn Minh
27-07-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6556
Cảm nghĩ khi đọc “Hồi Ký của một Thằng Hèn”
Nhạc và thanh niên Hà Nội (1948-1951)
Vào những năm 1948-1950, những người dân thủ đô đi tản cư đã từ miền hậu phương tấp nập “tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Hà Nội đã dần dần lấy lại được bộ mặt như những năm trước 1945, có phần còn đông đúc hơn, nhộn nhịp hơn.
Theo những đợt người hồi cư này, một số ca khúc của các nhạc sĩ ngoài kháng chiến đã lọt vào vùng quốc gia dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp. Những bài này, cùng với những ca khúc đang được thịnh hành tại đây, tuy có khác biệt về sự diễn tả ở khoảng không gian rộng hay hẹp tùy theo cảnh sống, nhưng tất cả đều được ưa chuộng, nhất là trong giới thanh niên, học sinh chúng tôi.
Thực vậy, trong khi ở Hà Nội, Trần văn Nhơn đang “bước men quanh hồ Hoàn Kiếm gió thu, chiều úa” (Hà Nội 49) thì bên ngoài, Đỗ Nhuận đã lắng nghe “sông Hồng Hà réo, sông Hồng Hà reo” (Hồng Hà); trong khi Văn Thủy đang “mơ đến ngày chào đón thanh bình” để “lòng ơi dứt đi đường tơ” (Dứt đường tơ) thì Tô Vũ cũng mong đợi “giờ đây khi mùa dứt chiến chinh”, để được “ta đi tìm thơ muôn phương” (Tạ Từ); rồi Hoàng Giác đã ngậm ngùi khi “Tan giấc mơ hoa, bóng người khuất xa, đôi đường từ đây, chân bước đi không hẹn ngày” (Mơ Hoa) thì ở ngoài thành, Tô Hải cũng nhắn “Ai về sau dẫy núi Kim Bôi” để cho ông được nhớ tới ‘bông hoa rừng’ hình dung qua “một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh” (Nụ Cười Sơn Cước).
Và còn nữa, như Đỗ Nhuận với “Ra đi, khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương, ào ào cuốn lá rơi” (Đoàn Lữ Nhạc), như Nguyễn Đình Toàn với “Quê em miền trung du, đồng xuôi lúa xanh rờn” (Quê Em), …Tôi không có ý nói nhạc ngoài kháng chiến hay hơn nhạc trong thành hoặc ngược lại, vì tất cả đều là những ca khúc gây xúc cảm thấm sâu vào tâm hồn người nghe. Nhưng phải nhận là những bài hát từ bên ngoài vào, như một loại ‘hương xa’, đã gây được một không khí mới lạ, nhất là người Hà Nội cũng từ vùng kháng chiến trở về mới chỉ một vài năm trở lại. Các bài hát này gợi lại cho họ những hình ảnh ở cái nơi không gian rộng mở, qua nương sắn, đồi chè, bên rừng thông, khe suối, ven đê, bờ ruộng, cái cảnh mà họ đã trải qua trong thời gian chạy loạn trước đó không lâu. Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Tô Hải là qua bài “Nụ Cười Sơn Cước” trong hoàn cảnh như vây.
Có một điều lạ là từ khoảng sau năm 1951, hầu như không thấy có ca khúc nào từ hậu phương được truyền vào Hà Nội. Ca khúc của các nhạc sĩ kháng chiến rút cục mỗi người chỉ thấy có 1 tới 2 bài: Tô Hải với Nụ Cười Sơn Cước, Trần Hoàn với Sơn Nữ Ca, Nguyễn Đình Toàn với Quê Em, Đỗ Nhuận với Đoàn Lữ Nhạc, Hồng Hà, Tô Vũ với Tạ Từ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa,…Một trường hợp ngoại lệ là Tô Vũ có thêm bài “Tiếng Chuông Chiều Thu”(1) xuất hiện ở Hà Nội vào khoảng đầu năm 1954, một bài ca tiếp tục dòng nhạc của Tạ Từ, của Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Thật là hiếm có! Tôi không biết Tô Vũ sáng tác bài này vào lúc nào. Vào những năm 1951 về trước nhưng đến lúc này ca khúc mới lẻ loi lọt được vào thành, hay ông mới sáng tác vào thời sau này. Thực ra lúc đó tôi cũng không chú ý lắm, đúng ra là không nhận ra hiện tượng này. Mãi đến nhiều năm sau tôi mới hiểu rõ nguyên nhân.
Tô Hải, 2009
Qua mấy chục năm sau, tên tuổi Tô Hải lại đột ngột xuất hiện qua nhiều bài viết của ông trên một số trang Web, trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng ông được nhắc tới nhiều nhất qua tác phẩm “Hồi Ký của một Thằng Hèn” do nhà sách Tiếng Quê Hương phát hành với buổi ra mắt tại California vào tháng 6, 2009. Tôi đã đọc những hồi ký của Lý Qúy Chung ‒ “Hồi Ký Không Tên”, Phạm Ngọc Lũy ‒ “Hồi Ký một Đời Người”, Nguyễn Văn Trung ‒ “Tha Thứ và Xin Tha Thứ”, Trần Độ ‒ “Nhật Ký Rồng Rắn”, Võ Long Triều ‒ “Hồi Ký Võ Long Triều, …
Những hồi ký với đủ các thứ tên và của đủ loại nhân vật, nhưng lần đầu mới có người viết hồi ký tự xưng mình là “Thằng Hèn”. Có thật Tô Hải đúng là một Thằng Hèn hay đây chỉ là một tiểu sảo của người viết hầu lôi cuốn sự chú ý của độc giả cũng như của giới truyền thông? Sách của Tô Hải có giá trị hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự “thành thực” của tác giả khi viết cuốn “Hồi ký” mang tên là “của một Thằng Hèn” để tự mình chửi mình vì “cả cuộc đời đã bị lừa dối và rồi chính mình lại đi lừa dối người khác một cách vô ý thức”.
Tô Hải đã thực sự sống với cộng sản suốt mấy chục năm, từ những ngày sau “cách mạng mùa thu” năm 1945 cho tới ngày ông về hưu năm 1986 rồi qua đến thời kỳ được gọi là “đổi mới”. Ông lại từng là đảng viên, là quân nhân, là cán bộ quân sự, là nhạc sĩ, là cán bộ văn hóa. Cho nên sự hiểu biết về cộng sản của ông phải đa dạng, những điều ông kể hẳn phải đầy đủ hơn, có nhiều điểm đặc biệt hơn những người ngoài cuộc. Trong cuốn hồi ký này, Tô Hải đã chủ yếu kể về cộng sản tại miền Bắc đang ở thời kỳ chuyên chính cực độ gây ra những tội ác tày trời trong các giai đoạn Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, Đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, Chống Chủ nghĩa Xét Lại, …cho đến những năm sau 1975 ở miền Nam trước khi có vụ gọi là “Đổi Mới”. Đặc biệt là Tô Hải không đả động gì tới miền Nam, dưới thời Đệ Nhất hay Đệ Nhị Cộng hòa, thản hoặc có nói tới qua loa thì cũng chỉ trong phạm vi âm nhạc, ngành chuyên môn của ông. Tôi cho đây là một thái độ đứng đắn, chỉ viết về những gì mình có hiểu biết, đã từng kinh qua, còn những gì không biết thì không bàn luận đến.
Khi viết hồi ký để “tạ lỗi với đời”, Tô Hải cũng kêu gọi “mỗi người trong số các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời hãy để lại một ‘bản di chúc’ nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa”. Kêu gọi như thế vì ông thấy có quá ít nhà văn ở miền Bắc Việt Nam đã viết để tố giác các tội ác của nhà cầm quyền cộng sản trong suốt mấy chục năm cai trị đất nước, ngoài một số tác giả trong thời Nhân Văn Giai Phẩm. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, trong hồi ký “Viết về bè bạn” cũng phải than rằng, “… nhớ lại những ngày ấy, nhiều nhà văn còn bảo nhau: ‘Sao chưa thấy ai viết về thời bao cấp cả nhỉ?’ Đúng là chưa có ai viết về thời này. Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được”.
Những năm đầu thời kỳ kháng chiến, văn nghệ sĩ còn được sáng tác tương đối tự do. Vì vậy chúng ta mới có Tạ Từ, Dư Âm, Sơn Nữ Ca, Nụ Cười Sơn Cước, … Chưa có những loại thơ, nhạc làm theo nhiệm vụ, theo yêu cầu. Cho nên để cổ võ, tuyên truyền cho một mục tiêu nào đó, lúc đó người ta phải dùng những bài hát đang được thịnh hành, đổi lời đi cho hợp với yêu cầu. Tôi còn nhớ năm 1947, dân chúng còn dùng tiền thời Pháp do Đông Dương Ngân Hàng phát hành. Nhiều tiền cũ không được thay thế nên đã rách, do đó nhiều nơi dân không chịu nhận. Còn đang chạy trối chết do quân Pháp càn quét, chính phủ làm gì có thời giờ mà lo thay tiền mới. Cho nên để cổ động việc tiêu tiền rách, bài hát Rạng Đông của nhạc sĩ Hùng Lân đã được đem dùng, từ hai câu đầu trong điệp khúc, “Thanh niên Việt nam, sao mai chờ ta /Ðường gai bon gót, bạo mà đi ta cứ bạo mà đi”, đã được chuyển thành “Ông ơi là ông, ông ơi là ông / Chồng tôi ngu dốt, có lý nào tiền rách không tiêu.”
Nhưng từ năm 1950, sau khi đã kiểm soát bờ cõi Trung Quốc (trừ đảo Đài Loan), song song với việc trợ giúp quân sự cho cộng sản Việt Nam, cộng sản Trung Hoa cũng khởi sự gây ảnh hưởng về những mặt khác. Tô Hải đã kể, “Chính các giáo điều chết người về ‘văn nghệ vô sản’, ‘văn nghệ đấu tranh giai cấp’, được nhập cảng đã mang đến những bản án tử hình đối với văn nghệ đích thực”.
Điều này đã giải thích tại sao ở Hà Nội từ cuối năm 1951 trở đi đến đầu năm 1954 chỉ có bài bài “Tiếng chuông chiều thu” từ ngoài vào thành. Vì vậy, mới có những người nhạc sĩ về thành để được sáng tác theo trái tim mình như Ngọc Bích, Canh Thân, gia đình Phạm Duy, … Một số khác thì nhắm mắt đưa chân theo thời để tồn tại và còn có dịp thăng tiến. Có những người thì đóng vai cải tạo giả vờ, sáng tác quấy quá để qua ngày. Còn những tác phẩm riêng tư, dành cho trái tim mình thì làm xong cất dưới đáy ba‒lô, gọi là những sáng tác “bỏ tủ lạnh” hy vọng có một ngày vật đổi sao dời. Nói theo Bùi Ngọc Tấn thì đây là những tác phẩm “viết để đấy” hoặc chỉ được “xuất bản bằng mồm”.
Tô Hải kể thêm, “… người ta đã phát động phong trào sáng tác tập thể, nghĩa là ngồi tập hợp cả một đại đội, mỗi người hát một câu, kết nối lại với nhau, thế là một bài hát ra đời, trong đó toàn là … khẩu hiệu”.
Với loại nhạc như vậy, ai cũng làm nhạc được, có nhạc sĩ đã kể thành tích với 500 bản nhạc, thậm chí 1000 tác phẩm, có hàng trăm nhạc sĩ mới ra lò. Riêng Tô Hải cũng có tới cả ngàn bài hát để phục vụ từng giai đọan chính trị do ‘trên’ đòi hỏi, yêu cầu. Nhưng ông thú nhận trong suốt cuộc đời sáng tác, ông chỉ có từ 20 đến 25 bài đáng được lưu giữ. Rồi ông kết luận “tóm lại, văn nghệ đích thực của thời kỳ này, nếu có, đều nằm trong ngăn kéo, dưới gậm giường của các tác giả”. Ông còn đưa ra một nhận xét khá lý thú là trong khi những bản nhạc khẩu hiệu, tuyên truyền theo công thức này của các ông nhạc sĩ, nghe tai nọ lọt qua tai kia, không hề được xuất bản và lưu trữ cho nên ngày nay không ai còn nhớ chúng ra sao thì những bài thơ, bài văn cùng loại, vì được in ấn, nên còn nằm trong tủ sách, thư viện, … và các các ông thi sĩ, văn sĩ, tác giả của chúng về sau không còn đường chối cãi những đứa con tinh thần này của mình. Cũng không tưởng tượng được âm điệu của những bản nhạc loại này ra sao, nhưng tôi nghĩ rằng chúng cũng nôm na tương tự những câu thơ trong cuốn “Viết về bè bạn” của Bùi Ngọc Tấn để nêu cao tinh thần thi đua tương trợ như
… Chị em ta phải cùng tương
Trợ thì cố gắng không vương vấn gì
Nếu mà vương vấn một khi
Có tư tưởng ấy là thì không nên
Thi đua ta phải vững bền …
Hoặc những câu thơ ca ngợi sự phát triển của ngành đường sắt
Phe ta càng mạnh càng to
Xít Ta, Mao Trạch, Bác Hồ vinh quang
Miền Bắc kiến thiết vững vàng
Nam Quan tàu chạy lại càng Lào Cai …
Và cũng vì thế, thơ tôn thờ Ông Xít của Tố Hữu mới được lưu truyền, và làm sao Xuân Diệu chối bỏ được những câu thơ hô hào đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi Nguyễn Công Hoan với bài thơ hoạ lại bài tự chúc thọ của Phan Khôi với lời lẽ cực kỳ đểu cáng để tâng công với Đảng, “Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi! / Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai …” Và Chế Lan Viên với bài thơ ca tụng Trường Chinh trong có những câu, “Đồng chí Trường Chinh sáng vầng trán rộng / Đôi mắt bồ câu ngời tin tương lai.”
Cái hèn của Tô Hải như ông tự nhận, cũng như cái hèn của các văn nghệ sĩ khác, đều do chữ “Sợ” mà ra, nhất là sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị triệt hạ tàn bạo, một cái gương sờ sờ trước mắt.. Sợ bị tù đầy, sợ bị đi cải tạo lao động, sợ vì miếng cơm, manh áo cho bản thân, cho vợ con, gia đình…
Đến như Nguyễn Tuân nổi tiếng ngang tàng mà cũng phải nói sở dĩ còn sống là vì biết Sợ. Đến như Chủ Tịch Nước, Tôn Đức Thắng, xuất thân là dân kìm búa ở công xưởng Ba Son mà cũng phải chửi thề: “Đ.M., tao cũng sợ!” (Nguyễn Văn Trấn, “Thư gửi Mẹ và Quốc Hội”, 266). Sợ cái đám nắm quyền trong Đảng cho nên Bác Tôn đã nín lặng để được yên thân suốt cuộc đời còn lại.
Tóm lại, cả nước đều sợ. Vì sợ nên Tô Hải tụ thú là đã “không dám cãi lại những lời chửi rủa bố tôi là đồ ‘phản động’, mẹ tôi là ‘Việt Gian’, họ hàng nhà tôi là ‘tay sai đế quốc’” (trang 51). Khi bỏ nhà ra đi làm người Vệ Quốc quân, Tô Hải đã bị ông bố xỉ vả: “Đi theo Cộng Sản, lúc thua, đừng có vác xác về đây, tao tống cổ ra ngoài đường đấy”. Sau này, khi nhận thức được bộ mặt thật của những người trong cấp lãnh đạo mà ông coi khinh vì dốt nát, vì nói một đằng làm một nẻo, ông đã có tư tưởng rời bỏ hàng ngũ. Nhưng ông đã không dám làm theo điều ông đã nghĩ. Ông thành thực thú nhận rằng
“Đó là sự tự ái với những gì bố tôi đã chửi tôi. Hoá ra … quá đúng! Vậy mà mãi sau này, tôi vẫn không dủ can đảm quay về qùy trước mặt ông và nói: ‘Con xin nhận là con lạc đường! Bố đã đúng!’ Tôi đã hèn, hèn với cả bố tôi, hèn với chính mình.” (trang 435).
Và để tạ lỗi, ở trang đầu cuốn hồi ký, Tô Hải đã viết: “Xin kính dâng cuốn hồi ký này lên hương hồn Cha tôi như lời tạ tội về lỗi lầm đã phạm.” Quả là những lời sám hối phát xuất tự đáy lòng!
Có nhiều người, cho đến những năm đầu thế kỷ 21, khi viết các bài về tự do dân chủ, hay khi viết hồi ký trong đó có chỉ trích chính quyền, vạch ra những điều xấu xa trong chế độ, nhiều lúc vẫn phải tìm cách nhét cái tên Hồ Chí Minh vào để ca tụng, trong mục đích phòng thân. Chẳng hạn, trong hồi ký ghi năm 2008 Hà Nội, Nguyễn Đăng Mạnh khi viết đến phần “Tư liệu riêng về một số nhà văn Việt Nam hiện đại” đã phải dành hẳn chương thứ nhất để viết về Hồ Chí Minh, xưng tụng là “Người”, coi như là một “Tác Gỉả Lớn”, “có một sự nghiệp văn học hết sức phong phú đa dạng”. Thì cũng chỉ là Sợ rồi hóa ra Hèn thôi! Nhưng Tô Hải thì không thế. Cũng trong Hồi ký, không những không ca tụng, ông còn đem cái tên Hồ Chí Minh vùi xuống đất đen:
“Công của ông ta toàn là Tội. Không có ông Hồ, không có cái Đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả một thế kỷ về mọi mặt.” (trang 388).
Ông còn lên án cái chủ nghĩa mà lúc này nhà đương quyền ở Việt Nam còn cố bám víu:
“Cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người.”
(trang 415). Chỉ với những lời kết tội Hồ Chí Minh và cái Đảng Cộng Sản dứt khoát và đanh thép như trên, Tô Hải cho thấy là ông đã Hết Sợ, và đã Hết Sợ thì đương nhiên là cũng Hết Hèn.
Tô Hải còn có một nhận xét mà tôi cho là rất xác đáng và thực tế. Trong bài “Là ‘Người của công chúng’”, ông đã viết “Chủ nghĩa cộng sản hôm nay đã cụ thể không còn nữa trên cả lý thuyết lẫn thực tế… Xin đừng gọi họ là cộng sản mà ‘oan’ cho họ”. Đúng vậy! Căn bản của chủ nghĩa cộng sản là truất bỏ quyền tư hữu của người dân. Chính quyền tập trung hết của cải sản xuất ra rồi ban phát lại cho dân chúng theo lối cho sao được vậy. Vì thế mới có chế độ hộ khẩu, tem phiếu, rồi hợp tác xã mua vào, mậu dịch bán ra, nói tóm lại trong hai chữ được gọi là “bao cấp”. Vì vậy mới có chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, Đánh Tư Sản … mà mục đích là bần cùng hóa toàn dân. Để thực thi chính sách này, cộng sản dựa trên một tổ chức công an là thứ vũ khí của nền ‘chuyên chính vô sản’ để trấn áp bất cứ sự chống đối nào, dù nhỏ đến đâu. Thế nhưng nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay, từ Nam ra Bắc, có ai còn thấy ở đâu là những hợp tác xã, những cửa hàng mậu dịch? Tử chế độ “bao cấp” chuyển sang kinh tế “thị trường” tức là đã trả lại cho nhân dân cái quyền tư hữu, cái quyền được có “của ăn, của để” và các quan được mệnh danh “cộng sản tân thời” thì ở địa vị càng cao, cái tư hữu của họ càng to. Và từ đó, ngưởi ta đã diễn dịch ra là Cộng sản Việt Nam hiện nay tham nhũng cực độ. Phải nói là xã hội Việt Nam tham nhũng cực độ thì mới đúng. Thực ra, dưới chế độ cộng sản chuyên chính, cộng sản thực sự, làm gì có tham nhũng nổi. Làm sao mà tham nhũng khi cả nước đều trong tình trạng không đủ ăn, đủ mặc, ngoại trừ những kẻ trong giai cấp lãnh đạo. Có chăng là tham nhũng kiểu ‘cò con’ như của mấy cô mậu dịch viên với bó rau, cân đường, lạng thịt, thước vải… Cho nên đúng ra, Việt Nam hiện chỉ là một chế độ độc tài, như Miến Điện, vài nước ở Nam Mỹ, cùng một số nước ở Phi Châu. Chế độ cộng sản duy nhất đúng với cái nghĩa của nó trên thế giới này chỉ còn ở Bắc Hàn mà thôi.
Ở Việt Nam ngày nay, người ta thi nhau làm giàu, khiến cho cái hố ngăn cách giàu và nghèo đã sâu thăm thẳm như chưa bao giờ từng thấy. Tô Hải đã đặt câu hỏi rồi tự giải thích là người ta còn cố giữ 2 chữ cộng sản một cách lỗi thời, không chịu đổi tên Đảng vì muốn dùng mấy chữ “chuyên chính vô sản” để có cớ xử dụng công an, quân đội đàn áp người dân khi cần, để còn tồn tại. Ông đã cắt nghĩa thêm:
“Sở dĩ bọn cộng sản giả danh này cố tình dây dưa níu kéo cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa càng lâu càng tốt vì chúng chưa chuẩn bị xong cuộc tháo chạy khỏi con tàu đang chìm, vơ vét chưa đầy túi mà thôi… Chúng không tuyên bố như Gorbachov, như Yeltsin mà làm thay đổi ngay ‘hạ tầng cơ sở ‘ trước, biến tất cả của công, tài sản quốc gia thành của tư trước khi thay đổi thượng từng kiến trúc, thay đổi thể chế”. Thế rồi “Một ngày nào đó chúng sẽ tuyên bố giải tán Đảng chưa biết chừng. Đó là lúc chúng đã ‘hạ cánh an toàn’ với đống của cải chiếm được… Chỉ cần một ‘đại hội’ nào đó, người ta sẽ tuyên bố ‘Đổi tên Đảng’ hay mạnh hơn nữa là ‘Giải tán Đảng’ để thích ứng với thời đại… đổi ngay cái tên nước, thay cờ, thay quốc thiều, quồc huy…Cũng chưa biết chừng có những tên còn tự đứng ra, hoặc cho con cháu đứng ra lập Đảng này, Đảng nọ, rồi lớn tiếng chửi cái đảng hiện tại hơn ai hết… để chiếm những ghế ngon lành trong một chính quyền mới của những tên tư bản đích thực mà chính chúng sẽ là đại diện… Thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ được con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại như một thời kỳ…tiền đồ đá, tiền đồ đồng, tiền trung cổ ở Việt Nam = thời kỳ đồ đểu!”.
Trên đây là những nhận xét của Tô Hải rải rác trong chương “Tôi đã hết hèn”, dẫn tới cái tiến trình giải thể Đảng Cộng Sản ở Việt Nam có thể xảy ra.
Tô Hải đã quá tuổi bát tuần, nhưng xem ra ông còn minh mẫn lắm, tư tưởng của ông còn sắc bén lắm. Cái tiến trình ông vạch ra rất gần với thực trạng tại Việt Nam hiện nay. Ông còn đưa ra thêm một trường hợp, một giả tưởng là
“Chỉ cần vài chục, vài trăm nhà văn, nhà khoa học, tướng, tá … dám cùng ký tên vào một ‘bản tuyên bố chung’ công khai với toàn thế giới rằng: ‘Chúng tôi, những cựu đảng viên Cộng Sản sau khi thấy … nay tuyên bố tự giải tán! Mọi sự ngộ nhận là Cộng Sản, chúng tôi không chịu trách nhiệm!’ Lập tức sẽ xảy ra một cuộc ‘cách mạng nhung’ ngay mà người ủng hộ hết lòng chính là các đảng viên cộng sản bất đắc dĩ hôm nay còn cầm thẻ đảng viên!”.
Chỉ thành tâm hy vọng rằng cái giả tưởng, cũng chính là cái ước nguyện trong thâm tâm Tô Hải, sẽ mau thành sự thật!
Bài viết về Hồi Ký của Tô Hải này đã dài, nhưng với tác phẩm trên 500 trang này thì vẫn còn rất phiến diện. Phải đọc hết mới thấy Tô Hải kể mười phần, bài viết chưa nói được một. Như ông đã tiết lộ nhiều giai thoại hiếm người được biết. Chuyện nhà văn miền Nam tập kết Vũ Anh Khanh vừa đi dự hội nghị các nhà văn Á Phi về, xin vào vùng giới tuyến để sáng tác rồi vượt tuyến tìm tự do và bị chết đuối, xác lại trôi về bờ Bắc (trang 319). Chuyện nghệ sĩ cải lương Thành Được “vù” nhân chuyến công diễn tại Tây Đức rồi khi đoàn trở về, các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn được giải thích một cách gượng ép nhưng rất khẳng định là Thành Được đã “bị bắt cóc” (trang 322‒323). Chuyện chính tác giả và 2 “nghệ sĩ cách mạng” khác đến nhà riêng của Thanh Lan và Lệ Thu, những ca sĩ nổi tiếng thời VNCH, để mời ra thu thanh phục vụ cách mạng. Sau khi cho các quan văn nghệ cách mạng ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, hai cô ca sĩ miền Nam này mới chịu ra tiếp trong bộ đồ ngủ và mời các quan văn nghệ cách mạng này “đi chỗ khác chơi” bằng câu nói chí tình: “Chúng tôi sợ không hát nổi những bài hát của cách mạng vì nó … cao quá”! (trang 330‒331). Tác giả còn người đọc một thích thú khác nữa là trong mấy chương chót, ông đã tóm lược tất cả những gì ông đã viết từ đầu sách mà ông gọi là “Hồi Ký của một Thằng Hèn cô đọng”, tức là phần Vỹ Thanh gồm 3 chương “Vì sao tôi vào Đảng, vì sao tôi chuồn khỏi Đảng”, “Cuộc đời tủi nhục của một kẻ bồi bút”, và “Bi Hài kịch vào Đảng, ra Đảng”. Đọc trên 50 trang này cũng có thể coi như đọc tóm lược toàn bộ cuốn sách vậy. Cuối cùng, hồi ký còn thêm phần Phụ Lục mà một bài trong đó, sau khi đọc xong, tôi đã phải suy nghĩ nhiều.
Bài cuối trong phần Phụ Lục của Hồi Ký Tô Hải nói về họa sĩ Dương Bích Liên khiến người viết phải hết sức ngỡ ngàng và làm đảo lộn hết những gì đã biết và đã có nhận xét về người hoạ sĩ này. Năm 2008, tôi đã viết bài nhận xét về trường thiên tiểu thuyết “Dòng Đời” của Nguyễn Trung (đã đăng trên Trang “TroiNam.net”, tháng 7, 2008). Khi đọc “Dòng Đời” đến đoạn, nguyên văn như sau,
“Có buổi ông Hào Hải kể hàng giờ cho tụi mình nghe chuyện Dương Bích Liên vẽ hai ngón tay của Bác Hồ kẹp điếu thuốc lá trong khi bác làm việc… Dương Bích Liên vẽ kín đầy cả một quyển sổ dày cộm những ký họa như thế chỉ riêng về hai ngón tay của Bác cầm thuốc lá… Dương Bích Liên nhiều lần thốt lên với Hào Hải là cả đời chưa thấy ai khi hút thuốc lại có phong cách tao nhã như Bác Hồ, phong cách một con người …”
tôi không khỏi tức giận và đã gọi Dương Bích Liên là một tên “hoạ nô”. Nhân vật Hào Hải kể trên cũng cho biết Dương Bích Liên đã qua đời nhưng không nói rõ là qua đời trong trường hợp nào. Nay qua Hồi Ký Tô Hải, tôi mới được biết những điều tôi không hề ngờ tới. Hào Hải tức là Nguyễn Hào Hải, người bạn thân nhất của Dương Bích Liên, người họa sĩ đã được cử lên sống cạnh ‘Bác Hồ’ 3 tháng để ‘vẽ’ Bác. Nhưng ông đã không vẽ được gì hết mà khi “rút lui, trần xì chỉ có một bản ghi chép không bao giờ trở thành tác phẩm.” Rồi Tô Hải kể về cái chết vào năm 1988 của Dương Bích Liên như sau (trang 515):
“…lần đầu ở nước Việt Nam có một văn nghệ sỉ xin ra khỏi Đảng rồi tự tử (hay tự xử mình) bằng cách nhịn ăn, chỉ uống rượu trong 30 ngày, tiêu hủy toàn bộ tác phẩm còn lưu giử, tài liệu, thư từ, bản thảo, ghi chép…”.
Cho dù ông Hào Hải có thực sự kể chuyện Dương Bích Liên vẽ 2 ngón tay Bác Hồ khi hút thuốc, hay Nguyễn Trung đã “phịa” ra chuyện này trong Dòng Đời, cho dù Dương Bích Liên có vẽ hay không vẽ hai ngón tay “Bác Hồ”, lúc này vớí tôi không còn quan trọng nữa. Cái chết bi hùng của ông, một cái chết mòn mỏi trong cảnh cô đơn không vợ con, gia đình, khiến cho ta phải quên đi những điều sai lầm, nếu có, mà ông đã có thể mắc phải khi còn tại thế. Và nơi đây, tôi xin rút lại hai chữ “họa nô” để trả lại cho Dương Bích Liên hai chữ “hoạ sĩ” với ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của nó và xin ngỏ lời xin lỗi hương hồn nhà họa sĩ vì đã chót xúc phạm tới ông, dù là vô tình do chỉ biết được một phần sự thực.
Nhận xét thêm về một vài điểm trong hồi ký của Tô Hải
Trong suốt cuốn hồi ký, khi đề cập tới tên của các nhân vật hay các địa danh, dù là Nga, là Mỹ, là Anh, hay là Pháp,… tác giả thường viết theo cách thông thường, chẳng hạn Sartre, Moscow, Racine, Pushkin, Paris, Beethoven, Shakespeare,… Nhưng ở vài chỗ, như trang 146, ông lại dùng cái lối viết xuất phát từ miền Bắc như “đọc thơ Maiacopxky”(2). Cái lối viết quái gở này khiến nhiều người đọc không biết đâu mà mò ra cái ông thi sĩ này là ai, tên thực như thế nào. Thêm nữa, nên có lối viết duy nhất, không nên lúc viết kiểu này, lúc viết kiểu nọ. Những chữ như “Maiacopxky” ở đây tôi thấy lạc lõng hết sức.
Nhạc sĩ Tô Hải đã có nhận xét về nhạc sĩ Phạm Duy như là “một ông vua trở cờ” nơi trang 138 như sau:
“… còn ăn nên làm ra, nổi tiếng như cồn như trường hợp Elvis Phương, Ái Vân, Duy Quang, và ông vua trở cờ Phạm Duy!”
Theo tôi hiểu thì “trở cờ” có nghĩa lả bỏ phía bên này để sang phía đối lập. Và đã là “vua trở cờ” thì phài “xoay chong chóng” ít nhất cũng năm bẩy lần thì mới xứng được gọi là “vua”. Năm 1951, Phạm Duy từ khu kháng chiến trở về vùng quốc gia và có thể coi như đây là lần “trở cờ” thứ nhất. Chính Tô Hải, nơi trang 52, đã bênh vực Phạm Duy trong lần “dinh tê” này như sau:
“… biết rõ không ai không sợ chết mà lại dám một mình vác đàn, nhịn đói vượt U Bò, Ba Rền vào chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt nhất để viết nên Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung như Phạm Duy.” “… một Phạm Duy không phải ‘dinh tê’ chỉ vì không chịu được gian khổ.”
Sau ngày 30/04/1975, Phạm Duy sang Hoa Kỳ sống với tư cách một người tỵ nạn cộng sản. 30 năm sau, tháng 5, 2005, Phạm Duy trở về Việt Nam sinh sống. Bỏ cộng đồng Việt Nam nơi hải ngoại về sống với người Việt trong nước, nếu cho là “trở cờ” thì cũng được đi, và như thế thì đây cũng chỉ là lần “trở cờ” thứ hai. Phong cho chức “vua trở cờ”, có tính cách mai mỉa như thế này, tôi thấy không xác đáng chút nào. Huống chi Việt Nam lúc này không còn có thể coi như là một chế độ cộng sản như chính Tô Hải cũng đã từng xác nhận. Việc Phạm Duy về lại Việt Nam chỉ phản ảnh cái tình cảm với dân tộc, với quê hương, về để yên ổn sống những ngày còn lại trong cuộc đời của một ông gìa giữa tuổi bát tuần (2005). Do đó, bốn chữ “ông vua trở cờ” xin được bỏ đi trước cái tên Phạm Duy cho hợp tình hợp lý.
Hớn hở: Phạm Duy, công dân nước Việt Nam Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa .
Nguồn: tapchidanong.vnweblogs.com
http://www.dcvonline.net/php/images/072009/phamduy.jpg
Tô Hải “mê nhạc cổ điển phương Tây” và ông đã cho biết là “những rung động do âm nhạc tạo ra cho tôi chính là những vốn cổ nước ngoài” (trang 62). Đi xa hơn nữa, ông xác nhận rằng “…quan điểm của tôi là âm nhạc đích thực phải là âm nhạc kinh điển. Các thể loại khác …chỉ được coi như thứ giải trí nghe cho vui, nghe để ăn uống thêm ngon miệng. rồi …bỏ qua” (trang 310). Vậy các tác giả đích thực của Tô Hải chỉ là Beethoven, Schubert, Mozart, Ravel, Debussy, … với các thể loại symphony, sonate, concerto, opera,…
Tóm lại loại nhạc mà giới thưởng ngoạn chỉ hạn chế trong giai cấp thượng lưu qúy tộc, trong giới nhạc sĩ (một số thôi!) Loại nhạc này không lời, người ưa nhạc bình thường không sao thưởng thức nổi; căn bản là họ không hiểu thế nào là symphony ngoài cái chữ dịch sang tiếng Việt là giao hưởng, hoặc không phân biệt được concerto và sonate khác nhau ra sao. Tôi đã từng cố gắng nghe vài bản nhạc loại cổ điển, cố tìm hiểu, nhưng cái “lỗ tai trâu” của tôi vẫn không thể cảm thấy hay như thế nào, và tôi tin chắc đa số người nghe nhạc cũng ở trình độ tương tự như tôi. Như ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, trong Tuyển Tập Tạp Ghi, kể rằng đã được nhạc sĩ Cung Tiến đưa cho một số đĩa nhạc cổ điển để khai sáng cho cái “bộ óc quê mùa” của mình, và khi nghe xong, ông lắc đầu trả lời: “Moa vẫn thích Thu Vàng, Hoài Cảm!”
Trái lại, loại nhạc mà Tô Hải coi như chỉ để giải trí cho vui, rồi bỏ qua, thì rất nhiều bài tôi còn ghi nhớ mãi. Làm sao bỏ qua được những “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, những “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”,… của Văn Cao cách nay trên nửa thế kỷ, những nhạc của Phạm Duy, Hoài Bắc, Văn Phụng, Cung Tiền, cho đến những Bài Không Tên của Vũ Thánh An, và còn rất nhiều nữa…từ thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970. Với tôi, đó là âm nhạc đích thực vì nó được nhiều người ưa thích trải qua nhiều chặng thời gian, và qua âm điệu cùng với lời ca, nó thấm sâu vào tâm hồn người nghe nhạc. Tôi không chê nhạc cổ điển tây phương, nhưng thực tình tôi chỉ thích những bản nhạc được gọi là “Bán Cổ Điển” như Serenade của Schubert, Serenata của Toselli, của Strauss, Tristesse của Chopin, rồi những Flots du Danube, Back to Sorento, Reveries, …Thích ngay từ lúc mới nghe lần đầu, khi mới trên 10 tuối. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao những bản nhạc đó lại gọi là Bán Cổ Điển, và thực sự tôi cũng không cần tìm hiểu Danube Bleu (3) làm gi. Cứ nhạc nào cảm thấy là hay thì tiếp tục nghe, giản dị có vậy thôi.
Vì Tô Hải quá nặng lòng với nhạc kinh điển tây phương nên tôi không lấy làm lạ khi ông nặng lời chỉ trích môn nghệ thuật sân khấu của miền Nam là tuồng Cải Luơng và bài ca Vọng Cổ. Ông mô tả Cải Lương là “… cái thứ nửa kịch nói, nửa xàng xê, hồ quảng, nửa tuồng tây, tuồng tàu, vừa nhị, bầu, tranh, tứ, vừa ghi‒ta, organ, violon đôi khi cả trompette, clarinette,…” (trang 318). Còn Vọng Cổ thì “Sáu câu vọng cổ với lời ca rẻ tiền, văn chương ba xu, mỗi khi nghe nghêu ngao bên chiếu rượu thì tôi phải tìm cách đi ‘rửa tai’ ngay”. Tô Hải mới chỉ xem vài chương trình văn nghệ loại “tạp lục”, vài vở cải lương thuộc loại “rác rưởi” ở Saigon mà đã thốt lời chê bai thì thật quả là vội vã, có thể nói là quá nông nổi. Điệu vọng cổ phát sinh gần 1 thế kỷ nay từ vùng quê miền Nam để qua lời ca ‒ hoặc trên sân khấu trình diễn hoặc trong 1 bài ca đơn lẻ ‒ kể lể những chuyện vui có, buồn có, ngay cả hài hước nhiều lúc khiến người nghe phải cười bò. Điệu vọng cổ mang nhiều tình tự dân tộc của vùng đồng bằng Cửu Long, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển chứ không phải ngày một ngày hai mà tự nhiên có được. Không phải tự dưng mà dân chúng miền Nam, nhất là hầu hết dân chúng miền quê đều say mê vọng cổ, cải lương. Những vở tuống cải lương đích thực không phải là cái thứ “Tạp pí lù”, “hẩu lốn” mà các ông ‘mới ở rừng về’ quáng quàng đem ra cho Tô Hải cùng các quan văn nghệ từ miền Bắc vào thưởng ngoạn đâu. Những vở tuồng như “Dưới mái Tây Hiên”, “Kim Vân Kiều” “Phụng Nghi Đình”, các tuồng tích của Phạm Ngọc Khôi, Sĩ Tiến, Nguyễn Hữu Trang không phải là loại văn chương ba xu cũng như những tài danh sân khấu cải lương như Năm Châu, Ba Vân, Năm Phỉ, Phùng Há … không phải là hạng ‘xướng ca vô loài’ như Tô Hải đã nghĩ.
Ngoài ra, còn một sồ điều trong Hồi Ký Tô Hải mà tôi cho là có thiếu sót hoặc sai lầm. Những sơ sót này, tôi tin là vì ở tuổi trên 80 nên tác giả đã không nhớ rõ như ông đã xin đưọc người đọc lượng thứ trong “Đôi lời phi lộ” nơi đầu sách. Tôi ghi những điều này trong phụ bản ở cuối bài viết, mong rằng tác giả sẽ chú ý tới để trong lần tái bản, tác phẩm có giá trị này sẽ được hoàn hảo hơn.
Khi đọc xong “Hồi ký của một Thằng Hèn”, tôi thấy câu nói “Chẳng ai chống Chủ Nghĩa Cộng Sản hiệu quả bằng chính Người Cộng Sản” thật là thấm thía. Đúng thề, ‘có ở trong chăn mới biết chăn có rận’! Tô Hải đã sống trong lòng chế độ gần suốt cuộc đời nên hồi ký của ông chính là một bản cáo trạng thực sự lên án các tội ác của cộng sản về mọi mặt. Như tội ác diệt văn hóa đã khiến cho biết bao tài năng ở miền Bắc bị thui chột, bị hủy hoại. Thử nghĩ nếu Văn Cao được sống tại miền Nam thì kho tàng âm nhạc của chúng ta sẽ phong phú thêm biết bao. Tại sao Hữu Loan lại chỉ có bài “Màu tím hoa sim” còn được lưu truyền…. Như tội ác đã làm mọi người trở nên hèn, không còn khí phách, vì sợ bị bắt bớ, đầy ải, sợ vì bị cắt hộ khẩu, không có miếng ăn… Trong khi vào ngày sinh nhật 70 tuổi, Tô Hải đã công khai phủ nhận tất cả những cái mà ông gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh”, những sáng tác mà ông cho là vô giá trị, được vội vã làm qua những đơn đặt hàng do lãnh đạo đưa xuống thì gần nửa thế kỷ trước, trong kỳ Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân năm 1950 ở một khu rừng Việt Bắc, Hoàng Cầm đã tự tay treo cỗ những kịch thơ của mình; rồi Hoài Thanh tuyên bố từ bỏ “Thi Nhân Việt Nam”, tác phẩm duy nhất của ông thời tiền chiến. Và tương tự còn nhiều nữa… Đó là những tác phẩm giá trị mà các tác giả đã phải đau lòng mà đóng kịch phủ nhận cốt để cho Đảng, cho lãnh đạo được vui lòng. Chuyện ngược đời, vô lý như thế chỉ có thể thấy dưới chế độ cộng sản mà thôi, cũng như biết bao chuyện khác, không thể tin được nhưng lại đã xảy ra, đã được Tô Hải kể ra trong hồi ký.
Tô Hải với “Hồi ký của một Thằng Hèn”, cũng như Dương Bích Liên qua cái chết tự xử mình của ông, cả hai đều không còn Hèn nữa, không còn ai còn có thể goị các ông là “Bồi Bút”, “Họa Nô”. Biết tự nhận mình là hèn, thành thật chứng minh rằng mình thực sự đã hèn, thì không còn là hèn nữa. Trong cánh rừng Hồi Ký, mới thấy Tô Hải là người đầu tiên như vậy. Bằng một lập luận tương tự, nếu có ai viết hồi ký, chẳng hạn “Hồi ký của một Thằng Dốt” rồi mô tả cho thấy mình thực sự Dốt thì hẳn người ấy không còn Dốt nữa. Tới đây tôi chợt liên tưởng tới một nhân vật Không Quân thời VNCH hiện đang ở hải ngoại. Vị Không Quân cao cấp này gần đây đã kêu gọi đoàn kết trong Không Quân với những lời lẽ thiết tha đầy tinh thần “Bầu Bí” (Bầu ơi thương lấy Bí cùng), sau đó lại nổi tiếng qua một bức tâm thư đoạn đầu gửi các chiến sĩ Không Quân, kế đền phần sau lại chuyển thành lời kêu gọi gửi toàn thể đồng bào hải ngoại với kế hoạch 5 năm chống lại Cộng Sản Việt Nam. Nhân vật Không Quân cao cấp này đang hăm he là sẽ viết hồi ký trong đó ông sẽ nói ra hết sự thật. Sự thật về những gì, chúng ta đều chưa được biết, nhưng chỉ biết chắc rằng nếu ông đặt tên hồi ký của ông là “Hồi ký của một Thằng Ngu” thì những gì người ta nhận xét về ông qua bức Tâm Thư sẽ được hoàn toàn rửa sạch và hẳn hồi ký của ông cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt như Tô Hải với “Hồi Ký của một Thằng Hèn”.
--------------------------------------
Những dữ kiện thiếu sót hoặc sai lầm trong cuốn sách do Tiếng Quê Hương xuất bản, Virginia 2009
• Trang 52: Chú thích (23) – năm sinh của Đoàn Phú Tứ để trống, (? ‒ 1989), trong khi đó chú thích (84) nơi trang 108 ghi rõ là (1910 – 1989).
• Trang 71: “Mẹ tôi và 6 đứa em đã đi theo ông Thiệu ra nước ngoài.” Không đúng! Chỉ có 5 người em của Tô Hải ra nước ngoài; Em trai kế Tô Hải là Tô Hiền ở lại. Sự kiện này được xác nhận ở trang 303.
• Trang 76: Albert Sarraut viết sai là Albert Sarrault.
• Trang 93: Chú thích (65), Jean Racine (1639 – 1699) thuộc thế kỷ 17, không phải thế kỷ 19.
• Trang 131: “…sau gần nửa thế kỷ, năm 1975, được về Saigon, tôi tình cờ gặp…” Nửa thế kỷ trước 1975 là khoảng năm 1925. Lúc đó Tô Hải chưa ra đời. Có lẽ Tô Hải muốn nói “… sau gần một phần tư thế kỷ, năm 1975…”, có nghĩa là vào khoảng năm 1950.
• Trang 140: “Thao trường bớt mồ hôi, chiến trướng bớt đổ máu”. Không đúng! Đúng là “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.”
• Trang 152: Chú thích (151): Lưu Hữu Phước (LHP) không phải là tác giả hai bản quốc thiều hai miền Nam Bắc VN. LHP là tác giả bản quốc thiều miền Nam thôi. Quốc thiều miền Bắc, bài ‘Tiến quân ca’, là của Văn Cao.
• Trang 287: Nguyễn văn Thiệu hô hào “Bốn Không”(4) chứ không phải “Ba Không”.
• Trang 317: “chiến dịch Johnson City”, không phải “Janson City”.
• Trang 319: “…vượt sông Hiền Lương tìm tự do”. Không đúng! Cầu Hiền Lương trên Sông Bến Hải.
• Trang 319: “Không ít các cháu học sinh các trường đó sau 1945 trở về Nam …” Đó là các trường Miền Nam cho các học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong các năm 1954‒1955 sau hiệp định Geneva. Vậy thì phải là sau 1975 thì mới đúng.
• Trang 354: “Mở đầu là tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sau đó là những Lê Văn Trương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Hố Biểu Chánh…” Thứ tự không đúng. Thạch Lam nằm trong Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có trước thời Tự Lực Văn Đoàn.
• Trang 424: “Rồi hai trái bom nguyên tử rơi xuống đất Nhật và Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chính phủ Trần Trọng Kim với các tên tuổi nổi danh ra mắt và Bảo Đại tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật. Không còn các sĩ quan Nhật lê thanh kiếm dài sát đất đi khắp nơi, chém trẻ tre bất cứ ai. Không còn ông toàn quyền, thống sứ, …”
Một số sự kiện kể không đúng theo thứ tự thời gian.
Trong khoảng từ tháng 3,1945 tới tháng 8, 1945, có các diễn biến theo thứ tự thời gian như sau:
- Nhật cướp chính quyền từ quân Pháp.
- Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt với cờ quẻ ly và bài Tiếng Gọi Thanh Niên
- Mỹ thả bom nguyên tử và Nhật đầu hàng.
- Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim.
• Trang 482: “Bố (đã chết) từng là cấp tướng trong không quân của quân lực miền Nam nhưng do đào tạo từ thời Pháp nên không nắm chức vụ gì lớn”. Thông tin này không đúng. KL/VNCH có khoảng 15 sĩ quan cấp tướng. Tất cả đều xuất thân từ các quân trường Thủ Đức/Nam Định, Đà Lạt hoặc từ các quân trường bên Pháp, nghĩa là do Pháp đào tạo hết. Không có ai vì do Pháp đào tạo mà không được giữ chức vụ cao cấp. Trước 30/04/1975, trong KL/VNCH chỉ có 1 tướng Không quân đã qua đời là Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 KQ tại Cần Thơ. Ch. Tướng Nguyễn Huy Ánh cũng được đào tạo từ quân trường do người Pháp chỉ huy và Tư Lệnh Sư Đoàn không phải là 1 chức vụ nhỏ.
22/07/2009
© DCVOnline
----------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ và chú thích.
(1) Theo Tô Vũ
Tôi có hai mảng sáng tác, đó là ca khúc lãng mạn và ca khúc cách mạng. Với mảng trước, ban đầu thì bị phê mà bây giờ lại được, vì tính chất lãng mạn. Ví dụ, Em đến thăm anh một chiều mưa, ban đầu bị phê dữ lắm, nhưng đã không bị cấm, bởi vì, lãng mạn mà trong sáng thì vẫn cứ được như thường. Những bài này đa số được tôi viết trong kháng chiến: lãng mạn lúc kháng chiến chứ không phải lúc kháng chiến chỉ nghĩ đến tình yêu.
Với bài hát Tiếng chuông chiều thu, nghe tiếng chuông nhớ người yêu thật. Hy vọng khi trở về thì tiếng chuông mới sẽ là tiếng chuông khải hoàn. Trong sáng quá đi chứ, vậy mà người ta cho là lãng mạn, không cụ thể. Tôi bảo rằng thật ra đó là tâm hồn của một người kháng chiến, một anh tiểu tư sản trí thức. Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa là những ca khúc mà tôi rất thích.
(Trích Tô Vũ, Nhạc sĩ Tô Vũ và 80 ca khúc lãng mạn chưa công bố, Vietbao.vn.) Theo những trang web đăng bài Tiếng chuông chiều thu thì đây là bài hát Tô Vũ sáng tác năm 1948.
(2) Vladimir Vladimirovich Mayakovsky (1893‒1930) một trong những thi sĩ, nhà soạn kịch tiêu biểu cho trường phái Vị lai (Futurism) của văn học Nga đầu thế kỷ thứ 20.
(3) Danube Bleu là tựa tiếng Pháp của nguyên bản “An der schönen blauen Donau op. 314 (Trên dòng Danube xanh tuyệt đẹp), khúc nhạc waltz của Johann Strauss II soạn năm 1866.
(4) Chủ trương “bốn không của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: 1) Không thừa nhận cộng sản; 2) Không lập chính phủ liên hiệp; 3) Không trung lập hóa miền Nam Việt Nam; 4) Không nhường một tấc đất cho cộng sản.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment