Sunday, July 26, 2009
HOA KỲ TRỞ LẠI ĐÔNG NAM Á
Hoa Kỳ Trở Lại
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Việt Báo Thứ Sáu, 7/24/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=147375
Chuyện âm ỉ mới hơn ầm ĩ...
Hội nghị cấp Ngoại trưởng (AMM) kỳ thứ 43 của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á AESAN rồi Hội nghị thứ 16 của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum hay ARF) đã kết thúc sau hai ngày hội họp - 22 và 23 Tháng Bảy - tại Phuket thuộc Thái Lan. Vừa tới thủ đô Bangkok, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố đầy kịch tính.
Rằng "Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á".
Như mọi khi, truyền thông Hoa Kỳ đã loan truyền tin tức với sự hồ hởi. Chúng ta hãy tạm bịt tai để khỏi nghe tiếng vỗ tay mà nhìn vào thực chất của chuyện trở lại....
***
Trong hơn bảy năm bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, Chính quyền George W. quả là đã quay lưng lại Đông Nam Á. Và, như chính quyền tiền nhiệm của ông Bill Clinton, không giải quyết được hồ sơ nguyên tử của Bắc Hàn tại Đông Bắc Á. Hai lần liền, Ngoại trưởng Condoleezza Rice còn không tham dự hôị nghị cấp bộ trưởng của ASEAN. Khoảng trống ấy đã được Trung Quốc lấp đầy, và đang gây vấn đề cho các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, việc Chính quyền Barack Obama trở lại Đông Nam Á là điều tốt đẹp cho an ninh của khu vực để phần nào cân bằng lại tương quan lực lượng quá bất lợi cho quyền lợi của Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Cuộc điều trần của Tiểu ban Á châu Thái bình dương trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện do Nghị sĩ Jim Webb triệu tập hôm 15 có nhắc tới tương quan lực lượng bất lợi đó.
Truyền thông Việt Nam đã phần nào tường thuật cuộc điều trần ấy - chỉ một phần thôi. Ngoài lời phát biểu của Nghị sĩ Webb, Chủ tịch Tiểu ban, còn có phần trình bày của hai viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao và Quốc phòng cùng ba học giả khác. Chúng ta nên chịu khó tìm hiểu thêm về nội dung của những điều đã được công khai nói tới.
Bây giờ, Hoa Kỳ trở lại như thế nào?
Bộ Ngoại Giao Mỹ quyết định sẽ lập một sứ quán đại diện Hoa Kỳ bên trụ sở của ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Có còn hơn không, dù Hoa Kỳ còn nhiều đường dây liên lạc trực tiếp với các thành viên cột trụ của ASEAN. Quyết định đáng chủ ý hơn thế là việc Ngoại Trưởng Clinton đại diện Hoa Kỳ ký giấy tham gia vào Thỏa ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN (Treaty of Amity and Cooperation - TAC). Thỏa ước này được truyền thông quốc tế tung lên trời xanh, như một dấu hiệu chắc nịch về sự trở lại của Hoa Kỳ.
Sự thật không đơn giản như vậy nếu ta biết Thỏa ước đó là gì.
Nó là một trò vui ngoại giao kiểu Á châu không hơn không kém. Được năm thành viên sáng lập ASEAN đưa ra hồi Tháng Hai năm 1976 (gần một năm sau khi Việt Nam Cộng Hoà tiêu vong), nó quy định là các nước ký kết có chủ quyền riêng mà không ai được xâm phạm hay phá hoại, sẽ tôn trọng lẫn nhau, không xen lấn vào nội bộ của nhau và giải quyết các mâu thuẫn bằng phương pháp hoà bình theo tinh thần Hiến chương Liên hiệp quốc.
Trong khung cảnh "hậu-75" khi Hoa Kỳ đã tháo chạy thì các nước Đông Nam Á chỉ còn cách phòng thủ tiêu cực đó, nhất là khi đã chứng kiến những gì xảy ra tại Việt Nam, Kampuchia (tên gọi lúc đó của Cam Bốt) và Lào...
Sau này, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Thỏa ước TAC mới mở rộng cho các quốc gia ngoài ASEAN và riêng ASEAN còn đón nhận các thành viên mới, nay đã thành mồ côi vì Liên Xô tan rã, là ba nước Đông Dương Việt, Mên, Lào, rồi cả Miến Điện. Kế đó, từ năm 2003, ASEAN mời thêm nhiều đại gia khác, như Trung Quốc, Ấn Độ, rồi Nhật Bản, Pakistan, Liên bang Nga, Úc, Tân Tây Lan, Mông Cổ, Pháp, v.v... Trò đùa dị hợm nhất là cả Bắc Hàn Cộng sản củng ký kết thỏa ước, cách đây đúng một năm.
Ngày 23 hôm qua, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu mới gia nhập cuộc vui vô hại và bất lực ấy sau khi ASEAN tu chính thêm lần nữa để đón nhận một nhóm quốc gia (Liên Âu) thay vì chỉ từng nước. Tổng cộng bây giờ đã có 10 hội viên ASEAN và 17 thành viên khác gia nhập "câu lạc bộ TAC". Có gọi là "tắc" cũng không sai!
Hoa Kỳ sở dĩ không ký thỏa ước này vì biết rõ nội dung vô thưởng vô phạt và điều khoản dị hợm là đã ký rồi thì "không xen lấn vào nội bộ của nhau". Tức là không tiện nêu vấn đề về vi phạm nhân quyền của loại thành viên ASEAN như Miến Điện, hay Việt Nam, hoặc một hội viên của câu lạc bộ TAC, là Bắc Hàn với trò chơi nguyên tử. Hoặc Trung Quốc - nhất là Trung Quốc.
Thế thì vì sao bây giờ Ngoại trưởng Hillary Clinton lại đặt bút xuống một thỏa ước không có khả năng cưỡng hành và chỉ có giá trị như cái áo giáp bằng giấy?
***
Sau đây lý do vì sao đã ký và sự thể phũ phàng là ký mà như không!
Trước hết là vì lý do tượng trưng, tuyên truyền, nhằm khẳng định sự thiết tha gắn bó của nước Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á. Giành thắng lợi biểu kiến như vậy cũng phù hợp với nghệ thuật Obama: vận dụng ngoại giao một cách thông minh thay vì quyết định đơn phương theo kiểu Bush. Họ gọi đó là "soft power" - cột bằng nhiều sợi dây mềm thì có khi cũng chặt, còn hơn là dùng dây xích kiểu "made in USA" như ông Bush.
Thứ hai là lý do pháp lý: vì chỉ các thành viên của câu lạc bộ này mới tham dự Thượng đỉnh Đông Á (của ASEAN và các nước quan trọng như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và... Trung Quốc).
Hoa Kỳ không thể vắng mặt trong một thượng đỉnh quốc tế có sự tham dự của Trung Quốc. Dù thượng đỉnh chỉ là cơ hội chụp hình và ra tuyên bố chung rất vu vơ mà không có hành động cụ thể nối tiếp thì cũng không thể để Trung Quốc tiện thiện khai thác được.
Nhưng, khi đồng ý ký kết và vừa ký xong rồi, Hoa Kỳ vẫn lập tức... ngồi xổm - xin lỗi Hillary - lên điều bốn của Thỏa ước TAC. Ngoại trưởng Mỹ nêu vấn đề về nạn độc tài quân phiệt Miến Điện, về việc Bắc Hàn có thể phổ biến võ khí tàn sát cho Miến Điện và... đề nghị ASEAN trục xuất Miến Điện! Tất nhiên là các nước ASEAN không chịu và nước chủ nhà đăng cai tổ chức là Thái Lan phải lật đật phản đối ngay trong ngày 22!
Chúng ta nên rất vui với cách Hoa Kỳ trở lại như vậy!
Về với ASEAN nhưng không nhất thiết thay đổi chánh sách của mình. Viên chức ngoại giao đã điều trần trước Tiểu ban của Nghị sĩ Webb hôm 15 - Phó Phụ tá Ngoại trưởng Scot Marciel - còn trực tiếp gặp phái bộ Miến Điện do Ngoại trưởng Miến dẫn đầu để trong cuộc họp kéo dài 90 phút nói thẳng ra quan điểm của Hoa Kỳ. Trong đó có cây kẹo ngọt là "sẽ cải thiện quan hệ" nếu chế độ quân phiệt trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và đối thoại với đối lập. Kèm theo cái búa nếu chế độ lại giao du với Bắc Hàn và phổ biến võ khí nguyên tử.
Không biết là đôi bên có nói riêng về ảnh hưởng của Trung Quốc chăng, nhưng tất nhiên lãnh đạo Miến Điện được hiểu về chuyện nhạy cảm đó.
Vì vậy, Hoa Kỳ có thể ký kết mọi tờ giấy hữu nghị để làm đẹp lòng thiên hạ, chứ vẫn không tự cột tay vì tờ giấy lộn đó. Úc Đại Lợi cũng thế, đã ký Thoả ước TAC từ Tháng 12 năm 2005 mà vẫn trừng phạt chế độ quân phiệt Miến Điện.
Nhưng việc Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á không chỉ thu gọn vào văn kiện nhạt nhẽo đó - dù truyền thông có tung hô ca ngợi. Có chuyện đáng chú ý mà truyền thông Mỹ đã - theo truyền thống mù lòa cố hữu - bỏ sang một bên.
Đó là sông Mekong.
***
Bên lề Hội nghị của diễn đàn an ninh ARF, ngày 23, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã gặp Ngoại trưởng của bốn quốc gia nằm trên lưu vực sông Mekong, là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Nội dung thảo luận là làm sao Hoa Kỳ có thể góp phần phát triển khu vực này.
Ta không quên là Trung Quốc không chỉ bành trướng ngoài Đông Hải và ngày càng chi phối nội tình của Lào - một chư hầu chính yếu của Hà Nội - sau khi đã tranh thủ hậu thuẫn của Chính quyền Hun Sen từ năm 1996. Trung Quốc đang khống chế Đông hải và thọc sâu xuống Đông Dương trong khi triệt để khai thác thượng nguồn sông Mekong và còn tìm đường thông thương từ Vân Nam tới thẳng Ấn Độ dương.
Bây giờ, Hoa Kỳ lại muốn kề vai phát triển khu vực này!
Chuyện ấy đáng chú ý vì từ tháng Sáu, Hoa Kỳ đã thay đổi chánh sách với Miên và Lào: hai quốc gia này hết nằm trong sổ đen vì không có kinh tế thị trường. Nhờ vậy, từ nay sẽ được Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ tài trợ. Khi quay trở lại Đông Nam Á, nước Mỹ muốn góp phần phát triển Miên và Lào không vì quyền lợi - kinh tế hai xứ này không có sức nặng như hai thành viên kia là Thái Lan và Việt Nam. Mà vì lý do khác...
Như Thái Lan rồi Việt Nam, kinh tế Miên Lào sẽ tăng trưởng mạnh nhờ được giàng vào đầu máy kinh tế - và thị trường nhập cảng - của Hoa Kỳ. Điều ấy sẽ là một cám dỗ cho quốc gia thứ tư đang rửa chân trên dòng Mekong, là Miến Điện.
Và khiến Trung Quốc ở đầu nguồn sẽ tần ngần... Hoa Kỳ đã trở lại.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment