Friday, July 24, 2009

CHẢY MÁU CHẤT XÁM Ở VENEZUELA


Chảy máu chất xám ở Venezuela
Cập nhật lúc 12:44, Thứ Năm, 23/07/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/07/859643/
Ước tính, khoảng 1 triệu người Venezuela đã bỏ ra nước ngoài chỉ trong vòng 10 năm qua. Luồng di cư này không những khiến các gia đình chia ly, các ngành nghề bị phá vỡ mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của đất nước.

Một thập niên sau cuộc cách mạng Bolivar, hàng chục nghìn giáo sư Venezuela đã lao vào vòng xoáy khốn đốn. Các nghệ sĩ, luật sư, bác sĩ, nhà quản lý và kỹ sư đang lần lượt rời bỏ đất nước này. Còn những ai đã ra nước ngoài thì bỏ ý định quay trở về.
Những người giàu có nhất trong số họ đang đổ tiền mua nhà ở Miami và Panama City. Các hậu duệ dòng dõi Châu Âu thì đâm đơn xin cấp hộ chiếu ở đất nước tổ tiên của mình. Xin được học bổng ở nước ngoài chẳng khác gì vớ được tàu cứu đắm.
Ước tính, khoảng 1 triệu người Venezuela đã ra nước ngoài chỉ trong vòng 10 năm qua. Luồng di cư này không những khiến các gia đình chia ly, các ngành nghề bị phá vỡ mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của đất nước.

Di cư đảo chiều
Trong lúc các quốc gia thuộc thế giới đang phát triển nỗ lực tìm cách thu hút nhân tài trở về quê hương để xây dựng kinh tế..., dòng chảy chất xám chảy khỏi Venezuela đang rút kiệt sức mạnh của các trường đại học và các nhóm chuyên gia cố vấn, phá hỏng các ngành công nghiệp và làm tăng thêm những bất ổn về kinh tế ở nước này.
Tất cả những điều kể trên có nguy cơ phá hủy một trong những quốc gia giàu có nhất bán cầu.
Không phải dầu mỏ, khí đốt hay khoáng sản, nguồn xuất khẩu lớn nhất mà cuộc cách mạng Bolivar tạo ra chính là nhân tài.
Mặc dầu phần lớn thế kỷ qua, Venezuela là đích đến cho những người nhập cư chạy trốn khỏi cuộc đàn áp Old World. Người tị nạn chạy khỏi Tây Ban Nha, Italy, Đức và Đông Âu đổ về đất nước này và tạo nên một trong những xã hội năng nổ nhất ở Tân Thế giới.
Giống như hầu hết các quốc gia đang phát triển, nước này bị chia tách giữa một bên là người nghèo và một bên là tầng lớp giàu có. Thế nhưng trong những năm 1970 và 1980, Venezuela là sự thèm muốn của Mỹ Latinh. Dầu lửa dồi dào, giáo dục tốt, với một truyền thống dân chủ vững chắc, người dân nước này sống ở mức vượt trội so với những xã hội bất ổn triền miên trong khu vực.
Diego Arria - cựu đại sứ Venezuela tại Liên Hợp Quốc giờ đang sinh sống ở New York - nhận xét:
"Chúng tôi từng là một đất nước tương đối giàu có với vô số cơ hội mà lại không bị bấp bênh. Chẳng ai nghĩ đến chuyện rời đi. Giờ đây, chúng tôi chứng kiến tội phạm lan tràn, một hệ thống chính trị hà khắc và dòng người di cư đảo chiều. Venezuela giờ là đất nước của những người di cư".

Tầng lớp trung lưu và trẻ tuổi đang là nguồn sức mạnh chính. Thế nhưng, một nghiên cứu mới của Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh - một viện nghiên cứu kinh tế liên chính phủ - cho biết, tình trạng chảy máu chất xám ở các công nhân lành nghề, tuổi từ 25 trở lên, từ Venezuela tới các quốc gia thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) tăng 216% trong khoảng thời gian từ năm 1990 tới 2007.
Còn theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Vanderbilt ở Nashville, hơn 1/3 dân số Bolivia ở độ tuổi dưới 30 có kế hoạch di cư, tăng 12% so với cách nay một thập niên, trong khi 47% số người ở độ tuổi 18 cho biết họ cũng định rời đi.
Nhiều vị giáo sư uy tín cũng đưa ra quyết định của mình.
"Tôi tự hỏi bản thân rằng phải chăng tình yêu quê hương đất nước của mình không đủ lớn!", trích lời Giovanna Rivero, nhà tiểu thuyết nổi tiếng của Bolivia, người chuẩn bị nhận công việc giảng dạy tại trường Đại học Florida và không có ý định trở về. Nguyên nhân?
Daniel Benaim là một trong những nhà sản xuất chương trình truyền hình độc lập hàng đầu ở Venezuela, sản xuất các show game và giải trí giờ cao điểm cho các kênh quốc gia với Canal Uno, nhà sản xuất hàng đầu.
"Chúng tôi từng có 160 nhân sự và một lịch hoạt động 24/7", ông Daniel nói. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính lật đổ Chavez bất thành năm 2002, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều.
Trong vòng một tháng, số nhân viên của Canal Uno giảm xuống chỉ 4 người và tiến tới vực phá sản.
Benaim lãnh đạo doanh nghiệp của ông sang hướng phục vụ thị trường quảng cáo quốc tế và tập trung vào các giải thưởng quốc tế danh giá, trong đó có giải Emmy Latinh. Tuy nhiên, cơ hội cho công ty này không nhiều.
Benaim lần lượt chứng kiến những người mà ông đào tạo nhiều năm qua rời bỏ đất nước. "Tôi từng có những bài phát biểu gay gắt về nạn chảy máu chất xám. Giờ đây, tôi tự cắn lưỡi mình", ông nói. Bản thân Benaim cũng sắp chuyển sang Mỹ. "Chúng tôi có những ý tưởng tốt nhất trong kinh doanh, nhưng giờ ở đây chẳng có gì dành cho họ".

Một trong những cộng sự của Benaim là Gonzalo Bernal Ibarra. Anh này cũng là người đã leo lên đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực truyền hình và đến gần đây vẫn điều hành một hệ thống trường sở gồm 100.000 sinh viên. Mọi thứ đã thay đổi vào cuối năm 2007, khi Chavez thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc viết lại Hiến pháp. Những người chỉ trích chính phủ mất dần cơ hội làm ăn.
Một ngày vào cuối năm 2008, Bernal mở một chai wishky. "Tôi say mèm và để cuộc đời mình sang một trang khác".
Bernal giờ đang sống ở Washington D.C. với vợ cùng đứa con gái 6 tuổi. Gia đình anh đang cố gắng thích nghi với môi trường mới. "Tôi đã sống ở một đất nước tươi đẹp nhất, tuyệt vời nhất, vui vẻ nhất trên thế giới. Giờ một phần ba số bạn bè của tôi đã ra đi".

Dầu mỏ... chịu trận
Không ngành công nghiệp nào chịu tác động nặng nề bởi nạn
chảy máu chất xám bằng ngành dầu lửa.
Cách đây một thập niên, Petróleos de Venezuela (PDVSA) nằm trong số 5 công ty năng lượng hàng đầu thế giới. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi có một vị giáo sư chẳng hề có kinh nghiệm lên làm Tổng giám đốc, theo chỉ thị của Tổng thống.
Các nhân viên của PDVSA đình công và khiến đất nước tê liệt. 22.000 người bị sa thải gần như chỉ trong một đêm, trong đó có các chuyên gia dầu lửa hàng đầu.
Khoảng 4.000 các nhân viên giỏi của PDVSA giờ đang làm việc ở nước ngoài. "Tập đoàn trở nên rối ren", trích lời Gustavo Coronel, cựu thành viên Hội đồng lãnh đạo PDVSA hiện đang làm việc ở Washington D.C với tư cách là một cố vấn dầu mỏ.
Cho đến năm 2003, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ của PDVSA vẫn cấp khoảng 20 tới 30 bằng mỗi năm. Năm ngoái, trung tâm này chẳng đào tạo được ai, mặc dầu nhân sự của họ đã tăng gấp 2.
PDVSA sản xuất 3,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào thời ông Chavez lên nhậm chức. Giờ đây, sản lượng của tập đoàn này là 2,4 triệu thùng, theo một ước tính độc lập.

Khoa học tụt hậu
Tình trạng suy giảm diễn ra ở mọi ngõ ngách của Venezuela và càng trầm trọng hơn bởi nạn tham nhũng và các quy định kiểm duyệt.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Chavez bắt đầu cắt giảm ngân sách dành cho các trung tâm khoa học của trường đại học vì cho rằng các dự án này "mịt mờ".
Giờ đây, các viện nghiên cứu uy tín nhất của Venezuela đang bị tụt hậu. Đầu năm nay, Jaime Requena, một nhà sinh vật học từng theo học ở Đại học Cambridge và hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Tiên tiến, bị buộc phải về hưu và bị cắt lương hưu sau khi xuất bản một tài liệu nói rằng nghiên cứu khoa học của Venezuela "tụt hậu 30 năm".
Số lượng tài liệu mà người Venezuela xuất bản trên các tạo chí khoa học quốc tế giảm gần 15% từ 958 xuống 831 chỉ trong vòng 3 năm qua.
Ở tuổi 62, với một người mẹ già yếu phải phụng sự, Requena không có nhiều lựa chọn. "Thật khó để kiếm việc làm khác ở tuổi tôi. Tôi sẽ rời Venezuela nếu có thể. Bạn bè và đồng nghiệp của tôi bỏ đi hết rồi".

Làm giàu cho nước ngoài
Ước tính, khoảng 9.000 nhà khoa học Venezuela hiện đang sống ở Mỹ - so với con số 6.000 người đang làm việc ở trong nước.
Một trong số đó là một chuyên gia gắn bó cả đời với khoa học và có uy tín trên thế giới. Ông đã từ bỏ vị trí giám đốc một phòng nghiên cứu lớn ở Caracas để thử vận may ở Mỹ năm 2002. Thế nhưng, ông luôn ấp ủ hy vọng trở về.
Chuyên gia này nhận xét, lĩnh vực y khoa của Venezuela giờ đang mò mẫm trong bóng tối. Ô ng cho biết: "Báo cáo dịch tễ học cuối cùng mà Venezuela xuất bản là vào năm 2005. Chúng tôi thậm chí không biết mình có những bệnh gì và chúng tăng hay giảm".

Mặc dầu không có số liệu điều tra chính thức, các nhà phân tích Mỹ Latinh cho rằng, tình trạng di cư khỏi Venezuela, Bolivia và Ecuador đã khiến hình thành những cộng đồng lớn của những người này ở Mỹ, Tây Ban Nha, Colombia và Trung Mỹ.
Panama City giờ đây lấp lánh với những tòa nhà mới xây bằng tiền của những kiều dân Venezuela, với số lượng khoảng 15.000 người so với chỉ vài nghìn người hồi đầu thập niên này.
Nhiều người Venezuela kéo đến Weston, một vùng ngoại ô thuộc Ft. Lauderdale, Florida, đến nỗi mà người địa phương gọi nơi này là Westonzuela.
"Hiếm có một gia đình trung lưu nào ở Venezuela mà không có con trai hay con gái sống ở nước ngoài", trích lời Fernando Rodriguez, người phụ trách chuyên mục của tờ báo Tal Cual.
Thực tế, có thể sẽ có thêm nhiều người nữa ở đất nước này di cư nếu không vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thanh Hảo (Theo NewsWeek)

No comments: