Friday, July 24, 2009

NHỮNG THẾ LỰC ĐẰNG SAU CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Những thế lực đằng sau
Lữ Giang

Đăng ngày 23/07/2009 lúc 16:42:10 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3966
Sự ra đi của ông Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert S. McNamara hôm 6.7.2009, một lần nữa đã làm sống lại cuộc tranh luận về “sự thất bại” của Hoa Kỳ trong việc điều hành cuộc chiến Việt Nam, một trách nhiệm mà người ta thường gán cho ông McNamara và chính ông ta cũng đã tự nhận lấy trách nhiệm đó của mình. Nhật báo New York Times đã cho phổ biến trong ngày một bài bình luận dưới đầu đề “Robert S. McNamara, Architect of a Futile War, Dies at 93” (“Robert S. McNamara, kiến trúc sư của một cuộc chiến vô ích, đã chết ở tuổi 93”) của bình luận gia Tim Weiner nói về những đường lối và hành động sai lầm của ông McNamara đã đưa cuộc chiến đến thất bại với những hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều báo khác của Hoa Kỳ và trên thế giới đã trích đăng lại bài này.
Tuy nhiên, những sự kiện liên quan đến ông McNamara mà bài báo nói trên tiết lộ cho chúng ta thấy rằng ông McNamara đã có những quyền lực vượt trội, có khi trên cả Tổng Thống Johnson và Quốc Hội Hoa Kỳ, một chuyện không bình thường, đã khiến nhiều nhà phân tích tin rằng các thế lực đứng đằng sau đã điều khiển cuộc chiến Việt Nam, còn ông McNamara chỉ là người đứng mũi chịu sào, gánh tất cả trách nhiệm cho họ.

Cuốn The Secret Team. The CIA and Its Allies in Control of the United States and the World (Toán Bí Mật. CIA và các Đồng Minh trong việc Kiểm Soát Hoa Kỳ và Thế Giới) của Đại Tá Leroy Fletcher Prouty đã tố cáo rằng: “CIA làm việc nhân danh những quyền lợi của một ‘bè đảng cao cấp’ của các nhà kỹ nghệ và ngân hàng” (CIA had worked on behalf of the interests of a "high cabal" of industrialists and bankers).
Đại Tá Prouty là người đã từng làm viên chức hướng dẫn và thông tin của CIA và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân và các cuộc Hành Quân Đặc Biệt. Ông đã đưa ra nhiều tài liệu để chứng minh quyền lực của các thế lực đứng đằng sau các chính phủ của Hoa Kỳ.

Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ Felix Frankfurter đã nói: “Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường”. (The real rulers in Washington are invisible, and exercise power from behind the scenes).

Chúng tôi xin tóm lược dưới đây một số sự kiện liên quan đến việc quyết định thực hiện và chấm dứt cuộc chiến Việt Nam để góp phần vào việc nhìn lại cuộc chiến một cách chính xác hơn.


Vài nét về McNamara

Ông Robert Strange McNamara sinh ngày 9.6.1916 tại San Francisco, California. Ông tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh ở Đại Học Berkeley, California, năm 1937 và bằng Cao Học (MBA) ở Đại Học Harvard năm 1939. Ông bắt đầu làm việc cho Price Waterhouse, nhưng một năm sau ông trở lại Đại Học Harvard và làm giáo sư phụ khảo về môn quản trị kinh doanh.
Trong Thế Chiến II, McNamara trở thành cố vấn của Bộ Chiến Tranh vào năm 1942, ông được gắn quân hàm Đại Uý của Không Quân Hoa Kỳ năm 1943, được thưởng Quân Công Bội Tinh và thăng lên trung tá năm 1946. Ông đã từng phục vụ ở Anh, Ấn Dộ, Trung Hoa và Thái Bình Dương. Sau đó, ông giải ngũ và về phục vụ cho công ty Ford Motor. Từ 1946 đến 1961 ông giữ nhiều chức vụ quan trọng về quản trị công ty này, lập kế hoạch hiện đại hoá công ty và đưa công ty ra khỏi tình trạng thua lỗ. Năm 1960 ông được thăng lên Chủ Tịch Công Ty Ford Motor, mặc dầu ông không thuộc gia đình Ford.
Tuy nhiên, chỉ 10 tuần lễ sau, ông được Tổng Thống Kennedy vừa mới nhận chức hôm 20.1.1961, mời làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Ông cho biết ông đã nói với Tổng Thống: “Thưa Tổng Thống, đó là một điều vô lý, tôi không đủ tiêu chuẩn”. Nhưng Tổng Thống đã trả lời: “Này, Bob, tôi cũng không nghĩ rằng có bất cứ trường nào cho các tổng thống”. Thế là ông nhận lời.
Tổng Thống Kennedy là một tổng thống công giáo đầu tiên của nước Mỹ, trẻ và có tướng dáng rất đẹp trai với lối nói rất hấp dẫn, nên dễ thu hút lòng người. Nhưng tiến trình làm tổng thống chưa đầy ba năm của ông đã bao gồm một chuỗi những thất bại ê chề, vì ông không có quyết định sáng suốt và dứt khoát trước một biến cố xẩy ra và không kiểm soát được các tay chân bộ hạ. Từ vụ Liên Xô xây Bức Tường Bá Linh, vụ đổ bộ Vịnh Con Heo ở Cuba, vụ thực hiện kế hoạch “Hành Quân Mongoose” (Operation Mongoose) để lật đổ Fidel Castro, vụ trung lập hoá Lào, vụ yểm trợ cho cuộc chiến Việt Nam... đến vụ lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Kennedy gần như không kiểm soát được gì hết.
Trong thời Tổng Thống Kennedy, ông McNamara đã dính líu nhiều nhất đến vụ Liên Xô đặt hỏa tiển ở Cuba và vụ chạy đua võ khí nguyên tử với Liên Xô. Ông cũng đã tranh luận khá nhiều đến quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.


Các tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và CIA được giải mật cho thấy Tổng Thống Kennedy, Phó Tổng Thống Johnson, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Giám Đốc CIA John McCone, Tướng Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân Mawell Taylor, Tướng chỉ huy Cơ Quan Viện Trợ Quân Sự (MACV) Mỹ tại Việt Nam Paul D. Harkins... đều chống lại việc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng nhóm quyết định về số mạng của ông Diệm để đổ quân vào Việt Nam là lực lượng đứng đằng sau chứ không phải Tổng Thống Kennedy. Toán được giao thực hiện kế hoạch này là Toán Harriman (Harriman Team).

Ông McNamara kể lại rằng người thảo bản công điện ra lệnh đảo chánh là Roger Hilsman Jr., lúc đó là Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách về Viễn Đông Sự Vụ. Ông ta là một trong các thành viên chủ yếu của Toán Harriman. Hôm thứ bảy 24.8.1963 bức điện này đã được Averell Harriman, người vừa được trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Về Chính Trị Vụ, chấp thuận và được gởi đi ngay dưới cái tên là DEPTEL 243, trong khi đó Tổng Tống Kennedy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Giám Đốc CIA John McCone và Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy đều không có mặt tại Washington. Sau này, Tổng Thống Kennedy nói:
“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó đáng lẽ không được cho gởi vào hôm thứ bảy đó. Đáng lẽ tôi không biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn”.
Mặc dầu nhận thấy như vậy, Tổng Tống Kennedy đã không ra lệnh ngưng thi hành công điện nói trên!

Ông McNamara kể lại, được tin ông Diệm bị giết, tinh thần của Tổng Tống Kennedy bị suy sụp hoàn toàn. Ông không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi: “Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”. Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình: “Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó”. Sau đó ông nói: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập”.
Trong khi đó, các thế lực tư bản đứng đằng sau đang làm mọi cách để mở rộng chiến tranh và đổ quân vào Việt Nam. Vì thế, Tổng Thống Kennedy đã bị giết ngày 22.11.1963 tại Dallas.


Nắm quyền lực vô giới hạn

Quyền lực đã đến tay McNamara sau khi Tổng Thống Kennedy bị giết và Tổng Thống Lyndon B. Johnson lên thay thế.
Tháng 12 năm 1963, ông McNamara đã đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình. Theo tờ New York Times, ông mô tả tình hình của miền Nam là "Laden with gloom" (Nặng trĩu với bóng đen). Trong bản báo cáo ngày 31.12.1963, ông nói: “Sự phát triển của Việt Cộng rất lớn kể từ khi có cuộc đảo chánh. Chúng ta cũng cần tăng cường về cả quân sự lẫn USOM”.
Sau khi Tướng Nguyễn Khánh làm chỉnh lý ngày 30.1.1964 để loại các tướng làm đảo chánh lật đổ ông Diệm và thi hành kế hoạch mới của Mỹ, ngày 6.3.1953 ông McNamara lại đến Sài Gòn và tuyên bố rằng tướng Khánh “có sự kính trọng và hỗ trợ hoàn toàn của chúng tôi...”. Sau đó ông xác định với Tướng Khánh: “Và chúng tôi sẽ ở lại cho tới cùng. Chúng tôi sẽ cung cấp mọi giúp đỡ các ngài cần để chiến thắng sự nổi dậy của Cộng Sản”. Theo lời khuyến cáo của McNamara, Tổng Thống Johnson đã tăng cường viện trợ quân sự để củng cố tinh thần của quân đội VNCH đang bị sa sút nặng.

Quốc Hội Hoa Kỳ đã thảo luận về việc cho phép cho Tổng Thống Johnson đẩy mạnh cuộc chiến Việt Nam sau khi nhận được tin ngày 4.8.1963 các tiểu đĩnh của Việt Cộng đã tấn công các tàu Mỹ ở Vịnh Bắc Việt. Mỹ đã phản công bằng cách oanh tạc làm 4 chiếc phóng ngư lôi của Việt Cộng bị chìm. Một số vùng trên lãnh thổ miền Bắc đã bị phi cơ Mỹ oanh tạc như Hòn Gai, Lộc Châu, Phúc Lợi, Quảng Khê và Vinh. Sau này, các sử gia Mỹ đều xác định vụ các tiểu đĩnh của Việt Cộng tấn công các tàu Mỹ ở Vịnh Bắc Việt hôm 4.8.1084 là không có thật.

Ngày 5.8.1964 Quốc Hội Hoa Kỳ đã cho phép Tổng Tống Johnson áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó với thời cuộc ở Đông Nam Á, kể cả dùng vũ lực.
Tài liệu của Mỹ nói rằng Tổng Thống Johnson đã lệ thuộc vào ông McNamara để thắng cuộc chiến. Tổng Thống Johnson đã tuyên bố: “Ông ta giống như một cái máy khoan đá. Không người nào có thể làm cái mà ông ta đã làm. Ông ta đã làm việc cật lực. Ông ta là người rất hoàn hảo”.

Chúng ta hãy nghe ký giả Tim Weiner của tờ New York Times tóm lược về vai trò của McNamara trong chiến tranh Việt Nam:
“Ông McNamara là một bộ trưởng quốc phòng có uy thế nhất của thế kỷ thứ 20. Phục vụ Tổng Thống Kennedy và Tổng Tống Johnson từ 1961 đến 1968, ông ta giám sát hàng trăm sứ mạng quân sự, hàng ngàn võ khí nguyên tử và hàng triệu dollars về chi phí quân sự và bán võ khí cho ngoại quốc. Ông cũng đã nới rộng vai trò của bộ trưởng quốc phòng, nắm giữ chính sách ngoại giao và gởi những đoàn quân đi thực thi quyền dân sự ở Phía Nam” (tức Nam Mỹ).

Báo chí Mỹ đã nói về thế lực của ông McNamara trước Quốc Hội Hoa Kỳ như sau:
Khi trình bày trước Thượng Viện về viện trợ ngoại quốc và Việt Nam, ông được mô tả như là một người “đáng yêu” (likeable). Người ta nói rằng “ông biết các câu trả lời; biết các câu trả lời đó trước khi các thượng nghị sĩ đặt các câu hỏi”. Sự tiết lộ này có thể cho chúng ta hiểu rằng ông là người rất thông minh, có thể đoán biết trước các nghị sĩ sẽ hỏi gì, nhưng cũng có thể cho chúng ta suy đoán rằng các câu hỏi đã được đưa trước cho ông nên ông có thể trả lời không có gì khó khăn.

Vào đầu tháng 4 năm 1964, Thượng Nghị Sĩ Wayne Morse thuộc Đảng Dân Chủ ở Oregon đã gọi cuộc chiến Việt Nam là “McNamara’s War”. Ông McNamara chẳng những không phản đối mà còn nói: “Tôi thích được định danh như thế và tôi làm bất cứ cái gì tôi có thể để thắng cuộc chiến đó”. (I am pleased to be identified with it and do whatever I can to win it).


Sản xuất vũ khí mới

Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy sứ mạng của ông McNamara là tiêu thụ hết những vũ khí còn lại của Thế Chiến II và cho đấu thầu quốc phòng để thí nghiệm những vũ khí mới. Cứ nhìn số lượng bom Hoa Kỳ thả xuống các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An chúng ta sẽ thấy rất khủng khiếp.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vũ khí tối tân đã xuất hiện trên chiến trường Việt Nam, chẳng hạn như:
- Các loại bom chùm SADEYE/BLU-26B nặng 450g, có thể chứa 600 quả bom con, mỗi khi được thả xuống sẽ làm các bom con bắn ra một vùng rộng và khi nổ, mỗi quả bom con sẽ tung ra khoảng 3.000 viên bi thép khiến khả năng sát thương rất kinh khủng.
- Loại mìn lá Gravel làm bằng plastic, được bọc trong vải, rất khó phát hiện và khi nổ chỉ cắt cụt chân người giẫm lên, khiến người bị thương trở thành gánh nặng cho đồng đội và làm mất tinh thần những người khác. Các mảnh mìn găm vào người cũng “vô hình” khi chụp X-quang. Có gần 300 triệu quả mìn loại này cũng đã được thả dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Ngày 9.7.1967, tại một cuộc hội thảo ở Washington, ông McNamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử chống lại sự xâm nhập của quân miền Bắc dọc theo khu phi quân sự (DMZ) giữa Miền Bắc và Miền Nam, từ Biển Đông đến biên giới Lào. Hệ thống này thường được gọi là “Hàng rào điện tử McNamara”.
Người thiết kế hàng rào này là giáo sư Roger Fisher thuộc Đại Học Harvard. Năm 1966, Fisher đã dựa vào hàng rào Morice Line của Pháp tại Algeria để xây dựng một hệ thống hàng rào “hi-tech”, bằng cách kết hợp mìn, hố bẫy, dây kẽm gai và các thiết bị trinh sát bằng điện tử.

Thực sự, "Hàng rào điện tử McNamara" gồm hai phần chính: Phần thứ nhất là hàng rào chống xâm nhập được thiết lập dọc theo vĩ tuyến 17, từ Biển Đông tới biên giới Lào. Phần thứ hai gồm các thiết bị điện tử được thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, kể cả trên đất Lào, nhằm theo dõi sự vận chuyển của quân Bắc Việt qua con đường này.
Rất nhiều vũ khí và thành tựu khoa học quân sự mới nhất đã được sử dụng để xây dựng hàng rào nói trên bao gồm các loại cảm biến địa chấn phát hiện sự xâm nhập, trong đó nổi tiếng nhất là “Cây nhiệt đới” (ADSID - Air Delivered Seismic Intrusion Detector) có khả năng cắm chặt xuống đất khi thả từ máy bay xuống và được nguỵ trang khéo léo để phát hiện các tiếng động do người và xe phát ra khi đi ngang qua và thông báo chính xác vị trí của đối phương.
Phí tổn để xây dựng hàng rào nói trên lên đến 2,2 tỷ USD theo giá của cuối thập niên 60, tương đương với 12, 3 tỷ theo giá hiện nay.

Tính chung, chính phủ Hoa Kỳ đã cho ném xuống khoảng 240 triệu quả mìn Gravel và 300 triệu quả mìn khác, 120.000 bom chùm SADEYE, 19.200 các loại cảm biến địa chấn. Nhờ vậy, từ 1968 - 1971, Hoa Kỳ đã phá hủy được 35.500 xe vận tải của Miền Bắc với tổng lượng hàng hóa lên tới khoảng 180.000 tấn.

Số quân Mỹ tại Việt Nam là 485.000 vào cuối năm 1967 đã tăng lên gần 535.000 vào ngày 30.6.1968.

Dưới thời ông McNamara, ngân sách quốc phòng của Mỹ từ 48,4 tỷ năm 1962, đã lên đến 74,9 tỷ năm 1968, tương dương với 457 tỷ ngày nay.


Bỗng dưng ngưng lại

Khi cuộc chiến đang được tiến hành một cách vũ bão như thế, bỗng dưng nó được khựng lại. Chuyện ông McNamara rút khỏi chiến tranh Việt Nam nghe rất buồn cuời.

Ông McNamara kể lại rằng ngày 26.8.1966, ông đọc một tập tài liệu của CIA mang tên là “The Vietnamese Communists Will to Persist” trong đó nói rằng Hoa Kỳ không thể làm gì để đánh bại kẻ thù. Ông đã gọi cho George Allen, một phân tích gia của CIA đã nghiên cứu vấn đề Việt Nam trong 17 năm, và hỏi ông ta rằng ông ta có thể làm gì khi ở vào vị thế của ông hiện nay. Ông ta trả lời: “Ngưng tăng cường lực lượng của Hoa Kỳ, ngưng thả bom miền Bắc và thương lượng với Hà Nội về ngưng bắn”.
Sau đó, ông bảo những người phụ tá của ông bắt đầu hoàn thành một tập lịch sử tối mật về chiến tranh, sau này được biết qua tên gọi là Pentagon Papers. Sau đó ông ta bắt đầu tự hỏi mình: “Hoa Kỳ đang làm gì ở Việt Nam?”.

Ngày 19.5.1967, ông McNamara gởi cho Tổng Thống Johnson một lá thư thúc giục Tổng Thống nên mở một cuộc thương thuyết về hoà hình hơn là leo thang chiến tranh. Lá thư đã khởi đầu như sau:
“Chiến tranh Việt Nam không được quần chúng yêu thích trên đất nước này. Nó trở nên ngày càng không được quần chúng yêu thích vì nó leo thang, gây ra nhiều tổn thất hơn cho người Mỹ, gây ra sự sợ sệt nó trở thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, gây ra cảnh thiếu thốn hơn trong lãnh vực quốc nội, và gây ra sự đau buồn hơn khi số người đau khổ viếng thăm những người không chiến đấu ở Việt Nam, Nam và Bắc”.
Ông viết tiếp:
“Hầu hết người Mỹ được thuyết phục rằng dầu sao chúng ta không thể đưa cuộc chiến tiến sâu hơn. Tất cả đều muốn cuộc chiến chấm dứt và hy vọng vị tổng thống của họ sẽ chấm dứt nó...”.
Sau đó, ông từ chối yêu cầu của Tướng Westmoreland cung cấp thêm 200.000 quân và nói rằng phương pháp của ông ta “có thể đưa tới một thảm hoạ lớn cho quốc gia”.

Không ai tin rằng ông McNamara đã tự ý đi vào cuộc chiến rồi tự ý đi ra một cách đơn giản và dễ dàng như vậy, trừ khi có lệnh của các thế lực đứng đằng sau.

Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1967, khi đi Việt Nam về, ông lại nói với Tổng Thống Johnson rằng không có sự bế tắc tại Việt Nam. Theo Tom Johnson ghi nhận, trong một cuộc họp, ông ta nói “nều chúng ta theo cùng một chương trình, chúng ta sẽ thắng cuộc chiến và chấm dứt chiến đấu”. Để đối phó với sự mâu thuẫn lan tràn của McNamara, Tổng Thống Johnson đã phải thay thế ông ta. Ông rời nhiệm sở vào cuối tháng 2 năm 1968, khi Washington đang bàn lại chính sách Việt Nam sau biến cố Tết Mậu Thân.

Cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johnson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết, vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Johnson đã gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay than phiền về việc chính quyền Kennedy (lúc đó ông Johnson là Phó Tổng Thống) và liên minh cánh tả của ông ta ở Thượng Viện đã ủng hộ việc ông ta đi vào cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không ủng hộ ông trong việc tiệp tục cuộc chiến đó. Điều này cho thấy ngay từ đầu năm 1966, các thế lực đứng đằng sau đã chuẩn bị chấm dứt cuộc chiến. Lúc đó, Thượng Nghị Sĩ J. William Fulbright, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện đã bắt đầu nghe điều trần về cuộc chiến, nhưng nhà cầm quyền VNCH gần như không quan tâm gì về chuyện đó cả! Vào tháng 5 năm 1968, Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện với Bắc Việt về một giải pháp hoà bình cho Việt Nam tại Paris.

Ngày 20.1.1969, ông Nixon nhận chức Tổng Thống với lời hứa rằng chấm dứt chiến tranh là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông đã đưa ra kế hoạch “Việt Nam hoá” chiến tranh để giúp VNCH tồn tại. Nhưng trong một cuốn băng được Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina công bố vào tháng 8 năm 2004, Tổng Thống Nixon đã nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào”. (South Vietnam probably can never even survive anyway)! Quýt làm cam chịu?

Trong cuốn Nhìn Lại Quá Khứ: Những Thảm Kịch và Bài Học của Việt Nam, ông McNamara viết rằng các giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ, “những người tham dự vào các quyết định liên quan đến Việt Nam đã hành xử theo những điều mà họ nghĩ rằng là những nguyên tắc và truyền thống của đất nước chúng ta”.

Rồi ông viết tiếp:
“Chúng ta đã có quyết định theo những giá trị đó. Thế nhưng chúng ta đã sai lầm, vô cùng sai lầm. Chúng ta nợ các thế hệ sau lời giải thích tại sao”.

Khi loan tin ông McNamara qua đời, tờ Wall Street Journal đã đăng lời phát biểu của Jeff Switzer:
“Tôi nhớ những đóng góp của ông ấy trong việc làm chúng ta dính vào cuộc chiến không lối thoát ở Việt Nam, và trực tiếp dẫn đến cái chết của hơn 50.000 người Mỹ và những cuộc nổi loạn trên đường phố Mỹ. Bên cạnh LBJ (Lyndon B. Johnson), ông ta đã gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ, nhiều hơn bất kỳ con số công khai nào trong thế kỷ XX”.

Như chúng tôi đã nói từ đầu, chúng tôi không tin ông McNamara là người đã quyết định về cuộc chiến Việt Nam. Ông chỉ là người đứng mũi chịu sào.
Trong cuốn The Secret Team: The CIA and Its Allies in Control of the United States and the World, Đại Tá L. Fletcher Prouty đã viết:
“Từ Tổng Thống đến Đại Sứ, từ các viên chức Nội Các đến các Tướng Lãnh điều khiển, và từ Thượng Nghị Sĩ đến các phụ tá điều hành, những người này đã có những tài liệu về thông tin và hướng dẫn. Hầu hết những thông tin và hướng dẫn này là kết quả của những kế hoạch và thủ đoạn đã được các nhóm áp lực soạn thảo kỹ càng. Trong nhóm phe phái có ảnh hưởng này, một trong những vai trò đáng quan tâm và có hiệu quả là sự điều hành của viên chức ở sau hậu trường, không biết mặt, không biết tên ở một nơi nào đó”.

Như vậy, nếu bảo rằng trong cuộc chiến Việt Nam, Mỹ đã thua cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì mục tiêu của các thế lực đứng đằng sau hậu trường không phải là chiến thắng ở Việt Nam mà là thực hiện các âm mưu và kế hoạch của họ trong từng giai đoạn. Nếu khi thực hiện các âm mưu và kế hoạch đó đã đem lại sự chiến thắng thì điều đó cũng tốt, nhưng nếu không thành công thì cũng chẳng sao, vì mục tiêu chính của họ đã đạt được rồi và nước Mỹ đã có những kế hoạch mới cho những thời gian tiếp theo để bảo đảm những quyền lợi mới của họ. Vấn đề là thân phận của các nước nhược tiểu trong các kế hoạch toàn cầu của các cường quốc. Đó là vấn đề chúng ta phải quan tâm.

Lữ Giang(Ngày 21.7.2009)
© Thông Luận 2009


No comments: