Wednesday, July 29, 2009
CHÍNH QUYỀN QUẢNG BÌNH PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG TỘI ÁC ĐỐí VỚI GIÁO DÂN
Chính quyền Quảng Bình phải chịu trách nhiệm về những tội ác với giáo dân
J.B Nguyễn Hữu Vinh, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam
28.07.2009
http://dcctvn.net/news.php?id=4554
Thông tin từ Tam Tòa, Quảng Bình những ngày qua gây nên một sự quan ngại lớn lao trong cộng đồng dân Việt. Những hành động vừa qua cho thấy dường như Quảng Bình đang muốn tiến hành một cuộc đàn áp trắng trợn với giáo dân Công giáo tại Quảng Bình nói chung, tại Tam Tòa nói riêng bất chấp sự phản đối và hậu quả của nó.
Muốn vi phạm luật pháp mà không có tội hãy làm “quần chúng tự phát”
Pháp luật quy định: Mọi người bình đẳng trước pháp luật. Vậy nhưng thời gian gần đây, một số cơ quan chính quyền Việt Nam có thêm một định nghĩa mới để giải thích cho những đối tượng có hành vi vi phạm luật pháp mà không bị trừng trị: “quần chúng tự phát”.
Người ta thấy một cách làm gần đây khá phổ biến với một số chính quyền địa phương: Để đối phó với những người Công giáo đấu tranh cho quyền lợi của mình, thường người ta sử dụng nhiều loại “quần chúng tự phát, nhân dân bức xúc” để thẳng tay tự do hành động tội ác mà không sợ bị pháp luật trừng trị và cơ quan nhà nước có thể phủi tay vô tội. Phải chăng, đây là một phương án đấu tranh cách mạng mới là biên chế xã hội đen vào thành phần cơ quan nhà nước?
Khi những đám người không biết từ đâu được huy động đến phá đền Giêrađô của Giáo xứ Thái Hà đêm 21/9/2008, bị phản đối bởi nhiều nguồn thông tin, dư luận trong và ngoài nước, chiều 22/9/2008, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp báo giải thích “đây chỉ là hành động tự phát của một số đông người dân”, cuộc họp này có mặt cả Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và quan chức Hà Nội cũng như các bộ ngành khác của trung ương. Tất cả đều ngồi nghe và không hề ai có ý kiến về những hành vi đó là vi phạm pháp luật?
Ngay cả khi một số đối tượng côn đồ kéo đổ cửa Đền Thánh Giêrađô, làm huyên náo cả khu vực Thánh thất, bệnh viện và khu dân cư lúc đêm khuya hò hét đòi giết người… mà cũng không hề hấn gì. Sau đó, theo nhiều nguồn tin cho biết thì họ còn được phát tiền?
Cũng với con bài đó, những người bao vây Tòa TGM Hà Nội, đe dọa, hò hét khi chính quyền đưa tượng Đức Mẹ sầu bi đi khỏi Tòa Khâm sứ cũng được gọi là “quần chúng tự phát”. Những người dân “tự phát” đó là ai, câu hỏi này được trả lời sau đó: “Đó là những người dân tự phát… tiền”.
Và như thế, trong bộ luật Hình sự Việt Nam chắc phải ghi vào thêm một điều: “Những hành vi vi phạm pháp luật của những người dân tự phát thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là những người dân tự phát… tiền”(?)
Khi các giáo dân đến Tam Tòa dựng ngôi lán tạm đã được lực lượng chính quyền biết và quay phim chụp hình đầy đủ. Thậm chí họ còn chủ động đến từ đầu. Nhưng rồi việc đánh đập giáo dân, cướp đi những tài sản, Thánh Giá của họ vẫn diễn ra.
Theo báo Nhân dân thì “người dân trên địa bàn hết sức bất bình phẫn nộ. Nhân dân phường Đồng Mỹ và các phường xã lân cận cùng đại diện chính quyền địa phương đã tháo dỡ căn nhà được xây dựng trái phép trong khu chứng tích”.
Đọc những dòng này, người có nhận xét tỉnh táo sẽ hỏi ngay: tại sao lực lượng công an và chính quyền đã “nắm bắt” được sự việc, nếu có sự vi phạm này, lại không làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật mà lại đánh đập giáo dân? Việc tháo dỡ do ai chủ trương, theo quyết định nào? Căn cứ vào đâu? Tháo dỡ để làm gì, đưa đi đâu? Nếu không có đủ những thủ tục cần thiết này theo quy định của pháp luật, thì đương nhiên đó là… CƯỚP.
Nếu có sự xung đột giữa giáo dân và những “người dân” trên địa bàn, lực lượng cảnh sát đứng đó để làm gì? Việc để xảy ra va chạm, xung đột là lỗi ở cảnh sát Quảng Bình không giữ được trật tự trị an cho nhân dân. Tại sao chỉ bắt mấy giáo dân và khởi tố họ trong khi bên đến cướp tài sản của giáo dân không bị xử lý?
Phải chăng chỉ vì họ là giáo dân nên mới bị bắt, còn những đối tượng kia không có tội vì là “nhân dân bức xúc”?
Những “người dân bức xúc” kia có chức năng tháo dỡ và cướp đi tài sản của giáo dân hay không? Họ được cơ quan chính quyền thuê hay thi hành nhiệm vụ? Nếu họ chỉ là dân thường, họ không thể có chức năng tháo dỡ và lấy đi những tài sản của giáo dân cho dù đó là sự vi phạm nếu có?
Nếu giáo dân có vi phạm đi nữa cũng không thể kéo đàn kéo lũ những người khác đến phá hoại kiểu xã hội đen, mà phải tuân theo các thủ tục quy định của pháp luật từ lập biên bản vi phạm đến cưỡng chế… của các cơ quan chức năng.
Rõ ràng, việc dẫn một đám người đến đàn áp giáo dân trong vụ việc này hoàn toàn sai trái với pháp luật hiện hành. Dù đó là người dân trong khu vực hay ngoài khu vực, dù dân thường hay quan chức, dù là xã hội đen hay xã hội đỏ.
Nhưng những sai trái đó đã không hề được nhắc đến, chỉ có giáo dân bị bắt, bị đánh đập, bị truy tố.
Tất cả đều là những câu hỏi mà các cơ quan chức năng Quảng Bình phải trả lời nếu họ còn công nhận có một nhà nước pháp quyền.
Người ta còn nhớ, ngay ở Tỉnh Quảng Bình nếu những vụ việc khác được chính quyền quan tâm giải quyết nhanh chóng như đàn áp giáo dân Tam Tòa, thì không có chuyện xà xẻo tiền tết của người nghèo. Nếu những “người dân bức xúc” được công nhận thì những cán bộ xà xẻo tiền tết của dân nghèo không có cơ sống sót.
Cũng nếu Quảng Bình làm việc khẩn trương, nhanh chóng như việc đàn áp giáo dân Tam Tòa, thì hẳn không có việc hàng loạt sai phạm nối tiếp sai phạm ở các dự án đầu tư như Công trình nước sạch hay dự án phòng chống sốt rét tại Quảng Bình?
Nếu như những di tích bị xâm phạm thì chính quyền và “nhân dân bức xúc” có quyền tháo dỡ không cần bất cứ thủ tục nào, cướp về nhà dùng một cách nhanh chóng như với giáo dân Tam Tòa, thì chắc ông Trưởng Văn Hóa –TTTTDL không phải kêu trời trước diễn đàn Quốc Hội về việc xâm hại các di tích. Đến ông Võ Nguyên Giáp, cũng phải kêu lên: “Tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cử đoàn thanh tra gồm đại diện chính quyền, các cơ quan chức năng và một số chuyên gia về kiểm tra tại chỗ và đề xuất giải pháp cụ thể để chấm dứt ngay việc xâm hại di tích thành Cổ Loa, phá bỏ những kiến trúc xây dựng trái với Luật Di sản văn hoá, hủy bỏ việc cấp sổ đỏ - quyền sử dụng đất trái với Luật pháp trong khu vực bảo vệ di tích cấp quốc gia..." (Trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Phải chăng, với cách làm việc tùy hứng, tùy cảm tình, bất chấp sự công bằng của pháp luật mà ở Quảng Bình đã xảy ra nhiều vụ án cười ra nước mắt đáng được đưa vào kỷ lục thế giới. Điển hình là vụ “bị đi tù khi chưa thành án” , vụ “trò sai, bắt thầy đi tù” hay vụ “tòa tuyên vô tội, Viện lại bắt giam”?
Đó là hậu quả của một chính quyền làm việc bất chấp pháp luật và trước hết là bất chấp nhân tâm. Vụ đánh đập giáo dân Tam Tòa vừa qua, cũng là hệ quả tất yếu của cách làm việc đó của chính quyền Quảng Bình khi những giáo dân bị họ phân biệt đối xử thể hiện qua những việc làm vừa qua và hiện nay.
Những động thái gần đây: Khủng bố trắng?
Với chiêu bài “nhân dân bức xúc” ngày 27/7/2009, những hành động tại Quảng Bình với giáo dân, linh mục giáo phận Vinh không chỉ làm cho người ta lo ngại, mà còn là những hành động nói lên bản chất của việc đàn áp, khủng bố người công giáo tại đây.
Ngày 26/7/2009, ba người đã tiếp tục bị bắt, trong đó có hai người có trách vụ trong việc thờ phượng của giáo xứ Tam Tòa. Những giáo dân đến sinh hoạt tôn giáo bị chặn dọc đường đánh đập, một sinh viên đến thăm hỏi thân nhân cũng bị bắt. Ngày 27/7/2009, hai linh mục đến giải quyết vấn đề tại đây bị đánh trọng thương trước sự chứng kiến của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Quảng Bình, trong đó có một đại diện của Tòa GMGP Vinh sau khi gặp Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Việc một Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đến làm việc với đại diện Tòa Giám mục GP Vinh sau đó bỏ về để mặc bọn người khác tấn công khách đến trọng thương ngay trên địa bàn mình quản lý dù đã được báo động, cầu cứu đã nói lên điều gì? Phải chăng việc này có ý đồ từ trước? Có phải văn hóa ứng xử của nhà lãnh đạo tỉnh này chỉ có đến thế? Trách nhiệm của ông ta ở đâu?
Những giáo dân đến gần khu vực Nhà thờ Tam Tòa bị tấn công trọng thương, ai ra lệnh? Những nhóm xã hội đen đón đánh giáo dân dọc đường đi lễ theo lệnh của ai? Ai đã dung túng những hành động trái pháp luật ngang nhiên diễn ra này? Phải chăng, đây là những “nhân dân tự phát” nên không có ai quản lý và nằm ngoài vòng pháp luật? Những giáo dân không có chỗ thờ tự khi bị chiếm đoạt nhà thờ vô cớ thì có được công nhận là nhân dân bức xúc không?
Điều đó nói lên tình trạng gì ở đây? Ai chịu trách nhiệm về những hành động đó?
Chính quyền Quảng Bình phải chịu trách nhiệm
Chính quyền được sinh ra để bảo vệ người dân, bảo đảm an ninh đời sống nhân dân và trật tự xã hội theo pháp luật quy định. Nhân dân góp tiền để nuôi bộ máy này.
Vậy khi những hành động trái pháp luật ngang nhiên diễn ra mà chính quyền không can thiệp để gây hậu quả lớn lao cho nhân dân, gây mất ổn định xã hội, thì chính quyền phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai khác. Dù lực lượng gây ra tội ác đó là ai, là đối tượng nào đi nữa, thì chính quyền cũng không được phép để họ ngang nhiên vi phạm pháp luật đánh đập, tàn sát người khác một cách cố ý. Đó hiển nhiên là trách nhiệm của chính quyền và bộ máy an ninh ở đây.
Việc vi phạm đến thân thể, danh dự công dân là vi phạm đến Luật Hình sự. Pháp luật bảo hộ quyền tự do thân thể, tự do đi lại của người dân. Việc đánh đập các giáo dân, thậm chí linh mục, tu sĩ, chức sắc của Giáo hội Công giáo là những hành động không thể chấp nhận được. Việc này xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của nhiều người, của lực lượng công an và chính quyền mà những kẻ gây ra tội ác không bị trừng trị thì đó chính là sự dung túng, phân biệt, kỳ thị tôn giáo không thể nói gì hơn..
Chính quyền Quảng Bình, những người đứng đầu cơ quan nhà nước địa phương này phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Đừng lập lờ đánh lận con đen
Trên các báo chí VN, người ta đưa ra những luận điệu lập lờ về “biên bản ghi nhớ” nào đó giữa TGM GP Vinh và tỉnh Quảng Bình về Nhà thờ Tam Tòa, những luận điệu này đã bị vạch trần. Khi chính quyền Quảng Bình ngang nhiên lấy Nhà thờ Tam Tòa của Giáo hội Công giáo mà không được sự đồng ý, thì đương nhiên là sai trái và quyết định đó không thể có hiệu lực.
Khi có sự thỏa thuận nào đó, mà sự thỏa thuận đó chưa được thực hiện xong, thì đương nhiên sự thỏa thuận chưa thành, không thể vì thế mà lấy nhà thờ của giáo dân, giáo hội cách ngang nhiên mà mình thì chỉ hứa, gây khó khăn cho đối tượng, đó là cách làm việc cửa quyền và hách dịch, coi thường nhân dân. Điều này không khác gì viêc vừa trao đổi vừa xin đểu.
Và vì thế, đất đai, nhà thờ vẫn thuộc chủ quyền của Giáo dân và Giáo hội công giáo.
Đã có nhiều cách lập luận biện hộ cho việc làm sai trái này của chính quyền Quảng Bình, nhưng tất cả đều không dựa trên luật pháp và biện hộ theo kiểu nói lấy được, “nói theo nghị quyết”, cả vú lấp miệng em, bất chấp sự thật. Những cách biện hộ đó dù công phu bao nhiêu, cũng chẳng lừa bịp được ai có đầu óc quan sát và nhận thức.
Thậm chí, trên báo Nhân dân còn nói rằng: “tuyệt đại bộ phận giáo dân Tam Toà đã bỏ quê hương vào Nam sinh sống” Vậy có nghĩa là Tam Tòa trở thành của vô chủ và ai muốn lấy thì lấy? Và vì thế chính quyền Quảng Bình lấy Nhà thờ của giáo dân Tam Tòa không cần ý kiến của ai?
Xin thưa, dù là tuyệt đại đa số, thì cũng không có nghĩa là tất cả. Giáo xứ Tam Tòa vẫn là Tam Tòa, Nhà thờ Tam Tòa vẫn là của Giáo hội Công giáo. Đây là sự lập luận phi lý đến buồn cười của báo chí VN. Giả sử các tác giả bài báo này có một ngôi nhà và tài sản, khi dịch cúm H1N1 đến nhà họ tuyệt đại đa số bị chết, chỉ còn một chú bé, thì tài sản đó thuộc về ông hàng xóm có được không? Tôi tin là tác giả bài báo này dù có chết rồi cũng đội mồ sống lại mà đi kiện đòi tài sản cho con cái hoặc họ hàng của anh ta.
Huống chi cũng chính tờ báo này công nhận: “Theo thống kê toàn thành phố chỉ có 99 hộ giáo dân với 261 nhân khẩu. Riêng địa bàn phường Đồng Mỹ chỉ có vài hộ giáo dân, nhưng từ nơi khác chuyển đến đến sinh sống”. Vậy với cách lý luận này, 99 hộ giáo dân kia bị tước quyền sinh hoạt tôn giáo từ bao giờ? Ai ra quyết định tước quyền tự do tín ngưỡng và tài sản tín ngưỡng, tôn giáo của họ? Chính trong công văn của UBND tỉnh Quảng Bình gửi Tòa GM GP Vinh đã nói rõ: “Đã cho phép giáo dân Thành phố Đồng Hới sinh hoạt giáo điểm tại nhà ông Trần Công Lý, 58 Nguyễn Du, TP Đồng Hới”. Nghĩa là ở Tam Tòa vẫn có giáo dân. Chưa cần nói đến khía cạnh buồn cười là giáo dân đã có nhà thờ nay lại được ơn mưa móc của chính quyền “cho phép sinh hoạt” ngay nhà dân?
Chắc tác giả và ban biên tập tờ báo này cố tình bỏ quên? Họ cố quên rằng dù là một người, thì quyền công dân của họ vẫn phải đảm bảo, luật pháp vẫn phải bảo vệ họ chứ không phải là hàng trăm con người mà vẫn không được tôn trọng.
Một luận điệu thường thấy trên các văn bản, báo chí dùng để biện hộ cho những việc làm trái khoáy của các cơ quan chính quyền rằng: “Đây là ý nguyện của nhân dân (!)”. Phải chăng, cách đổ lỗi cho nhân dân là thượng sách khi các cơ quan cụ thể không muốn chịu trách nhiệm?
Trên tờ Nhân dân, luận điệu này được lặp lại: “thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân Đồng Hới, ngày 26-2-1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định số 143/QĐ-UB, công nhận Di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh: Chứng tích tội ác chiến tranh Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa”.
Người ta không hiểu nguyện vọng của “đông đảo nhân dân” là nguyện vọng nào? được phản ánh bởi đâu? Bằng một cuộc trưng cầu dân ý hay bằng một quyết định độc quyền từ một cơ quan nào đó? Tại sao không trưng ra bằng chứng cái nguyện vọng của đông đảo nhân dân đó? Biết đâu đó lại là “giữ nguyên Thị xã Đồng Hới hoang tàn, bình địa để làm chứng tích tội ác Đế quốc Mỹ cho cả thế giới biết” chứ không chỉ riêng Nhà thờ Tam Tòa? Rõ ràng là tờ báo này chỉ cố nói lấy được, bất chấp luật pháp và sự thật là Nhà thờ Tam Tòa vẫn là của giáo hội Công giáo, chưa hề cho, đổi, bán, tặng cho bất cứ một ai.
Và cái “đông đảo nhân dân Đồng Hới” này là những ai? Phải chăng là những khu nhà bên kia con đường sát tháp nhà thờ? Những giáo dân thuộc thành phần “không đông đảo” nhưng tài sản là của họ, thì được ý kiến gì không? Hay đây cũng là cách làm lấy thịt đè người về tôn giáo như cách ở Sơn La đã làm khi họp tổ dân phố để quyết định không cho vài gia đình giáo dân sinh hoạt tôn giáo?
Tất cả những câu hỏi trên đều là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng những câu hỏi đó hoàn toàn là những yêu cầu cần có về cách hành xử và thực hiện trong một nhà nước pháp quyền và một xã hội văn minh.
Thực ra, với bất cứ cách nói, cách làm nào không dựa trên sự thật, công lý, thì đều dẫn đến những mâu thuẫn nội tại và bộc lộ ra ngoài. Cha ông thường nói: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng” là vậy.
Trước những biến cố đau thương đang diễn ra với giáo dân và Giáo hội Công giáo ở Quảng Bình, tất cả mọi người được báo động, sự vi phạm pháp luật, coi thường nhân dân, xâm phạm thân thể người khác, kỳ thị tôn giáo là đang diễn ra trắng trợn.
Không thể chấp nhận một xã hội, mội đời sống lấy bạo lực làm đầu, dù nó có là cốt lõi của lý thuyết nào đi nữa. Muốn xây dựng một đất nước thống nhất, đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp, một xã hội văn minh hòa nhập với cộng đồng thế giới, thì những hành động ngang ngược trên cần được lên án kịp thời, những sự vi phạm pháp luật nói trên cần loại bỏ ngay khỏi đời sống xã hội.
Tu sĩ bị đánh đập và nhiều cuộc biểu tình của giáo dân diễn ra khắp Việt Nam
Death threats against believers in Dong Hoi, as the police arrest a Catholic
J.B. An Dang, AsiaNews.It
http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=15896&size=A
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ
28.07.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2020
Hàng nghìn tín đồ đã tổ chức biểu tình và cầu nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tu sĩ bị đánh đến hôn mê và bị xô từ lầu hai của một bệnh viện. Vài người khác bị đánh đập nặng nề trong khi có 30 công an chỉ đứng quan sát. Giáo phận Vinh đã công khai lên án vụ xô xát này
Hà Nội-Hai tu sĩ đang trong tình trạng nguy hiểm sau khi bị công an và bọn côn đồ đánh đập dã man trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những cuộc biểu tình tổ chức vào ngày 26 tháng 7 tại Vinh (cách Hà Nội 300km về phía nam). Các cuộc biểu tình này được tổ chức nhằm đòi hỏi công lý trước việc dùng bạo lực chống lại cộng đồng người công giáo tại giáo sứ Tam Hòa. Sau khi loan báo tin tức về tình trạng của các tu sĩ, một loạt các cuộc biểu tình mới đã được tổ chức tại nhiều thành phố ở Việt Nam.
Tối hôm qua, văn phòng giáo phận Vinh đã ra thông báo phản đối công an và nhóm côn đồ do công an chỉ đạo tấn công hai tu sĩ. Tình trạng của Cha Paul Nguyễn Đình Phú và Cha Peter Nguyễn Thế Bình là rất nghiêm trọng. Cả hai đã được đưa vào bệnh viện ở Đồng Hới, Cha Paul Nguyễn Đình Phú bị gãy xương và chấn thương đầu trong khi Cha Peter Nguyễn Thế Bình bị đánh đến hôn mê và bị xô từ tầng 2 của tòa nhà.
Tuyên bố của giáo phận cũng phản đối việc công an và côn đồ tấn công bất kỳ ai dám mặc biểu tượng Thiên Chúa Giáo. Trong một vụ xô xát khác, bọn công đồ đã đánh đập dã man chị Nguyễn Thị Yến và đứa con 9 tuổi của chị.
Sáng ngày 26 tháng 7, Cha Nguyễn Đình Phú, mục sư của Du Lộc, bị một nhóm công an mặc thường phục tấn công khi ông đang đi đến giáo xứ Tam Hòa để tổ chức tưởng niệm tập thể với 5 tu sĩ khác của giáo phận Trooc. Vụ tụ tập bắt đầu bằng một cuộc biểu tình hòa bình phản đối việc nhiều tín đồ giáo xứ Tam Hòa bị đánh đập trong khi đang sửa chữa một nhà thờ bị hư hại, 7 tín đồ đã bị bắt giữ.
Sự kiện này thu hút 170 tu sĩ, 420 tín đồ và khoảng 500 giáo dân tại giáo phận Vinh và các giáo phận lân cận, rải rác từ 19 sở hạt. Khi đi đến Tam Hòa, 3 phụ nữ đã bị một nhóm người tấn công. Cha Paul Nguyễn đã cố gắng can thiệp bảo vệ nhưng “trước khi tôi có thể nói được lời nào thì họ đã để người phụ nữ qua một bên, quay sang tôi và đánh tôi dã man sau khi nhận ra tôi là một tu sĩ. Có ít nhất 30 công an mặc đồng phục bên cạnh đứng nhìn một cách thờ ơ khi tôi bị tấn công”, ông nói.
Vụ đánh đập đã làm ông bị gãy xương và chấn thương ở đầu và mặt. Ông đã được một nhóm tín đồ giải cứu và đưa đến bệnh viện. Sau đó, bọn côn đồ trước đó đánh ông đã đến bao quay bệnh viện, chúng được trang bị dùi cui và các hung khí khác.
Văn phòng giáo phận Vinh ngay lặp tức đưa ra phản đối công khai đến Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình và yêu cầu Cha Peter Nguyễn Thế Bình, mục sư giáo phận giáo xứ Hà Lợi bên cạnh, đến thăm Cha Paul Nguyễn, cùng đi với ông là Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Trần Công Thuật. Khi đến bệnh viện thì ôngThuật đã bỏ đi. Một nhóm côn đồ trang bị hung khí đánh đập tàn bạo vị linh mục đang nằm một mình đến bất tỉnh sau, sau đó xô ông xuống khỏi lầu 2 bệnh viện.
Tin tức về vụ tấn công hai tu sĩ và những tín đồ khác đã tạo ra một vụ biểu tình mới. Tối hôm qua, tại thành phố Hồ Chí Minh hơn hai nghìn người đã tụ tập cầu nguyện tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế yêu cầu chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt khủng bố Giáo hội.
Gần như cùng lúc với buổi cầu nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh, những cuộc tụ tập khác cũng được tổ chức tại Dòng Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội, thu hút hàng nghìn tín đồ tham dự. Vào buổi tối tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình hàng nghìn giáo dân đã tuần hành trên đường phố, cầu nguyện và yêu cầu thả 7 tín đồ đã bị bắt giữ tại Tam Hòa tuần trước.
Cha Võ Thành Tâm, thư ký trường tu sĩ tại giáo phận Vinh, đã lên án sự tàn bạo của công an tại tỉnh Quảng Bình nhưng ông tán dương việc công an Vinh cho phép các tín đồ tuần hành hòa bình vào tối qua.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment