Monday, July 27, 2009
RA MẮT HAI TÁC PHẨM của NGUYỄN THANH GIANG và TRẦN KHẢI THANH THUỶ
Ra mắt hai tác phẩm của Nguyễn Thanh Giang và Trần Khải Thanh Thủy
Nguyên Huy/Người Việt
Friday, July 24, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=98632&z=3
Hình trên: Nhà biên khảo Ðỗ Thông Minh, giám đốc nhà xuất bản Tân Văn-Ðông Kinh được các nữ nhân vật đấu tranh ở Nam California đến phụ giúp việc bán những cuốn sách viết bởi các nhà tranh đấu kiên cường trong nước. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98632-medium_NVHN-090726-DoThongMinh%201.jpg
Hình dưới: Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đang điểm cuốn sách “Giữa Ðông và Tây” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang do nhà xuất bản Tân Văn-Ðông Kinh ấn hành. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98632-medium_NVHN-090726-DoThongMinh%202.jpg
WESTMINSTER (NV) - Chiều hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Bảy, tại nhật báo Viễn Ðông, nhà xuất bản Tân Văn-Ðông Kinh của nhà biên khảo Ðỗ Thông Minh đã tổ chức ra mắt hai cuốn sách của các nhà văn, trí thức đấu tranh ở trong nước. Ðó là cuốn “Giữa Ðông và Tây” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang và “Ðố Ai Không Cười??? Ở Tù Cộng Sản” của Trần Khải Thanh Thủy.
Ðây không phải là lần đầu nhà biên khảo Ðỗ Thông Minh giới thiệu sách của nhà xuất bản Tân Văn đến cộng đồng người Việt ở California, kể cả những sách do các nhà văn, các nhà tranh đấu ở trong nước viết nhưng đã không được in, phổ biến ở trong nước mà là thường xuyên, mỗi khi nhà xuất bản Tân Văn có sách liên quan đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, chủ nhiệm chủ bút tuần báo Thời Luận tại Nam California trước khi giới thiệu sách đã tâm tình rằng trong buổi sinh hoạt này ông không “Thưa quí vị” mà xin được “Thưa quí bạn” vì lý do rằng “Chúng ta là bạn, vì cho dù khác khuynh hướng, khác tổ chức nhưng mục tiêu chung của chúng ta vẫn là một, đó là giải phóng tổ quốc khỏi họa Cộng Sản.”
Phải chăng người giới thiệu sách Ðỗ Tiến Ðức đã nhắc nhở rằng công cuộc tranh đấu chống Cộng Sản hiện nay của dân tộc, thì người ở trong nước cũng như ở ngoài nước đều phải có những nhiệm vụ như nhau. Và với người ở ngoài nước còn phải thêm một nhiệm vụ nữa là hỗ trợ cho tất cả những tiếng nói, công cuộc tranh đấu chống Cộng Sản ở trong nước để mau chóng đưa đất nước ra khỏi họa Cộng Sản.
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đã kể đến “hơn 10 năm qua, là người trí thức đau cái đau của dân tộc, ông (Nguyễn Thanh Giang) đi vào con đường đấu tranh, để rồi bị (Cộng Sản) trù dập dã man... Ông được coi là một trong những trụ cột của phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay.”
Về nội dung sách, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức không đi sâu vào 29 bài viết của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang được in trong sách dầy trên 400 trang của nhà Tân Văn-Ðông Kinh, mà người điểm sách đã đưa ra những nhận định khái quát về tư tưởng, ý kiến của Nguyễn Thanh Giang về tình hình đất nước, về khuynh hướng theo Ðông, được hiểu là Trung Cộng hay theo Tây, được hiểu là Hoa Kỳ.
Người điểm sách cho rằng “Ðông không còn là Ðông và Tây không còn là Tây rặt, tất cả đều đã lai hết. Như thế chúng ta chẳng cần nhìn sang phương Tây và lấy Mỹ làm chuẩn cho Việt Nam đi tới. Chúng ta cứ kêu gọi người Việt Nam hãy theo kịp những nước láng giềng của chúng ta, thậm chí theo cả đàn em Căm Bốt của chúng ta cũng được, nghĩa là người Việt Nam văn hiến hãy được hưởng những quyền tự do như người Căm Bốt, người Thái, người Singapore, người Nam Dương. Nếu được quyền sống như người của phương Ðông là người Nhật, người Nam Hàn thì... quí quá.”
Và sau cùng người điểm sách Ðỗ Tiến Ðức đã nhắc đến những biến đổi tư tưởng của quân cán chính Cộng Sản theo thời gian, qua những công an bộ đội coi tù và người điểm sách đã thốt lên rằng, “Phải chi các anh các chị ở miền Bắc hiểu Cộng Sản sớm hơn, để nếu không bóp chết được chúng lúc còn đang trứng nước thì cũng không nuôi chúng thành ác quỉ Phạm Nhan, cứ chặt đầu này lại mọc đầu khác.”
Tuy nhiên nhà văn Ðỗ Tiến Ðức cũng hy vọng rằng với phương thuốc cổ truyền “Trong uống (người trong nước nhận chịu thuốc đắng dã tật), ngoài xoa (người ngoài nước hỗ trợ)” thì ngày hội ngộ dân tộc cũng không còn chỉ là một mong ước nữa.
Qua phần giới thiệu về cuốn sách “Ðố Ai Không Cười” của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn Chu Tất Tiến đã vắn tắt nói đến lối văn giản dị trong tác phẩm này để diễn tả một nội dung thật phong phú qua sự chiến đấu cô đơn của một người phụ nữ can trường trong một xã hội hoang dã, thú vật.
“Ðố Ai Không Cười” của Trần Khải Thanh Thủy dầy trên 400 trang kể về những mẩu chuyện vui trong tù giữa hai nữ tù nhân mà chuyện nào thì cũng thể hiện được một khía cạnh phản dân hại nước, độc tài toàn trị, sa đọa vô luân của cái đảng và những con người ngu đần lại luôn vỗ ngực là “đỉnh cao trí tuệ loài người.”
Ðọc Trần Khải Thanh Thủy mới thấy được cái “vi diệu” của ngôn ngữ Việt Nam dưới dạng nói lái. Hầu như không một danh từ kép nào trong ngôn ngữ Việt mà lại không có cái “phản diện” mà tài năng khám phá của tác giả Thanh Thủy với nỗi “bức xúc” tận cùng chế độ Cộng Sản, nên tác giả đã khai thác được thật tự nhiên đọc lên rất thích thú.
Cũng chính vì thế mà giới cầm quyền lớn nhỏ Cộng Sản đã tức điên lên mà trả thù tác giả bằng tất cả mọi phương cách, kể cả những cách đê hèn nhất với Trần Khải Thanh Thủy.
Buổi ra mắt sách cũng được hai tác giả tiếp xúc với người đến tham dự qua hai cuộc điện thoại viễn liên từ Việt Nam.
Quí độc giả muốn có sách xin liên lạc với nhà xuất bản Tân Văn-Ðông Kinh http://www.mekong-center.net hay với đại diện phát hành là nhà sách Tự Lực, điện thoại: (714) 531.5290 hay http://www.tulucmall.com. (N.H)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment