Wednesday, October 29, 2008

TRUNG HOA : RUỘNG VẪN CHƯA VỀ TAY NGƯỜI CÀY

Cải cách ruộng đất tại Trung Hoa:
Ruộng vẫn chưa về tay người cày!
The Economist
Đăng ngày 29/10/2008 lúc 04:40:03 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3218

Chưa xử lí dứt điểm đối với một vấn đề nóng bỏng của khối một phần tám cư dân thế giới

Đang buổi kinh tế tuột dốc không phanh, tuần này bỗng le lói một tin vui vui. Rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa công bố dự án tăng gấp đôi thu nhập sử dụng của 750 triệu cư dân nông thôn từ nay đến năm 2020. Một trong số các biện pháp thực hiện là việc cải cách ruộng đất. Bộ máy tuyên truyền nức nở ca ngợi đây là một quyết định có tính “bước ngoặt”, lại còn sánh ngang với một biến cố lớn mà đảng “ta” đang sửa soạn kỉ niệm trọng thể: đánh dấu ba mươi năm mở đầu công cuộc đổi mới qua sự kiện Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền lực vào năm 1978. Buồn thay, nghe thì hay ho lắm nhưng chờ mỏi mắt cũng chẳng thấy xơ múi gì. Cũng lại như mọi lần, khi đảng ta tung ra nghị quyết mà dân ta chờ mòn mắt, thì có nhiều sự kiện mang tính “đột phá” thật ra đã diễn ra trong thực tế rồi và nhiều vấn đề khó khăn đã được tháo gỡ rồi. Cải cách thực sự chỉ là phần nhỏ thôi.

Tuy vậy, ít ra nghị quyết này cũng nhắm đúng mục tiêu: những chướng ngại đã cản trở nông dân trong chuyện chuyển nhượng đất đai, và gầy dựng to lớn thêm lên, kinh tế hơn, chiếm hữu đất đai từ cơ sở những mẩu đất con con phân phát cho các hộ gia đình từ sau khi giải thể các công xã. Những chướng ngại nói trên đã từng làm nghèo năng suất, thu nhập và tính năng động xã hội vùng nông thôn, và góp phần làm gia tăng hố cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Giỡ bỏ được những vật cản này sẽ giúp tạo đà cho kinh tế Trung Quốc nhảy vọt. Đem mô thức kinh tế thị trường vào lĩnh vực đất nông nghiệp cũng sẽ góp phần giảm thiểu một trong số các yếu tố gây căng thẳng xã hội tại Trung Quốc: chính quyền địa phương trưng thu đất đai của nông dân với mức đền bù nếu có cũng chỉ rẻ mạt. Năm nào cũng hàng chục nghìn vụ nổi dậy của những nông dân phản kháng vì bị tước đoạt đất đai.

Thành thị Trung Quốc đã nêu được gương tốt. Ở đó thị trường nhà cửa đã từng được tư hữu hoá cả chục năm nay rồi. Đã đành đất là do nhà nước quản lí, nhưng nay đã được sang nhượng dễ dàng qua hình thức hợp đồng dài hạn. Sự bùng phát sở hữu nhà cửa là yếu tố to lớn của sự vươn dậy một tầng lớp trung lưu giàu có –nay đang phải đánh vật với nỗi kinh hoàng của thị trường đang suy thoái.

Chương trình mới hứa hẹn một điều tương tự cho nông thôn. Nó cho phép nông dân “cho thuê hợp đồng đất canh tác hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai”. Kể từ ngày xoá bỏ hợp tác hoá và ông Đặng cho tiến hành kế hoạch”hệ thống trách nhiệm hợp đồng gia đình”, đất nông thôntrở thành sở hữu gia đình cá thể. Tuy vậy nó vẫn là sở hữu “tập thể”. Nông dân được phép kí hợp đồng 30 năm, hoặc quyền sử dụng đất, nay thì đảng ta hứa hẹn cho phép chuyển nhượng thoải mái. Nói thế chứ trên thự tế chuyện đó đã được luật pháp cho phép và đã thực thi từ nhiêu năm nay rồi.

Trong nghị quyết “mới” không thấy nói công nhiên, nhưng một quan chức cấp cao đã từng bảo là hợp đồng có thể dài hơn thời hạn 30 năm. Tuy vậy, hạn kì hợp đồng ngắn ngủi mà nông dân phải nhận chịu –nếu họ may mắn cư ngụ tại địa phương có viên chức sở tại biết điều mà trao hợp đồng cho- chỉ là một phần của vấn đề. Đảng ta vẫn không gỡ bỏ lệnh cấm nông dân thế chấp đất và nhà. Có nghĩa là nông dân vẫn khó có thể xoay vốn làm ăn. Nó cũng không giải quyết một vấn đề nổi cộm nhất: sở hữu “tập thể”, mà đảng dứt khoát không thay đổi luật. Điều này phát xuất một phần nào từ nỗi lo sợ sẽ xảy ra chuyện sở hữu đất đai bán chính thức, làm lu mờ mất dấu ấn của truyền thống đảng cộng sản.

Trên lí thuyết, (sở hữu) tập thể là gì còn khá mơ hồ; trên thực tế thì có vẻ bớt hơn. Nó thường hàm nghĩa là một dúm người được quan chức cán bộ đảng tại địa phương vơ quyền sở hữu về cho mình. Chính bọn này ra mặt thương lượng hợp đồng, xà xẻo một phần tiền bỏ túi riêng, và lừa gạt nông dân nào dám phản kháng. Ngoài việc giữ riêng phần lợi cho mình, chương trình mới này cũng cho phép bọn họ hạn chế tối đa sự chuyển nhượng đất chưa canh tác. Viện lẽ phải đảm bảo “an toàn lương thực”, Trung Quốc đã hạn định một phần đất tối thiểu cho quốc gia –khoảng 120 triệu mẫu tây, dưới hạn mức hiện tại khá xa.

Chuyện xưa, chuyện nay

Đối với đất không canh tác đưa vào “xây dựng”, chương trình mới có đề ra vài hướng mới. Đây là sự triển khai thể nghiệm trước tại tỉnh Quảng Đông, cho phép chuyển nhượng đất không cần thông qua nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân vẫn chỉ là những con tin trong tay của tập thể nấp sau mấy bộ mặt nhân sự bẩn thỉu. Cần phải cải tổ triệt để thì mới có thể giải quyết được vấn đề: phải định nghĩa rõ ràng thế nào là tập thể, và công khai hoá các vị trí quyền lực cao tại địa phương như chức bí thư cấp uỷ, phải tiến hành bầu cử thật sự, có được ứng viên ngoài đảng càng tốt.

Đáng tiếc là những cải tổ như thế chưa thấy đặt ra; mà thiếu vắng điều này thì những cải tổ do đảng đề ra trong việc cải cách ruộng đất sẽ còn nhì nhằng. Nói thế, nhưng ôn lại chuyện cải cách ruộng đất trong khoảng thời gian 30 năm qua, có điều đáng ghi nhận là kế hoạch này tiến hành từng bước nhỏ chứ không theo lối nhảy vọt, và thường có kiểm nghiệm kĩ. Mượn lại một khẩu hiệu cũ từ quan điểm từ thời Mao về “sở hữu toàn dân”, chắc là đảng đang muốn gieo trồng những hạt giống mới để chuyển hoá nông thôn mà họ hứa hẹn.

Nguồn:
The Economist, ngày 23/10/2008.
Xuyến Như chuyển ngữ.

No comments: