Trong Nước Của "Bác Hồ"
"In the country of Uncle Ho"
Lorenzo Fazzini
tập san Chiesa- Ý, ngày 23/10/2008
Đồng Nhân dịch
(LÊN MẠNG Thứ ba 28, Tháng Mười 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4879
Vị Giám Mục người Việt Nam nhún vai một cách chán nản và bảo tôi: "Anh không biết gì về người Cộng Sản đâu. Nếu tôi nói toạc ra hết mọi chuyện, ngày mai họ sẽ kéo đến bắt tôi bỏ tù liền", cũng là vì trong một quốc gia mà đảng chính là Chúa theo kiểu Sô Viết thì việc bị bắt bỏ tù vì tín ngưỡng lại là một chọn lựa thực tế mà thôi.
Nói theo ngôn ngữ ngoại giao thì Hồng Y JB Phạm Minh Mẫn, tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh phải công nhận là "tình trạng rất khó khăn". Chữ nghĩa của ông đã diễn tả được những gì cần thiết để gợi ra một sự hư cấu về sự "tự do" tôn giáo đang nghiền nát giáo hội Việt Nam. "Giáo hội được tự do, nhưng không được quyền để có tự do". Vị Hồng Y nói thế trong lúc mở cửa cho tôi vào trong toà Giám Mục gần nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm thành phố. Trước toà Giám Mục, ngay mặt tiền của dinh tổng thống miền Nam trước đây thấy có trương một biểu ngữ sơn chữ đỏ: "Đảng (CS) chính phủ và nhân dân quận 5 học tập và noi gương bác Hồ", với hình "cha già dân tộc" đang cười với chòm râu bạc phơ.
Giáo dân Công Giáo chiếm 8% trong tổng số 84 triệu người Việt Nam, và Giáo hội được hưởng những đặc quyền về xã hội so với cả những người không thuộc Ky Tô giáo, nhưng kể từ cuối hè năm ngoái thì sự căng thẳng đã đi quá mức. Đối tượng của sự tranh chấp là vài miếng đất, cơ sở và kiến trúc trước đây thuộc về Giáo Hội nhưng bị chính quyền Việt Minh trưng thu sau khi nắm quyền ở Hà Nội tại miền Bắc năm 1954. Việc trưng thu này lại được lập đi lập lại sau năm 1975 ở miền Nam, sau khi chiếm đóng Sài Gòn nay họ gọi là thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản này Giáo Hội đang đòi lại, trên một đất nước đã bắt đầu cuộc giái phóng kinh tế năm 2006 khi gia nhập vào tổ chức Mậu Dịch Quốc tế (WHO).
Đã có trên 10 năm - cho đến giữa thập kỷ 1980 - người CS đã đóng cửa nhiều nhà thờ Công Giáo. Nhà nguyện viện Đại Học Đà Lạt, trung tâm giáo dục lớn bậc nhì của cả nước, đã phải chịu trải qua một sự chuyển đổi đơn phương: cây thánh giá ngày trước được dựng lên chỗ tháp chuông bây giờ đã được dùng để trưng bày một ngôi sao theo kiểu Sô Viết. Các chủng viện bỗng trở thành cơ sở của nhà nước. Ở ngoài cô đô Huế, tiểu chủng viện nơi Phan-Xi-Cô Xavier Nguyễn Văn Thuận - vị hồng Y tương lai, người đã bị giam cầm suốt 13 năm và bị bách hại vì tín ngưỡng- từng học tập tại đó, đã trở thành một hotel sang trọng bậc nhất. Dòng Camelo Hà Nội - nơi chị thánh Teresa của thành Lisieux từng mơ ước được đến làm công tác truyền giáo đã biến thành một bệnh viện. Một nhà thờ cách toà Đại sứ Ý tại thủ đô vài bước chân cũng đã bị biến thành một nhà kho chứa đồ.
Trước những thí dụ trơ trẽn của nạn tham nhũng khi đất đai tài sản được bán cho nhà nước hoặc tư nhân để đối chác lấy những khoản hối lộ đáng kể cho cán bộ nhà nước, người Công Giáo đã xuống đường. Họ xuống đường để cầu nguyện, như đã giải thích thế cho Hội Đồng Giám Mục VN (HDGMVN), nơi đại diện cho các giám mục của 27 giáo phận trên cả nước. Giáo hội đòi hỏi phải bồi hoàn cho họ những tài sản mà bây giờ họ cần hơn lúc nào hết, để có thể phục vụ cho số giáo dân đang càng ngày càng trở nên đông đảo hơn. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh hằng năm đã có đến 9000 người được rửa tội. Giáo dân và các linh mục đang nêu ra thắc mắc đơn giản: Tại sao ở VN nơi hằng năm với mức tăng trưởng kinh tế là 8%, với những dự án đầu tư của các công ty Nhật và Yankee (Mỹ), với những toà nhà chọc trời mọc lên như nấm chen lẫn với các hotel sang trọng như thế (trong vùng biển Nha Trang chung quanh toà Giám Mục bị bao vây bởi hai Hilton hotel ở bên phải và hai toà nhà theo lối kiến trúc vị lai về bên trái), giáo hội lại không được quyền đòi lại tài sản đã bị cưỡng chiếm 30 năm trước?
Vào trung tuần tháng Tám, các giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế, ngoại thành Hà Nội đã bắt đầu cuộc biểu tình ôn hoà. Tại nơi đây một công ty quốc doanh muốn xây một con lộ bắc ngang thửa đất 14000 mét vuông của giáo xứ mà chính quyền cho là Dòng Chúa Cứu Thế đã hiến tặng cho nhà nước từ thập niên 1970. Công an sau đó đã nhập cuộc, đem theo dùi cui và hơi cay vào để khống chế các cụ già và trẻ em. Sáu người đã bị bắt trong vụ này. Tại sao thế nhỉ?
"Vì họ đã tham dự cầu nguyện ôn hoà. Đây thật là một sự vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được. Việc này cần phải được viết và nói ra cho toàn thế giới cùng được biết". Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, mới nhậm chức chỉ hơn 3 năm, đã không sợ sệt khi lên án những gì xảy ra cho Thái Hà, và không chỉ như thế, ông bây giờ đang ở trung tâm của trận bão, thứ nhất là vì dứng hẳn vào hàng ngũ giáo dân tại Dòng CCT, rồi lại dẫn đầu những cuộc biểu tình bất bạo động lớn nhất tại Hà Nội kể từ năm 1954.
Vào ngày 21 tháng 9, cả 10 ngàn người tụ tập để cầu nguyện trong khu vườn của Toà Khâm Sứ cũ, ngay bên cạnh toà Giám Mục Hà Nội, trong khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. Cuộc biểu tình là để đáp lại sự kiện sau 9 tháng điều đình với lãnh đạo thủ đô, bỗng hai ngày trước đó giữa đêm hôm, không hề được báo trước, xe cơ giới và công nhân xây dựng đã được công an và quân đội tháp tùng để điều động đến khu vực toà Khâm Sứ để bắt đầu công trình xây cất một công viên.
Lãnh đạo Giáo Hội VN đã khiếu nại, như sau: "Họ không hề thông báo gì chúng tôi biết cả. Họ đơn phương hành động, tự động bỏ ngang cuộc đối thoại mà chúng tôi đang tiến hành cả mất tháng nay" Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã làm tăng nhiệt khi tuyên bố như thế: "Tôi công khai lập lại chủ trương của Giáo Hội là đối thoại dựa trên nền tảng của sự thật, công lý và lòng bác ái. Nhưng đối thoại này rất khó lòng thực hiện vì từ ngữ ’đối thoại’ không có trong tự điển của người Cộng Sản, từ ngữ ’đoàn kết’ cũng không hề có"
Hiện giờ các cuộc biểu tình đã bị ngưng lại, công trình xây dựng cũng thế. Nhưng trong lúc đó Tổng Giám Mục Kiệt đã phải sống trong tình trạng bị giám sát đặc biệt suốt mấy tuần lễ. Đến thăm ông bây giờ có nghĩa là phải vượt qua mấy chặng thu âm lén, máy thu hình, chụp hình được đặt khắp nơi trong toà Giám Mục để nhận diện những ai đến gặp ông. Mãi đến tuần lễ đầu tháng Mười vị Giám Mục 56 tuổi - người từng được thụ huấn tại Học Viện Công Giáo Paris và là vị lãnh đạo hai giáo phận miền Bắc nơi sự kềm kẹp của chủ nghĩa CS đã làm số giáo dân sa sút còn có 6 ngàn người - mới thấy xuất hiện trước công chúng. Để được tham dự lễ tấn phong giám mục Bắc Ninh, một nơi nằm cách thủ đô 60 km về hướng Bắc, giáo dân đã phải chen nhau đến gặp để biểu lộ sự hiệp thông với hành động can đảm của ông cho tự do của Giáo Hội.
Thật ra, một câu hỏi đơn giản có tính cách xây dựng, theo thực tế, là ở chỗ sao lại có hành động đàn áp Giáo Hội. Một vài tiếng nói của lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo VN đã đưa ra những tranh cãi rất hùng hồn về lý do tại sao - việc bồi hoàn tài sản giáo hội bị tịch thu - lại gặp sự phản kháng mà tương lai Giáo Hội Công Giáo phải lệ thuộc vào, trên xứ sở của Bác Hồ.
"Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu, bằng đơn từ hẳn hoi, việc bồi hoàn lại tài sản của chúng tôi, từ những tài liệu mà chúng tôi có trong tay. Thường là cán bộ không hề đưa ra câu trả lời nào. Đôi khi họ nói: Để xem đã. Chúng tôi đang xét lại vấn đề" Cha Thomas Vu Quang Trung đã nói như thế. Cha là bề trên giám tỉnh dòng Tên tại Thủ Đức, ngoại thành Sài Gòn. Vào năm 1975 sau khi trục xuất những tu sĩ ngoại quốc, nhà cầm quyền đưa ra lý lẽ đơn giản như sau khi trưng thu: "Có quá ít người sống trong những toà nhà này, nên chúng tôi lấy làm chỗ cho người của chúng tôi xử dụng"
Cha Trung vươn rộng hai cánh tay ra rồi nói: "Chuyện họ xử dụng tài sản của chúng tôi, như toà nhà ở Đà Lạt, cho mục tiêu công cộng như xây bệnh viện hay trường học cũng còn chấp nhận được. Nhưng xử dụng vào việc xây vũ trường như họ đang làm tại nhà dòng các nữ tu ở thành phố Hồ Chí Minh thì không thể được! Viện đại học của chúng tôi ở Huế đang bị biến cải thành một siêu thị. Yêu cầu đòi bồi hoàn của chúng tôi vẫn tiếp tục, một phần cũng là vì có một thắc mắc không chỉ liên quan đến người Công Giáo mà còn cho cả các tôn giáo khác và thường dân nữa. Hai vụ tranh chấp ở miền Bắc- về Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội và ơ DCCT -xứ Thái Hà- không chỉ liên quan đến chuyện chủ quyền đất đai mà còn cả về việc công lý được thực thi ra sao nữa."
Cha Nguyễn Văn Ty cựu bề trên dòng Sa lê Giêng và cố vấn cho Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, còn dứt khoát hơn nữa: "chính quyền rất sợ hiệu ứng Domino sẽ xảy ra. Nếu họ trả lại đất ở Hà Nội, thì nguy cơ là các tôn giáo khác sẽ noi theo gương công lý mà đưa ra yêu cầu đòi đất. Theo Hà Nội thì vấn đề này có thể châm ngòi đốt cháy hết mọi thứ. Những người Việt trong và ngoài nước lại đoàn kết một lòng: Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, đây là vần đề thuộc về công lý, không phải là tự do tôn giáo mà là sự xét lại về mặt luật pháp - Toà Thánh Vatican không can thiệp vào đòi hỏi này là chuyện cũng tốt, vì đây chỉ được coi như vấn đề của Giáo hội địa phương. Nói cách khác, đây chỉ là vấn đề tự thú, và là một yêu cầu về công lý. Dĩ nhiên có đem lại nhiều đe doạ cho vị tổng giám mục, việc xử dụng băng đảng du đãng, những lăng mạ hàng ngày đối với Giáo Hội từ các cơ quan truyền thông nhà nước. Người CS sợ người CG vì họ là một tập hợp mạnh mẽ có tổ chức trên cả nước. Nhưng trong số những vị trí thức, giáo sư đại học, học sinh và nhà báo, thực tế dần cho thấy là CS đàn áp, và họ thấy Giáo hội là nơi có tự do.
Cha Phan Xi cô Xavier Phan Long, bề trên tỉnh dòng PhanXi Cô giải thích rằng các giám mục VN đã làm tốt công việc "đóng đinh" vụ tài sản tư hữu, đã công khai yêu cầu chính phủ VN xem lại luật -"cũ kỹ và lỗi thời", theo như chủ tịch HĐGM, đức cha Phê rô Nguyễn Văn Nhơn - trong đó cho rằng chỉ nhà nước là chủ nhân duy nhất của miếng đất.
Cha Long nói như sau tại văn phòng của ông ở thành phố Hồ Chí Minh: "Tôi rất vui mừng vì là lần đầu tiên các đức cha đã có chung một lập trường về một vấn đề cụ thể. Thường thì khi họp thường niên các ngài phổ biến một tuyên bố sau cùng về những thắc mắc chung. Lần này trong một chiều hướng mới các ngài đã phải đương đầu với một câu hỏi nóng bỏng như vấn đề ở Hà Nội, một việc đòi hỏi phải có một cuộc đối thoại thành thật và thẳng thắn với chính quyền. Chúng tôi không biết là nếu luật về tài sản tư hữu có thay đổi hay không, nhưng vẫn cứ hy vọng như thế. Riêng tôi, tôi đã chuẩn bị để nói với chính quyền thế này..."
Nói gì thế? Ngài trả lời: "Khi sự việc ở Hà Nội bắt đầu xảy ra, bộ An Ninh đã triệu tập tôi về hỏi ý kiến tôi về những chuyện xảy ra. Tôi cảnh báo ông ta rằng nếu chính quyền lấy đất của nhà dòng Phan Xi cô chúng tôi sẽ sẵn sàng tranh đấu, dĩ nhiên là ôn hoà, vì chúng tôi là con cái thánh Phan Xi Cô. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc trong việc tranh đấu này."
Đồng Nhân
No comments:
Post a Comment