Tuesday, October 28, 2008

BỆNH UNG THƯ TÀN PHÁ THÔN NGỌC

Ở nơi “gạch đỏ, đời đen”
1:20 PM, 27/10/2008
http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=9&categoryId=76&id=11077
Ở cái nơi, mỗi khi nhà máy xả khói thì bụi nặng bay mù mịt Ai hút phải khí ấy đều ho sặc sụa và rất khó thở... căn bệnh ung thư quái ác cũng xuất hiện từ đấy

Theo thống kê, chỉ trong vòng 2 năm, đã có 13 người trong khu vực lân cận bị chết do các căn bệnh liên quan đến ung thư, đó còn chưa kể đến số lượng lớn những người đang mắc những căn bệnh này.
Nhà máy tự ý thay đổi công nghệ sản xuất mà không báo cáo và không xin phép các cơ quan quản lý môi trường, gây ô nhiễm, tác động lớn đến môi trường.
Trong rất nhiều năm người dân làm đơn tố cáo, Chủ tịch tỉnh đã ra văn bản yêu cầu nhà máy dừng, hoặc di chuyển, nhưng nhà máy vẫn "phớt lờ" và tiếp tục hoạt động.

Đen bạc phận người

Nhà máy gạch ốp lát Hải Dương được đầu tư xây dựng theo quyết định phê duyệt Dự án số 872/QĐ–UB ngày 03-06-1995 của UBND tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), chuyên sản xuất gạch men lát nền với công suất 1triệu m2/năm. Tháng 9-2000 nhà máy được chuyển giao cho Công ty Gạch ốp lát Hà Nội thuộc Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Vilacera) với công suất 2,5triệu m2/năm.
Trước đây, dây chuyền sản xuất của nhà máy sử dụng công nghệ Lò sấy phun dùng nhiên liệu dầu diezen để sản xuất nên không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Sau đó không biết vì lý do gì, nhà máy đã tự ý thay đổi công nghệ sản xuất từ nhiên liệu diezen sang Trạm khí hoá than nóng để sản xuất. Và cũng từ đây, những cái chết của người dân có liên quan đến các căn bệnh ung thư đã gia tăng hàng năm.
Đại diện Ban chấp hành Chi hội phụ nữ tổ 17, phường Thanh Bình, bà Nguyễn Thị Khường bức xúc: Chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại đưa một nhà máy có khí thải lớn vào đặt tại khu dân cư này. Tổ 17, phường Thanh Bình có 561 hộ, đó là chưa kể đến một bộ phận lớn các sinh viên đang theo học và cư trú tại đây (trên địa bàn phường hiện có Trường cao đẳng sư phạm Hải Dương và Trường cao đẳng Dược Trung ương). Số lượng học viên của hai trường này ước tính có khoảng trên 5 nghìn người.
Đại diện Hội người cao tuổi của phường, ông Nguyễn Ngọc Liên nói: Chúng tôi sống ở đây khá lâu, nhưng chưa bao giờ thấy người dân chết vì mắc các chứng bệnh ung thư nhiều như thời gian này. Chỉ trong 2 năm (năm 2006 đến tháng 10-2008) tại phường đã có 13 người chết vì ung thư, đó còn là chưa kể đến những người đang ủ chứa chứng bệnh này chờ chết. Tất cả nguyên nhân được xác định đều do nhà máy gạch ốp lát Hải Dương. Mỗi khi nhà máy xả khói thì bụi nặng bay mù mịt rồi bám đen các vật dụng trong nhà người dân. Ai hút phải khí ấy đều ho sặc sụa và rất khó thở.
Không chỉ xả khí, khói (chủ yếu xả vào ban đêm) nhà máy này còn gây tiếng ồn, thường kéo dài suốt ngày và quá 22 giờ. Bà Phạm Thị Hiên, Chi Hội chữ thập đỏ cho biết: Chúng tôi làm đơn thư mãi rồi nhưng vẫn chẳng thay đổi được gì. Các anh cứ ở đây một đêm xem, tiếng ồn của nhà máy khủng khiếp lắm. Cây cối đều chết cả, khoẻ như cây dừa, cây cau mà cũng không sống nổi. Nhiều nhà đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Mỗi khi nhà máy hoạt động thì nhà cửa của các hộ dân rung như động đất.
Hiện tại, toàn tổ 17, phường Thanh Bình đều có người mắc và chết do các căn bệnh liên quan đến ung thư. Nhiều nhất phải kể đến khu vực cổng nhà máy, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do khí thải nhà máy tạt vào. Đã có tới 4 hộ đang có người nhà mắc các chứng bệnh liên quan đến phổi và hô hấp mà chưa xác định được nguyên nhân. Bà Nguyễn Thế Dương, một dược sĩ thẳng thắn: "Người dân ở đây mắc bệnh là do khí thải của nhà máy. Khi chưa có nhà máy chẳng ai mắc chứng bệnh này cả".

Bao giờ vào cuộc?

Để có câu trả lời thực tế về hiện trạng hoạt động của nhà máy cũng như phản ánh của người dân chúng tôi đã liên hệ với ban lãnh đạo nhà máy nhưng họ luôn cáo “bận việc”.
Chúng tôi tìm đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương và được biết: Tháng 5-2005, Sở nhận được đơn thư phản ánh của người dân tổ 17, phường Thanh Bình, và đã cử cán bộ “tiếp xúc” với lãnh đạo nhà máy. Ngoài việc khẳng định những tố cáo của người dân là có cơ sở, Sở Tài nguyên và Môi trường còn nhận định: Nhà máy chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp khống chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sở còn cho biết Nhà máy đã thay đổi công nghệ từ sử dụng Lò đứng sấy dùng nhiên liệu diezen sang Trạm khí hoá than nóng (nhập khẩu từ Trung Quốc) mà không xin phép và chưa được phép của cơ quan quản lý môi trường. Khoảng cách từ Trạm khí hoá than đến khu dân cư chưa đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế, Trạm khí hoá than nóng chưa có thiết bị xử lý môi trường để thu hồi và xử lý khí thải tại các lỗ đảo than và van điều áp... Nghiêm trọng hơn, theo quy định mỗi năm Nhà máy phải duy trì tần suất kiểm soát môi trường trong khu vực Nhà máy (một năm 2 lần), nhưng có năm nhà máy này đã không thực hiện.
Nơi gửi của thông báo này đã được chuyển tới các ban ngành chức năng nhưng chuyện đâu vẫn đóng đó. Tình hình không được cải thiện, người dân lại làm đơn thư gửi. Cực chẳng đã, ngày 30-12-2005 Sở Tài nguyên và Môi trường lại một lần nữa cùng Thanh tra vào cuộc. Ngoài phân tích mẫu nước, mẫu khí thải (đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép) Chánh thanh tra Sở đã ký biên bản xử phạt 5 triệu đồng và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động Trạm khí hoá than. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị: Nếu các giải pháp xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép thì yêu cầu Nhà máy phải có kế hoạch di chuyển.
Kiến nghị được chuyển lên UBND tỉnh, Chủ tịch Bùi Thanh Quyến (nay ông Quyến đã là Bí thư tỉnh uỷ) đã ký Quyết định số 721/QĐ-UBND: Yêu cầu ông Giám đốc Công ty Gạch ốp lát Hà Nội, Giám đốc nhà máy Gạch ốp lát Hải Dương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương thực hiện nghiêm túc kết luận và kiến nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường...
Thế nhưng chẳng hiểu sao, thời điểm ban hành quyết định này đã được 2 năm mà mọi bức xúc của người dân vẫn “giậm chân” tại chỗ. Nhiều người dân vẫn nằm chờ chết do các căn bệnh quái ác, còn nhà máy thì vẫn “thản nhiên” hoạt động. Dư luận đang đặt câu hỏi, nhà máy gạch ốp lát Hải Dương có phải là “thủ phạm" chính gây ra căn bệnh ung thư và tại sao với những kết luận ban đầu của Sở Tài nguyên Môi trường mà Nhà máy Gạch ốp lát Hải Dương vẫn không chấp hành tuyệt đối Quyết định của Chủ tịch tỉnh.
Đơn Thương

Bệnh ung thư tàn phá thôn Ngọc
Tiền Phong, Thứ Năm, 16/10/2008, 15:17


TP- Chỉ trong vòng 3 năm (8/2005 đến 9/2008) cả thôn Ngọc - Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có 48 người chết thì có tới 34 người được xác định chết vì bệnh ung thư.
Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 9/2008 có 14 người chết, thì 12 người trong số đó chết do ung thư.Những thông tin Ông Trần Văn Ngạn, quản trang thôn Ngọc cung cấp khiến ai nghe cũng phải giật mình.

Ác mộng ung thư

Chưa bao giờ người dân thôn Ngọc lại hoang mang như thời điểm này. Bởi vì căn bệnh ung thư quái ác đã lần lượt cướp đi hàng chục con người từ già tới trẻ của một thôn.
Bà Nguyễn Thị Loan (68 tuổi) lo lắng: “Vừa rồi có bà cụ đang bán rau tối về đau bụng, đi bệnh viện khám thì bác sĩ kết luận, bị ung thư giai đoạn cuối. Sống vậy chứ chết ngày nào không biết!”.
Ông Hoàng Văn Phúc - Trưởng thôn Ngọc cho biết: Hiện nay trong làng có khoảng 10 người bị ung thư đã khám tại bệnh viện T.Ư, số đông bị trả về nhà do các bác sĩ đã “bó tay”.
“Mặc dù căn bệnh đang rất phổ biến nhưng bà con không ai dám đi khám vì sợ khám ngộ nhỡ cũng mắc ung thư thì không sống nổi”. Bác Phạm Thành Luyện (64 tuổi) có vợ bị ung thư phổi lo ngại nói.
Đáng chú ý, những người bị ung thư đã chết và đang chờ chết ở thôn Ngọc đều có chung một đặc điểm là bị một trong 4 dạng: ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm họng. Nhưng nhiều nhất vẫn là số người bị ung thư gan.
Căn bệnh ung thư đang từng ngày tàn phá nhiều gia đình thôn Ngọc. Trần Thị Hoàng Yến, 17 tuổi, vừa học xong lớp 11 bị ung thư máu, được xem là người trẻ nhất trong thôn mắc bệnh ung thư.
Đau xót hơn, không ít cặp vợ chồng cũng bị ung thư và lần lượt ra đi. Như vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhâm (48 tuổi), chồng mất năm 2004 thì đến 2008 vợ cũng đi theo do căn bệnh ung thư gan. Họ để lại hai đứa con đang tuổi đi học với căn nhà luôn đóng cửa vì vắng người trông nom.
Hay như, các gia đình ông Tấn bà Ngạn; bà Hảo ông Châu; ông Đồng, bà Lấp; ông Tẻo, bà Thiêm cũng đều bị ung thư cả hai vợ chồng. Ông trưởng thôn đưa tôi ra nghĩa địa thôn Ngọc mới chứng kiến tận mắt những nấm mồ nằm san sát, trên mộ còn những vòng hoa chưa kịp lụi. Chỉ trong 3 ngày (5/9 đến 7/9) đã có 2 người chết vì ung thư khiến cả làng thấp thỏm không yên.
Hỏi những người cao tuổi trong thôn được biết, thôn Ngọc từ xưa không có tiền sử về bệnh ung thư, nếu có cũng chỉ rất ít như bao làng quê khác.

Thôn Ngọc kêu cứu
Khi căn bệnh ung thư rộ lên, người dân thôn Ngọc bắt đầu đi tìm nguyên nhân của vấn đề.
Nhiều người xâu chuỗi giữa bệnh ung thư với vấn đề môi trường, phải chăng căn bệnh ung thư đang có sự liên hệ mật thiết với sự xuống cấp của môi trường. Hiện nay, trên địa bàn thôn Ngọc có 11 Cty đang hoạt động.
Đặc biệt là nguồn nước thải “bao vây” thôn Ngọc của Cty TNHH giặt may Long Hoa. Đã hai lần thôn có đơn đề nghị các cấp chính quyền can thiệp để có biện pháp giải quyết đối với Cty.
Trong đơn đề nghị ngày 27/7/2008 nhân dân thôn Ngọc trình bày: “Cty giặt may Long Hoa đã đóng trên địa bàn thôn được 5 năm. Hàng ngày xả nước thải trực tiếp vào hệ thống tưới tiêu chảy quanh làng một lượng nước thải rất lớn. Con mương trước kia trong vắt, cua cá rất nhiều đến nay thì đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”.
Một số người dân cho biết: “Nếu ai sơ ý để vịt, ngan bơi vào thì đều bị chết. Dùng nước đó tưới hoa màu thì có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra. Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư trong thôn tăng vọt. Nhân dân thôn Ngọc đã đề nghị Cty Long Hoa phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhưng dòng nước thải của Cty Long Hoa đến nay vẫn sẫm màu”.
Khi chúng tôi đến Lạc Đạo thì Cty giặt may Long Hoa đã bị đình chỉ hoạt động tạm thời. Nguyên nhân, ngày 8/10 gần 200 người dân thôn Ngọc bức xúc kéo nhau đến Cty yêu cầu phải đóng cửa. Đây không phải là lần đầu tiên người dân có phản ứng. Không dưới 2 lần, người dân đã đắp đất cát chặn dòng nước ô nhiễm chảy từ Cty Long Hoa nhưng vẫn bị thoát ra ngoài con mương của thôn.
Giải pháp mang tính tạm thời mà người dân thôn Ngọc cầm cự trong khi chờ đợi cơ quan có đầy đủ thẩm quyền về kiểm tra nguồn nước ngầm và mức độ ô nhiễm nước thải của một số nhà máy trên địa bàn là mua máy lọc và xử lý nước bằng hóa chất.
Nhiều gia đình đã đưa mẫu nguồn nước sinh hoạt đi kiểm nghiệm đều nhận được kết quả là nước nhiễm bẩn ở mức độ cao gấp nhiều lần so với mức cho phép.
Anh Trần Văn Tin (41 tuổi) con trai bà Trần Thị Tách (bà Tách mất ngày 5/9/2008 do ung thư gan và phổi) bày tỏ sự lo lắng: “Các cụ già rồi thì chết, nhưng chỉ lo cho thế hệ tương lai vì nếu ô nhiễm nguồn nước ngầm thì hậu quả sẽ khôn lường”. Không biết đến khi nào những lời khẩn cầu của nhân dân thôn Ngọc có được cơ quan chức năng nghe thấu.
Lê Thơm

Lập đoàn kiểm tra về bệnh ung thư ở thôn Ngọc
Tiền Phong, Thứ Hai, 27/10/2008, 16:16

TP- Tiền phong số 290 có bài “Bệnh ung thư tàn phá thôn Ngọc”, phản ánh trong thời gian gần đây trên địa bàn thôn Ngọc thuộc xã Lạc Đạo (huyện Văn Lâm-Hưng Yên), có nhiều người dân chết vì bệnh ung thư.
Mới đây, chúng tôi đã trở lại xã Lạc Đạo để tìm hiểu tiếp sự việc và quá trình xử lý của chính quyền sở tại.

Nhà máy, xưởng sản xuất “bủa vây” làng

Chỉ một đoạn đường ngắn nằm dọc hai bên đường 19 nhưng đã có đến 18 Cty, xí nghiệp sản xuất lớn nhỏ khác nhau đóng trên địa bàn xã Lạc Đạo. Điều đáng nói, nhiều Cty, xí nghiệp được xây dựng gần sát khu vực dân cư sinh sống.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là cơ sở sản xuất của Cty THNH giặt may Long Hoa, nơi mà vừa qua một số người dân ở thôn Ngọc, xã Lạc Đạo đã tụ tập trước cổng yêu cầu Cty ngừng hoạt động vì lý do gây ô nhiễm môi trường. Cánh cửa sắt đóng im ỉm, cả Cty rộng lớn giờ chỉ có một số nhân viên, cán bộ ở lại để trông coi máy móc.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Phó giám đốc Cty Long Hoa thì từ ngày người dân tập trung phản đối, Cty đã phải tạm thời ngừng sản xuất, toàn bộ cán bộ, công nhân phải nghỉ việc không lương.
“Nếu đúng như phản ánh của người dân việc các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm dẫn đến mắc bệnh ung thư thì quả là kinh khủng, nhưng họ thực sự không công bằng với chúng tôi. Ở đây có rất nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, trong đó một số cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải. Còn Cty chúng tôi dù đã đầu tư tiền tỷ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhưng vẫn bị coi là gây ô nhiễm” - Ông Lợi nói.
Theo tìm hiểu của P.V, Cty Long Hoa hoạt động từ năm 2005, đến đầu năm 2007 mới xây dựng hệ thống nước thải. Kế bên Cty Long Hoa là một loạt Cty sản xuất khác như: Cty sản xuất phụ gia; Cty chế biến lương thực...
Điều chú ý, các đơn vị sản xuất này được xây dựng ngay sát hệ thống tưới tiêu của người dân Lạc Đạo.
Chính vì vậy, nhiều người dân ở đây đã xâu chuỗi giữa bệnh ung thư với vấn đề môi trường, họ cho rằng việc xuống cấp của môi trường là do chất thải từ nhà máy.
“Tôi không biết hệ thống xử lý nước thải của các Cty này thế nào ? Chỉ biết, hằng ngày lượng nước thải được xả vào hệ thống tưới tiêu chảy quanh làng rất lớn” - Một người dân nói.

Kiểm tra, xác định nguyên nhân
Tại buổi làm việc với Tiền phong, ông Sái Văn Bần - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo cho biết, 18 đơn vị nhà máy sản xuất hiện đóng trên địa bàn xã khi xây dựng đều yêu cầu có hệ thống xử lý nước thải do Sở Tài nguyên Môi trường cấp.
Tuy vậy, một số Cty, đơn vị sản xuất có hệ thống nước thải nằm gần hay xả ra kênh mương nên ở khu vực này qua quan sát bằng mắt thường thấy nước có màu đen.
“Sau khi có ý kiến của người dân phản ánh, xã đã có văn bản báo cáo với lãnh đạo UBND huyện Văn Lâm và Sở TNMT tỉnh. Hiện huyện đã lập đoàn kiểm tra cùng với Sở TNMT về làm việc, lấy mẫu nước đi kiểm định để có kết luận và trả lời nhân dân. Bởi để xác định việc Cty giặt may Long Hoa hay đơn vị sản xuất nào có gây ô nhiễm môi trường hay việc dân chết vì bệnh ung thư từ đâu thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học” - Ông Bần nói.
Theo ông Phó Chủ tịch xã Lạc Đạo, người dân thôn Ngọc đã phản ánh về hiện tượng ô nhiễm do các đơn vị sản xuất từ năm 2006, nhưng do “sau đó xã có ý kiến với các đơn vị sản xuất, nên sự việc lặng đi một thời gian và đến giờ lại bùng phát lên”.
Được biết, ngay sau khi báo Tiền phong phản ánh, UBND xã đã chỉ đạo trạm y tế xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn y tế huyện Văn Lâm tiến hành điều tra nguyên nhân tử vong của người dân ở thôn Ngọc.
Theo danh sách do bác sỹ Sái Văn Huỳnh- Trạm trưởng y tế xã Lạc Đạo cung cấp cho P.V thì từ năm 2006 đến nay trên địa bàn thôn Ngọc đã có 38 người tử vong, trong đó có 8 trường hợp bị ung thư (chủ yếu ung thư gan, dạ dày, phổi).
Cũng liên quan đến việc báo nêu, mới đây Cty Long Hoa đã có công văn gửi Ban biên tập Tiền phong. Theo Cty Long Hoa, từ đầu năm 2007 Cty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất đã có nhiều cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định mẫu nước thải của Cty và những lần đó Cty đều đạt tiêu chuẩn.
Dư luận và người dân thôn Ngọc đang chờ mong những kết luận, đánh giá từ phía các cơ quan chức năng để người dân không còn phải hoang mang lo lắng trước nhiều trường hợp bị chết vì bệnh ung thư.
Nguyễn Tú - Lê Thơm



No comments: