Friday, October 31, 2008

HỆ THỐNG SONG HÀNH "ĐẢNG - CHÍNH QUYỀN" CẢN TRỞ CẢI CÁCH

“Đảng–Chính Quyền,” Hệ thống kép cản trở cải cách
Thiện Giao, phóng viên RFA
2008-10-30
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Civil-society-in-vietnam-vietnam-and-east-asia-in-the-globalized-context-conference-at-princeton-university-10302008170207.html
Những vận động của Xã Hội Dân Sự đóng góp tích cực vào các chương trình cải cách tại Việt Nam. Tuy nhiên, luật và những cải tổ luật pháp nhằm đặt nền móng và thúc đẩy tính chất dân sự vẫn chưa thành hình. Biên tập viên Thiện Giao ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia trong lãnh vực này, và có bài trình bày sau đây.

Một số tham dự viên tại Hội Thảo Việt Nam ở Đại Học Princeton ngày 17 và 18 tháng 10. Từ trái: giáo sư Regina Abrami (đại học Harvard), giáo sư Paul Krugman (đại học Princeton) và tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Civil-society-in-vietnam-vietnam-and-east-asia-in-the-globalized-context-conference-at-princeton-university-10302008170207.html/IMG_2115-305.jpg

Xã hội dân sự tại Việt Nam

“Xã Hội Dân Sự phát triển dưới ảnh hưởng của các nhà bất đồng chính kiến tại Đông Âu trong giai đoạn các cuộc cách mạng hồi thập niên 1990s cũng như tại nước Nga những năm sau đó.”
Giáo sư Kim Lane Scheppele, Giám Đốc Chương Trình Luật và Giao Tế Dân Sự, thuộc trường Public and International Affairs (tạm dịch: Trường Giao Tế Dân Sự và Bang Giao Quốc Tế), đại học Princeton, đưa ra nhận định như thế trong buổi Hội Thảo Việt Nam hồi trung tuần tháng 10 vừa qua tại Princeton, Hoa Kỳ.
Cũng trong hội thảo ấy, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, rằng xã hội dân sự, một mặt góp phần nhất định vào các chương trình cải cách và phát triển tại Việt Nam, một mặt khác, vẫn còn chịu sự nghi ngờ của Đảng Cộng Sản.

Tiến sĩ Doanh cho biết, là tại Việt Nam, những đầu óc thực tế trong Đảng thừa nhận sự tham dự của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, là điều cần thiết và hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế.
Một mặt khác, vẫn còn nhiều người tỏ ra nghi ngờ khái niệm “Xã Hội Dân Sự” vì tin rằng vận động này góp phần làm sụp đổ Liên Bang Xô Viết.
Tiến sĩ Doanh nhận định, “xã hội dân sự tại Việt Nam tiếp tục phát triển và có những đóng góp mang tính xây dựng vào các cải cách và phát triển tại Việt Nam.”
Ông nói, xã hội dân sự là điều hết sức quan trọng trong hệ thống chỉ có một Đảng duy nhất. Và hiện nay, mặc dầu có một số tiến bộ trong cách nhìn nhận của nhiều giới chức chính phủ đối với vai trò của các Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGO), không thể phủ nhận là “vẫn còn rất nhiều kiềm hãm trong lãnh vực này.”

Việt Nam và Trung Quốc tương đồng về nhiều chính sách

Cũng tham gia tại buổi hội thảo, giáo sư Mark Sidel, giảng dạy bộ môn Luật tại đại học Iowa, cho rằng Việt Nam tiếp nhận và thực hiện một chính sách tương đồng với Trung Quốc, trong đó các tiêu chí khen thưởng hoặc hưu bổng đối với quan chức được thực hiện nhằm mục đích lưu giữ họ bên trong hệ thống.
“Nhưng trên thực tế, cách thức của Việt Nam không mang lại hiệu quả [bằng Trung Quốc] trong việc thực hiện mô hình dịch vụ dân sự.”
Bên cạnh đó, giáo sư Sidel cũng nhấn mạnh hiện trạng mà tiến sĩ Lê Đăng Doanh mô tả, đó là tại Việt Nam, hiện tồn tại “một hệ thống kép, gồm Đảng và Chính Quyền.” Giáo sư Sidel cho rằng, chính hệ thống kép này “cản trở quá trình cải cách hành chánh công quyền” mặc dầu ông thừa nhận, là “chương trình cải cách hành chánh tại Việt Nam đã có một số tiến bộ.”

Luật pháp luôn là điểm đầu tiên tiến trình cải cách

Giáo sư Sidel nhận định, rằng khía cạnh luật pháp luôn là điểm nhấn đầu tiên trong quá trình cải cách, và rằng sự phát triển của hệ thống luật chính là “thước đo vĩ mô đối với sự tiến bộ của tiến trình cải cách.”
Ông nói, “sự cải tổ luật pháp Việt Nam cho thấy có rất nhiều tiến bộ, nhiều luật mới được giới thiệu cùng với vai trò ngày càng tăng của Quốc Hội. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là sự triển khai và thi hành luật.”

Cũng tại buổi hội thảo, giáo sư Gregory Chow, thuộc khoa kinh tế trường đại học Princeton, đặt câu hỏi về “chất lượng quan chức chính quyền” trong bối cảnh cải cách hệ thống tư pháp. Giáo sư Sidel nhận định, câu hỏi về “chất lượng quan chức” bao hàm nhiều ý khác nhau trong vấn đề quản trị xã hội tại Việt Nam, chẳng hạn các dịch vụ dân sự, việc chọn cũng như đề bạt, thăng thưởng công chức trong hệ thống chính quyền.

Quá trình xã hội dân sự của Nga và Hungary

Có nhiều hình thức vận động xã hội dân sự. Theo phân tích của giáo sư Kim Lane, một người có nhiều kinh nghiệm đối với phong trào này tại Hungary và Nga, thì “nhiều ý kiến cho rằng tại các nước Đông Âu, tinh thần xã hội dân sự phát triển là nhờ vào những nhà bất đồng chính kiến.”
Bên cạnh đó, “môi trường công cộng không chính thức,” hay mô hình “mạng lưới thân hữu” cũng là nơi tinh thần xã hội dân sự phát triển.

Giáo sư Kim Lane nói rằng, “có một kinh nghiệm rất quan trọng mà chúng ta học được từ các nước Đông Âu. Đó là những ‘môi trường công cộng không chính thức’ được thể hiện qua những mạng lưới thân hữu cực kỳ gắn kết và ổn định. Những mạng lưới này, vào lúc ấy, không được chính thức thừa nhận, không có tên gọi chính thức.
Nhưng những mạng lưới không chính thức này có tiềm năng, vào một lúc nào đó, sẽ trở thành một tổ chức chính thức. kinh nghiệm tại Nga và Hungary cho thấy, khi cuộc chuyển đổi xảy ra, rất nhiều tổ chức theo hình thức này đã ra đời và đi vào quần chúng.”

Trở lại với hiện trạng xã hội dân sự tại Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng thuật ngữ này hiện chưa được đề cập chính thức trong các văn kiện của Đảng Cộng Sản.
Ngoài ra, để đẩy mạnh các hình thức xã hội dân sự, Việt Nam cần ban hành và áp dụng một khung luật pháp cần thiết cho một số lãnh vực, chẳng hạn Luật về Tổ Chức Đoàn Thể, Luật về Vận Động Hành Lang, tức lobby, Luật về Quyền Truy Cập Thông Tin, về sự Minh Bạch, vân vân…
Bên cạnh đó, các bộ luật khác, như luật hình sự, luật thuế thu nhập cần được tu chính để bảo đảm sự an toàn cho các tổ chức phi chính phủ cũng như người đóng góp tài chánh cho các tổ chức này.

No comments: