Dân chủ, nhân quyền - chiêu bài lỗi thời?
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2008-10-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Opinion-on-democracy-human-rights-as-out-of-date-label-interview-with-Tran-Khue-from-vn-tquang-10262008160514.html
Tạp chí điện tử Cộng Sản hôm Chủ nhật (26.10) có bài của Giáo Sư, Viện Sĩ Nguyễn Duy Quý thuộc Viện Khoa Học Xã Hội VN, tựa đề “Dân chủ, nhân quyền - chiêu bài đã lỗi thời của các thế lực thù địch với cách mạng VN”.
Bài báo cũng đề cập tới những điểm nổi bật khác, kể cả việc quan niệm phương Tây và phương Đông không thể áp đặt cho nhau, vấn đề chủ quyền VN, quan niệm sai trái về “nhân quyền cao hơn chủ quyền”…
Nội dung tấm biểu ngữ được treo trên thành cầu vượt Lạch Tra, Hải Phòng sáng ngày 16-8-2008. RFA photo.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/banner-for-democracy-and-humanrights-appears-in-Haiphong-city-HVy-08172008131103.html/RFA-BN-HaiPhong5-305.jpg
Qua cuộc trao đổi với nhà bất đồng chính kiến hàng đầu VN, GS Trần Khuê, Thanh Quang trước hết nêu lên câu hỏi là vấn đề dân chủ, nhân quyền có thực sự là “chiêu bài đã lỗi thời” hay không ? GS Trần Khuê nhận xét:
Nhận thức sai lầm
GS Trần Khuê: Tôi chưa được đọc bài của anh Nguyễn Duy Quý, nhưng tôi thấy vấn đề dân chủ, nhân quyền mà gọi là vấn đề lỗi thời thì hoàn toàn không phải. Vì đây là vấn đề của con người, của thời đại. Có thể nói nó là khát vọng không phải riêng của VN, mà là của nhân loại. Cho nên nếu ai nhận định đó là vấn đề lỗi thời hay không chính đáng hay thế này, thế khác thì tôi cho là nhận thức đó không đúng.
Thanh Quang: Thưa GS, GS vừa đề cập tới vấn đề của con người, của thời đại, thì, cũng vẫn theo bài báo, “Không ai có thể phủ nhận một thực tế: Quyền con người là một giá trị phổ biến, có tính toàn cầu. Song, quyền con người còn là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc, quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới”. Do đó, theo lập luận của bài báo, “Quan niệm của phương Tây về lợi ích cá nhân và quan niệm của phương Đông về lợi ích của dân tộc, của cộng đồng” là những quan niệm rất khác biệt, và do vậy, không thể áp đặt cho nhau. GS nhận xét như thế nào về lập luận như vừa nói?
GS Trần Khuê: Những lập luận kiểu đó thì tôi phản đối từ lâu rồi. Tức là tại sao cứ mang tính đặc thù của từng dân tộc ra để đối lập với tính phổ quát của nhân loại. Con người sống trên hành tinh, trên mặt đất này có những điểm khác biệt nhưng cũng có những điểm rất chung. Ai cũng phải sống, phải ăn uống, phải được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp. Rồi có cái quyền mà tôi cho là chế độ phong kiến không cho người ta được hưởng, đó là tự do tuyển cử. Cho nên nhân loại cứ phải dùng khởi nghĩa vũ trang để lật đổ nhau. Và chủ nghĩa tư bản có cái rất tiến bộ, tức là người ta thay đổi bằng lá phiếu. Đây là chuyện mà những người cầm quyền nên lựa chọn, là để cho nhân dân dùng lá phiếu để thay đổi người cầm quyền hơn, hay là phải khởi nghĩa vũ trang để lật đổ thì hơn. Tôi thấy là cứ bảo là đặc thù. Ờ thì đặc thù VN, nhưng tôi đã nói là ở VN có những “chuyên gia khởi nghĩa”, cả một quá trình liên tục khởi nghĩa để lật đổ các triều đại, rồi đánh đuổi ngoại xâm.v.v…
Bây giờ là lúc người VN thích hòa bình, thích yên ổn, thích được an cư lạc nghiệp, và muốn được sử dụng lá phiếu để thay đổi. Và những lá phiếu này, ở VN cũng như ở các nước khác, không có sự phân biệt.
Mâu thuẫn và ngụy biện
Thanh Quang: Bài báo trong Tạp chí CS cũng khẳng định rằng “Chủ quyền là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, người VN hiểu rất rõ giá trị đích thực của chủ quyền dân tộc, độc lập dân tộc và quyền tự do dân tộc”. Thưa GS, lời khẳng định trong bài báo này có mâu thuẫn với hành động công an VN đàn áp những cuộc biểu tình phản đối TQ xâm phạm chủ quyền VN trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi phản ứng của nhà cầm quyền VN đối với Bắc Kinh bị coi là quá yếu không?
GS Trần Khuê: Vấn đề này thì mâu thuẫn rõ quá rồi. Tôi đã phản đối luận điệu của Hội Đồng Lý Lluận, của các Ban Tuyên Huấn Tuyên Giáo, và đặc biệt của những tập chí như CS, Triết Học.v.v…đó là đặt chủ quyền cao hơn nhân quyền. Tại sao lại đặt vấn đề như thế được? Không có cái nào cao hơn cái nào cả, và cái nào cũng cần thiết cả.
Còn trong thực tế, anh bảo đặt chủ quyền cao hơn nhân quyền, thế tại sao anh lại nhường Ải Nam Quan, nhường hải giới, địa giới, rồi Trường Sa, Hoàng Sa cho ngoại bang ? Cái đó là anh tự mâu thuẫn với anh. Thế rồi người ta phản đối, anh lại đi bắt. Cho nên Trần Mạnh Hảo đã làm bài thơ “Tôi đi biểu tình để bảo vệ đất nước tôi mà tôi bị bắt”.
Cho nên vấn đề ở đây là người ta ngụy biện. Anh Nguyễn Duy Quý, tác giả bài báo này, là ngụy biện. Anh Duy Quý không xa lạ gì với tôi cả, vì anh ấy là cựu Viện Trưởng Viện KH XH Hà Nội. Tôi với anh ấy không có gì xa lạ với nhau cả. Nhưng mà anh Nguyễn Duy Quý, cũng như anh Nguyễn Đức Bình và một số lý luận gia đó, hiện nay bảo thủ lắm.
Và chính Lê-Nin nói chứ ai, rằng “thực tiễn là thước đo chân lý”.
Cái thực hiện hiện nay chứng tỏ các anh làm sai, các anh không bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các anh không bảo vệ những gì tốt đẹp của VN. Mà các anh cứ nói là đặc thù, rồi chúng tôi có cái riêng của chúng tôi.
Không! tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, có báo chí tư nhân, cũng như có tự do hội họp, đa nguyên, đa đảng, cũng như tự do tuyển cử có quốc tế giám sát, đó là 3 chương trình mà Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21 của chúng tôi chủ trương đối thoại một cách hòa bình, và thảo luận cho bằng được để thực hiện trước hết là 3 quyền này.
Tôi cho rằng đây là chủ trương rất tốt và hợp thời của Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21 của chúng tôi.
Thanh Quang: Xin cảm ơn GS Trần Khuê rất nhiều.
GS Trần Khuê: Xin cảm ơn quý Đài, và qua quý Đài, tôi xin gởi lời chúc sức khỏe và chúc mừng mọi sự thăng tiến đối với đồng bào trong nước cũng như đồng bào hải ngoại. Xin kính chào quý vị.
No comments:
Post a Comment