Hai Vụ Án, Một Vấn Đề
Trần Hùng
(LÊN MẠNG Thứ bảy 25, Tháng Mười 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4870
(VNN)
Chế độ cộng sản Việt Nam xử dụng nhiều thủ đoạn để cai trị người dân. Lúc trước họ dùng hình thức hạ đẳng là hộ khẩu và tem phiếu để nắm bao tử, khống chế con người. Kèm theo đó là hệ thống nhà tù dầy đặc khắp nơi. Chính sách đó đã kéo dài trong nhiều thập niên. Sau này, khi buộc phải mở cửa làm ăn với thế giới bên ngoài, không còn có thể xử dụng những biện pháp trấn áp quá lộ liễu và thô bạo nữa, thì hệ thống toà án được coi là công cụ thích hợp. Nhà nước độc tài không ngần ngại xử dụng luật rừng để triệt hạ những người đối kháng, hoặc trong việc tranh chấp nội bộ. Những vụ xử án này rất nhiều, năm nào, tháng nào cũng có. Liên tiếp trong 2 tháng 9 và 10 vừa qua, có 2 vụ xử án đã khiến cho dư luận hết sức quan tâm. Hai vụ xử này đã đưa đến cùng một hệ quả là CSVN bị phơi bầy trước công luận những nứt rạn có tính chất căn bản của chế độ.
Vụ án thứ nhất diễn ra vào đầu tháng 9. Ông Nguyễn Văn Hải, tức Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày bị xử về tội trốn thuế. Bản án dành cho ông là 2 năm rưỡi tù giam và 900 triệu đồng tiền phạt. Tội danh trốn thuế được nêu lên trên các cơ quan truyền thông quốc doanh, nhưng không ai tin vào điều này. Trước hết vì việc xử án được dàn dựng quá thô sơ và lộ liễu, không dựa trên bất cứ một bằng chứng nào. Ngoài ra, quá trình đấu tranh vì Hoàng Sa Trường Sa của ông Hải cho thấy, việc xử án chỉ nhằm mục đích bịt miệng một tiếng nói chống ngoại xâm. Tóm tắt vụ này, luật sư Lê Công Định đã nói: "Quá bất công. Đó là một bản án bỏ túi mà tôi nghĩ là đã có một sự chuẩn bị trước".
Vụ án thứ hai được thực hiện vào giữa tháng 10. Trong số 4 người bị đưa ra xét xử có 2 nhà báo của tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Những người này liên quan đến vụ tham nhũng nổi tiếng PMU18 xẩy ra từ hơn 2 năm nay. Vụ án này có nhiều tình tiết bất ngờ. Những cán bộ công an thuộc ban chuyên án và 2 nhà báo từng tường thuật vụ án, nay lại ngồi vào hàng ghế bị cáo... Tất cả giống như một trò xiếc, mà bàn tay phù thủy nằm ở thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản.
Qua 2 vụ xét xử nói trên, người ta càng nhìn thấy rõ thêm những điểm yếu của chế độ, đặc biệt là 5 vấn đề như sau.
Thứ nhất, người ta thấy rõ hơn tình trạng tranh chấp trong hàng ngũ thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản hoàn toàn là vì quyền lợi. Những diễn biến bất thường của vụ tham nhũng PMU18 trong hai năm trời qua cho thấy cả 2 phe bênh và chống đều tung hết chưởng lực ra để đọ sức với nhau, mà kết quả ngày hôm nay chưa phải là hồi chung cuộc. Khi thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục C14, đảm nhiệm chức Trưởng ban chuyên án PMU 18 và tuyên bố rằng "đây là vụ án đánh để đời, trước khi về hưu" thì mọi người đều hiểu rằng sự việc không chỉ nằm trong phạm vi cấp bộ, cấp sở với số tiền cá độ vài triệu đô la, mà là cả một đường dây xuyên suốt từ thượng tầng đến nhiều ngõ ngách trong mọi bộ phận của chế độ. Mức độ đấu đá cũng gay gắt hơn, người ta xử dụng những từ ngữ nặng nề để chửi nhau, và đòi triệt hạ nhau bằng cách làm mất chức, mất quyền, và thậm chí cả mất mạng.
Thứ hai, qua vụ xử án này, CSVN đã làm cho tất cả những lời lẽ tuyên truyền của họ về việc diệt trừ tham nhũng trở thành một trò hề. Số người ít ỏi còn hy vọng về một thiện chí không hề có của đảng cộng sản đã được thức tỉnh. Trước đây, nhà nước đã nhiều lần cảnh báo về tệ nạn tham nhũng, đã nhiều lần kêu gọi chống tham nhũng, và đã nhiều lần hứa hẹn diệt trừ tham nhũng, nay chỉ qua vụ án này, tất cả những nỗ lực nói trên đều trở thành vô nghĩa. Có thể nói rằng, qua vụ xử án này, chính đảng cộng sản đã thành công trong việc làm cho "tham nhũng Việt Nam vang danh thế giới".
Thứ ba, bản chất tay sai của chế độ cũng đã được chính CSVN tự lột trần trước dư luận trong và ngoài nước. Từ trước đến nay, người ta đã nói đến công hàm bán nước Phạm Văn Đồng, đã nói đến những hiệp ước phân định biên giới và lãnh hải làm thiệt hại lãnh thổ Việt Nam, đã nói đến thái độ khiếp nhược của CSVN trước chính sách xâm lấn của Trung cộng, người ta cũng từng căm phẫn trước việc công an đàn áp những cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên yêu nước đòi Hoàng Sa và Trường Sa. Nay với bản án nhằm triệt hạ một người luôn thiết tha bảo vệ đất đai của cha ông để lại, CSVN đã tự khắc sâu nhãn hiệu tay sai, bán nước lên trên bộ mặt của mình.
Thứ tư, chưa bao giờ CSVN lại gặp những phản ứng bất thuận lợi của quốc tế như trong 2 cuộc xử án này. Về vụ xử Điếu Cầy, các cơ quan truyền thông uy tín quốc tế như AF, AFP, BBC, RFA, VOA, RFI, Ottawa Citizen, Bangkok Post... trong nhiều ngày đã liên tục đưa tin, bình luận. Báo điện tử iafrica.com bên Nam Phi cũng có bài về Điếu Cày. Nhiều tổ chức quốc tế tuyên bố ủng hộ Điếu Cày. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) rất nhiều lần lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày. Tại đại học Harvard có dự án Global Voices Online nói về Điếu Cày. Tổ chức "International Freedom of Expression Exchange" chuyên tranh đấu cho tự do ngôn luận, đã lên tiếng về ông...
Sau vụ xử án 2 nhà báo, chỉ trong vòng một ngày đã có đến 165 bản tin thế giới nói về tham nhũng ở Việt Nam. Từ các hãng tin nổi tiếng như Reuters, AFP, AP, BBC News, cho đến báo chí từ Á sang Phi như: Manila Times, News Asia, South Africa. Ngay cả giới tài chánh cũng để ý đến như: Interactive Investor, Australian Broadcasting Corporation, EU Business, Financial Times... với đầy đủ các ngôn ngữ chính quốc tế như: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hoà Lan, Ban Lan, Nga, Tiệp, Rumania, Đan Mạch, Tây Ban Nha... Liên Hiệp Châu Âu tỏ ý tiếc về bản án. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế yêu cầu trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Bản thông cáo báo chí của sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết: "Hoa Kỳ thất vọng với kết quả vụ xử". Tham tán Ngoại giao Thụy Điển tại Hà Nội phát biểu rằng: "Chúng tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó sẽ phát đi các thông điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam...
Thứ năm, vụ xử án đã tạo sự căm phẫn ngay trong hàng ngũ những người đang phục vụ cho chế độ, đặc biệt trong lãnh vực truyền thông. Chính nhà nước cũng đã cảm nhận được sự căm phẫn này nên đã phải đề ra nhiều biện pháp bất thường để ngăn chận. Nhiều tổng biên tập đã được chỉ thị phải canh chừng gắt gao cán bộ của báo mình để ngăn ngừa những trường hợp "xé rào", "quá độ" như báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ đã lên tiếng bênh vực cho Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, phê phán việc làm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa không mang lại hiệu quả. Việc hàng mấy trăm tờ báo xếp hàng đi theo lề phải, chỉ loan tải 1 bản tin ngắn ngủi một cách bất thường y như nhau, đã để lộ rõ bàn tay dàn dựng của nhà nước, và một lần nữa tô đậm chức năng bồi bút của nền báo chí quốc doanh. Trong khi đó, rất nhiều cán bộ vẫn tìm cách phổ biến quan điểm phản kháng của mình trên những phương tiện truyền thông ngoài luồng như báo điện tử, blogs, hay báo đài ngoại quốc. Trong thời đại truyền thông điện tử ngày nay, những quan điểm này cũng có khả năng tác động đến nhiều người dân trong nước, và là một thách thức lớn cho chế độ.
Trong tất cả những vấn nạn nêu trên, việc hàng ngũ cán bộ truyền thông quốc doanh, từng được coi là một trong những thành trì căn bản của chế độ, nay cũng có những vết rạn nứt trầm trọng, là điều mà chế độ đặc biệt lo âu hơn hết. Chính việc đàn áp trắng trợn những người có tấm lòng với quê cha đất tổ, những người có thiện tâm diệt trừ tham nhũng làm sạch xã hội, đã khiến cho nhiều cán bộ nhận thức được bộ mặt dối trá của chế độ, và nhận định rằng "nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do lỗi của cả hệ thống chính trị". Đồng thời họ kêu gọi "đã đến lúc cả nước phải nghĩ đến việc thay đổi guồng máy". Đó không phải là những lời kêu gọi của bất cứ một thế lực nào từ bên ngoài, mà nó được đăng ngay trên báo Thanh Niên của đảng!. Hai vụ xử án vừa qua đã giúp nhiều người nhìn ra cốt lõi của vấn đề.
Trần Hùng
No comments:
Post a Comment