Sunday, October 26, 2008

CÓ BỆNH, KHÔNG NÊN LÀM QUẢN LÝ

CÓ BỆNH, KHÔNG NÊN LÀM QUẢN LÝ
Nguyễn Lâm
http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenLam_LamQuanLy.htm

Công luận vẫn chưa hết choáng váng vì những quy định của Bộ Y tế đưa ra về “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”. Trong đó có những chi tiết khiến tất cả những người bình thường đều phải có phản ứng như: những người thấp bé, nhẹ cân (chưa cao đủ 1,45m, nặng chưa tới 40 kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm) không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50-175cm3; người có bệnh viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan, người bị vỡ xương hàm...không được phép lái xe…Nhìn vào những tiêu chí này, người ta nhận ra một vài triệu chứng của những căn bệnh hình như đã thành mãn tính đối với một số nhà quản lý công quyền.

Thứ nhất, đó là bệnh về não trạng duy ý chí, bề trên. Duy ý chí vì đáng lẽ ra pháp luật xuất phát từ thực tế, trên những đòi hỏi của thực tế, pháp luật ở nước ta nhiều khi do các cơ quan quản lý ban hành trước theo suy đoán, ý thích của mình, mà không hỏi người dân, sau đó người dân mới tham gia thụ động. Bề trên vì họ chỉ đứng trên kia nhìn xuống, mà không chịu xuống nhìn, cho rằng mình lúc nào cũng đúng, dân chỉ việc làm theo mà thôi.
Nói đến não trạng cũng vì nhà quản lý công quyền đã đưa ra những quy định “vô cùng… ngớ ngẩn”, “lạ lùng”, không giống ai như vậy. Nó khiến cho mỗi người bình thường đều phải tự hỏi, không hiểu “mấy ổng” có vấn đề hay không, nghi hoặc về não trạng của họ.

Thứ hai, đó là bệnh về mắt, cụ thể là thiển cận. Chẳng lẽ cơ quan quản lý không nhận ra những điều đơn giản như đâu phải cứ thấp bé nhẹ cân là nguyên nhân gây ra tai nạn và to béo nặng cân thì không gây tai nạn? Họ cũng không nhìn thấy được gì hơn ngoài 1,45m hay sao?

Thứ ba, đó là bệnh về tai. Họ đã không biết lắng nghe. Lắng nghe ở đây không phải là một hoạt động bản năng nghe thông thường mà là một hoạt động có ý thức, là quá trình thu nhận thông tin; nó bao gồm cả quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý, lưu giữ và sử dụng thông tin. Về mặt tâm lí và tình cảm thì lắng nghe còn là sự chấp nhận và đồng cảm với những ai sẽ chịu ảnh hưởng của quy định quản lý. Cơ quan quản lý trong trường hợp này không hiểu đã nghe ai, nghe từ đâu, nhưng rõ ràng là họ không hề bỏ công ra lắng nghe từ chính những người có liên quan trực tiếp nhất.

Thứ tư, đó là bệnh về chân tay. Nhà quản lý trong trường hợp này lười đến nỗi chẳng buồn động chân động tay để làm những thao tác tối thiểu như thảo luận đến nơi đến chốn trước khi cho ra những quy định như vậy. Đấy là chưa nói đến những động tác nhọc nhằn, tốn công sức, thời gian như điều tra xã hội học, nghiên cứu đa ngành, đánh giá tác động…

Thứ năm, đó là bệnh về tim. Cơ quan quản lý đã không hề động lòng, tỏ ra vô cảm trước mưu sinh của hàng triệu con người. Họ coi con người như một vật thí nghiệm khi vụng chèo, vụng cả chống rằng, trong khi thực thi, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung sớm nếu thấy quy định không phù hợp thực tế. Và như một tác giả viết, họ đã làm trái với nguyên tắc y đức số một của ngành y là “không làm hại người”, khi làm tổn hại về vật chất và cả tinh thần của hàng triệu người.

Thực ra, đã có những cơ chế phòng bệnh. Trước hết, đó là tự phòng bệnh lấy với nhau. Trong mỗi bộ, Bộ Y tế cũng vậy, đều có Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định văn bản của Bộ mình, rồi lấy ý kiến trong Bộ trước khi đưa ra ngoài. Tiếp đó, văn bản được gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành khác, gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Thế nhưng, những cơ chế này hiện nay có vẻ như chưa đủ sức đề kháng trước những căn bệnh nói trên. Cơ chế khiếu kiện hành chính nước ta cũng hơi trái khoáy khi chỉ cho phép kiện văn bản ảnh hưởng đến cá thể, mà không được kiện những văn bản có phạm vi ảnh hưởng rộng như Quyết định của Bộ Y tế. Còn tòa án hiến pháp lại chưa có ở nước ta, trong khi Quyết định này rõ ràng tác động xấu đến quyền đi lại- một quyền cơ bản của hàng triệu công dân, và phân biệt đối xử, kỳ thị với những người bị thiệt thòi.

Trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2008 đã có quy định cơ quan ban hành văn bản phải tiến hành đánh giá tác động của văn bản, nếu không sẽ không được chấp nhận. Theo đó, cần đánh giá chi phí, hệ quả, những tác động có thể xảy ra đối với các nhóm trong xã hội, các khu vực, hoặc toàn bộ xã hội và nền kinh tế từ sự thay đổi chính sách hoặc pháp luật, được thực hiện trong qua trình làm luật, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hoặc ban hành chính sách mới. Điều quan trọng, cơ bản nhất là nó đưa ra nhiều phương án khác nhau, và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh tác động của các giải pháp đó, lựa chọn chính sách, cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, để họ có thể lựa chọn được giải pháp tốt nhất. Phương pháp này thiết lập các tiêu chí để đánh giá và so sánh các tác động đó. Đây là sự tiếp nhận một thông lệ tốt của nhiều nước. Tuy nhiên, theo Luật, Quyết định của Bộ lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Luật này đến tháng 1/2009 mới có hiệu lực. Như vậy, hiện tại chỉ còn trông chờ vào Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp có tiếng nói phản biện, và Bộ Y tế “bỗng dưng” khỏi bệnh chăng?

Còn đối với các dạng văn bản quy phạm pháp luật khác, trong quá trình lấy ý kiến góp ý Nghị định thực thi Luật này, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị phải đánh giá tác động đối với tất cả những văn bản nào ảnh hưởng đến nhiều người, nhóm dân cư trong xã hội. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu được chấp thuận, đây sẽ là một bộ lọc gạn lọc những văn bản không cần thiết, một cơ chế phát hiện, phòng ngừa việc ra đời những văn bản “lạ lùng” như vậy.

Cuối cùng, như một giáo sư có nói, “cần ban hành gấp quy định: người thiếu chất xám thì không được làm quản lý”. Người dân cũng tự hỏi: “mấy ổng” mắc nhiều bệnh vậy thì có đủ tiêu chuẩn để ngồi ở cái ghế quản lý công quyền, quyết những chuyện của hàng triệu con người như chúng ta?

Nguyên Lâm
25-10-08

No comments: