Friday, October 31, 2008

NHẬN ĐỊNH VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN TRONG VỤ XỬ HAI NHÀ BÁO

Nhận định về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong nước qua vụ xử bất công hai nhà báo
Nguyễn Chính Kết
Thứ Năm, ngày 30 tháng 10 năm 2008
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20081030_06.htm

Qua vụ án xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn văn Hải, và hai sĩ quan công an Nguyễn Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh, chúng ta có thể rút ra một số nhận định:

1) Để nhìn mọi vấn đề trong nước một cách trung thực, chính xác, điểm mấu chốt cần nắm vững là: CSVN không chấp nhận bất cứ điều gì (lời nói, sự kiện, việc làm, thông tin, bình luận, tổ chức, cá nhân…) gây nguy hiểm cho mục đích của họ là độc quyền cai trị vô thời hạn trên quê hương Việt Nam. Để đạt cho được mục đích ấy, họ không từ bất cứ điều xấu xa, đê tiện, bỉ ổi, gian trá nào.

2) Việc không chấp nhận nói trên được thể hiện bằng nhiều phương cách đối phó khác nhau tùy mức độ nguy hiểm người dân gây ra cho họ và cũng tùy theo tình huống.

− Mức độ nguy hiểm càng cao thì cách đối phó càng mãnh liệt: nguy hiểm ở mức độ thấp thì người dân bị mời đến trụ sở công an “làm việc”; cao hơn thì bị theo dõi, sách nhiễu, quản chế; cao hơn nữa thì bị đánh đập, tra tấn, giam, tù (lâu hay mau tùy tội trạng); và cao nhất thì bị thủ tiêu.

− Phương cách đối phó mạnh hay nhẹ cũng tùy theo tình huống. Lúc đảng và nhà nước bị áp lực quốc tế mạnh thì họ đàn áp dân nhẹ hơn lúc bị áp lực yếu; người dân nào nổi tiếng, được thế giới biết đến thì được đối xử nương tay hơn những ai ít được biết đến; lúc đảng đang gặp nguy cấp thì họ mạnh tay hơn lúc bình thường… Do đó, cùng làm một việc nguy hiểm cho đảng và nhà nước như nhau, nhưng người nổi tiếng thì chỉ bị hỏi thăm hay thẩm vấn qua loa, còn người dân bình thường thì có thể vào tù. Cùng một “tội danh” như nhau, nhưng khi CSVN cần lấy điểm với quốc tế để vào WTO thì họ có thể làm ngơ bỏ qua, nhưng sau khi vào được WTO rồi thì họ bỏ tù…

3) Hiện nay, CSVN đang bị thế giới chỉ trích và lên án quá nhiều về tình trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, nên họ tìm cách tạo ra một thứ tự do ngôn luận và tự do báo chí giả tạo để đánh lừa dư luận quốc tế và trong nước.

− Trong môi trường tự do giả tạo này, các nhà báo tạm thời được phép nói bất cứ điều gì miễn không gây nguy hiểm cho chế độ. Do đó, họ có quyền chống tham nhũng một cách chung chung, chẳng hạn được phép chỉ trích hoặc đưa tin về sự tham nhũng hay ăn cướp của những cán bộ cấp thấp, được phép chỉ trích chính sách của nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế… ở mức độ vừa phải. Nhưng họ không được phép chỉ trích đảng và nhà nước về chính trị, nhất là không được phê bình tính độc tài, độc đảng, điều 4 hiến pháp; tuyệt đối không được nói nguyên nhân của những tệ nạn xã hội là do cơ chế độc tài độc đảng của chế độ, v.v...

− Đối với các nhà đấu tranh dân chủ cũng tương tự như vậy, nhưng được nói mạnh hơn các nhà báo một chút, để chứng tỏ đảng và nhà nước cũng tôn trọng đối lập (một thứ tôn trọng giả bộ). Đảng và nhà nước tạm thời chấp nhận cho các nhà đấu tranh dân chủ có quyền nói, viết, thậm chí phê bình chỉ trích chế độ về mặt chính trị… miễn là đừng làm gì nguy hiểm quá đáng cho chế độ như treo biểu ngữ, rải truyền đơn, hô hào biểu tình, liên kết thành tổ chức, lập hội lập đảng… Nói chung, CSVN chấp nhận cho các nhà dân chủ chống đối ở mức độ vừa phải, không gây nguy hiểm quá đáng cho chế độ. Mức này thay đổi tùy theo tình hình trong nước và thế giới. Các nhà dân chủ nào chấp nhận “tiêu chuẩn NATO” (No Action, Talk Only = chỉ nói hoặc viết chứ không hành động, không tổ chức) thì được tương đối an toàn, nhiều lắm thì chỉ bị mời làm việc thôi… Những nhà dân chủ nào dám hành động cụ thể là có thể vào tù ngay như Lm Nguyễn Văn Lý, Ls Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, Nv Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Phạm Văn Trội, v.v... (hiện nay, riêng Khối 8406, đã có khoảng trên 40 thành viên tích cực hoạt động đang bị giam giữ).

Việc chống tham nhũng của đảng và nhà nước CSVN cũng chỉ là chống giả tạo để làm giảm bớt sự bất mãn của dân chúng, đồng thời để tỏ thiện chí đối với dư luận trong và ngoài nước. Qua vụ án hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn văn Hải, người ta nhận thấy rõ ràng đảng và nhà nước CSVN − theo cách nói châm biếm của dư luận − chỉ chống tham nhũng “từ thắt lưng hay đầu gối trở xuống”, và không chấp nhận chống tham nhũng “từ thắt lưng hay đầu gối trở lên”. Nhà báo nào dám tố cáo những cán bộ cộng sản cao cấp tham nhũng, cướp đất đai tài sản của dân hay của công thì đều bị coi là “có tội”, là vi phạm pháp luật. Tất cả mọi hành vi tham nhũng, ăn cướp của các thành viên trong bộ chính trị, hoặc của các cấp bộ trưởng đều được CSVN mặc nhiên xem là “bí mật nhà nước”. Hành vi tham nhũng hay ăn cướp càng lớn thì càng được coi là “tối mật”. Tiết lộ “bí mật nhà nước” là vi phạm luật. Tiếc rằng hai nhà báo và hai sĩ quan an ninh kia đã không am tường điều khoản quan trọng của “luật rừng” này để biết đường mà tránh. Tuy nhiên, nếu họ biết mà vẫn dám tiết lộ hay nói lên sự thật thì họ đúng là những anh hùng.

Nếu đảng và nhà nước CSVN muốn chống tham nhũng thật sự, chắc chắn tham nhũng sẽ không thể tồn tại được khi mà họ đang nắm toàn bộ quyền lực trong tay: muốn giết ai thì giết, muốn bỏ tù ai thì bỏ… Nếu ai tham nhũng, ai cướp đất của dân mà đều bị đưa ra pháp trường xử bắn, hay xử 20 năm tù, bất chấp người ấy là tổng bí thư đảng hay thủ tướng, thì bảo đảm tình trạng tham nhũng và cướp đất của dân sẽ chấm dứt ngay tức khắc. Nhưng rất tiếc, đảng không thực tâm chống tham nhũng…

Tình trạng tham nhũng, cướp đất của dân ngày càng lan tràn và gia tăng khiến ai cũng có thể nghĩ rằng: chẳng những đảng và nhà nước CSVN không hề chống tham nhũng, chống cướp đất mà còn nuôi tham nhũng, dung túng cho cán bộ của mình ăn cướp của dân. Việc xử những người tham nhũng, đưa ra một vài cán bộ cấp thấp làm “dê tế thần” chỉ là để “làm bộ” hầu đánh lừa dư luận, cho người dân đỡ bất mãn và tin tưởng vào thiện chí (giả bộ) của đảng và nhà nước hơn.

Nuôi tham nhũng, dung túng cho cán bộ của mình ăn cướp của dân như thế để làm gì? Thưa: Để nuôi lòng trung thành của cán bộ đối với đảng và nhà nước. Đó cũng là cách đảng và nhà nước trả công hoặc thưởng công cho những cán bộ trung thành với mình mà đảng không phải mất đồng xu nào của mình, trái lại còn được họ tỏ lòng biết ơn cách cụ thể bằng những “phong bì” hậu hĩnh… Cán bộ nào trung thành với đảng và nhà nước thì dù có tham nhũng, hối lộ, ăn cắp, ăn cướp của dân hay của công cũng được hưởng đặc ân của đảng là không bị truy tố, bị quy trách nhiệm hình sự. Nếu lỡ đảng hay nhà nước không bao che được − do tội tầy đình không lấp liếm được − thì phạm nhân cũng sẽ được xử phạt nhẹ hết sức có thể. Trường hợp Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng là một thí dụ điển hình: bị xử phạt hết sức nhẹ, lại được phục hồi chức danh nhanh chóng…

Một khi đã tham nhũng, đã từng ăn cắp hay ăn cướp của công hay của tư thì tội danh đã có sẵn đó, nếu cán bộ nào tỏ ra không còn trung thành với đảng và nhà nước nữa, không chịu thi hành lệnh của đảng và nhà nước ban ra thì lập tức đảng và nhà nước truy tố tội đã có sẵn đó ra trước tòa… Do đó, những cán bộ nào đã có tội với nhân dân chỉ còn một cách duy nhất là tiếp tục trung thành với đảng và nhà nước mà thôi. Vì thế, rất nhiều cán bộ biết rằng theo đảng là đi lầm đường, là phản bội dân tộc, là hành động trái với lương tâm, nhưng vẫn cứ phải tiếp tục trung thành với đảng và nhà nước CSVN. Càng trung thành với đảng và nhà nước thì càng dễ bị biến chất, thoái hóa.

Bộ máy độc đảng, độc tài quyết duy trì quyền lực bằng bất cứ giá nào chính là bộ máy làm những bộ phận trong đó − tức các cán bộ trung thành với đảng − càng ngày càng thoái hóa, hư hỏng, không còn nhân tính. Những ai muốn sống theo lương tâm, muốn sống trong sạch, muốn thật sự phục vụ dân chúng đều bị đẩy ra khỏi guồng máy, vì những người này luôn luôn bị những người còn lại lo sợ sẽ có ngày trở nên nguy hiểm cho họ. Những ai muốn trở về đường ngay nẻo chính, trở về với quê hương dân tộc sớm muộn cũng sẽ bị sa thải hoặc bị guồng máy nghiền nát. Trường hợp Nguyễn Việt Chiến hay Nguyễn Xuân Quắc là những thí dụ điển hình và mới nhất. Xa hơn về trước có Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Anh Kim, Phạm Quế Dương, Nguyễn Vũ Bình, v.v... Còn biết bao người không tên tuổi đã bị sa thải hay nghiền nát mà chúng ta không hề biết tới. Nhưng đất nước ta, dân tộc ta còn phần nào giữ được bản chất anh hùng và tốt đẹp của người Việt cũng là nhờ những con người không sợ bị sa thải hay nghiền nát ấy. Rất mong những Nguyễn Việt Chiến, những Nguyễn Xuân Quắc, những Phạm Thanh Nghiên, những Nguyễn Hoàng Hải (Điếu Cày)… những con người “uy vũ bất năng khuất” ấy được nhân lên gấp bội nơi dân tộc Việt Nam. Có như thế đất nước ta mới hy vọng thoát được ách nô lệ độc tài của đảng CSVN. Nếu ai cũng hèn nhát khiếp nhưọc cả thì có phải làm kiếp nô lệ mãi cũng không có gì là lạ!

Houston, ngày 29/10/2008.
Nguyễn Chính Kết
Khối 8406

No comments: