Wednesday, June 11, 2025

BẢO VỆ ĐẠI DƯƠNG, DI SẢN CHUNG CỦA NHÂN LOẠI (Thụy My / RFI)

 


Bảo vệ đại dương, di sản chung của nhân loại

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 10/06/2025 - 08:25  -  Sửa đổi ngày: 10/06/2025 - 08:26

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250610-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-%C4%91%E1%BA%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng-di-s%E1%BA%A3n-chung-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A2n-lo%E1%BA%A1i 

 

Biển nuôi sống 3 đến 8 tỉ người, chứa 90 % tài nguyên dầu khí và 84 % quặng mỏ, là nguồn năng lượng tái tạo vô tận. Đại dương là di sản chung của nhân loại, là phòng thí nghiệm cho việc tái thúc đẩy đa phương. Theo Le Figaro, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt có trách nhiệm. Pháp sở hữu diện tích biển lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, Châu Âu thừa hưởng nền văn minh Địa Trung Hải, tạo dựng sức mạnh nhờ biển cả.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Đàn cá bơi tại khu bảo tồn quốc gia Porquerolles của Pháp. Bảo vệ môi trường biển nằm trong mục tiêu của hội nghị Liên Hiệp Quốc về đại dương tổ chức tại Nice (Pháp) từ ngày 09/06/2025. AP - Annika Hammerschlag

 

Nước Pháp một năm sau khi tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội, hội nghị quốc tế về đại dương khai mạc ở Nice, chiến tranh ở Ukraina, tổng thống Mỹ điều vệ binh quốc gia đến Los Angeles là thời sự được Le Monde  Le Figaro đề cập hôm nay 09/06/2025. Các báo khác đã nghỉ lễ Pentecôte (Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống).

 

 

Một năm sau giải tán Quốc Hội, chính trị Pháp vẫn tê liệt

 

Cách đây đúng một năm, sau khi đảng của tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử châu Âu, ông Emmanuel Macron loan báo giải tán Quốc hội, gây bất ngờ cho tất cả mọi người kể cả trong phe mình. Cuộc bầu cử trước thời hạn ba tuần sau đó không mang lại kết quả như mong muốn, trái lại, nước Pháp trở nên không thể lãnh đạo được vì chính trường chia thành ba khối đối nghịch nhau.

 

Theo một thăm dò, 66 % người Pháp cho rằng quyết định của ông Macron rốt cuộc là « tệ hại ». Từ đó đến nay, vị trí của tổng thống không còn áp đảo như xưa và hậu quả cũng thấy rõ đối với phe cực hữu. Từ một năm qua, đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) gặp khủng hoảng sâu sắc, với câu hỏi ai sẽ là ứng cử viên của đảng trong cuộc bầu cử tổng thống 2027. Le Monde ghi nhận ông Emmanuel Macron rốt cuộc đã nhìn nhận việc giải thể « gây chia rẽ thay vì là một giải pháp », nhưng cho rằng thời gian sẽ trả lời.

 

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định Quốc hội cùng với các nhóm thiểu số của mình đang chệch hướng. Trong « cuộc du hành vào đêm đen chính trị », Quốc hội chỉ đưa ra được một dự luật thảm hại mang tính biểu tượng, theo nhật báo cánh hữu là trao cho Nhà nước cái quyền trợ giúp người muốn tự tử. Thiếu hẳn sự năng động, sức sống, nhiệt tình, tin tưởng vào tương lai - những lời hứa ban đầu của phong trào Macron. Trong hai năm tới cần duy trì sự thăng bằng dù mong manh này, không giải thể lần nữa và nhất là không có việc tổng thống từ chức. Tình hình trong nước đang bấp bênh, thế giới xung quanh quá nguy hiểm để có thể gây thêm hỗn loạn, cần phải nghiêm túc chuẩn bị cho việc vực dậy nước Pháp sau 2027.

 

 

Biển cả nuôi sống nhân loại

 

Về lãnh vực môi trường, nhà bình luận Nicolas Baverez trên Le Figaro kêu gọi « Cứu vãn hành tinh biển ». Hội nghị lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc về đại dương khai mạc hôm nay ở Nice mang tầm quan trọng đặc biệt. Biển cả là thiết yếu cho an ninh kinh tế, kỹ thuật số, năng lượng và thực phẩm.

 

Hôm nay, hai tổng thống Macron và Lula có mặt tại hội nghị do Pháp cùng Costa Rica đồng tổ chức. Sự kiện này nhắc nhở rằng hành tinh của chúng ta bị gọi sai tên là Trái Đất, trong khi 71 % diện tích là biển. Nhà văn, nhà thám hiểm người Anh Walter Raleigh từng nói « Ai nắm được biển sẽ nắm được thương mại thế giới, ai nắm thương mại sẽ giàu có, và ai giàu có sẽ nắm được thế giới ».

 

Biển nuôi sống 3 đến 8 tỉ người, chứa 90 % tài nguyên dầu khí và 84 % quặng mỏ, kim loại, đất hiếm ; là nguồn năng lượng tái tạo vô tận. Biển quyết định vị trí các đô thị, 60 % nhân loại sống trong phạm vi 20 kilomet từ vùng duyên hải. Biển giúp vận chuyển 90 % khối lượng hàng hóa, vai trò càng nổi bật trong đại dịch Covid, là nơi các đường ống dẫn dầu khí và 500 đường cáp ngầm đi qua, bảo đảm cho nền kinh tế số với 99 % lượng dữ liệu truyền đi.

 

 

Những nguy cơ cho đại dương

 

Đại dương đóng vai trò quyết định không chỉ trong thương mại mà ảnh hưởng đến cả cơ sở hạ tầng của kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa, địa chính trị, kỷ nguyên mới của các đế quốc cũng như trong việc bảo tồn sự sống. Bằng chứng là cuộc chiến để giành quyền kiểm soát Hắc Hải trong chiến tranh Ukraina, hay Hồng Hải ở Trung Đông, âm mưu bành trướng trên Biển Đông và chiếm hữu Đài Loan của Trung Quốc. Bên cạnh đó là tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn chiếm Bắc Cực, Donald Trump dòm ngó Canada, Groenland, kênh đào Panama, Mêhicô.

 

Biển cũng là nơi buôn lậu ma túy, buôn người, nơi đoàn tàu ma của Nga hoạt động để né cấm vận. Cuối cùng, đại dương giúp điều hòa khí hậu, sinh quyển lớn nhất của đa dạng sinh học, sản sinh ra 70 % khí oxy, hấp thụ 90 % nhiệt năng et 26 % khí carbon từ hoạt động con người. Có 1 đến 3 triệu loài sinh vật sống ở đáy sâu biển cả. Tuy định mệnh nhân loại tùy thuộc nặng nề vào đây, nhưng đại dương đang bị đe dọa bởi xung đột quốc tế, trật tự thế giới sụp đổ.

 

Trước hết là biến đổi khí hậu. Nhiệt độ biển kể từ thế kỷ 19 đã tăng 21,1 độ C trên bề mặt, dẫn đến a-xít hóa, tác hại đến đa dạng sinh học và các rạn san hô. Kế đến là nạn ô nhiễm vì rác thải và nhựa, rồi nạn đánh cá theo kiểu tận diệt. Chiến tranh cũng vươn ra biển, nhất là Trung Quốc phát triển hải quân, tự do hàng hải không được thực thi, xảy ra vô số vụ phá hoại cơ sở hạ tầng, quân sự hóa đáy biển và tự động hóa cuộc chiến ở tầng đáy. Hiệp ước bảo vệ biển khơi và đa dạng hải sinh học tức « BBNJ », ký kết tháng 3/2023 sau 20 năm thương thảo, là một trong những hiệp ước quốc tế hiếm hoi vào đầu thế kỷ 21 nhưng chỉ được 29 quốc gia phê chuẩn, trong khi phải 60 nước mới có hiệu lực.

 

 

Năm hướng chính để cứu vãn hành tinh biển

 

Vì tất cả những lý do trên, hội nghị thượng đỉnh Nice vô cùng quan trọng, với mục tiêu xác định chiến lược toàn cầu để cứu vãn đại dương, xung quanh năm trục chính. Theo Le Figaro, đó là tạo ra các khu bảo tồn biển bao phủ 30 % diện tích thay vì 8,4 % như hiện nay. Xác định một khuôn khổ cho hoạt động kinh tế biển, cấm lạm sát hải sinh vật, khai thác quá mức quặng mỏ đáy biển, du lịch đại trà. Cải thiện khả năng hồi phục của các thành phố duyên hải trước thiên tai. Đầu tư vào khoa học và hình thành một mạng lưới quốc tế quan sát đại dương, thu thập dữ liệu, trong khi nghiên cứu biển chiếm chưa đầy 2 % ngân sách và còn bị chính quyền Trump cắt giảm. Cuối cùng là lập nên một COP (hội nghị khí hậu) Đại dương huy động các chuyên gia, có sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội dân sự.

 

Đại dương là di sản chung của nhân loại, cần được quản lý toàn cầu và vì vậy nên trở thành phòng thí nghiệm cho việc tái thúc đẩy đa phương. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt có trách nhiệm. Pháp sở hữu diện tích biển lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, trải dài trên 11 triệu kilomet vuông và bao phủ 20 % đảo san hô, chiếm 10 % đa dạng sinh học của thế giới.

 

Châu Âu thừa hưởng nền văn minh Địa Trung Hải, sự thịnh vượng và sức mạnh của châu lục được tạo dựng xung quanh việc làm chủ biển cả. Nhưng ngược với các cực quyền lực khác của thế kỷ 21, châu Âu không triển khai chiến lược biển lẫn lực lượng hải quân có thể bảo đảm an ninh kinh tế, tự do và chủ quyền. Đã đến lúc thoát khỏi sự trì trệ, có được chính sách đại dương vì trong thế kỷ này, tương lai của Trái đất được quyết định trên biển.

 

Xã luận của Le Monde cũng cho rằng, sau COP29, hội nghị Liên Hiệp Quốc tập trung gần 60 nhà lãnh đạo các nước là vô cùng cần thiết, dù mục tiêu đặt ra có phần khiêm tốn. Điều đáng chú ý là sự vắng mặt của Hoa Kỳ : từ khi quay lại Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn chống lại các vấn đề liên quan đến môi trường. Cũng chính tại Phòng Bầu Dục mà tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh mở đường khai thác quặng mỏ dưới đáy biển, không quan tâm đến luật pháp quốc tế.

 

 

Điều vệ binh đến Los Angeles : Trump tấn công vào thành trì Dân Chủ

 

Về nội tình nước Mỹ, Le Figaro quan tâm đến việc Donald Trump điều 2.000 vệ binh quốc gia đến Los Angeles, sau hai ngày biểu tình phản đối việc trục xuất di dân, bất chấp ý kiến của thống đốc California. Ông Gavin Newson tố cáo quyết định này « chỉ gây thêm căng thẳng », Trump điều vệ binh « không phải vì thiếu lực lượng mà nặng phần trình diễn ». Chính quyền California nhắc lại rằng tình hình vẫn trong vòng kiểm soát, biểu tình chỉ diễn ra cục bộ. Được biết lần gần đây nhất một tổng thống Mỹ huy động vệ binh quốc gia dù thống đốc chống lại là tận năm 1965, khi Lyndon Johnson muốn ngăn biểu tình đòi quyền dân sự ở Alabama.

 

Tờ báo nhắc lại, các cuộc xuống đường bắt đầu từ thứ Sáu tại khu vực người Mỹ La-tinh ở ngoại ô Los Angeles. Cảnh sát di trú mặc đồ nhà binh đã xông vào các nhà máy, một nhà kho để truy tìm người không giấy tờ và hôm sau là gần một trại tạm giam, một cửa hàng mà người nhập cư thường đến tìm việc. Xung đột nổ ra vào lúc chính quyền Trump gia tăng trục xuất hàng loạt.

 

Cho đến gần đây, cơ quan di trú tập trung vào những di dân phạm pháp, nhưng từ vài tháng qua, Stephen Miller, cố vấn của ông Trump, đã gây áp lực lên cảnh sát biên phòng, yêu cầu tăng số lượng bắt giữ mỗi ngày. Việc nhắm vào nơi làm việc và nhà máy giúp tăng gấp ba số người bị bắt, trong khi người không giấy tờ chiếm 4 % lao động nước Mỹ năm 2023.

 

Biểu tình là cái cớ để tổng thống Trump nhấn mạnh đến mối nguy từ di dân, đồng thời tấn công vào bang Dân Chủ California, thành trì của phe cấp tiến. Donald Trump đe đọa cắt ngân sách các trường đại học, giảm trợ cấp thiên tai, chỉ trích thống đốc Newsom về chính sách đối với các vận động viên chuyển giới…Và nay là dịp để ông chứng tỏ uy quyền vào lúc cuộc diễn binh tại Washington sẽ diễn ra cuối tuần này. Trump từng đề nghị gởi Vệ binh quốc gia đàn áp biểu tình sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis, nhưng lại không kêu gọi trong vụ chiếm đồi Capitole năm 2021. Nhiều người lo sợ việc đưa quân đội đến dập tắt biểu tình sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm cho nền dân chủ Mỹ.

 

Về cuộc xung đột giữa Donald Trump và Elon Musk, tác giả Mỹ Ronan Planchon trên Le Figaro cho rằng đó không phải là sự đối lập giữa hai cá tính vô cùng ích kỷ, mà là sự khác biệt quan điểm. Ông Trump tái đắc cử nhờ sự yếu kém của Dân Chủ và người dân hy vọng có những thay đổi, nhưng nay phải trở lại với cử tri truyền thống của mình.

 

 




No comments: