Thursday, January 9, 2025

PHỎNG VẤN SƯ MINH TUỆ : 'ÁI LUYẾN SINH SỢ HÃI, CON TU TẬP ĐỂ KHÔNG ÁI LUYẾN NỮA' (BBC News Tiếng Việt)

 



Phỏng vấn sư Minh Tuệ: 'Ái luyến sinh sợ hãi, con tu tập để không ái luyến nữa'

BBC News Tiếng Việt

9 tháng 1 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0mvmkr744no

 

Hành trình đi bộ khất thực của nhà sư Thích Minh Tuệ hướng tới đất Phật Ấn Độ đang thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng. BBC News Tiếng Việt đã có dịp hỏi chuyện nhà sư khi đoàn đi qua vùng đông bắc Thái Lan.

 

Cuộc trò chuyện giữa nhà sư Thích Minh Tuệ và chúng tôi diễn ra trong một khu vườn bên đường 217 tại tỉnh Ubon Ratchathani, khi ông dừng chân nghỉ trưa.

 

Trong cuộc phỏng vấn, sư Minh Tuệ chia sẻ quan niệm của ông về tu tập, cũng như cảm xúc, trải nghiệm mà ông có sau thời gian nhiều năm bộ hành.

 

*

BBC: Thưa nhà sư Minh Tuệ, xin hỏi việc đi bộ ở Lào và Thái Lan thì giống và khác như thế nào so với ở Việt Nam?

 

Sư Minh Tuệ: Khí hậu ở Lào và Thái Lan có khác ở bên Việt Nam. Khí hậu thì khá là lạnh. Nói chung là đường sá, rừng các thứ có nhiều điểm khác. Con người, phong tục tập quán cũng có khác.

Một điểm khác nữa là khi đi ở bên Lào và Thái Lan thì ít Phật tử đi theo hơn so với hồi ở Việt Nam.

Ở Việt Nam thì thời gian như ở Quảng Trị, Huế thì đông hơn, gây [cản trở] giao thông. Còn bên này [Lào và Thái Lan] thì đi không gây [cản trở] giao thông, mọi chuyện đều tốt đẹp, ổn định.

Còn chuyện đi lại, đường sá khó khăn, sự mệt nhọc thì cũng giống nhau cả thôi. Nơi nào cũng đòi hỏi sự kiên trì cả.

Chuyện ăn uống cũng đều giống nhau cả. Có lúc đờ [người] đi [vì đói] cũng phải giữ giới. Ăn ngày một bữa. Đi bên trái hoặc bên phải trên đường nhựa thì cũng đều như nhau cả.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4a31/live/774c48f0-ce48-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Sư Minh Tuệ bộ hành ở Việt Nam, ảnh chụp vào tháng 5/2024

 

*

BBC: Trên con đường ngoài kia có rất nhiều xe lớn chạy, khi đi như vậy thì sư có cảm thấy lo lắng về vấn đề an toàn giao thông không?

 

Sư Minh Tuệ: Không, mình cứ đi bên đường theo quy định.

Giờ việc sống chết của mình lo đâu cho hết. Chết thì thôi chứ. Giờ phương tiện giao thông [họ đi], mình bộ hành bên đường đúng thì mình cứ đi.

Họ chạy [xe] thì [nếu] mình cảm giác sợ thì mình không đi nữa, đi về.

 

*

BBC: Xin hỏi nhà sư là việc đi bộ một mình và đi bộ cùng nhiều nhà sư khác có sự khác nhau như thế nào?

 

Sư Minh Tuệ: Vâng, cũng có sự khác nhau.

Chẳng hạn như đi một mình thì nó thoải mái hơn, được tự do hơn. Còn đi với mọi người thì nói chung là nhiều thứ phải thay đổi, như tìm chỗ nghỉ cũng phải tìm chỗ rộng hơn.

Khi đi một mình thì rúc vào đâu cũng được, mình đi tự do. Còn giờ đi ở đây có người giúp đỡ, thông báo trước.

Chẳng hạn như ở đây có anh Báu, anh Giáp, bữa nay thì có anh Sơn nữa. [Các] anh giúp đỡ thông báo chỗ nghỉ, thông báo chính quyền, báo trước cho mình tới điểm này, điểm kia. Như thế thì con thấy nó cũng tốt đẹp, hạnh phúc.

Đi một mình hay nhiều người quan trọng là ở cái tâm của mình. Ở đây mình đang ngồi với các sư phụ hay gặp mọi người, mà thấy tâm mình tĩnh, không có ai thì cũng giống như một mình.

Còn nếu tâm mình cứ nghĩ ngợi thì nó cũng giống như chốn đông người. Tại vì mình ngồi một chỗ, mình đi một mình mà lúc nào mình cũng nghĩ về người khác.

Hay là tư duyên khởi lên tham người này, hay ghét người này, hay nói chung là nhiều thứ chuyện mờ ám xấu xa, dục lạc thế gian này thì nó cũng không khác gì là đông người.

Còn mình ngồi như thế này, nhưng mà mình không thấy ghét họ, hay là cũng không thấy phiền não, không phiền hà gì, thì cũng coi như một mình. Nó có sự khác biệt như thế.

Nói chung là tùy tâm của mình mà nói đông hay không đông. Mình ngồi giữa chợ, nhưng mà mình không có động với họ thì cũng không đông. Còn ở một mình mà tâm mình loạn hay tầm bậy tầm bạ thì cũng thành như đông.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3189/live/7f891740-ce49-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Các nhà sư nghỉ chân trong một khu vườn bên đường ở tỉnh Ubon Ratchathani

 

*

BBC: Sư có thể mô tả qua một ngày tu tập của mình không?

 

Sư Minh Tuệ: Vâng, tối thì nghỉ ngơi. Nói chung là đi tới 6 - 7 giờ tối, nếu quãng đường mình đi chưa hết thì cố gắng mình đi thêm, rồi nghỉ ngơi. Đến sáng sớm mặt trời mọc, hay rõ đường sá rồi thì mình lại lên đường bộ hành khất thực. Nói chung đa số không có quy định rõ ràng, giờ này là phải làm như thế này, phải làm như thế kia.

Vấn đề là đủ duyên hợp thời. Chẳng hạn như bữa nay tới chỗ này, họ bảo mình thấy mệt rồi, hay là cũng đến giờ trưa nghỉ rồi, thôi vào đây nghỉ ngơi, thì mình vào. Chứ không phải là nói tôi mới đi mấy cây [số], giờ phải đi thêm. Nói chung là tất cả đều do duyên, giờ làm hay là giờ ăn, giờ nghỉ cũng thế.

Có khi mình đi mệt rồi, mình ngủ sớm, rồi mình lại dậy sớm chứ không phải nói kiểu tôi khi nào cũng 10 giờ ngủ, 2 giờ dậy. Lúc sớm hơn, lúc trễ hơn 5-10 phút, chỉ áng tầm như thế thôi, chứ không nhất thiết phải theo một lịch trình chặt chẽ. Nói chung là tất cả mọi cái là do duyên.

Thời gian nghỉ trên đường cũng là tương đối, quan trọng là hợp với thực tế mình đi thôi. Chứ không có quy định là buổi chiều phải đi. Tùy duyên như thế chứ cũng không phải quy định rằng ngày nào tôi cũng phải đi.

 

*

BBC: Khi bộ hành thì sư suy nghĩ về điều gì?

 

Sư Minh Tuệ: Đi bộ hành thì con suy nghĩ, con mong cho mình và mọi người nếu muốn được đi bộ hành thì được bộ hành. Mong cho mọi người đều được hạnh phúc, đều được tốt đẹp, hay là được những điều mình mong muốn. Mình đi bộ hành như thế này là mình mong muốn hòa bình, hạnh phúc.

Ai cũng được đi qua các nước, không bị rào cản gì. Nói chung là mình được sống hạnh phúc, tự do, thoải mái, giao lưu giữa các nước mà không làm điều gì tổn hại đến đất nước đó.

Nói chung là mình sống có giới, có đạo đức, có trí tuệ, không hại gì tới ai. Mình đi cũng không làm hại, cũng không có mục đích lợi ích kinh tế hay là lợi ích chính trị, chiến tranh gì. Mình đi là để được thoải mái, an lạc.

Đi lại mà mình không gây ảnh hưởng cho họ, mà không gây nguy hiểm cho họ. Con mong rằng ai cũng thế, được đi thoải mái, không có cái rào cản gì.

Giống như con nai đi trong rừng, muốn đi thì đi, muốn nằm thì nằm, muốn ngồi thì ngồi như thế. Không có bắt bớ, không lo. Không có trộm cắp, không làm gì. Con mong muốn như thế.

 

*

BBC: Trong thời gian tu tập và bộ hành, sư có thể chia sẻ về một câu chuyện mà sư thấy cảm động hoặc một bài học sư thấy tâm đắc nhất mà mình đã chiêm nghiệm ra không?

 

Sư Minh Tuệ: Vâng, ở đây không phải là cảm nghiệm hay tâm đắc gì. Nhưng mà con thấy, chẳng hạn như anh Báu hay anh Achan Lam đi mà giờ giữ giới được, các anh giữ năm giới, sống không có sát sanh, không có trộm cắp, không có tà dâm, không có nói láo, không có uống rượu, uống bia, lúc nào cũng thương yêu mọi người, người ta đến không có gây khó khăn như ngày xưa.

Có thay đổi như thế là con thấy vui vẻ rồi. Như bao người khác nữa, nếu mà ai cũng như thế thì con cũng thấy được điều tốt đẹp.

 

*

BBC: Sau thời gian tu tập, sư thấy bản thân mình đã thay đổi như thế nào?

 

Sư Minh Tuệ: Con thấy bản thân mình có thay đổi. Thay đổi so với ở đời.

Con cũng nói với mọi người là con không phải là thầy, là sư gì cả, không thuộc giáo hội, tăng đoàn gì hết. Con là một người bình thường. Ngày xưa ở đời thì giờ con đi học tập theo lời Phật Thích Ca Mâu Ni dạy.

Con thấy sự thay đổi là ngày xưa thì ôm đồm nhiều thứ, nhưng mà giờ thì ngoài ba y bát rồi không có cái gì nữa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/94a9/live/9b6c9120-ce4a-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Sư Minh Tuệ khất thực vào sáng sớm ngày 5/1

 

*

BBC: Quay lại thời gian vài năm trước, vì sao sư quyết định bắt đầu tu tập vậy?

 

Sư Minh Tuệ: Dạ, con đọc được giáo lý và thấy không có ai giỏi hơn Phật Thích Ca. Như Lai dạy cái đấy là tối ưu. Nếu mà ai tài giỏi hơn thì con đi theo người đấy con học, nhưng mà con kiếm không ra nên là con quyết định đi theo Phật Thích Ca để được học điều tốt đẹp, được hạnh phúc như lời dạy. Hướng tới cái hạnh phúc, cái giải thoát, cái trí tuệ.

 

*

BBC: Khi quyết định đi tu sư có thông báo cho gia đình không? Và gia đình phản ứng như thế nào?

 

Sư Minh Tuệ: Vâng, trước khi đi tu con có tập luyện qua lời Phật dạy trước sáu tháng đã. Rồi khi đó [con] mới về xin, cha mẹ đồng ý cho đi thì con mới đi. Họ đồng ý cho đi và bây giờ trở thành người xuất gia rồi thì con cũng không có khái niệm đó là cha mẹ mình nữa. Con muốn học cái bình đẳng, ai cũng là cha mẹ mình.

Kể cả hai anh ngồi đây [hai phóng viên] con cũng xem là người anh, người em hay là người thân của mình. Con cũng mong mọi người đều hạnh phúc, tốt đẹp như nhau chứ không có khái niệm đây là cha mẹ hay là gì nữa. Mình là một con người đang học theo lời Phật dạy.

 

*

BBC: Thời tiết về đêm ở Thái Lan tương đối lạnh, vậy buổi tối mọi người chống lạnh như thế nào vậy?

 

Sư Minh Tuệ: Buổi tối thì tìm những chỗ khuất gió, kín đáo. Rồi y áo của mình nữa, như con tập hạnh ba y thì cố gắng may nhặt những cái vải dày hơn, tự mình may áo cho mình để phòng hộ, nhưng mà mình tập ba y bát thì kham nhẫn.

Còn một số [lúc] mà thấy không chịu nổi thì có cái bạt đây chắn gió. Nói chung là mình tập chưa đến nơi, đến chốn, chưa có định lực, chưa chịu được thì mình có thể tập dần dần đến khi mình thích ứng được, thích nghi được. Cái đấy là mong muốn, nhưng không có ai nói là tôi chịu lạnh được hết. Tất cả phải qua thời gian luyện tập. Rèn luyện thì chắc chắn sẽ vượt qua

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d10b/live/5688b8f0-ce49-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Hành trình tu học của sư Minh Tuệ đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người

 

BBC: Trong một lá đơn, sư nói rằng sư muốn bộ hành tới Ấn Độ, chỉ cần người trợ giúp thủ tục còn để sư tự đi. Bây giờ thì ngoài các sư khác còn có những người như ông Đoàn Văn Báu và ông Lê Khả Giáp đi theo để hỗ trợ và có một số phương tiện chở đồ đạc. Xin hỏi sự hỗ trợ như vậy có ảnh hưởng đến tính nguyên bản, nguyên chất của việc tu tập không?

 

Sư Minh Tuệ: Vâng, cũng có ảnh hưởng và không ảnh hưởng, tại vì những cái xe, các phương tiện đấy là hỗ trợ cho họ.

Còn con không cần chở đồ gì. Đồ con tự mang lấy, đồ khất thực con cũng tự mang lấy, y áo cũng tự mang lấy. Xe cộ là hỗ trợ cho những người đi theo.

Tại vì những người [đó] tối thiểu có võng, có chăn, có mền chống lạnh. Có cái xe, [nếu] họ đi không được thì ngồi xe hay chạy xe tới trước để làm thủ tục giấy tờ. Họ có thể liên lạc với chính quyền địa phương sở tại, cái đấy họ cũng có giúp, đó là điều tốt đẹp.

Theo con nghĩ, cái cản trở là do những người ngoài [họ] thấy xe như thế này rồi [họ nói] "ông đi mà có một đoàn xe chạy theo mang đồ mang đạc cho ông".

Cái đấy là chuyện mọi người nói thôi. Còn tự mình, mình không cần biết họ nói như thế nào, miễn mình thấy vẫn đúng cái chất học của mình là được. Mình vẫn ba y bát. Còn về cái xe đó, họ có nói trời nói đất gì vẫn là như thế.

 

 

VIDEO : Sư Minh Tuệ tại Thái Lan: 'Mong được đi thoải mái không rào cản như con nai trong rừng'

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0mvmkr744no

 

*

BBC: Triết lý Phật giáo nào sư thấy tâm đắc nhất và muốn chia sẻ với mọi người?

 

Sư Minh Tuệ: Triết lý Phật giáo thì làm thiện là tâm đắc nhất, xong đến hạnh phúc, an lạc, giải thoát, niết bàn là tâm đắc nhất. Với mọi người thì con cũng mong cho mọi người được hưởng hòa bình, sống được hạnh phúc, an lạc, hạnh phúc. Nếu mà được giải thoát thì lại càng hạnh phúc hơn nữa.

 

*

BBC: Sư bộ hành như thế này, đặc biệt là bây giờ ở nước ngoài, thì có cảm thấy nhớ gia đình không?

 

Sư Minh Tuệ: Cũng có nhớ và không nhớ. Có nhớ nhưng mà mình khắc phục.

Cha mẹ mình thì sớm muộn gì cũng chết. Mình thì sớm muộn gì rồi cũng chết. Nhớ nhung thì cũng thế thôi. Khổ đau, ái luyến sinh sầu ưu, ái luyến sinh sợ hãi. Mình biết như thế rồi mình không ái luyến vào đó nữa.

Mình nói là tạm thời thế thôi, mình khắc phục. Tất cả mọi cái mình giải thoát được thì mình sẽ không còn đau khổ như thế này nữa.

Mình biết như thế rồi thì mình có đau khổ nhưng mà mình kham nhận, rồi mình tư duy học theo lời Phật là mình sẽ vượt qua, khắc phục được sự nhớ nhung, khổ não, thoát khỏi phiền não đấy.

 

-----------------------------

Tin liên quan

·         

Ông Đoàn Văn Báu: vì sao đi cùng sư Minh Tuệ và đi để làm gì?

8 tháng 1 năm 2025

·         

Sư Minh Tuệ trả lời BBC: 'Họ hoan nghênh hay đánh đập, bắt nhốt thì con cũng thấy như nhau'

6 tháng 1 năm 2025

·         

Sư Minh Tuệ trên đất Thái Lan: 'Đủ duyên thì đi, con không sợ chết'

5 tháng 1 năm 2025

 

 





No comments: