Hệ lụy nào từ
chính sách 'thợ săn tiền thưởng' giao thông?
BBC News Tiếng Việt
10 tháng 1 2025
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9wlz4l0rwvo
Người báo tin vi phạm giao thông có thể
được thưởng đến 5 triệu đồng đang là sự kiện gây nhiều dư luận tại Việt Nam.
Cụ thể, nghị định 176/2024 khuyến khích người
dân phản ánh các vi phạm giao thông đường bộ để được thưởng 10% số tiền phạt,
trong đó mức thưởng cao nhất lên đến 5 triệu đồng.
Nghị định 'thưởng' này được ban hành và có hiệu
lực cùng lúc với nghị định 'phạt' – Nghị định 168/2024, tăng các mức phạt như
vượt đèn đỏ, leo lề, chạy ngược chiều... lên cao hàng chục lần. Cá biệt có mức
phạt cao gấp 50 lần so với mức cũ – gây nhiều tranh cãi.
Theo các chuyên gia, điều đáng nói là trong
khi cây gậy xử phạt đang được thực hiện rất nghiêm túc, thì củ cà rốt tiền thưởng
lại vẫn chưa có hướng dẫn chi trả.
Quảng cáo
Tâm điểm các bàn luận trên mạng xã hội hiện
nay không chỉ xoay quanh các mối lo ngại về mức phạt cao mà BBC News Tiếng Việt
đã phản ánh, mà còn xoáy vào chuyện sẽ hình thành một 'nghề' mới - "thợ
săn tiền thưởng" – có thể gây chia rẽ, nghi kỵ trong cộng đồng; đồng thời
làm gia tăng nạn mãi lộ không chỉ giữa người vi phạm với cảnh sát mà giữa cả
người vi phạm và người tố giác.
Mục tiêu tối thượng
Trước câu hỏi mà dư luận đang đặt ra về mục
tiêu ban hành nghị định 176/2024 này, luật sư Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật
ATN & Cộng sự, từ Hà Nội, cho rằng mục tiêu tối thượng ban đầu là nhằm khuyến
khích sự tham gia của người dân vào công tác xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo
trật tự xã hội của nhà nước. Việc thưởng không phải là mục tiêu chính mà chỉ
mang tính khuyến khích.
Đồng tình với ý kiến nói trên, nhưng luật sư
Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Thế giới Luật pháp, cho rằng chính sách tiền
thưởng như thế không phải là cách tiếp cận bền vững vì có thể tạo ra động cơ
sai lệch, thậm chí "tiềm ẩn những mặt trái về đạo đức xã hội".
"Chính sách này có thể tạo ra "nghề
mới" - săn lỗi để kiếm tiền. Điều này không phản ánh đúng tinh thần của
pháp luật, vốn hướng tới xây dựng ý thức tự giác tuân thủ luật chứ không phải dựa
vào sự giám sát, tố giác lẫn nhau.
"Chưa kể, chính sách này khuyến khích
người dân theo dõi, quay phim người khác, có thể vi phạm quyền riêng tư - một
quyền được Hiến pháp bảo vệ. Chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích công và quyền
cá nhân.
Theo ông Sơn, văn hóa "chỉ điểm"
không lành mạnh này có thể gây chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết trong cộng đồng
và tạo tâm lý "làm tiền" từ việc phát hiện lỗi của người khác, :chuyển
từ hối lộ cho cảnh sát giao thông sang hối lội cho người phát hiện vi phạm."
"Nếu người dân tuân thủ một luật vì sợ bị
phát hiện và bị phạt nặng thì đó không phải là mục tiêu cuối cùng của pháp luật,
theo luật sư Sơn.
Ông Sơn còn cho rằng xét về lâu dài nghị định
176/2024 có thể gây bất lợi cho đảng và nhà nước ở nhiều phương diện.
Theo vị luật sư này, đầu tiên là về mặt tâm
lý cá nhân, người dân đang phải sống trong tâm trạng lo âu thường trực vì sợ bị
phát hiện vi phạm.
"Họ luôn cảm thấy bị theo dõi, giám sát
bởi những "thợ săn vi phạm". Khi mức phạt quá cao so với thu nhập,
nhiều người rơi vào trạng thái stress, trầm cảm và dần mất niềm tin vào tính
công bằng của pháp luật", ông Sơn nói.
Ở phương diện kế tiếp là về gia đình, với mức
phạt quá cao có thể đẩy những người vi phạm và gia đình họ vào cảnh "kiệt
quệ về tài chính".
"Nhiều người có thể phải vay nặng lãi để
nộp phạt, con cái có nguy cơ phải bỏ học, mâu thuẫn gia đình tăng cao do áp lực
tiền bạc. Đặc biệt khi phương tiện bị tạm giữ, nguồn thu nhập của cả gia đình bị
ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Sơn giải thích.
Ý kiến của Luật sư Phùng Thanh Sơn
Về phương diện xã hội, ông Sơn lo ngại chính
sách mới sẽ khiến cho xuất hiện "nghề săn lỗi" vi phạm để kiếm tiền.
Điều này, theo ông, không chỉ làm suy giảm văn hóa đoàn kết cộng đồng mà còn tạo
ra một "thị trường ngầm" môi giới giảm tiền phạt. Hệ quả là, khoảng
cách giàu nghèo càng bị đào sâu khi cùng một mức phạt nhưng tác động rất khác
nhau đến các nhóm thu nhập.
"Đáng lo ngại nhất là những hệ lụy về mặt
chính trị. Khi ngày càng nhiều người bị đẩy vào cảnh túng quẫn, họ có thể rơi
vào tâm lý không còn gì để mất. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch
kích động, gây mất ổn định xã hội. Khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân có
nguy cơ bị nới rộng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách",
ông Sơn nhấn mạnh.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng một chính sách
cần được xây dựng dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh kinh tế, phải
tạo được sự hài hoà trong xã hội và trên hết, phải được người dân ủng hộ, nếu
không sẽ bị đào thải.
Theo cả hai luật sư, thay vì áp dụng chính
sách thưởng tiền, nhà nước nên sử dụng đội ngũ tuyên truyền vốn rất đông đảo của
mình để giáo dục ý thức cho người dân, cải thiện hạ tầng giao thông và tăng cường
năng lực của lực lượng chức năng.
"Chúng ta cần hướng tới việc người dân tự
giác tuân thủ vì hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của luật pháp, mới là giải
pháp căn cơ và bền vững," luật sư Sơn nói.
Thực hiện cách nào
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định với BBC News
Tiếng Việt rằng để một luật hay quy định có khả thi hay không thì cần phải có
hướng dẫn thi hành chi tiết, và điều này cần phải được xây dựng trước khi ban
hành.
"Luật càng chi tiết tỉ mỉ thì càng có khả
năng cao áp dụng trong thực tế. Với nghị định 176 này, nếu không có quy định
chi tiết thì không ai dám chi thưởng và không người dân nào được nhận thưởng cả,"
ông Tuấn nói.
Quy định chi tiết cũng giúp việc giám sát chi
thưởng trở nên khả thi, theo ông Tuấn.
"Chẳng hạn, để đối phó với việc dàn dựng
vi phạm giao thông nhằm chia nhau tiền thưởng thì cơ quan có thẩm quyền phải có
nghĩa vụ xác minh tính chân thực của từng trường hợp chứ không phải cứ ai báo
cáo lên là có tiền. Nếu đã xác định được rồi thì áp dụng cơ chế thưởng",
ông Tuấn nói.
Trước không ít ý kiến băn khoăn về chuyện
cùng một vi phạm nhưng có nhiều người cùng báo cáo thì tiền thưởng sẽ
"chia" như thế nào, ông Tuấn giải thích rằng có thể áp dụng Luật Dân
sự.
Theo đó, luật này quy định nếu nhiều người
cùng báo cáo một sự việc vào cùng một thời điểm hoặc cách nhau một khoảng thời
gian nhất định mà hợp lý, hợp pháp thì số tiền thưởng sẽ được chia đều.
"Như vậy, miễn là dân trình báo đúng và
quy định của nhà nước chi tiết, chặt chẽ, thì hoàn toàn có thể áp dụng được vào
đời sống. Ngược lại, nếu không có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể, minh bạch,
thì dư luận sẽ không tin tưởng, không ủng hộ, và chính sách sẽ thất bại",
ông Tuấn nhận định.
Khi một chính sách mới ra đời, "áp dụng
thử nghiệm có sự khập khiễng là điều bình thường", theo ông Tuấn,
"nhưng có hợp pháp và hợp lòng dân không lại là chuyện khác."
Ông Tuấn cho rằng quy định đã ban hành rồi
thì nên áp dụng, sau đó đánh giá tác động của chính sách lên cộng đồng.
Trong khi đó, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng
"gian lận là điều khó tránh khỏi nếu việc cung cấp thông tin vi phạm và
chi thưởng không được người dân giám sát theo thời gian thực."
Để hạn chế tối đa việc gian lận, và xác định
được ai là người cung cấp thông tin đầu tiên, ông Sơn nói với BBC News Tiếng Việt
rằng cần tập trung vào bốn giải pháp chính.
Thứ nhất, ông Sơn cho rằng cần xây dựng một cổng
thông tin thống nhất, và người dân chỉ được nộp thông tin qua cổng này, không
chấp nhận các kênh khác. Mỗi người chỉ được tạo một tài khoản duy nhất và phải
xác thực bằng căn cước công dân.
Thứ đến, cần xây dựng quy trình thẩm định chặt
chẽ các video, hình ảnh người dân cung cấp, theo đó mỗi thông tin phải được ít
nhất hai cán bộ độc lập thẩm định và chịu trách nhiệm về việc thẩm định hình.
"Họ sẽ kiểm tra tính nguyên gốc của
video, ảnh thông qua phần mềm chuyên dụng, đối chiếu với dữ liệu camera giám
sát và xác minh tọa độ, thời gian thực của các bằng chứng", ông Sơn nói.
Tiếp đến, việc chi thưởng chỉ thực hiện khi
đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt: phải là người đầu tiên cung cấp thông tin
về vụ việc đó, bằng chứng phải rõ ràng và không bị chỉnh sửa, không phải là cán
bộ công chức liên quan, và quan trọng là vụ việc đã được xử phạt thành công.
Cuối cùng, ông Sơn nhấn mạnh, toàn bộ quá
trình chi trả phải công khai, minh bạch. Chỉ chi trả qua tài khoản ngân hàng,
không dùng tiền mặt.
"Danh sách người được thưởng phải được
công khai và người dân có thể tra cứu trạng thái xử lý thông tin của mình. Tất
cả hồ sơ phải được lưu trữ đầy đủ để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát",
theo ông Sơn.
---------------------
LIÊN QUAN
Phạt nặng giao
thông: xử phạt hay trừng phạt?
8 tháng 1 năm 2025
.
Bộ Công an sửa đổi
quy định giám sát cảnh sát giao thông, ảnh hưởng thế nào?
6 tháng 10 năm 2024
.
Giao thông Thái
Lan: Vì sao tài xế không bấm còi inh ỏi như ở Việt Nam?
1 tháng 12 năm 2023
.
Việt Nam: Đô thị
‘muốn thông minh’ mà giao thông còn hỗn độn
12 tháng 12 năm 2022
.
No comments:
Post a Comment