Vũ
khí Mỹ cho Ukraina : Những bài học từ cuộc chiến Irak, Afghanistan
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 24/01/2023 - 14:46
Bất chấp những áp lực đối với phương Tây trong việc
cung cấp các loại vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraina, chính quyền Biden tỏ ra
chưa sẵn sàng đáp ứng. Nhà nghiên cứu James R. Webb trên trang mạng Responsible
Statecraft ngày 23/01/2023 nhận xét, những kinh nghiệm chiến đấu gần đây của
quân đội Mỹ ở Irak và Afghanistan cung cấp nhiều thông tin về dòng vũ khí
hiện đại của Mỹ, và cho thấy rõ khả năng thích ứng của quân địch có thể lấn
át các ưu thế từ sự vượt trội công nghệ.
Hệ thống pháo đa nòng
HIMARS của Mỹ trong một cuộc thao dượt ở Latvia ngày 26/09/2022. AP -
Roman Koksarov
Irak : Vũ khí Mỹ giúp IS bành trướng lãnh thổ
Bài học thứ nhất là từ Irak. Cuộc chiến bắt đầu với chiến dịch quân sự
nổi tiếng « Cú sốc và Kinh hoàng », tháng 3/2003. Với tiến bộ về kỹ
thuật và quân sự, Hoa Kỳ đã nhanh chóng chiếm được Bagdad trong vòng chưa đầy một
tháng. Yếu thế hơn, quân nổi dậy Irak đã nhanh chóng chuyển sang chiến
tranh du kích, biến những con phố chật hẹp đông dân cư thành không gian chiến đấu
mới, với những loại vũ khí tự chế. Thiệt hại nhân mạng từ những loại « bom
ven đường », được chế tạo từ các vật dụng vô hại, như điện thoại di động,
dụng cụ mở cửa nhà xe…, chiếm đến 60% số ca tử vong của lính Mỹ.
Từ 150 người chết lúc bắt đầu chiến dịch, số lính Mỹ thiệt mạng tăng
lên thành 4.500 người vào thời điểm tổng thống Barack Obama hoàn thành việc rút
quân vào năm 2011. Tình hình này còn thêm trầm trọng với sự trỗi dậy của Tổ chức
Nhà nước Hồi giáo ( IS ) ở Irak. Một lượng rất lớn vũ khí hiện đại của Mỹ như
xe chở quân Humvee (2.300 chiếc), đại pháo M198 Howitzers (52 khẩu), súng máy
(74 ngàn khẩu), xe tăng M1A1 Abrams (40 chiếc) và nhiều loại hệ thống vũ khí
khác đã rơi vào tay của IS, khi tổ chức này chiếm được một số thành phố của
Irak. Nhờ vậy IS đã có thể bành trướng lãnh thổ đến tận Syria, buộc Hoa Kỳ phải
điều quân trở lại Irak.
Afghanistan : Mỹ « biếu » công nghệ
drone cho Iran và Trung Quốc
Kinh nghiệm thứ hai là tại Afghanistan. Cuộc chiến cho thấy khả năng điều
chỉnh chiến thuật rất hiệu quả của phe Taliban đối với quân đội Mỹ. Nhưng điều
quan trọng hơn hết chính là mức độ tiếp xúc lâu dài với công nghệ Mỹ đã dẫn đến
việc chúng được sử dụng để chống lại Mỹ như thế nào. Iran đã có thể phát triển
công nghệ chế tạo drone nhờ vào việc bắt được hai loại drone được cho là
« hiện đại » nhất vào thời đó là Sentinel và Predator của Mỹ trong các
năm 2009 và 2011. Thành công này của Iran đã được thể hiện rõ trên chiến trường
Ukraina khi Teheran cung cấp cho Nga nhiều drone « tự
sát ».
Hơn nữa, có nhiều tài liệu khẳng định vào lúc chính quyền Kabul sụp
đổ năm 2021, phe Taliban đã tịch thu được rất nhiều thiết bị quân sự của Mỹ
trị giá ít nhất là 7 tỷ đô la. Một số thì rơi vào tay Iran, số khác có lẽ cũng
đã được chia sẻ với Trung Quốc như lời hứa của Taliban.
Những quan sát gần đây cũng đã cho thấy quân đội Nga đã từng bước thích
ứng như thế nào với loại tên lửa đa nòng HIMARS của Mỹ, và có thể đã có đủ
thông tin về hệ thống này, cho phép quân Nga dần dần giảm thiểu đáng kể tác động
của HIMARS, theo như một báo cáo của Rob Lee và Michael Kofman, Viện Nghiên Cứu
Chính Sách Đối Ngoại Mỹ.
HIMARS đã hết tác dụng với
Nga ?
Điều đáng nói là công nghệ hệ thống pháo phản lực tiên tiến này, vốn
chỉ được chia sẻ với các nước đồng minh trong khối NATO, còn là trụ cột cho Kế
hoạch tái cơ cấu lực lượng thủy quân lục chiến 2030 (Marine Corps Force Design
2030 Concept), nhằm bảo vệ các vùng duyên hải ở Thái Bình Dương chống sự xâm
lăng tiềm tàng từ Trung Quốc. Thế nên, sẽ là quá ngây thơ nếu nghĩ rằng Nga sẽ
không chia sẻ thông tin với Trung Quốc trong cuộc chiến chống HIMARS của Mỹ.
James R. Webb cảnh báo, phương Tây cần phải cảnh giác trước việc ồ ạt
thông báo chuyển giao nhiều loại vũ khí hiện đại cho Ukraina, một quốc gia mà nạn
tham nhũng vẫn hoành hành từ trước chiến tranh và nhất là khi chưa có gì cho
phép bảo đảm là những loại vũ khí này một ngày nào đó không rơi vào tay kẻ xấu.
Nhà nghiên cứu Mỹ kết luận : Việc gởi nhiều vũ khí tiên tiến đến
Ukraina chưa hẳn là một liều thuốc chữa bách bệnh. Lịch sử những cuộc chiến lớn
mà Mỹ từng tham gia, từ Việt Nam, Irak cho đến Afghanistan đều cho thấy lợi
thế công nghệ chỉ là tạm thời cho đến khi kẻ thù thực hiện các điều chỉnh
để giảm thiểu lợi thế đó!
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Tấn
công Ukraina bằng drone giá rẻ : Nga muốn triệt nguồn hậu thuẫn của phương Tây?
Mỹ
và Đức thông báo cung cấp xe bọc thép hạng nhẹ cho Ukraina
CHIẾN
TRANH UKRAINA - NGA - HOA KỲ
Chiến
tranh Ukraina: Putin tuyên bố có cách ‘‘hóa giải’’ tên lửa Patriot
No comments:
Post a Comment