Monday, January 16, 2023

UKRAINA TỪ CHỐI TẶNG "CHIẾC CÚP" SOLEDAR CHO PUTIN (Thụy My / RFI)

 



Ukraina từ chối tặng « chiếc cúp » Soledar cho Putin

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 16/01/2023 - 20:35

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230116-ukraina-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-t%E1%BA%B7ng-chi%E1%BA%BFc-c%C3%BAp-soledar-cho-putin

 

Ukraina là chủ đề thời sự nóng, liên tục được các báo Pháp quan tâm. Vladimir Putin muốn chiếm lấy Kiev, Odessa hay Kharkiv, nhưng rốt cuộc lại có hy vọng giành được Soledar. Khó thể tin được thành phố ngoại ô chưa đầy 12.000 dân lại là ưu tiên số một trong danh sách các mục tiêu, vào lúc bắt đầu cuộc xâm lăng. Ukraina muốn làm cho Kremlin hiểu, không dễ tấn công vào các biểu tượng của người cô-dắc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7a2030ec-95c8-11ed-8586-005056bf30b7/w:980/p:16x9/bakhmut_07.webp

Các chiến binh Ukraina tuần tra tại Bakhmut ngày 12/01/2013. AP - LIBKOS

 

Về thời sự nước Pháp, vấn đề cải cách hưu trí tiếp tục được tranh cãi trước cuộc đình công do các nghiệp đoàn kêu gọi vào thứ Năm tới. Nhật báo thiên tả Libération cho rằng hồ sơ này gây « phẫn nộ » lớn, trong khi nhật báo cánh hữu Le Figaro mỉa mai « hội chứng Pavlov » của các tổ chức công đoàn - một lần nữa khiến người lao động phải khốn đốn.

Tình hình chiến sự ở Ukraina, mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn là trung tâm chú ý của báo chí. Les Echos ghi nhận « Nga thắng được trận đầu tiên kể từ bảy tháng qua », trong khi Libération thấy Soledar là « chiếc cúp mà Ukraina từ chối tặng cho Kremlin ».

 

.

Soledar, vì sao ?

 

Theo Les Echos, diễn tiến ở Soledar gợi nhớ đến trận Severodonetsk mùa hè qua : sau hai tháng giao tranh dữ dội, quân Nga chiếm được thành phố 100.000 dân này với cái giá rất đắt về sinh mạng và vũ khí. Vào lúc đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định những thiệt hại của Nga là quá lớn so với giá trị chiến lược « hạn chế » của thành phố. Đối với Libération, Kiev không thể để cho Kremlin và Wagner giành được mảnh đất nhỏ này, dù không phải là chiến trường quan trọng nhất.

 

Vladimir Putin muốn chiếm lấy Kiev, Odessa hay Kharkiv nhưng rốt cuộc lại có Soledar. Tuy vậy hôm qua ông chủ điện Kremlin vẫn khoe « mọi việc diễn ra theo như kế hoạch của bộ Quốc Phòng và bộ tổng tham mưu ». Libération cho rằng khó thể tin được thành phố chưa đầy 12.000 dân lại nằm trên cùng của danh sách các mục tiêu ưu tiên vào đầu « chiến dịch quân sự đặc biệt » hồi tháng 2/2022.

 

Một người tình nguyện phụ trách về drone của hai lữ đoàn trong khu vực giải thích : « Tại sao họ cố đấm ăn xôi ở Soledar ? Có một chút ngẫu nhiên và yếu tố địa lý. Chỉ vì quân Nga đã "vỡ mặt" ở Bakhmut, sau nhiều tháng tấn công trực diện vẫn không chiếm nổi. Trong khi Wagner hết sức cần mang về một chiếc cúp, nên bèn lao vào Soledar như chó nhìn thấy xương ».

 

.

Nga đánh thức những bóng ma Bakhmut, tiền đồn cô-dắc thế kỷ 17

 

Đó là lý do khiến vào cuối tháng 12, lực lượng của Evgueni Prigojine tập trung mọi nỗ lực vào vùng ngoại ô nhỏ bé cách Bakhmut 10 kilomet. Thành phố này hiện diện trong tất cả nhà bếp Ukraina dưới dạng những gói nhỏ hai màu xanh trắng mang nhãn hiệu Artyomsol, nhà sản xuất muối chính của đất nước. Năm 2015, Nga cấm nhập muối Ukraina do ban giám đốc công ty này ủng hộ một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu.

 

Libération nhắc lại cách đây 8 năm, vào tháng Giêng 2015, một trung tâm kiểm soát chung về ngưng bắn và giải giới đã được thành lập tại Soledar, theo thỏa thuận Minsk năm 2014. Hai vị tướng Alexander Rozmanine của Ukraina và Alexander Viaznikov của Nga vẫn lịch sự dùng bữa với nhau, dù Kiev biết rằng Matxcơva quen nói dối như một tên lang băm, về việc quân đội Nga tham gia các trận đánh.

 

Bakhmut là một nút giao thông hữu ích ở vùng Donbass, trong khi quân Nga chẳng có gì khác để gặm nhấm. Tuy nhiên quân đội Ukraina, phấn khích sau những chiến thắng mùa thu, coi Bakhmut là biểu tượng. Nga đã đánh thức những bóng ma của pháo đài Bakhmut, tiền đồn kiên cố của người cô-dắc hồi thế kỷ 17. Họ kháng cự bằng mọi giá. Soledar chỉ là phụ. Nhưng tại sao Ukraina không rút khỏi thành phố này sớm hơn ? Một cố vấn tổng thống Ukraina giải thích, vì muốn tránh bằng mọi giá việc Bakhmut bị bao vây. Hai lữ đoàn Dù 46 và 77 và các đơn vị tinh nhuệ khác nhân dịp này dùng pháo tiêu diệt quân địch trú ẩn tại những căn nhà còn đứng vững. Theo cựu đại tá Ukraina Oleg Zhdanov, cần phải làm cho Matxcơva hiểu rằng không thể tiến hành tấn công được nữa.

 

.

Vũ khí hạng nặng cho Kiev : Lằn ranh đỏ lùi dần

 

Các báo đều chú ý đến việc NATO loan báo sẽ sớm viện trợ vũ khí hạng nặng, và sự kiện Nga oanh kích vào Dnipro ở miền đông Ukraina làm ít nhất 40 thường dân thiệt mạng.  Libération nói về « Xe tăng, vũ khí răn đe hàng loạt ». Khi bất ngờ thăm Washington vào dịp Giáng Sinh, Volodymyr Zelensky không chỉ nhằm cảm ơn hàng mấy chục tỉ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, mà còn đưa yêu cầu cho « ông già Noel » Mỹ : các loại vũ khí hạng nặng.

 

Chiến đấu cơ và xe tăng là biên giới mới mà Kiev hy vọng được phương Tây dỡ bỏ, để có thể tăng cường phản công ở đông bắc và miền nam, tiến tới Crimée vào thời điểm thích hợp. Lằn ranh đỏ này từ lâu tưởng chừng không thể vượt qua. Ban đầu những chuyến hàng Lầu Năm Góc gởi cho Kiev đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng từ chỗ viện trợ nhỏ giọt, Mỹ và châu Âu dần dần tỏ ra hào hiệp hơn trước sự dũng cảm và sức kháng cự của Ukraina. Lý lẽ lâu nay là sợ Kremlin lấy cớ để mở rộng xung đột, theo Libération, hoặc có đôi chút nghịch lý, hoặc đạo đức giả, vì hàng triệu băng đạn được giao không phải để bắn chỉ thiên.

 

Đợt tấn công ồ ạt của quân Nga mới đây đã khiến sau loan báo gởi khoảng 100 xe bọc thép của Pháp, Mỹ, Đức, Luân Đôn phá vỡ cấm kỵ khi chính thức công bố sắp viện trợ trực thăng chiến đấu và nhất là 14 xe tăng Challenger 2. Đây sẽ là những chiếc xe tăng tân tiến đầu tiên do phương Tây sản xuất mà Kiev có được, sau khi đã nhận 300 chiếc thời Liên Xô. Washington chưa muốn chi viện M1 Abrams, mà theo phía Mỹ là hao xăng và khó bảo dưỡng, Ukraina đang chờ đợi các chiến xa Leopard 2, tuy Berlin đang do dự.

 

Kiev lạc quan cho rằng chỉ là vấn đề thời gian : ban đầu chỉ gởi sang có…5.000 nón sắt, nhưng dưới áp lực dư luận và các đồng minh, Đức đã trở nên một trong những nước châu Âu viện trợ quân sự nhiều nhất. Thủ tướng Olaf Scholz cũng chịu sức ép ngay trong liên minh cầm quyền. Mới đây, Rofl Mützenich, thủ lãnh nhóm nghị sĩ SPD tuyên bố « Ukraina có quyền đạt được những gì cần thiết để tự vệ », và theo ông, « lằn ranh đỏ » đã là quá khứ.

 

.

Lo bữa ăn cho lính chiến, nỗi đau đầu của Ukraina

 

Cũng về Ukraina, La Croix chạy tựa trang nhất « Cung cấp thực phẩm cho mặt trận, một cuộc chiến đấu thường nhật ». Tờ báo đăng bài phóng sự công phu của các đặc phái viên tại Kherson, Zaporijjia, Dnipro và Kiev ; đặt vấn đề trong thời chiến làm thế nào có thể lo bữa ăn cho một quân đội có quân số tăng gấp ba lần chỉ trong vài tháng ? Từ đầu cuộc xâm lăng, trong 327 ngày qua cả 600.000 chiến sĩ Ukraina đều được ăn ngày ba bữa, tính ra hơn nửa tỉ phần ăn. Các doanh nghiệp và những người tình nguyện đã trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng bị chiến tranh gây rối loạn.

 

Ở Kherson, các tình nguyện viên giúp các chiến binh có được bữa trưa nóng sốt thay vì phải nhai lương khô suốt ngày. Tại Zaporijia, Konstantin-Tchernikov, chuyên viên thảo chương mới 24 tuổi mà tóc đã điểm bạc, chỉ huy đội ngũ tình nguyện tuổi đôi mươi nhưng chín chắn, trong hai tháng đầu góp sức vào hệ thống hậu cần của quân đội đang bị đảo lộn, nhưng sau đó nhu cầu vẫn rất lớn. Họ phân biệt ba loại : những người lính đóng trong thành phố thì không phải lo, binh sĩ ở tuyến đầu phải hoàn toàn tùy thuộc khẩu phần lính chiến, và thứ ba là những quân nhân giữ tuyến hai và tuyến ba, thường chia thành những đơn vị 30-40 người. Tuy thường xuyên bị oanh tạc, không có chỗ chứa thực phẩm, nhưng những người lính này vẫn có thể nấu nước sôi.

 

Olena Berejnaia, giáo sư vật lý xung phong làm việc ngày sáu tiếng đồng hồ trong nhà bếp, nghĩ ra cách giúp chiến sĩ có món bortsch truyền thống. Người tình nguyện xắt nhỏ bắp cải, củ hành, cà rốt, củ cải đỏ rồi sấy khô bằng thiết bị cho một mạnh thường quân Canada giúp, đóng gói gởi ra mặt trận. Chỉ cần nấu chín khoai tây rồi thêm thịt hộp, trộn với rau củ sấy là họ có bữa trưa ngon lành. Viktor Chalavan, cố ván quân sự bộ Nội Vụ Ukraina khẳng định : « Những người lính của chúng tôi có thể chịu bẩn thỉu, rét mướt, nhưng không bao giờ bị đói ». Chiến binh trên các mặt trận được La Croix tiếp xúc đều xác nhận điều này, dù có những bếp ăn phải thường xuyên di dời để tránh bị Nga tấn công.

 

.

Covid chấm dứt giấc mơ bá chủ thiên hạ của Bắc Kinh

 

Về châu Á, Le Figaro trong bài « Trung Quốc sau zero Covid » nhận thấy tuy không có bầu cử nhưng vẫn còn công luận. Và những vụ biểu tình dữ dội chống phong tỏa đã buộc Tập Cận Bình phải lùi bước, ngay sau chiến thắng trong đại hội đảng 20 giúp ông ta có thể trị vì suốt đời. Chỉ vài ngày sau, các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, biên giới mở cửa trở lại.

 

Việc vội vã ra khỏi zero Covid mà không chuẩn bị, ngay trong mùa đông và sắp đến Tết âm lịch, trong khi không có miễn dịch tập thể và vac-xin nội địa kém hiệu quả, hệ thống y tế yếu kém, giúp con virus hoành hành, sẽ dẫn đến nhiều triệu người chết. Đại dịch không chỉ đánh dấu sự phá sản của quyền lực tuyệt đối Tập Cận Bình, mà còn chặn đứng cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo thế giới với Mỹ.

 

Bốn thập niên huy hoàng của Trung Quốc đã kết thúc. Tốc độ lão hóa dân số cũng nhanh chóng như sinh suất, trình độ học vấn không cao – thời gian đi học trung bình 9,2 năm và chỉ 5,8 % dân số vào đại học. Dưới thời Tập Cận Bình, tăng trưởng từ 9,5 % sụt xuống còn 3 % một năm do sự hỗn loạn của chuỗi logistic vì zero Covid, quốc doanh bóp nghẹt tư nhân, khủng hoảng địa ốc. Tóm lại, Trung Quốc đã phá vỡ chu trình phát triển, bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

 

.

Thất thế, Trung Quốc càng nguy hiểm ?

 

Mô hình kinh tế xã hội còn tiếp tục lao dốc. Dân số giảm khiến không thể tái định hướng vào thị trường nội địa, xuất khẩu lao dốc do căng thẳng địa chính trị vì chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh. Vốn đầu tư, doanh nghiệp, nhân tài ồ ạt ra khỏi một đất nước đã trở nên nguy hiểm và bất định. Chính sách quá « tả » cộng với giám sát kỹ thuật số chận đứng mọi cải cách trong những lãnh vực chủ chốt. Chế độ Bắc Kinh gây sợ hãi nhưng đã mất đi tính chính danh. Ngược lại ảnh hưởng Hoa Kỳ không ngừng tăng lên nhờ dân số tăng, chủ động năng lượng, thực phẩm, lãnh vực công nghệ và vũ khí năng động, vai trò của đồng đô la, pháp luật mang tính xuyên biên giới nhờ siết chặt quan hệ đồng minh ở châu Âu lẫn châu Á.

 

Trong bối cảnh đó, nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan càng cao. Bắc Kinh cần đến một Đài Loan giàu có với GDP bình quân đầu người 35.500 đô la, dự trữ ngoại hối 550 tỉ đô la và công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là chất bán dẫn. Là trung tâm ổn định và tăng trưởng trong thời kỳ toàn cầu hóa, Bắc Kinh đã trở thành nguồn trì trệ, gây căng thẳng. Không phải là do phương Tây, mà vì sự quay lại với cung cách mao-ít của Tập Cận Bình. Tác giả cho rằng phương Tây cần ngăn chận tham vọng đế quốc của chế độ toàn trị Bắc Kinh, thông qua việc tái lập năng lực răn đe quân sự, ưu thế công nghệ. 

 

.

Dùng « an ninh quốc gia » để ngăn Bắc Kinh chiếm công nghệ nhạy cảm

 

Cũng liên quan đến kinh tế, trong bài « Trung Quốc đối mặt với "thương mại giữa bạn bè" » đăng trên Le Monde, luật gia Isabelle Feng nhận định Mỹ và các đồng minh giờ đây nêu ra lý do « an ninh quốc gia » để ngăn chận đầu tư Trung Quốc. Hôm 12/12/2022, Bắc Kinh đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì Hoa Kỳ « dùng biện pháp bảo hộ », hạn chế ngặt nghèo việc xuất khẩu chất bán dẫn.

 

Luân Đôn thì áp dụng National Security and Investment Act có hiệu lực từ tháng 1/2023 để hủy việc bán một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất cho Trung Quốc. Trước đó vào tháng 7 và 8/2022, nước Anh cũng đã hủy việc bán công nghệ quan sát tự động của đại học Manchester và một công ty tạo mẫu điện tử ở Bristol. Động thái của Anh quốc xưa nay luôn chú trọng tự do mậu dịch khiến Bắc Kinh kêu gào là đất nước quê hương của Adam Smith « vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường và quy định thương mại quốc tế ».

 

Nhà nước độc đảng giận dữ vì đã quen với việc được trải thảm đỏ chào đón. Nhưng gió đã đổi chiều, và chừng như nỗi truân chuyên của các nhà đầu tư từ Hoa lục chỉ mới bắt đầu. Đức hôm 09/11/2022 đã chặn không cho bán hai nhà sản xuất chip cho Bắc Kinh. Ottawa ngày 02/11/2022 ra lệnh cho ba tập đoàn khoáng sản nhà nước Trung Quốc phải bán lại cổ phần trong các công ty khai khoáng của Canada, theo một luật vừa thông qua trước đó vài ngày. Pháp và Ý từ chối không cho người Trung Quốc thò tay vào các công ty bán dẫn. Ngay cả Ủy ban Bruxelles vốn chủ trương tự do, từ tháng 10/2020 cũng thanh lọc đầu tư nước ngoài.

 

.

Bảo hộ hay chỉ chia sẻ giữa những nước dân chủ ?

 

Nếu châu Âu tránh nêu tên đối tác thương mại hàng đầu, thì Quốc Hội Hoa Kỳ công khai coi Trung Quốc là « nước đáng lo ngại » trong Foreign Investment Risk Review Modernization Act (FIRRMA) được tổng thống Donald Trump phê chuẩn, có hiệu lực từ tháng 2/2020. Từ lâu trong bóng tối, Ủy ban về Đầu tư Ngoại quốc ở Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) bỗng có quyền lực lớn hơn nhiều. To mồm tố cáo nước khác bảo hộ, có vẻ như Trung Quốc quên mất rằng từ bốn thập niên qua vẫn áp đặt nhiều biện pháp ngặt nghèo với tư bản ngoại quốc. Họ luôn bị loại khỏi những lãnh vực từ khai thác khoáng sản, xây dựng phi trường, viễn thông cho đến thể thao, giáo dục, sân khấu...

 

Cái nhãn « chủ nghĩa bảo hộ » có phù hợp không, khi một quốc gia đặt an ninh lên trên ngoại thương ? Trong kỷ nguyên đối đầu giữa hai đại cường, chữ « friend-shoring » tỏ ra chính xác hơn. Đầu tiên được bộ trưởng Tài Chánh Mỹ Janet Yellen sử dụng, sau đó đồng nhiệm Canada Chrystia Freeland nâng lên hàng lý thuyết trong một hội nghị ở Washington tháng 10/2022 : chỉ buôn bán với những nước cùng chia sẻ các giá trị dân chủ.

 

Trung Quốc của Tập Cận Bình khó thể hoan nghênh khái niệm này, vì lâu nay làm giàu nhờ hoạt động thương mại với các nước có giá trị đối nghịch. Trong một thế giới đa cực, định nghĩa về những giá trị này vẫn còn tranh cãi, nhưng dấu hiệu chủ yếu là nhìn nhận tính chất xuyên biên giới của luật pháp giữa các nước « bạn bè ». Chẳng hạn năm 2016, công ty bán dẫn Aixtron của Đức sắp bị một tập đoàn Trung Quốc mua, thì nhờ sự hiện diện của một chi nhánh ở California, Barack Obama đã ngăn được.

 

Kỳ cuối feuilleton của gần 250 công ty Trung Quốc niêm yết ở Hoa Kỳ cho thấy quyết tâm của Washington trong việc thanh lọc « bạn hữu ». Holding Foreign Companies Accountable Act có hiệu lực từ tháng 1/2022 khiến các công ty này chỉ có cách hoặc chấp hành luật Mỹ, hoặc cuốn gói về nước. Ngày 15/12/2022, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Hoa Kỳ đắc thắng loan báo, Bắc Kinh « hoàn toàn » tuân thủ yêu cầu minh bạch. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn vẫn là « bạn » của nước Mỹ chăng ?

 

 




No comments: