Monday, January 16, 2023

KHI UKRAINE TRỞ THÀNH "PHÒNG THỬ NGHIỆM" TÁC CHIẾN TRONG THẾ GIỚI THỰC (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Khi Ukraine trở thành “phòng thử nghiệm” tác chiến trong thế giới thực

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

16 tháng 1, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/khi-ukraine-tro-thanh-phong-thu-nghiem-tac-chien-trong-the-gioi-thuc/

 

Mùa thu năm ngoái, khi Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong cuộc phản công trên nhiều mặt trận, họ đã tấn công lực lượng Nga bằng pháo và hỏa tiễn do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, việc hệ thống nhắm mục tiêu là do Ukraine tự nghiên cứu phát triển. Cụ thể, đó là một phần mềm do Ukraine sản xuất, giúp biến máy tính bảng, điện thoại thông minh thành công cụ định vị mục tiêu tinh vi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1246245227.jpg

Lính Ukraine điều khiển drone từ máy tính bảng (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images)

 

.

Khả năng ứng biến thực chiến của Ukraine

 

Phần mềm hiện được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ukraine đã biến hình ảnh vệ tinh và hình ảnh tình báo thành thuật toán nhắm mục tiêu trong thời gian thực, giúp các đơn vị ở gần tiền tuyến bắn chính xác vào các mục tiêu cụ thể. Và bởi vì nó là một ứng dụng, không phải phần cứng, nên người lính có thể dễ dàng cập nhật và nâng cấp nhanh chóng. Một quan chức Mỹ quen thuộc với phần mềm này nói với CNN: “Nó có hiệu quả cao trong việc giúp pháo binh Ukraine đánh trúng các mục tiêu Nga”.

 

Ứng dụng lợi hại này chỉ là một trong hàng chục ví dụ về những sáng kiến dựa vào thực tế chiến trường mà quân đội Ukraine đã đạt được trong gần một năm chiến tranh với phương châm: Tăng sức mạnh cho các vũ khí có sẵn hay dùng biện pháp rẻ tiền để giải quyết những yêu cầu tốn kém. Máy bay không người lái nhỏ, bằng nhựa, vo ve lặng lẽ trên đầu, thả lựu đạn và các thứ khác vào quân đội Nga là một minh chứng cho “cuộc chiến của nhà nghèo” này. Máy in 3D có thể chế ra các phụ tùng thay thế để binh lính Ukraine có thể sửa chữa nhanh các thiết bị hạng nặng ngay tại hiện trường.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1245855003.jpg

Sĩ quan Ukraine phân tích dữ liệu từ thực địa chiến trường (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

 

Các kỹ thuật viên giỏi đã biến những chiếc xe bán tải thông thường thành bệ phóng hỏa tiễn di động. Các kỹ sư tìm ra cách gắn các hỏa tiễn hiện đại của Mỹ lên các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29 để lực lượng không quân Ukraine có thể xuất kích tấn công quân địch. Thậm chí, Ukraine đã phát triển thành công vũ khí chống hạm của riêng mình.

 

Ví dụ, Neptune, dựa trên các thiết kế hỏa tiễn của Liên Xô có thể bắn trúng mục tiêu hạm đội Nga từ khoảng cách gần 200 dặm. Óc sáng tạo đáng nể của người Ukraine đã gây ấn tượng mạnh cho các quan chức quốc phòng Mỹ, những người ca ngợi khả năng của Kiev trong việc đưa ra các giải pháp nhằm lấp đầy những khoảng trống chiến thuật mà các vũ khí lớn hơn, hiện đại hơn của phương Tây không thể đảm nhiệm hết.

 

Trong khi các quan chức Mỹ và các phương Tây không phải lúc nào cũng đánh giá chính xác về cách thức hoạt động chính xác của các hệ thống đã được Ukraine tùy chỉnh, họ đều đồng ý: Ukraine đã trở thành “phòng thí nghiệm thực sự cho giải pháp tác chiến rẻ nhưng hiệu quả”. Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS), nhận xét: “Khả năng về sáng kiến của người Ukraine là cực kỳ ấn tượng”.

 

.

Những bài học lớn từ thế giới thực

 

Cuộc chiến ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ và các đồng minh một cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của mình hoạt động như thế nào khi được sử dụng với cường độ cao để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đại khốc liệt này. Các sĩ quan tác chiến của Mỹ và giới chức quân sự cũng theo dõi sát hiệu quả của những chiếc máy bay không người lái giá rẻ do Iran cung cấp cho Nga để phá hủy lưới điện Ukraine bằng chiến thuật “tự sát”.

 

“Ukraine thật sự là một phòng thí nghiệm vũ khí đúng nghĩa vì không có vũ khí mới nào đang sử dụng ở đây từng có mặt trong một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai quốc gia có nền công nghiệp vũ khí phát triển cao nhất – một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây nói với CNN – Ukraine là phòng thử nghiệm tác chiến trong thế giới thực”.

 

Đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine đã cung cấp một nguồn dữ liệu đáng kinh ngạc về khả năng của các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất. “Một số hệ thống cao cấp được chuyển cho người Ukraine như máy bay không người lái Switchblade 300 và hỏa tiễn được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của kẻ thù hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn dự kiến” – một sĩ quan tác chiến của quân đội Hoa Kỳ biết nhiều về chiến trường Ukraine nhận định. Nghiên cứu gần đây của một tổ chức nghiên cứu độc lập (think tank) của Anh cũng cho biết như thế.

 

Trái lại, bệ phóng hỏa tiễn đa nòng M142 hạng nhẹ do Mỹ sản xuất (HIMARS) lại đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine. Mỹ cũng học được bài học quý giá về tốc độ sửa chữa bảo trì những hệ thống này trong điều kiện sử dụng quá nhiều. Một quan chức quốc phòng Mỹ nhận xét “Việc Ukraine sử dụng nguồn cung hỏa tiễn HIMARS hạn chế rất hiệu quả để tiêu diệt các cơ quan chỉ huy của Nga, tấn công các sở chỉ huy và kho tiếp liệu của quân thù đã mở rộng tầm mắt của chúng tôi. Các nhà lãnh đạo quân sự sẽ còn nghiên cứu bài học này trong nhiều năm”.

 

Một thông tin chi tiết quan trọng khác là về đại bác M777, loại pháo từng có vai trò chủ yếu trong sức mạnh chiến trường của Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết “nòng pháo sẽ có vấn đề nếu bắn quá nhiều đạn trong một khoảng thời gian ngắn, khiến pháo kém chính xác và kém hiệu quả”. Người Ukraine cũng đã có những đổi mới chiến thuật gây ấn tượng với các quan chức phương Tây. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các chỉ huy Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật tác chiến bằng cách sử dụng các toán kỵ binh nhỏ đi ngựa khi Nga mở cuộc tấn công Kyiv.

 

Được trang bị hỏa tiễn vác vai cơ động Stinger và Javelin, lính Ukraine có thể lẻn đến gần xe tăng Nga mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc xung đột để rút ra những bài học lớn hơn là làm thế nào một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia hiện đại có thể được tiến hành trong thế kỷ 21. Một sĩ quan tác chiến nhận xét: “Một bài học mà Hoa Kỳ có thể rút ra từ cuộc xung đột này là các loại pháo kéo, như M777, có thể chỉ còn là dĩ vãng vì chúng khó di chuyển nhanh nên dễ bị bắn trả. Trong một thế giới phổ biến các loại máy bay không người lái và giám sát trên cao hiện nay, rất khó để che giấu chúng”.

 

Khi nói đến các bài học kinh nghiệm chiến trường, dân biểu Jim Himes (Dân chủ-Connecticut), thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện nêu ý kiến: “Nên có một cuốn sách viết về các tổng kết này”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1245634317.jpg

Thiết bị bay của Nga được mổ xẻ tìm hiểu (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

 

.

Cuộc đua mới trong công nghiệp quốc phòng Mỹ

 

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng rất quan tâm việc nghiên cứu và tiếp thị các hệ thống vũ khí mới của họ dựa vào những gì rút ra được từ chiến trường Ukraine. BAE Systems thông báo việc quân đội Nga thành công trong việc sử dụng máy bay không người lái đã ảnh hưởng đến cách công ty thiết kế loại xe bọc thép mới cho quân đội Mỹ bằng cách bổ sung thêm lớp vỏ áo giáp để bảo vệ binh lính từ cuộc tấn công trên cao.

 

Nhờ thực chiến tại Ukraine, các cơ quan khác nhau của chính phủ và ngành công nghiệp Mỹ cũng chạy đua thử nghiệm các hệ thống và giải pháp vũ khí mới mà Ukraine đang rất cần để chống trả lại quân xâm lược. Trong những ngày đầu cuộc xung đột, Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (National Geospatial-Intelligence Agency) đã gửi năm máy bay không người lái giám sát hạng nhẹ có độ phân giải cao tới Bộ Chỉ huy Các hoạt động Đặc biệt (US Special Operations Command) của Hoa Kỳ ở châu Âu để có thể chuyển nhanh cho Ukraine khi cần.

 

Loại máy bay không người lái này, được sản xuất bởi công ty Hexagon, chưa được biên chế trong chương trình vũ khí nào của Bộ Quốc phòng, mà chỉ là một thử nghiệm. Phó Đô đốc Hải quân Robert Sharp, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia vào thời điểm đó, thậm chí còn công khai tuyên bố Hoa Kỳ “đang huấn luyện một đối tác quân sự ở châu Âu về cách sử dụng hệ thống mới”. “Hệ thống cho phép bạn đi ra ngoài dưới lớp mây bao phủ và tự thu thập dữ liệu địa tình báo” – Sharp nói với CNN bên lề một hội nghị vệ tinh ở Denver vào mùa xuân năm ngoái.

 

Vẫn chưa rõ liệu những máy bay của Hexagon có sớm tham gia vào cuộc chiến Ukraine không. Trong khi đó, nhiều quan chức tình báo và quân sự Mỹ nói rằng họ hy vọng việc tạo ra thứ mà quân đội Mỹ gọi là “attritable drone” (máy bay không người lái loại rẻ tiền, dùng một lần) sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà thầu quốc phòng. Một quan chức tình báo nói rằng ông mong công nghiệp vũ khí có thể tạo ra máy bay không người lái tấn công một chiều (one-way attack drone) theo kiểu “tự sát” giá không quá $10,000.

 

 




No comments: