Sunday, January 1, 2023

QUAN HỆ VIỆT - MỸ : ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ NÂNG CẤP 'ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN'? (BBC News Tiếng Việt)

 



Quan hệ Việt-Mỹ: Điều gì cản trở nâng cấp ‘đối tác chiến lược toàn diện'?

BBC News Tiếng Việt

1 tháng 1 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3q1ggqj51o

 

Nhân tố 'Trung Quốc' và hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam đang cản trở khả năng nâng cấp quan hệ song phương giữa Washington và Hà Nội lên 'đối tác chiến lược toàn diện', theo hai chuyên gia khoa học chính trị nói với BBC.

 

'Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện' được xem là mức cao nhất, mức tiếp theo là 'đối tác chiến lược' và 'đối tác toàn diện'.

 

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Taiwan NextGen Foundation và Pacific Forum nói với BBC, 'đối tác chiến lược' có thể được xem là bước đệm quan trọng để đưa quan hệ song phương tiệm cận mối quan hệ đồng minh, dù có thể chưa chính thức như một đồng minh hiệp ước.

 

"Mối quan hệ được nâng cấp cũng được xem là gắn kết về khía cạnh an ninh và quốc phòng, và hai bên sẽ chia sẻ với nhau nhiều thông tin và hợp tác chặt chẽ hơn," Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho biết.

 

Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

Chiến tranh Ukraine: Kịch bản nào trong năm 2023?

 

Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố về mong muốn Việt Nam sẽ thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược với năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC).

 

Cho đến nay, chỉ có hai thành viên thường trực UNSC có 'quan hệ đối tác chiến lược toàn diện' với Việt Nam là Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012).

 

Hai thành viên thường trực khác có 'quan hệ đối tác chiến lược' với Việt Nam là Anh (2010) và Pháp (năm 2013).

 

Hoa Kỳ là thành viên duy nhất trong UNSC chỉ có quan hệ 'đối tác toàn diện' với Việt Nam từ năm 2013 đến nay.

 

Mỹ muốn nâng cấp quan hệ nhưng Việt Nam 'chưa rõ ràng'?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/921c/live/54af1450-89a6-11ed-8300-6b361ae1cb21.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có cuộc gặp song phương tại Washington DC vào ngày 13/05/2022, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN 

 

Đề xuất nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược lần đầu tiên được Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton công bố hồi tháng 07/2010 nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

 

Washington đã thẳng thắn muốn nâng cấp mối quan hệ song phương với liên tiếp các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao trong năm 2021 và 2022 như Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink (tháng 10/2022), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin (tháng 07/2022), và trước đó là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 08/2021.

 

Ông Daniel Kritenbrink và ông Lloyd J. Austin đều nhấn mạnh đến nâng cấp mối quan hệ song phương.

 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc Knapper vào tháng 04/2022 nhấn mạnh nâng cấp quan hệ hai nước từ 'đối tác toàn diện' lên 'đối tác chiến lược' là ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ.

 

Đáp lại tuyên bố của Đại sứ Marc Knapper, Hà Nội nói, "Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững", nhưng không nêu rõ lập trường về việc nâng cấp quan hệ song phương với Mỹ.

 

Vì sao quan chức cao cấp Hoa Kỳ liên tục thăm Việt Nam?

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

VN bị “lạm phát” đối tác chiến lược?

 

Nhân tố 'Trung Quốc'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bae0/live/c6aea2a0-89ab-11ed-8300-6b361ae1cb21.jpg

Trung Quốc là một nhân tố quan trọng mà Việt Nam phải luôn cân nhắc khi muốn xích lại gần hơn với Mỹ, theo các chuyên gia

 

Hai chuyên gia khoa học chính trị nhận định với BBC rằng Trung Quốc là một nhân tố quan trọng mà Việt Nam phải luôn cân nhắc khi muốn xích lại gần hơn với Mỹ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gia tăng và chiến tranh Ukraine vẫn chưa rõ hồi kết.

 

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho rằng môi trường an ninh khu vực với những tương tác quyền lực phức tạp giữa các cường quốc buộc Hà Nội phải thận trọng hơn trong việc ứng xử với láng giềng khổng lồ và tham vọng là Trung Quốc.

 

"Vị trí địa lý sát sườn Trung Quốc, tính gắn kết về lịch sử và ý thức hệ, bản chất của quan hệ song phương với tính chất bất đối xứng, cùng quan hệ kinh tế 'môi hở răng lạnh' khiến các tổn thương mà Việt Nam phải chịu sẽ lớn hơn và có nguy cơ kéo dài khi bị Trung Quốc 'phản ứng' hay 'trừng phạt' khi nâng cấp quan hệ với Mỹ," Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nói.

 

Vì sao Tuyên bố Việt - Trung lần đầu nhắc về 'nhân quyền, cách mạng màu'?

Sau Tuyên bố chung Việt-Trung thắm tình đồng chí, Tổng thống Biden vẫn muốn thăm Việt Nam?

 

Từ Hoa Kỳ, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) nói về sức ép từ Trung Quốc.

 

"Bắc Kinh hiểu rõ rằng những chuyển biến tích cực trong quan hệ Việt-Mỹ trong 10 năm trở lại đây đều bắt nguồn từ việc cả Hà Nội lẫn Washington đều có chung nỗi lo về Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Chính sách nhất quán của Trung Quốc đối với Việt Nam luôn là không cho Việt Nam ngã về một cường quốc nào khác ngoài Trung Quốc do lo ngại các cường quốc khác có thể sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để kiềm tỏa Trung Quốc.

 

"Điều này có thể thấy rõ vào năm 1979 khi Trung Quốc đã 'dạy cho Việt Nam một bài học' sau khi Hà Nội ngã về phe Liên Xô và giúp Moscow bao vây Trung Quốc từ phía Nam.

 

"Chỉ khi Trung Quốc đã thành công làm suy yếu liên minh Xô-Việt bằng các áp lực về quân sự và kinh tế trong suốt những năm 1980 và Việt Nam cũng không còn khả năng đối đầu với Trung Quốc ở Campuchia do kinh tế suy sụp thì họ mới sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1991."

 

'Không thể so sánh Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979 và Nga xâm lược Ukraine'

Tuyên truyền về Liên Xô quá mạnh khiến có người VN ủng hộ Nga xâm lược Ukraine

 

Vào tháng 04/2022, khi Việt Nam và Mỹ dường như có những động thái nâng cấp quan hệ, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Việt Nam, Bùi Thanh Sơn rằng, "Mỹ cố gắng tạo căng thẳng trong khu vực và kích động sự thù hằn và đối đầu bằng cách thúc đẩy 'Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương'."

 

Ông Vương nói điều này "sẽ gây tổn hại nghiêm trọng nền hòa bình rất khó mới có được, và sự phát triển trong khu vực, và gây xói mòn cấu trúc hợp tác trong khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm", và kêu gọi, "Chúng ta không thể để tâm lý Chiến tranh Lạnh này trỗi dậy trong khu vực và thảm họa Ukraine lặp lại lần nữa xung quanh chúng ta."

 

Ông Vũ Xuân Khang cho rằng những áp lực của Trung Quốc - "nước lớn và là láng giềng vĩnh cửu của Việt Nam" - khiến Hà Nội phải xem xét kỹ lưỡng được - mất khi nâng cấp quan hệ với Washington.

 

"Việt Nam được hưởng lợi từ quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh nhiều hơn là đối tác chiến lược với Mỹ do chưa chắc Mỹ sẽ sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng Trung Quốc thì sẽ sẵn sàng trừng phạt Việt Nam nếu Hà Nội có bất kỳ hành động nào làm tổn hại an ninh của Trung Quốc."

 

Sau Tuyên bố chung Việt-Trung thắm tình đồng chí, Tổng thống Biden vẫn muốn thăm Việt Nam?

Tập Cận Bình nói ‘Không để bất kỳ ai can thiệp’ vào bước tiến của TQ và Việt Nam

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

 

Hồ sơ nhân quyền

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bc90/live/894b06e0-89a8-11ed-8300-6b361ae1cb21.jpg

Tiến sĩ Tâm Sáng đặt câu hỏi nếu nâng cấp lên mối quan hệ chiến lược, thì vai trò vấn đề nhân quyền sẽ như thế nào trong quan hệ song phương nhất là ở hai quốc gia khác biệt hoàn toàn về ý thức hệ chính trị

 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhân quyền là một nhân tố quan trọng khác trong quan hệ Việt-Mỹ. "Sẽ là thiếu sót nếu không chú ý đến nhân tố lòng tin trong quan hệ giữa Hà Nội và Washington. Hiện hai nước vẫn có cách hiểu và tiếp cận khác nhau xung quanh vấn đề nhân quyền-thường được phía Việt Nam gọi là 'quyền con người'."

 

Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam về tự do tôn giáo. Việt Nam phản đối mạnh mẽ, gọi nội dung báo cáo đó là "thiếu khách quan", "không chính xác", và "chưa được kiểm chứng".

 

Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo

USCIFR: Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam đang diễn ra một cách 'hệ thống' và 'nghiêm trọng'

 

Trong thông cáo ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (Special Watch List).

 

Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng: "Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam."

 

Tiến sĩ Tâm Sáng đặt câu hỏi nếu nâng cấp lên mối quan hệ chiến lược, thì vai trò vấn đề nhân quyền sẽ như thế nào trong quan hệ song phương, nhất là ở hai quốc gia khác biệt hoàn toàn về ý thức hệ chính trị.

 

"Liệu Mỹ có đặt nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam khi đây là một trong những trụ cột quan trọng trong trong chính sách đối ngoại Mỹ? Tôi e rằng hai nước vẫn cần nỗ lực nhiều hơn, đối thoại nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn; và thời gian sẽ trả lời khi nào thì hai quốc gia đạt được 'độ chín; về nhận thức để nâng cấp quan hệ."

 

Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam: Tin Lành, Cao Đài, Thiền Am

Nhân quyền VN: 'Mỹ không nên mềm mỏng khi VN chơi trò địa chính trị'

Báo cáo dân chủ 2022 của IDEA: 'Việt Nam vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế'

Tiếp tục một năm u ám, CPJ nói '21 nhà báo đang bị bỏ tù' tại Việt Nam

 

Viễn cảnh nâng cấp quan hệ

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6b50/live/4b48cf40-89a7-11ed-8300-6b361ae1cb21.jpg

Các công ty quốc phòng Hoa Kỳ và các quan chức chính phủ Việt Nam đã thảo luận về việc cung cấp thiết bị quân sự, bao gồm máy bay trực thăng và drone, theo nguồn tin độc quyền của Reuters vào giữa tháng 12/2022

 

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đề cập những biến số cần được cân nhắc về khả năng nâng cấp mối quan hệ lên 'đối tác chiến lược toàn diện' bao gồm:

 

·        Mức độ đổi mới về tư duy đối ngoại và khả năng chấp nhận rủi ro (risk taking) của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam, nhất là vai trò của Tổng Bí thư.

 

·        Sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ leo thang đến mức độ nào, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

 

·        Liệu Mỹ và Việt Nam có tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề "nhạy cảm" như an ninh, chia sẻ thông tin tình báo, nhân quyền hay tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay không.

 

Do đó, theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng trong bối cảnh thế hệ lãnh đạo Việt Nam vẫn nắm quyền lực và tự tin vào đường lối đối ngoại hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược "tằm ăn dâu" ở Biển Đông và chưa biến căng thẳng thành xung đột không thể đối thoại, dù quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những bước tiến nhanh chóng và đầy khích lệ, thì "lãnh đạo Việt Nam và Mỹ có lẽ chưa sẵn sàng để nâng cấp quan hệ".

 

Nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang nói khả năng nâng cấp hiện nay là "khá thấp".

 

"Có một số ý kiến cho rằng Mỹ và Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2023 nhằm kỷ niệm 10 năm sau khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tuy nhiên, khả năng Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược là khá thấp."

 

"Chỉ khi quan hệ Việt-Trung ổn định thì Việt Nam mới có thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc. Và ưu tiên ngoại giao này quan trọng hơn nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ rất nhiều, nhất là trong bối cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022."

 

Sau Tuyên bố chung Việt-Trung thắm tình đồng chí, Tổng thống Biden vẫn muốn thăm Việt Nam?

Tập Cận Bình nói ‘Không để bất kỳ ai can thiệp’ vào bước tiến của TQ và Việt Nam

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nói đến khả năng mối quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ vẫn diễn biến tích cực, dù chưa cần đến một tên gọi mới, với một nhận thức mang tính chiến lược, khôn ngoan, và thực dụng từ Washington và cả Hà Nội.

 

"Tôi cho rằng nhận thức này giúp tạo không gian cho hai nước phát triển quan hệ (thay vì gây sức ép) đồng thời tránh kích động tâm lý nghi kỵ và phòng thủ từ phía Trung Quốc."

 

"Mặc dù quan hệ Mỹ- Việt vẫn chưa được nâng lên tầm đối tác chiến lược nhưng Việt Nam vẫn chú trọng hợp tác với Mỹ song song nỗ lực củng cố quyền tự chủ chiến lược và khả năng phòng bị nước đôi (hedging) thông qua đa dạng hoá các mối quan hệ, khuyến khích sự hiện diện của các cường quốc như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ (cả về phương diện quốc phòng và thương mại-đầu tư), hiện đại hóa quốc phòng, có kế hoạch xây dựng quân đội trình độ cao, chính quy nhằm đứng vững trước các mối đe dọa, đặc biệt là trước sự bành trướng của Trung Quốc."

 

Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo

Những mất mát của đội ngũ làm công tác đối ngoại Việt Nam

Mỹ đàm phán bán trực thăng, drone cho Việt Nam

Thế lưỡng nan của Việt Nam khi muốn đa dạng kho vũ khí ngoài 'nước bạn' Nga





No comments: