Dân
số giảm đe dọa triển vọng kinh tế, địa chính trị của Trung Quốc ?
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 17/01/2023 - 14:33
Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng
dân số : Lần đầu tiên từ hơn sáu thập niên qua, quốc gia đông dân nhất
hành tinh này chứng kiến dân số bị suy giảm trong năm 2022, bất chấp việc nới lỏng
chính sách hạn chế sinh con. Thách thức dân số này có nguy cơ đè nặng lên vị thế
địa kinh tế - chính trị của nền kinh tế thứ hai thế giới trong tương
lai.
Một phụ nữ có tuổi,
đeo khẩu trang, đẩy xe trẻ em trong một công viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc . Ảnh
chụp ngày 14/10/2021. AP - Ng Han Guan
Theo thông báo của Cục Thống Kê Quốc Gia (BNS) được AFP trích dẫn,
trong năm 2022, dân số Trung Quốc giảm 850 ngàn người. Cụ thể, số trẻ sinh ra
trong năm qua là 9,56 triệu không đủ bù đắp cho con số 10,41 triệu ca tử vong
được ghi nhận. Từ những năm 1960-1961, sau khi chấm dứt chính sách sai lầm
« Bước Đại Nhảy Vọt » khiến hàng chục triệu người chết vì đói, dân số
Trung Quốc đã tăng gấp đôi, đạt mức 1,4 tỷ người dân như hiện nay.
Thông báo của Cục Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc có một tầm mức quan trọng,
cho thấy rõ sự suy thoái dân số diễn ra sớm hơn dự báo. Năm 2019, Liên Hiệp Quốc
dự phóng Trung Quốc sẽ chạm đỉnh dân số vào năm 2031-2032. Thế nhưng, theo các
số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ sinh nở ở Trung Quốc giảm mạnh, chỉ còn 1,15
trẻ ở một phụ nữ trong năm 2021, kém xa so với ngưỡng đổi mới thế hệ là
2,1.
Ông Yi Fuxian, nhà nghiên cứu trường đại học Wisconsin-Madison, được
báo Pháp Le Figaro trích dẫn, đánh giá Trung Quốc đang đối mặt với một
« cuộc khủng hoảng dân số còn u ám hơn dự báo ». Theo chuyên gia này,
số liệu thống kê chính thức công bố còn thấp hơn so với thực tế, bởi vì dân số
Trung Quốc đã bắt đầu giảm từ năm 2018.
.
Đâu là những hệ quả ?
Theo nhiều chuyên gia mà AFP có dịp trao đổi, « áp lực kinh tế quá
lớn » là một trong số các nguyên nhân chính khiến những thế hệ trẻ sau này
do dự trong chuyện sinh con. Chuyên gia về Dân số học Trung Quốc, Xiujian Peng,
trường đại học Victoria (Úc) thì cho rằng đây còn là hệ quả của chính sách một
con duy nhất, người dân Trung Quốc « đã quen với mô hình gia đình thu
nhỏ ».
Chỉ có điều, dân số giảm có nguy cơ nhấn chìm triển vọng kinh tế và địa
chính trị của Trung Quốc. Dân số giảm và hiện tượng lão hóa dân số sẽ có những
tác động đến nền kinh tế Trung Quốc từ đây đến năm 2100. « Tỷ lệ dân số trong
độ tuổi lao động giảm đồng nghĩa với chi phí lao động cao hơn » và điều đó
« sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế »,
theo như phân tích từ nhà nghiên cứu Xiujian Peng.
Các nghiên cứu của chuyên gia này còn dự báo, nếu không tiến hành cải
cách hưu trí, việc chi trả lương hưu của Trung Quốc trong năm 2100 sẽ chiếm đến
20% của GDP thay vì là 4% như trong năm 2020. Một quan điểm cũng được nhà
nghiên cứu Chan Kung, Quỹ Anbound, một tổ chức tư vấn độc lập ở Bắc Kinh đồng chia
sẻ. Lão hóa dân số sẽ kềm hãm sự năng động kinh tế và đe dọa nguồn tài chính
các hộ gia đình, buộc phải dành dụm tiền để dự phòng các rủi ro trong tương lai
hơn là chi tiêu thụ.
Số liệu thống kê u ám này còn đè nặng lên những triển vọng chiến lược của
Bắc Kinh, đang lao vào một cuộc đọ sức dài hơi với Washington, trong bối cảnh
những căng thẳng ngày càng lớn ở vùng châu Á – Thái Bình Dương, cũng như là với
đối thủ Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Những con số này còn đặt ra một thách thức lớn cho ông Tập Cận Bình,
luôn mơ ước hoàn thành « giấc mơ Trung Hoa » hồi sinh quốc gia, nhằm
khẳng định tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, vốn dĩ dựa vào sự gia
tăng dân số ngày càng lớn, khẳng định thế ưu việt của mô hình chính trị so với
các nền dân chủ phương Tây.
Một số chuyên gia được Le Figaro trích dẫn cảnh báo, một mặt, tin xấu
này có nguy cơ làm đảo lộn các dự phóng của giới kinh tế gia, theo đó, Trung Quốc
sẽ sớm soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong thập
niên sắp tới. Mặt khác, điều đó cũng có thể tác động đến cảm nhận của thế giới
về Trung Quốc. Giới đầu tư quốc tế bắt đầu tự hỏi : Liệu có nên tiếp tục
hiện diện lâu dài tại thị trường này hay không, vào lúc Ấn Độ được cho là sẽ
chiếm lấy chiếc vương miện của Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất
hành tinh !
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Trung
Quốc thất bại về chính sách dân số ?
Dân
số, công cụ địa chính trị của Bắc Kinh
Trung
Quốc : Dân số tăng ở mức thấp nhất từ khi có chính sách 1 con
No comments:
Post a Comment