Saturday, January 14, 2023

CỬ TRI GỐC VIỆT TRÔNG ĐỢI GÌ Ở HẠ VIỆN của ĐẢNG CỘNG HÒA? (VOA Tiếng Việt)

 



Cử tri gốc Việt trông đợi gì ở Hạ viện của Đảng Cộng Hòa?

VOA Tiếng Việt

14/01/2023

https://www.voatiengviet.com/a/cu-tri-goc-viet-trong-doi-gi-o-ha-vien-cua-dang-cong-hoa-/6917548.html

 

Trong khi cử tri Dân chủ gọi màn bầu cử náo loạn của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện là ‘trò hề’ và tin Hạ viện Cộng hòa sẽ ‘không làm được gì nhiều’ thì cử tri Cộng hòa cho rằng Đảng của họ sẽ đoàn kết lại sau chia rẽ để thực hiện việc kiểm soát và điều tra chính quyền Biden, theo tìm hiểu của VOA.

 

https://gdb.voanews.com/d6cced3b-e13a-4ea8-a6d0-1e0cc6c7e3c6_w1023_r1_s.jpg

Ông Kevin McCarthy đã trở thành tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu

 

Hạ viện Mỹ khóa 118 do Đảng Cộng hòa kiểm soát cuối cùng cũng bầu được ông Kevin McCarthy làm chủ tịch sau khởi đầu đầy sóng gió với 15 vòng bỏ phiếu – điều chưa từng xảy ra trong vòng 100 năm qua.

Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy đã chủ trì lễ tuyên thệ cho các vị dân biểu liên bang, thông qua bộ quy tắc hoạt động mới và đã thông qua một số đạo luật ban đầu để phục vụ nghị trình của Đảng Cộng hòa, trong đó có các điều luật rút lại khoản ngân quỹ dành cho Cơ quan Thuế vụ (IRS), hạn chế phá thai, cấm bán dầu từ kho Dự trữ chiến lược cho Trung Quốc, thành lập các Ủy ban về cạnh tranh với Trung Quốc và Ủy ban điều tra về tình trạng ‘vũ khí hóa’ các cơ quan liên bang cho mục đích chính trị.

Sau bầu cử giữa kỳ, Đảng Cộng hòa đã kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ 222-212 với một dân biểu Dân chủ vừa qua đời nên khuyết một ghế phải bầu lại. Mặc dù phe Cộng hòa có đủ phiếu để thông qua các dự luật ở Hạ viện nhưng nhiều khả năng các dự luật này sẽ bị Thượng viện, vốn vẫn do Đảng Dân chủ kiểm soát, chặn lại, nếu không sẽ bị Tổng thống Joe Biden phủ quyết.

.
‘Chuyển biến mới’

Từ Chicago, bang Illinois, một cử tri Cộng hòa là
ông Nguyễn Tường Tuấn, 73 tuổi, hướng dẫn viên về kỹ năng sống cho các hãng Mỹ, nói ông có niềm tin Hạ viện của Đảng Cộng hòa ‘sẽ đem lại chuyển biến mới cho nền chính trị Mỹ’.

Ông hoan nghênh một số việc làm ban đầu của Hạ viện như cắt giảm tiền cho IRS để cơ quan này không có ngân sách thuê mướn thêm hàng ngàn nhân viên theo dõi hồ sơ thuế của người dân.

“Hệ thống IRS đã thừa khả năng theo dõi thông tin thuế vụ của người dân từ bao nhiêu năm nay, ai trốn thuế họ lôi ra được hết nên không cần thuê mướn thêm,” ông Tuấn giải thích.

Ông nói ông ủng hộ Hạ viện thành lập các ủy ban điều tra về ông Biden và gia đình cũng như những việc làm mà chính quyền Biden bị cáo buộc là ‘chính trị hóa các cơ quan liên bang’.

“Đây không phải là vấn đề Cộng hòa trả thù Dân chủ, nhưng có bằng chứng cho thấy Tổng thống Biden vi phạm một số điều gì đó là rõ ràng,” ông nói.

Ông chỉ ra việc ông Biden nói ‘không biết gì hết về chuyện làm ăn của con trai ông là Hunter Biden ở Ukraine hay Trung Quốc’ là ‘không đúng’, hay việc ông Biden mang tài liệu mật ra ngoài mới được phát hiện mới đây.

“Cần phải làm cho ra lẽ để mọi người thấy chúng ta có hệ thống công bằng. Nếu với ông Trump mà Quốc hội dưới thời bà Nancy Pelosi và hệ thống truyền thông báo chí rất ồn ào về vụ khám xét dinh thự Mar-a-Lago thì chắc chắn tôi muốn có sự đối xử tương xứng trong vấn đề này,” ông lập luận.

Ông nhìn nhận là ông không có kỳ vọng quá cao do Đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện, Tuy nhiên, ông phân tích rằng do có nhiều Thượng nghị sỹ Dân chủ đương nhiệm sẽ tái tranh cử vào năm 2024 nên họ ‘sẽ rất cẩn thận trong mọi quyết định của mình và sẽ làm việc tương đối vô tư chứ không mang tính phe đảng’.

Về những ưu tiên chính sách mà ông quan tâm, ông Tuấn nói ông mong Hạ viện ra luật kiểm soát biên giới.

“Cá nhân tôi là người tị nạn, tôi không chống đối di dân vào Mỹ, nhưng phải vào hợp pháp chứ không phải ùn ùn kéo sang biên giới,” ông giãi bày. “Chính quyền Biden đã bỏ rất nhiều tiền chăm sóc cho di dân bất hợp pháp trong khi đất nước vẫn còn nhiều cựu chiến binh vô gia cư không ai quan tâm.”

Nhận định về cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện gây náo loạn, ông Tuấn nói ông ‘có cái nhìn tích cực’ về những tranh chấp trong nội bộ Đảng Cộng hòa.

“Trong một thể chế dân chủ, mọi người đều có quyền cất lên tiếng nói phản kháng miễn là tiếng nói đó chân chính và đúng đắn,” ông nói.

Ông biện hộ việc ông McCarthy phải đưa ra nhiều nhượng bộ cho phe bảo thủ cứng rắn để đổi lấy phiếu của họ là ‘biết lấy nhu thắng cương’, cho rằng ‘đó là điều bắt buộc để cứu lấy sự nghiệp của ông, và cứu lấy Đảng Cộng hòa ở Hạ viện’

Ông phản bác việc chia rẽ trong Đảng Cộng hòa cho thấy Đảng này ‘không đủ năng lực điều hành’ và dẫn chứng phía Đảng Dân chủ, những người từng đấu đá nhau kịch liệt như ông Joe Biden và phó Tổng thống Kamala Harris trong kỳ bầu cử sơ bộ cuối cùng lại làm việc rất tốt cùng nhau.

“Sau khi đắc cử Chủ tịch rồi thì sự khéo léo nằm trong tay ông Kevin McCarthy (để lèo lái Đảng Cộng hòa). Nếu muốn tái đắc cử vào năm 2024 thì Đảng Cộng hòa phải đưa ra chính sách tốt, phải ủng hộ McCarthy, nếu không thì họ sẽ tự sát chính trị,” ông cảnh báo.

Qua việc Đảng Cộng hòa có những dân biểu cực đoan trong Quốc hội khiến cho việc bầu cử ông McCarthy gặp khó khăn, ông Tuấn nói ông hy vọng Đảng Cộng hòa ‘học được bài học là không quá cực hữu’ vì ‘dân Mỹ không thích cả cực tả lẫn cực hữu’.

.
‘Cộng hòa xuống cấp’

Ở phía Dân chủ
, bà Võ Minh Phượng, giáo viên trung học dạy Lý, Hóa và Khoa học Môi trường ở thành phố Pomona, miền Nam bang California, nói với VOA rằng màn bầu cử Chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng hòa cho thấy Đảng này ‘bát nháo, lủng củng, xuống cấp trầm trọng, thiếu đoàn kết’.

“Một số thành viên Cộng hòa đã trở thành phần tử phát xít. Họ quá cực đoan, họ muốn đập phá hết nền dân chủ của Mỹ,” bà lên án.

“Màn bầu cử đó giống như gánh xiếc, tuồng hề mà phải 100 năm mới xảy ra ở Mỹ một lần.”

Bà lên án những nhượng bộ của ông McCarthy đối với phe cực đoan, vốn sẽ làm suy yếu vai trò của Chủ tịch Hạ viện, là ‘cốt để giành được phiếu bầu’ và ‘đi ngược lại nguyện vọng của người dân Mỹ’.

“Đảng Dân chủ ít ra có đường lối rõ ràng, chính sách rõ ràng, họ làm việc với tinh thần trách nhiệm rõ ràng, đàng hoàng hơn rất nhiều,” bà nói về tinh thần đoàn kết của các dân biểu Dân chủ khi đều đồng lòng bầu cho lãnh đạo của họ trong 15 lần bỏ phiếu.

Dự đoán tình hình Hạ viện sắp tới, bà Phượng cho rằng ‘sẽ rất lộn xộn, đấu đá lẫn nhau’. “Họ có thể làm được chút gì đó nhưng không nhiều vì nội bộ chia rẽ trầm trọng,” bà phân tích.

Bà bày tỏ lạc quan Hạ viện Cộng hòa ‘sẽ không ra được những dự luật bãi bỏ những bảo vệ sự an cư lạc nghiệp của người dân hay những chính sách cứu trợ người tị nạn và di dân’ vì còn phải qua được cửa Thượng việc của Đảng Dân chủ.

“Họ có thể làm đủ trò nhưng lên đến Thượng viện thì còn lâu mới được thông qua,” bà Phượng khẳng định.

Theo phân tích của bà Phượng thì Đảng Cộng hòa gặp tình cảnh như vậy ‘do họ quá dung dưỡng những thành phần cực đoan, những người chủ trương bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020’.

“Cộng hòa đã bầu lên những dân biểu ăn nói hàm hồ, nói mà không có chứng cứ gì hết. Họ bầu cho những người không có tư cách khiến Hạ viện của họ trở thành như gánh hát,” bà lập luận.

“Họ vẫn chiều lòng những cử tri cực hữu nghe theo ông Trump, vốn là những người thiếu thông tin và quá u mê,” bà lên án và chỉ ra rằng mặc dù số dân biểu cực hữu này không nhiều, nhưng họ sẽ rất ồn áo, gây náo loạn như trong vụ bầu Chủ tịch Hạ viện.

Bà cũng chỉ ra bên phía Cộng hòa cũng có những dân biểu ‘mất tư cách’ như ông George Santos ở New York, người mà bà cho rằng ‘nói láo kinh khủng, nói láo không biết mắc cỡ’, mà vẫn đắc cử vào Hạ viện.

“Cử tri có thể không biết (về tư cách ông Santos) nhưng các lãnh đạo Cộng hòa phải biết chứ vì họ đã xem xét hồ sơ ứng cử kỹ lưỡng. Họ biết hết nhưng vẫn để cho Santos ra ứng cử. Họ nhắm mắt làm ngơ miễn là họ đạt được điều họ muốn,” bà cáo buộc.

Người giáo viên này dẫn ra việc Đảng Dân chủ ‘không có nhân nhượng với bất cứ ai phạm lỗi trong Đảng’ để cho rằng bà tin tưởng Đảng Dân chủ ‘có tư cách hơn’ Đảng Cộng hòa.

Theo lời bà thì việc Đảng Cộng hòa cắt ngân sách cho IRS là ‘để giúp cho những người giàu muốn trốn thuế’. “Họ muốn lấy lòng những nhà tài trợ cho họ để có thể tiếp tục giữ quyền lực,” bà cáo buộc.

Về các cuộc điều tra mà Hạ viện đe dọa sẽ tiến hành nhằm vào ông Biden và chính quyền của ông, bà Phượng cho rằng ‘đó là nỗ lực đảng phái nhằm trả thù ông Biden, chỉ mất thời gian, mất tiền thuế của người dân’.

“Có chuyện gì để họ điều tra? Đảng Cộng hòa đã có người điều tra Hunter Biden mấy năm nay nhưng có ra được cái gì đâu,” bà nói và cho rằng Hunter Biden ‘có dựa hơi cha khi còn là phó Tổng thống’ để được thuận lợi trong việc làm ăn nhưng, theo lời bà, ‘chẳng lẽ con cái ông Trump không dựa vào cha để khuếch trương kinh doanh?’

Bà cho rằng vụ tai tiếng tài liệu mật đang bủa vây ông Biden cũng ‘khác biệt căn bản’ với vụ tai tiếng tương tự của ông Donald Trump.

“Ông Biden không nhớ, không hề nghĩ tới (những tài liệu mật đó) trong khi người của ông Biden phát hiện ra, trình báo ngay lập tức, công bố cho người dân biết. Bản thân ông Biden còn kêu gọi điều tra vì ông không có gì phải sợ,” bà phân tích và chỉ ra ông Trump ‘cố tình đem về nhà đến mấy chục thùng tài liệu mật, không khai báo và khi bị phát hiện thì không chịu trả’.

 




No comments: