03-01-2023,
TÌNH HÌNH UKRAINA NGÀY THỨ 314
Dưới đây là mộ tphân tích của phóng viên báo
Wyborcza Maciek Kucharczyk về tương lai của cuộc chiến tranh Nga-Ukraina mình
muốn giới thiệu với các bạn, cũng như thay đổi không khí về các bản tin hàng
ngày:
„Cả phía Nga lẫn phía Ukraina đều muốn rằng năm 2023 này sẽ có thể tiến
hành những cuộc tổng phản công quan trọng hòng thay đổi cục diện chiến trường,
nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong thời gian tới mà cũng không nhanh chóng.
Chiến tranh sẽ còn kéo dài, bởi phụ thuộc vào một số điều kiện liên quan tới khả
năng duy trì thực lực của cả hai bên trong việc đối phó với các tổn thất khổng
lồ, cuốn đi mạng sống của hàng chục ngàn lính cùng số lượng đạn dược, vũ khí lớn
chưa từng có từ sau thế chiến thứ 2 tới nay. Cuộc chiến đang dần dần trở thành
một cuộc marathon, bắt đầu từ gần một năm trước đây, khi quân đội Ukraina đã
thành công trong việc ngáng chân quân đội Nga, lúc mà phía Nga đã cho rằng có
thể chiến thắng một cách nhanh gọn và dễ dàng.
Sự giằng co trên chiến trường mà chúng ta đang thấy sẽ kết thúc trong
vài tháng tới, bởi sự „hiệu quả” của phía Ukraina cũng như sự „không hiệu quả”
của phía Nga đã đem lại thế cân bằng trên chiến trường. Lúc này, cả hai bên đều
chưa đủ sức để có thể tổ chức những cuộc tấn công mang tính quyết định, tuy chiến
trường có nhiều điểm nóng, nhất là ở đoạn Donbas, nơi quân Nga liên tục tấn
công nhiều tháng qua, hay ở khu vực Kreminna-Svatove, nơi mà quân Ukraina cố
tìm cách chọc thủng phòng tuyến. Hàng ngày có hàng ngàn người lính của cả hai
bên bị thương, hàng chục xe quân sự các loại bị phá hủy cùng hàng ngàn tấn đạn
dược được bắn ra – mà dù vậy, 2 tháng qua bản đồ chiến tuyến vẫn không có gì
thay đổi, họa chăng nhìn đâu đó bằng kính lúp.
Phía Ukraina sẽ không còn có thể có những chiến thắng dễ dàng. Hồi
tháng 9 họ có thể tấn công chớp nhoáng ở Kharkiv bởi quân Nga phòng thủ ở đây
quá yếu, bởi đã không còn đủ lính để thay thế trước những tổn thất liên tục
trong 6 tháng trước đó, trong khi chính quyền Kremlin vẫn đang còn ở trên mây,
không chịu tổng động viên để bù lấp những thiệt hại. Chiến thắng sau đó ở
Kherson có được bởi lợi thế địa hình, khi quân Nga bị con sông Dnipr chắn ở sau
lưng, làm việc tiếp tế trở nên quá khó khăn. Nhưng bây giờ, chiến tuyến đã ngắn
hơn trước còn quân Nga ngày càng nhiều bởi các lệnh tổng động viên cùng hàng loạt
các công sự cố thủ được xây cất vội vàng, khiến tình hình phức tạp hơn. Đã thế
mùa đông lại rất ấm, khiến cho đất ướt và xe hạng nặng không thể di chuyển được.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng phía Ukraina sẽ không thể chiến thắng,
mà vấn đề để có được chiến thắng sẽ khó khăn hơn với cái giá phải trả đắt hơn.
Có hai vùng mà quân Ukraina có thể mở những cuộc tấn công lớn, nơi đầu tiên là
Kreminna-Svatove, giáp ranh giữa hai tỉnh Kharkiv và Lugansk. Chiến trường này
không có gì thay đổi lớn từ tháng 10, khi quân Nga thành công trong việc ổn định
lại sau thảm bại ở Izium-Lyman. Quân Ukraina vẫn tiến lên về phía trước, nhưng
rất chậm, bởi dường như chỉ tập trung chiếm các cao điểm, cứ điểm, chuẩn bị chiến
trường cho một cuộc tổng phản công lớn sau này. Vùng thứ hai là Zaporizhia, nơi
quân Ukraina sẽ thử cắt đứt con đường trên bộ của Nga tới bán đảo Crimea. Theo
The Washington Post, quân Ukraina đã định tấn công vào đó mùa thu năm 2022,
nhưng sau khi tình báo phân tích kỹ tương quan lực lượng của hai bên đã dừng lại
vì chưa có đủ thực lực, bởi một cuộc phản công nhanh trên diện rộng thường kéo
theo một nguy hiểm rất lớn nếu thất bại, dễ dàng tạo điều kiện cho quân Nga lật
ngược lại thế cờ. Nên thay vì tấn công tiếp, phía Ukraina tập trung cho chiến
trường Kharkiv và Kherson, đồng thời cử tiếp viện tới chiến trường Bakhmut, hỗ
trợ cho mặt trận này đứng vững. Hiện nay rất khó có thể biết, liệu phía Ukraina
có thể tập trung được một số lượng lớn binh lính và vũ khí để mở tiếp một mặt
trận lớn thứ hai không.
Về phía Nga, có thể thấy rõ quân Nga đã quyết định thay đổi, hạn chế mục
tiêu xâm chiếm chỉ còn lại là toàn bộ vùng Donbas, đồng thời sử dụng một lực lượng
khổng lồ để làm điều này, nhưng lại đụng phải vấn đề nan giải, bởi đây là nơi
quân Ukraina vốn chuẩn bị phòng ngự tốt nhất. Biết không chiến thắng nổi với lực
lượng hiện có, phía Nga đang cấp tốc huấn luyện thêm 150.000 lính tổng động
viên tháng 10 vừa qua để đưa tới chiến trường này. Phía Ukraina còn cho rằng
chính quyền Nga sẽ cố gắng mở thêm một mặt trận mới, hòng phân chia sức lực của
quân đội Ukraina, có thể là từ Belarus hoặc từ Belogrod, nhưng liệu một cuộc tấn
công với một lực lượng như vậy có khả năng thành công không ? Khả năng lớn là
không, bởi chất lượng lính tổng động viên sẽ rất thấp. Tuy vậy, điều đó cũng
khiến phía Ukraina phải phân tán lực lượng phòng thủ, khiến họ khó khăn hơn nhiều
trong việc tổ chức các đợt phản công lớn, mang tính quyết định tại chiến trường.
Những điều nhận định trên sẽ có thể diễn ra trong thời gian tới, chậm
nhất là vào đầu xuân, khi mà đất cứng trở lại. Cho tới thời gian đó, chiến trường
sẽ như hiện nay, có những chỗ đánh nhau ác liệt, nhưng không có chiến thắng
mang tính quyết định. Rồi sẽ tới những đợt tổng phản công ào ạt của cả hai bên,
kéo dài vài tháng, mà kết quả sẽ cho thấy kết thúc cuộc chiến nghiêng về bên
nào. Sau đó, hai bên lại buộc phải dừng lại để bổ sung lực lượng và tái cấu
trúc quân đội, rồi lại tiếp tục những đợt tấn công tiếp theo vào mùa hè hoặc đầu
thu. Nếu chiến sự đi theo những gì phía Ukraina muốn, họ sẽ có thể tấn công
Crimea từ vùng Zaporizhia vừa được giải phóng vào thời gian này, hay tiến vào
Donbas, đòi lại những vùng đất „ly khai” mà phía Nga đã chiếm từ 2014 – mà cũng
chỉ có khi đó phía Ukraina mới có thể buộc chính quyền Putin ngồi vào bàn đàm
phán và mới có triển vọng thực tế cho hòa bình. Ngược lại, nếu quân đội Ukraina
không đạt được các mục tiêu, dân chúng và phương Tây mỏi mệt sẽ có thể gây sức
ép để hai bên đình chiến tạm thời, nhưng cũng sẽ chỉ là tạo thời gian để cả hai
bên chuẩn bị cho một cuộc đụng độ tiếp theo.
Thế nên điều quan trọng nhất hiện nay của cả hai bên là sự điều phối thực
lực quân sự, đem lại hiệu quả cao nhất trong một cuộc chiến lâu dài. Những lực
lượng quân đội, vũ khí, khí tài mà hai bên chuẩn bị từ hồi đầu cuộc chiến chắc
chắn đã kết thúc và không còn đủ để tiếp tục, trong khi chiến sự ngày càng dài
ra, ít nhất là phải thêm cả phần lớn năm 2023 này, dẫn tới việc bên nào có đủ
khả năng bổ sung tổn thất, tăng cường quân đội, vũ khí, đạn dược… sẽ có lợi thế
hơn. Ngay cả phía Nga, bất chấp những tuyên truyền về kho vũ khí vô tận thừa hưởng
từ Liên Xô cũ, trên thực tế, những vũ khí quan trọng đều đang cạn kiệt hoặc lỗi
thời, bởi những thiếu thốn về đạn, phụ tùng thay thế là những thứ không nhìn thấy
trên phim ảnh, mà lại có giá trị sống còn ảnh hưởng trực tiếp tới chiến tranh.
Không phải là điều bí mật khi cả hai bên đều đang phải đối mặt với vấn đề này.
Điều quan trọng nhất trong cuộc chiến là con người. Ở đây phía Ukraina
có lợi thế hơn hẳn, bởi lệnh tổng động viên được thực hiện ngay từ ngày đầu chiến
tranh và hiện nay có gần một triệu người đang phục vụ trong quân đội, dưới các
hình thức khác nhau, chủ yếu ở khu vục hậu cần. Nhiều hơn cũng không cần thiết,
bởi cũng không có đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh cho họ, nhưng bù lại,
phía Ukraina tập trung vào huấn luyện dưới sự hỗ trợ của NATO và EU, đặc biệt
là chương trình Interflex của Anh, cứ 120 ngày đào tạo ra được 12.000 lính mới
theo đúng tiêu chuẩn NATO. Mùa thu vừa rồi, Ba Lan cũng đã hoàn thành huấn luyện
12.000 lính cho Ukraina và vẫn tiếp tục đào tạo cũng như chuyển giao kỹ thuật sử
dụng các loại vũ khí hiện đại, nhất là đào tạo sỹ quan và lính đặc nhiệm, những
thứ sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng của quân đội Ukraina.
Bên phía Nga tệ hơn nhiều. Không những tổng động viên quá muộn, họ chỉ
làm điều đó khi chiến trường đã không còn lính và không có gì để thay thế, mà lại
làm lộn xộn, không có tính toán, khiến hàng chục ngàn lính tổng động viên đã bị
ném ra chiến trường mà không được huấn luyện, dẫn tới cái chết của rất nhiều
người nhưng không đem lại hiệu quả gì. Phía Nga cũng thiếu cơ sở, phương tiện
và phương pháp huấn luyện chuyên nghiệp trên diện rộng, những người huấn luyện
chuyên nghiệp thì đa số đã chết hoặc bị thương trên chiến trường, lính tổng động
viên phải sống trong điều kiện vệ sinh tồi tệ tại những lán trại tạm bợ, đang ốm
hàng loạt trước cái lạnh mùa đông của nước Nga. Thậm chí Nga phải gửi một số lượng
lính sang Belarus để nhờ huấn luyện và những người này vẫn được cho là „may mắn”
hơn những người ở lại nước Nga. Kết quả của những việc này khiến cho lính mới của
Nga được đào tạo kém cùng với sỹ khí thấp, nên ưu thế „con người” nghiêng hẳng
về phía Ukraina.
Điều quan trọng thứ hai là sản xuất đạn, nhất là đạn cho pháo và xe
tăng, bởi số lượng sử dụng có thể tính theo hàng toa tàu một ngày. Đó là một số
lượng mà cả hai bên đều không ngờ tới từ đầu. Phía Ukraina hết đạn từ hồi mùa
xuân, chỉ vài tháng sau khi chiến đấu, nhưng lại nhận được sự ủng hộ khổng lồ từ
phương Tây và các nước khác, cung cấp cho họ tất cả những gì có thể. Nhu cầu về
nguyên liệu để sản xuất đạn nhiều đến mức, ngay cả nước Đức cũng phải lên tiếng
thừa nhận rằng việc sản xuất vũ khí đang bị chậm lại do nguyên liệu không cung
cấp kịp, hay việc thiếu thuốc nổ ở Mỹ, dẫn tới số lượng đạn pháo sản xuất ra chỉ
còn bằng 1/3 so với khả năng. Phía Ukraina cũng đang cố gắng khôi phục lại việc
sản xuất đạn theo tiêu chuẩn Liên Xô cũ, khi cuối tháng 12 đã xuất hiện những đạn
pháo 152 mm của Ukraina mới sản xuất trên chiến trường.
Phía Nga gặp các vấn đề tương tự. Đúng là họ thừa hưởng kho vũ khí khổng
lồ của Liên Xô, nhưng việc sử dụng vô tội vạ khiến sự tiêu hao nhanh hơn phía
Ukraina rất nhiều. Ngay từ hè đã có những thông báo về việc thiếu đạn 122 mm và
những tin đồn „Nga đang phải mua lại đạn từ Bắc Triều Tiên”, còn lúc này thì phổ
biến thông tin việc thiếu đạn 152 mm hoặc hàng mới sản xuất năm 2022 chất lượng
rất kém. Nếu pháo binh Nga không còn gì để bắn thì quân đội Nga sẽ tê liệt, bởi
chiến thuật của Nga phụ thuộc phần lớn vào lợi thế hỏa lực của pháo binh. Không
những vậy, quân đội Nga đang gặp vấn đề lớn về phụ tùng thay thế. Các lệnh cấm
vận của phương Tây khiến các nhà máy quân sự không thể hoạt động hoặc hoạt động
cầm chừng, do thiếu chip điện tử hay các máy móc công nghiệp. Về vấn đề này,
chính quyền Nga đã hoàn toàn ngủ quên, nên cũng mới bắt đầu cố gắng khởi động lại
vào mùa thu, khi điện Kremlin bị buộc phải nhìn nhận vào thực tế.
Ở vấn đề này, phía Ukraina vừa tệ hơn nhưng lại vừa tốt hơn. Tệ hơn vì
họ hầu như không còn có thể tự sản xuất vũ khí, nhưng tốt hơn vì họ có cả hơn nửa
thế giới đứng đằng sau, và tuy lúc nào cũng sẽ có những bất đồng nội bộ nho nhỏ,
thế giới đó đang càng ngày càng tỏ ra cương quyết hơn trong việc ủng hộ
Ukraina, điều mà khó có thể hình dung ra một năm trước đây. Thế nên nếu không
thiếu sự đồng tình ủng hộ thì cũng sẽ không thiếu tiền hay vật chất hỗ trợ
Ukraina trong thời gian dài nữa.
Điều quan trọng cuối cùng là tinh thần. Người dân Ukraina cho tới lúc
này thể hiện quyết tâm rất cao chống lại quân xâm lược. Rất nhiều chiến thắng
quan trọng càng khiến họ tin rằng, họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, được
thể hiện qua việc không ủng hộ đàm phán với Nga, bởi ai cũng hiểu „cứ đàm phán
là sẽ phải có nhượng bộ”. Tuy nhiên, cùng cái chết của hàng chục ngàn người hay
sự khủng bố của Nga vào các cơ sở hạ tầng dân sự, điều kiện sống của dân chúng
Ukraina đang ngày càng tồi tệ đi, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân. Lúc này
điều kiện quan trọng không kém sẽ lại là tinh thần dân chúng của phương Tây, bởi
nếu không có sự viện trợ thì Ukraina không thể nào tồn tại được. Hiện tại, tinh
thần này vẫn đang tốt, và tuy có những nguồn tin ở đâu đó rằng: „một ngày nào
đó sẽ phải đối thoại với Nga”, tất cả các quốc qia đều chuẩn bị hỗ trợ cho
Ukraina lâu dài, chứ không bỏ mặc cho „tự chiến với Nga”. Chỉ riêng nước Mỹ đã
cam kết hỗ trợ 43 tỷ usd cho Ukraina trong năm 2023, thêm 2,3 tỷ bảng từ Anh
cùng nhiều khoản khác từ EU hay các quốc gia khác khiến Ukraina sẽ có đủ nội lực
để tiếp tục một cuộc chiến lâu dài.
Một yếu tố quan trọng nữa là sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu do gián
đoạn cung cấp nguyên liệu từ Nga đã không xảy ra, càng củng cố niềm tin của các
nước EU rằng: „nước Nga hoàn toàn không mạnh như phía Nga từng tuyên bố”, do đó
tạm thời sẽ không có bất kỳ sức ép nào để kết thúc sớm chiến tranh.
Cả hai phía lúc này đều chưa đưa ra dấu hiệu thực sự muốn kết thúc cuộc
chiến này.”
https://wiadomosci.gazeta.pl/.../7,114881,29322154,to...
Viva Ukraina.
Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=10222324446915152&set=a.1730530418183
.
No comments:
Post a Comment