Saturday, September 17, 2022

XÂM LƯỢC UKRAINE : NGA ĐANG TRẢ GIÁ ĐỂ LẤY SỰ YỄM TRỢ CỦA TRUNG QUỐC? (Thanh Hà / RFI)

 



Xâm lược Ukraina : Nga đang trả giá để lấy sự yểm trợ của Trung Quốc ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 16/09/2022 - 14:58

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220916-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraina-nga-%C4%91ang-tr%E1%BA%A3-gi%C3%A1-%C4%91%E1%BB%83-l%E1%BA%A5y-s%E1%BB%B1-y%E1%BB%83m-tr%E1%BB%A3-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

 

Tình bạn « vô bờ bến » giữa hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình từng được phô trương tại Bắc Kinh hồi tháng 2/2022 liệu có còn nguyên vẹn kể từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina, đẩy Trung Quốc thành điểm tựa về chính trị và kinh tế có trọng lượng duy nhất của Matxcơva ? 

 

https://s.rfi.fr/media/display/80f1f748-35ba-11ed-971b-005056a97e36/w:1024/p:16x9/2022-09-16T075514Z_231596030_RC27IW9JMQXF_RTRMADP_3_UZBEKISTAN-SCO.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) trao đổi với chủ tịch Trugn Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tại Samarkand, Uzbekistan, 16/09/2022. via REUTERS - SPUTNIK

 

Ngày 15/09/2022, tổng thống Nga sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải lần thứ 22 tại Samarkand- Uzbekistan cho biết ông « thông cảm » trước những băn khoăn của Trung Quốc trên hồ sơ Ukraina. Vào lúc những tin xấu trên mặt trận Ukraina dồn dập ập đến, câu nói đó cũng đủ che khuất tất cả những tuyên bố mạnh mẽ của hai ông Tập Cận Bình –Vladimir Putin về « quan hệ hữu nghị » song phương, về « hợp tác », về những « quan điểm gần gũi » giữa Matxcơva và Bắc Kinh liên quan đến một trật tự thế giới, để thoát khỏi cái bóng của phương Tây. Về phía Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng cùng với Nga « đảm đương vai trò của những cường quốc » nhưng không đi sâu vào chi tiết. Theo báo chí phương Tây, ông Tập gần như đã không nhắc tới chiến tranh Ukraina. 

 

Theo giới phân tích, nhưng dấu hiệu này bắt đầu để lộ một sự rạn nứt nào đó của trục Matxcơva – Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Taniatna Kastouéva Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI giải thích : Trung Quốc là lá bài then chốt của Nga vào lúc Matxcơva đang phải đương đầu với phương Tây. Bắc Kinh đã không lên án chiến tranh Ukraina, không chạy theo phương Tây phong tỏa kinh tế Nga. Nhưng về thực chất, Trung Quốc giúp Nga « không nhiều » : không có chuyện Bắc Kinh cấp vũ khí cho Matxcơva. Vào lúc Nga bị phương Tây cấm vận, thiếu phụ tùng công nghiệp và nhất là linh kiện bán dẫn, thì điện Kremlin đã không thể trông cậy vào các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vì về mặt chính thức phần lớn các công ty Trung Quốc muốn duy trì hoạt động với Âu, Mỹ và muốn tránh để bị vạ lây trừng phạt. Báo cáo mới nhất Club Valdai, một diễn đàn quy tụ các chuyên gia quốc tế nghiên cứu về tình hình nước Nga, thân cận với điện Kremlin công bố hồi tháng 7/2022 cho thấy : đầu tư của Trung Quốc vào Nga sụt giảm, các ngân hàng Trung Quốc « tự kềm chế » trong các dự án tại Nga. Trong lĩnh vực tư nhân một số doanh nghiệp Trung Quốc như hãng sản xuất drones, DJI tuy không rút vốn khỏi nước Nga nhưng đã tuyên bố tạm ngừng cung cấp cho cả Matxcơva lẫn Kiev.  

 

Ngay cả về năng lượng, lĩnh vực mà theo giới phân tích, Nga và Trung Quốc đã « đi xa nhất », mặc dù Matxcơva mạnh mẽ thông báo thị trường Trung Quốc sẽ từng bước thay thế châu Âu, nhưng theo quan điểm của ông François Godement, viện nghiên cứu Montaigne Paris, bản thân Bắc Kinh cũng thận trọng vì « Trung Quốc chẳng dại dột để Nga lợi dụng đẩy mình vào thế phải đọ sức với châu Âu ». 

 

Tuy nhiên điều đó không cấm cản Trung Quốc lợi dụng thời cơ, biết mình đang ở thế thượng phong để đặt điều kiện với Nga. Bắc Kinh hối hả mua dầu khí của Nga vì, 50 % hóa đơn được thanh toán bằng rúp và nửa còn lại là bằng đồng nhân dân tệ. Cũng ông Godement giải thích thêm Bắc Kinh không hề khoan nhượng với Matxcơva, đòi các nhà cung cấp của Nga giảm giá cho Trung Quốc từ 20 đến 50 % so với giá thị trường. Hiện tại ngoài Belarus, Trung Quốc là khách hàng mua dầu khí của Nga với cái giá « hữu nghị » nhất. 

 

Chuyên gia François Chimits, viện nghiên cứu về Trung Quốc của Đức MERICS nói rõ hơn : Trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina các doanh nhân và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trông thấy những cơ hội to lớn để mặc cả với Nga về những hợp đồng năng lượng, về các điều khoản sử dụng đồng tiền của hai nước trong các dịch vụ xuất nhập khẩu … 

 

Theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc trong tám tháng đầu 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng hơn 50 %, chủ yếu là trong lĩnh vực năng lượng. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên Bang Nga « tăng theo chiều thẳng đứng ». Nga nhập từ xe tải đến phụ tùng máy cày, công cụ nông nghiệp … Về tiền tệ, trao đổi hai chiều giữa đồng rúp của Nga và nhân dân tệ Trung Quốc cũng chưa bao giờ « mạnh » như từ đầu năm đến nay. 

 

Tất cả những điểm vừa nêu đều cho thấy rõ một điều đó là tính thực dụng của Bắc Kinh. Về phía Matxcơva tổng thống Putin dường như đã bắt đầu « sốt ruột » khi nhận thấy rằng « tình bạn vô biên » của một đối tác « chiến lược » như Trung Quốc không được như mong đợi. Trong tháng 8 vừa qua, điện Kremlin đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh « giúp đỡ nhiều hơn ». Chuyên gia François Godement cho rằng, gần đến Đại Hội Đảng, rất có thể ông Tập Cận Bình chờ đợi những tín hiệu mạnh mẽ hơn từ phía Vladimir Putin. Một trong số tín hiệu đó có lẽ là Đài Loan. Không phải tình cờ mà gần đây điện Kremlin nhiều lần nhấn mạnh Nga ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan ! 

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - TRUNG QUỐC

Nga, Trung đoàn kết trước phương Tây, nhưng chưa phải là đồng minh

PHÂN TÍCH

Trung Quốc tái khẳng định hậu thuẫn dành cho Nga, đối tác đang trong thế yếu

 

TẠP CHÍ KINH TẾ

Mặt trận Trung Quốc - Nga chống phương Tây rạn nứt vì Kazakhstan ?

 





No comments: