Sunday, September 18, 2022

TRUNG TÂM NĂNG ĐỘNG SÁNG TẠO . . . GIÀU CHẤT TRÂN ĐẰM (Trương Tuấn Vũ, RFA)

 



Trung tâm năng động sáng tạo… giàu chất trâu đằm

Bình luận của Trương Tuấn Vũ
2022.09.18

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/innovative-center-for-buffelo-09182022084618.html                                                       

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/innovative-center-for-buffelo-09182022084618.html/@@images/42827b53-b6c4-4028-9230-ee879132aa0e.jpeg

Một tàu chở hàng đi trên sông Sài Gòn ở TPHCM hôm 3/12/2021  (AFP)

 

Bạn tôi rủ về nhà chơi. Ở thành phố đáng sống, trung tâm tài chính và khoa học, năng động sáng tạo, cực phát triển mới của TP HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đất mới của các chuyên gia và trí thức, làng đại học trung tâm.. vân vân.

 

Chính là thành phố trong thành phố, Thủ Đức đó quý độc giả.

 

Ăn gian giờ công sở, chúng tôi có mặt ở bến xe buýt trung tâm nằm trong Công viên 23/9, gần chợ Nguyễn Thái Bình quận 1 vào 4 giờ rưỡi chiều. Chờ khoảng năm phút thì xe buýt khởi hành. 

 

Chạy được năm bảy phút, đến đoạn Bạch Đằng, gần chân cầu Thủ Thiêm 2 thì kẹt xe cứng ngắc. Mưa rắc nho nhỏ, phía trước bạt ngàn xe hơi đủ thứ hạng nằm lọt trong một cánh đồng dưa hấu toàn mũ bảo hiểm tròn xoe  bóng loáng. Chị tiếp viên xe từ lâu đã mở hé một cánh cửa sổ, thò tay ra đập liên tục vào thùng xe, miệng kêu: “Vô đi vô đi”. Nhưng đường đâu mà vô? Chị kêu kệ chị.

 

Đập hoài mỏi tay, chị rút điện thoại gọi một bạn đồng nghiệp đã khởi hành trước rồi cười phớ lớ: “Nó kêu từ từ về chị ơi, không có đường đâu”.


Chẳng hành khách nào buồn đáp lời chị. Ôm ba lô, dựa vào túi xách, họ đã ngả đầu ra sau ngủ tít gần như ngay từ lúc lên xe. Bạn tôi cũng đã yên giấc. Dường như tất cả đều quá quen với lộ trình và thời gian vượt hai mươi mấy cây số từ trung tâm về đến nhà vào mỗi chiều.

 

Vật vã, oằn oại nhích từng mét, rồi chúng tôi cũng thoát ra đến cầu Thủ Thiêm 1. Khu vực này khá thông thoáng. Bác tài bẻ tay lái lạng lách lao như tên bắn. Nếu trễ giờ, họ sẽ bị trừ tiền, mà chiều nay đã mất đứt mười mấy phút rồi.

 

Có phải chúng tôi vẫn còn ở Sài Gòn không? 

 

Con đường ngoằn ngoèo, nước đọng đầy ắp trong các ổ gà to bằng chiếc chiếu đôi. Hai bên lau lách, cỏ hoang xanh rì, trải rộng hút tầm mắt. Lòng đường chỉ vừa đủ để hai chiếc xe buýt tránh khéo nhau, mỗi khi xe hơi lưu thông thì tất cả xe máy-đông như quân Nguyên-bị ép dúi dụi vào bờ cỏ. Mùa mưa, lau xanh tốt bời bời như một cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười. Có những con đường bê tông đã làm lề đường hai bên đẹp đẽ bỗng bị chặt cụt trong đồng cỏ. 

 

Cỏ và lau ở đâu ra? 

 

Nơi đây từng là địa phận Thủ Thiêm cực  kỳ sầm uất một thời. Cũng là vùng đất đẫm nước mắt và oan khiên của những người dân bị đập nhà, lấy đất oan ức trong vụ tranh chấp kéo dài suốt 20 năm với chính quyền, mà đến nay vẫn còn vật vã giải quyết.

 

Một người đàn ông quặt chiếc xe máy rẽ phải xuống con đường mòn quanh co, thụt sâu lầy lội giữa đồng cỏ,  rồi biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Cho dù đã có hơn 80% số hộ dân tranh chấp ở Thủ Thiêm đã đồng ý với phương án bồi thường nhà và đất của chính quyền (theo báo chí ngày 16/9/2022) và nhận đất, rời đi, nhưng phần còn lại vẫn chưa thỏa thuận được giá bồi thường. Trong đồng cỏ, vẫn có những ngôi nhà nhẫn nại bám ghì vào mặt đất nơi nó đã được sinh ra và truyền lại từ tổ tiên, có thể từ hàng trăm năm trước, khi mảnh đất kim cương Thủ Thiêm hiện tại chỉ là đất hoang. Vách tường rêu phong mục nát, mái rơi rụng, chen với ngập lụt, côn trùng, rắn rết, trộm cướp, họ vẫn cắn răng ôm riết địa chỉ mái nhà của mình suốt hàng chục năm qua, cố chờ một ngày công lý tìm về.

 

Có những người dân mang quan tài người qua đời ra đặt dưới dạ cầu đường cao tốc. Bàn thờ cũng được mang ra đó làm tang cho đến hết 49 ngày. Không biết lý do vì sao họ không để ở nhà. Đàn ông trung niên, thanh niên trai tráng đặt một tấm nệm lên mảnh ván kê cao chân để nằm ngủ và nhang khói cho người thân ngay cạnh đó, cũng là ngay sát con đường bẩn thỉu lầy bụi, ngày đêm ầm ào người qua lại. 

 

Chỉ sau vài đoạn rẽ, vùng cỏ hoang biến mất. Con đường phẳng lì, mở rộng sáu làn xe, hai bên là những dãy nhà phố vách kính sáng choang cao rộng hết mặt tiền. Bãi cỏ thênh thang cắt tỉa xanh biếc, những bụi cây lúp xúp ngang đầu nở đầy hoa vàng rực rỡ như một bó hoa khổng lồ. Những vọng gác bảo vệ nằm đầu các con đường thẳng tắp dẫn vào các khu dân cư biệt thự riêng tư. Trên lề đường, vài người đàn ông trung niên mặc quần short, mang giày thể thao hàng hiệu, xách vợt hoặc cần câu đi câu cá. Phụ nữ mặc đầm dài dắt chó cảnh đi dạo thong dong dưới bầu trời lộng gió. 

 

Giữa giàu có và rách rưới, giữa no đủ sang trọng và bùn lầy, giữa xa hoa và khổ đau, giữa hưởng thụ và oan khiên nơi này, chỉ là vài vòng bánh xe.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/innovative-center-for-buffelo-09182022084618.html/thuthiem1996ap.jpeg/@@images/19dbc937-578a-4917-925c-6dd3add37272.jpeg

Một người đàn ông đẩy xe với một chiếc tủ lạnh trên con đường đất ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Hình chụp 18/10/1996. (AP)

 

Chân không đến đất, cật không đến trời, đố là con gì?

 

Chạy vài chục phút nữa, đến Nguyễn Duy Trinh thì chúng tôi lại nếm mùi kẹt cứng. Con đường bé tẹo, lòng chợ cũ nhỏ xíu không đủ chứa, người bán tràn ra chiếm gần trọn lòng đường. Chẳng thấy bóng dáng anh cảnh sát nào đứng ra điều tiết giao thông. Dù sao chỗ này cũng là ngoại thành, còn “bộ mặt” của Sài Gòn là ở trung tâm cơ!

 

Hơn hai tiếng cho hơn 20 km, cuối cùng chúng tôi cũng về được đến nhà bạn tôi. 

 

Đang hí hửng bấm chuông, tôi giật mình rụt ngay tay lại. Dưới ánh sáng lốm đốm vì bị cây cối che khuất, từ khoảng đất trống đối diện xéo, có những bóng dáng to lớn đang chậm rãi nhưng liên tục di chuyển đến gần sát chúng tôi.

 

“Trâu đó! Chỗ này còn đất hoang cỏ mọc nhiều lắm, người ta thả trâu bò đi ăn hoài”-bạn tôi thản nhiên giải thích.

 

Rồi trước con mắt bảy phần lo lắng ba phần ngạc nhiên của tôi, đàn trâu no tròn đủng đỉnh đi sát qua chúng tôi, sau đó dần khuất dạng trên con đường sáng rực ánh đèn cao áp.

 

Thủ Đức từ hai năm nay đã là thành phố riêng biệt trực thuộc TP HCM với 1, 2 triệu dân. Tính con số thực tế có lẽ là 1,5 triệu (theo báo chí). Nhưng mọi hy vọng, kỳ vọng của người dân vào một “thành phố trẻ năng động sáng tạo” được đầu tư tập trung và đúng mục đích đã tắt ngủm ngùm ngum. Dấu chấm được đặt cách đây vài hôm, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chất vấn công khai tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Thủ Đức từ một tách thành ba, giờ lại ba nhập một thì là loại gì?”.


Loại gì mà lửng lửng lơ lơ, trên không đến tỉnh, dưới không chạm quận. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bấm nút quyết định thành lập thành phố Thủ Đức vào năm 2020, vẫn chưa có cơ sở hay đề xuất gì về cơ chế cụ thể cho mô hình “thành phố trong thành phố” hoạt động. Do vậy, họ phải tuân thủ theo luật hiện hành, nghĩa là về thực chất, Thủ Đức chỉ có cái danh hão thành phố, còn mọi mặt vẫn y chang cấp quận huyện, không có gì thay đổi.

 

Bất ngờ chưa bà già?

 

“Giả dép bố về”

 

25 năm trước, khi tách huyện Thủ Đức bấy giờ ra làm 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, một trong những lý do chính là địa bàn quá rộng (trên 200 km2), khiến người dân mất rất nhiều thời gian và công sức khi cần làm giấy tờ, thủ tục với chính quyền. Khoảng cách vật lý quá lớn cũng khiến chính quyền xa dân hơn.

 

Lý do thứ hai là sự phát triển nội tại của các vùng dân cư, khu công nghiệp… đã khiến bộ máy quản lý nông thôn cấp xã/huyện không còn đủ thẩm quyền, năng lực cũng như tài chính để quản lý và thúc đẩy nó phát triển.


Quả thực, sau khi chia tách, Thủ Đức đã lột xác. Ở vùng sát với lõi trung tâm của TP HCM, chỉ cách một con sông, khu vực Thủ Thiêm bứt tốc chóng mặt với giá đất và các dự án thế kỷ. Phía Thủ Đức, khu Thảo Điền định danh là nơi cư trú của ngoại kiều. Lấy trung tâm hành chính của các quận làm lõi, các khu dân cư nhanh chóng mọc lên quanh đó. Biệt thự, chung cư và nhà phố san sát chiếm chỗ ruộng lúa, đìa dừa nước, ao bèo…

 

Tuy nhiên cảnh sầm uất chỉ là da beo lốm đốm. Giữa các phường ở xa cũng như giữa các quận, những con đường kết nối vẫn vắng vẻ và da beo giữa các khu vực đông đúc và bị bỏ hoang. Quý vị có hình dung được cảnh chúng tôi ngồi trên xe buýt lúc 6 giờ chiều mà tim đập thon thót vì sợ. Con đường từ trung tâm quận Thủ Đức (cũ), qua công ty Samsung, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia… chạy về hướng Vinhomes Grand Park (nằm bên bờ sông Tắc, xưng danh là khu vực dành cho tinh hoa) quanh co băng qua những khu đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại và rác rưởi chen lẫn. Chúng đều là các dự án của các doanh nghiệp hoặc Nhà nước nhưng không rõ vì sao giờ toàn nằm im chết lâm sàng. Có lúc hai bên đường không hề có nhà dân, bụi rậm và cỏ hoang tràn lấn ra lòng đường (chưa có lề đường). Mồ mả cũ của người dân nằm ngay sát đường, đối diện với những khu tường vây hoa lá cỏ trồng xén tỉa cầu kỳ, quảng cáo những là The Riverside Village hay Diamond Land các kiểu…

Qua cây cầu sắt bé tẹo đầy bụi, dưới mặt sông xa xa có chiếc thuyền chài nhỏ xíu bơi bơi câu cá trong hoàng hôn đỏ sậm đang chuyển nhanh qua màn đêm đen tuyền, cảnh tượng quá đỗi hư ảo. Những khung cửa kính sáng choang, dòng người chen chúc trong tiếng còi xe không ngớt chỉ cách đó vài cây số, vụt xa xôi thăm thẳm như thuộc về thế giới khác. 

 

Cho nên, khi nhập ba trở lại làm một, người dân đến trung tâm hành chính của thành phố vẫn khó khăn và xa cách gần như trước đó 25 năm. Chủ tịch TP Thủ Đức chia sẻ trên báo chí: Thành phố chia làm ba khu vực để làm các thủ tục hành chính cho dân, nhưng con dấu thì chỉ được giữ ở khu vực một. Hai khu vực kia xin cho thêm con dấu để thuận tiện hơn cho cả cán bộ và người dân nhưng về luật pháp thì không được.

 

Thành thử, tiếng là thành phố chỉ dưới TP HCM và trên rất nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng hai năm nay Thủ Đức vẫn chỉ ôm được cái danh hão. Tài chính vẫn do Trung ương cấp về cho cả TP HCM, rồi TP HCM rót về các quận huyện y như trước. Thẩm quyền chẳng tăng lên tí nào vì trên luật pháp, Thủ Đức vẫn chỉ ngang hàng với các quận huyện khác.

 

Tiền không, quyền không, công việc như cũ hoặc tăng thêm nhưng nhân lực lại bị rút đi khá nhiều, vì gom ba quận lại làm một thì đầu tiên số cán bộ quản lý phải bị… thanh lý đi một ít cái đã! Suốt hai năm được “nâng cấp”, Thủ Đức kêu gào thê thiết đòi phải được cho cơ chế đặc thù thì mới hoạt động nổi…. “Nếu không giả dép bố về, bố chả thiết”-câu này của tôi nha quý độc giả. Nói hộ tiếng lòng của các lãnh đạo Thủ Đức mà các anh ấy không dám thốt ra miệng thôi ấy mà! 

 

Chỉ ngạc nhiên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có thể hồn nhiên ra một quyết định lớn như vậy khi trong tay chẳng hề có cơ sở pháp lý nào, cũng chẳng hề có ý nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm đặc thù cho Thủ Đức. Để rồi hai năm sau thỏ thẻ hỏi ngược lại cứ như chẳng hề liên quan!

 

Cạp đất muôn đời no

 

Thôi thì sự đã rồi. Muốn nhanh thì phải từ từ. Lại họp tiếp, đề xuất tiếp, nghiên cứu tiếp và… chạy tiếp!

 

Hôm 16/9, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức nói trên báo Tuổi Trẻ rằng người dân Thủ Đức hỏi ông: “Lên thành phố mà hẻm vẫn ngập, thu gom rác vẫn không tốt hơn, mọi chuyện y như cũ thì lên làm gì?”

 

Cảm ơn ông Bí thư đồng cảm với dân. Nhưng ông sai rồi. Phải lên chứ! Lên để các nhà đầu tư bất động sản lộ diện và giấu mặt đẩy được vô số đất hoang chó ỉa, sau khi đã dát vàng nó thành trung tâm khoa học và trí thức, Silicon Valey của Việt Nam, nơi hội tụ tinh hoa, cực phát triển mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Đếm tiền mỏi tay, cười như nghé ngọ và tiếp tục hiện thực hóa ước mơ về những thành phố giấy bìa tương tự. 

 

Không cạp đất thì lấy gì mà ăn?

_____________________

 

Tham khảo: 

 

https://tuoitre.vn/bi-thu-tp-thu-duc-tran-tro-cau-hoi-cua-nguoi-dan-len-tp-ma-nhu-cu-thi-len-lam-gi-20220916140748905.htm

 

https://plo.vn/sau-khi-thanh-lap-tp-thu-duc-chua-dat-nhu-ky-vong-cua-nguoi-dan-post698915.html

 

https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-tp-hcm-de-nghi-co-che-dac-thu-cho-tp-thu-duc-vi-cai-ao-chat-qua-20220912115639333.htm

 

https://bnews.vn/co-che-dac-thu-nao-cho-thanh-pho-thu-duc-phat-trien/230763.html

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.





No comments: