Saturday, September 17, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

16/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/16/the-gioi-hom-nay-16-09-2022/

 

Ukraine cho biết đã ngăn chặn thành công tình trạng lũ lụt sau khi Nga ném bom một con đập ở thị trấn Kryvyi Rih, miền nam nước này. Sau một loạt các thất bại quân sự, Nga đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine; trong đó, một nhà máy điện ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước, đã bị tên lửa Nga làm ngừng hoạt động. Ngoài ra, Moscow cũng lên tiếng cảnh báo Mỹ sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và trở thành “bên tham chiến” nếu cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kyiv.

 

Trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan, tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận “những câu hỏi và quan ngại” của Trung Quốc về cuộc xâm lược của ông ở Ukraine. Ông Putin lên án “những hành động khiêu khích” hồi tháng 8 của Mỹ ở Đài Loan, hòn đảo tự quản bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

 

Các công ty đường sắt và công đoàn Mỹ đạt được một thỏa thuận sơ bộ ​​để tránh đóng cửa đường sắt trên khắp đất nước. Một cuộc đình công của hàng chục nghìn công nhân đường sắt sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và nhiên liệu, qua đó khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 2 tỷ đô la mỗi ngày. Các bên có được tiếng nói chung sau 20 giờ đàm phán với trung gian là chính quyền Joe Biden. Tổng thống gọi đây là “một chiến thắng lớn cho nước Mỹ.”

 

Mark Meadows, chánh văn phòng cuối cùng của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tuân thủ trát đòi hầu tòa của bộ tư pháp trong cuộc điều tra về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1, theo CNN. Ông Meadows được cho là quan chức cấp cao nhất chịu hợp tác với cuộc điều tra cho đến nay.

 

Ủy ban chính sách đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã phê duyệt gói hỗ trợ bước ngoặt cho Đài Loan, trong đó bao gồm 4,5 tỷ đô la viện trợ quân sự. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Chính sách Đài Loan, mà có thể sẽ đặt Joe Biden vào thế khó xử. Nếu ông ký nó thành luật, Trung Quốc sẽ vô cùng phẫn nộ.

 

Ethereum, một trong những nền tảng blockchain lớn nhất, đã hoàn thành một bản nâng cấp phần mềm sẽ làm giảm đáng kể lượng năng lượng tiêu thụ của hệ thống. Với cái tên “hợp nhất,” phiên bản mới đánh dấu chuyển đổi từ cơ chế xác minh giao dịch tiêu tốn nhiều năng lượng, được gọi là “bằng chứng công việc” (PoW), sang phương pháp “bằng chứng cổ phần” tiết kiệm năng lượng hơn. Việc nâng cấp cũng sẽ làm cho dự án phần mềm an toàn và có khả năng mở rộng hơn.

 

Roger Federer, được nhiều người đánh giá là một trong những tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại, đã tuyên bố sẽ giải nghệ. Ngôi sao người Thụy Sĩ, người đã giành 20 danh hiệu Grand Slam đơn nam, cho biết cơ thể của anh gửi một thông điệp “rõ ràng” rằng đã đến lúc kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Giải đấu cuối cùng của Federer sẽ là Laver Cup ở London vào cuối tháng 9.

 

Con số trong ngày: 30 tỷ đô la, là thiệt hại ước tính do lũ lụt gây ra ở Pakistan, tương đương 9% GDP.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Lãnh đạo quân sự NATO họp bàn chiến lược

 

Các chỉ huy quân sự từ 30 quốc gia NATO sẽ gặp nhau tại Tallinn, thủ đô Estonia, vào thứ Sáu để thảo luận về “khái niệm chiến lược” mới được đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của liên minh hồi tháng 6. Mục đích là củng cố mặt trận phía đông và giúp NATO có khả năng đáp trả Nga tốt hơn. Kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, NATO đã thay đổi đáng kể. Nó không chỉ được mở rộng, mà các chỉ huy quân sự cũng đang viết lại kế hoạch phòng thủ khu vực nhằm phân công các lực lượng theo khu vực địa lý trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

 

Tuần trước, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh đang gửi một “thông điệp tới Moscow về sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc… bảo vệ từng tấc lãnh thổ của Đồng minh.” Ông cũng kêu gọi các nước thành viên gửi thêm vũ khí cho Ukraine. Hiện thắng lợi trong cuộc phản công của Ukraine đang khiến Nga gặp nhiều khó khăn. Do đó, dự kiến sẽ có một bầu không khí đầy tự tin ở Tallinn.

 

Vì sao kinh tế Nga không sụp đổ?

 

Trong những ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, nền kinh tế của nước này dường như đang sụp đổ. Đồng rúp tăng giá; thị trường chứng khoán phải đóng cửa; trong khi các nhà kinh tế dự đoán GDP giảm tới 15% trong năm 2022.

 

Nhưng diễn biến cho tới nay không cho thấy điều đó. Đồng rúp lấy lại giá trị chỉ trong một tháng kể từ cuộc xâm lược. Và sau khi đạt đỉnh 17,8% vào tháng 4, lạm phát giảm dần. Điều này cho phép ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, điều mà họ có khả năng sẽ tiếp tục làm vào thứ Sáu. Dù đã thấp hơn mức trước chiến tranh, lãi suất có thể lại được cắt giảm.

 

Ở một mức độ nào đó, Nga đã cố gắng định hướng lại các mối quan hệ thương mại và đầu tư của mình về phía đông. Chính phủ cũng triển khai các biện pháp kích thích tài khóa hợp lý, trong khi hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu và đầu tư. Nhưng quan trọng nhất là việc phương Tây hạn chế trừng phạt xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi giá cả toàn cầu tăng vọt. Dầu và khí giúp ngân hàng trung ương được rảnh tay điều chỉnh chính sách tiền tệ.

 

Putin gặp Erdogan về vấn đề Armenia-Azerbaijan

 

Súng vẫn chưa nguội ở Armenia và Azerbaijan, dù cuộc xung đột chết người trong hai ngày đầu tuần qua đi vào ngừng bắn từ thứ Năm. Ở bên kia bờ Biển Caspi, vào thứ Sáu tổng thống Nga, Vladimir Putin, sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan.

 

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh vững chắc của Azerbaijan. Hồi năm 2020, chính phủ của ông Erdogan đã cung cấp máy bay không người lái, cố vấn quân sự và lính đánh thuê Syria, cho phép nước này tái chiếm vùng Nagorno-Karabakh từ tay người Armenia. Về phần mình, Nga có hiệp ước phòng thủ chung với Armenia, nhưng cũng có quan hệ tốt với Azerbaijan. Vị trí đó cho phép Moscow làm trung gian ngừng bắn cho cuộc xung đột 2020.

 

Vì đang sa lầy ở Ukraine, Nga sẽ không muốn có thêm rắc rối. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ yêu cầu Armenia công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh để đổi lấy hòa bình. Cho đến nay ông Putin và ông Erdogan đã cho thấy họ rất biết cách vừa tiến hành chiến tranh ủy nhiệm vừa duy trì mối quan hệ thân tình. Diễn biến khó có thể khác đi ở Uzbekistan.

 

Tổng thống Nam Phi thăm Mỹ

 

Khi Cyril Ramaphosa đến thăm Nhà Trắng vào thứ Sáu, ông sẽ vui lòng tạm lánh khỏi những rắc rối của mình tại quê nhà. Tổng thống Nam Phi, người buộc phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền vào tháng 12, đang đứng dưới áp lực từ nội bộ cũng như các cử tri thất vọng. Nhưng ở Washington, DC, ông sẽ được đối xử tốt.

 

Gần một nửa số quốc gia châu Phi, bao gồm cả Nam Phi, đã từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga tại Liên Hợp Quốc. Vì vậy, Mỹ muốn tái khẳng định cam kết của mình với châu lục. Tháng trước, ngoại trưởng Antony Blinken đã đề ra chiến lược châu Phi của chính quyền Biden, hứa hẹn hỗ trợ phát triển kinh tế và một mối quan hệ bình đẳng, ít mang tính bảo trợ hơn. Điều này cũng phản ánh sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc. Dù có nhiều vấn đề nội bộ, Nam Phi vẫn là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Phi — và rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa chính sách của Mỹ. Song các quan chức Nhà Trắng có thể thấy ông Ramaphosa không muốn chọn phe. Chính sách không liên kết là hoàn toàn ổn đối với đất nước ông.





No comments: