Thursday, September 15, 2022

TẬP - PUTIN GẶP NHAU và MỐI DUYÊN NGƯU - MÃ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



NỘI DUNG :

Lãnh đạo Trung, Nga gặp nhau bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Tập-Putin gặp nhau và mối duyên ngưu-mã

Hiếu Chân/Người Việt

 

=====================================

.

.

Lãnh đạo Trung, Nga gặp nhau bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 15/09/2022 - 13:34

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220915-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-trung-nga-h%E1%BB%99i-ki%E1%BA%BFn-b%C3%AAn-l%E1%BB%81-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-h%E1%BA%A3i

 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại thành phố Samarkand ở Uzbekistan, hôm nay, 15/09/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp song phương. Hai bên đã phô trương tinh thần đoàn kết trong bối cảnh quan hệ Nga-Phương Tây đã căng thẳng hẳn lên, sau khi Matxcơva xua quân xâm lược Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/68905b3c-34e2-11ed-995c-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/2022-09-15T063525Z_1181137791_RC2IHW9XSLKU_RTRMADP_3_UZBEKISTAN-SCO%281%29.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tham dự nghi thức đón khách, trước cuộc hội kiến bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022. via REUTERS - UZBEKISTAN PRESIDENTIAL PRESS SE

 

Theo hãng tin Pháp AFP, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Matxcơva hành động trong tư cách “đại cường” và đóng vai trò chủ đạo trong việc “thổi ổn định và năng lượng tích cực vào trong một thế giới bị các biến động xã hội lay động”.

 

Về phần mình, tổng thống Nga Putin đã ca ngợi cách tiếp cận “cân bằng" của Trung Quốc trên vấn đề Ukraina, đồng thời tố cáo “mưu toan” thiết lập một thế giới đơn cực.

 

Theo AFP, đối với tổng thống Putin, mà đất nước đang bị Phương Tây trừng phạt, thượng đỉnh lần này với chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo khác trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải là dịp để chứng tỏ rằng Nga không hề bị cô lập. Còn đối với ông Tập Cận Bình, hội nghị lần này cho phép ông củng cố thêm uy tín trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 10, đại hội mà ông đang nhắm tới nhiệm kỳ thứ ba.

 

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này còn được cho là một thách thức nhắm vào Hoa Kỳ, nước đi đầu trong việc trừng phạt Nga và trợ giúp Ukraina, đồng thời càng lúc càng khiến Bắc Kinh phẫn nộ trong chủ trương giúp đỡ Đài Loan.

 

Theo thông tín viên RFI Anissa el-Jabri tại Matxcơva, bề ngoài đoàn kết mà Nga và Trung Quốc muốn phô trương với mọi người thực ra che giấu một sự cạnh tranh hiện vẫn còn rất kín đáo, mà trong đó Nga bắt đầu bị lép vế.

 

Việc chọn Trung Á là địa điểm hội nghị thể hiện sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Nga và Trung Quốc.

 

Tháng Giêng vừa qua, Nga đã can thiệp vào một nước Kazakhstan bị bạo loạn, trong khi Trung Quốc lại tỏ ra kín đáo. Giờ đây, vào lúc chính mình đang chịu áp lực ở Ukraina, trong bối cảnh căng thẳng bùng lên trở lại giữa Armenia và Azerbaijan, vai trò đảm bảo an ninh của Matxcơva ngay tại sân sau của họ đột nhiên bị lu mờ. Đối mặt với sự thèm muốn của các đối thủ như Bắc Kinh, vùng ảnh hưởng của Nga có nguy cơ bị xâm phạm. 

 

Một thông điệp của cựu thủ tướng Nga vào tháng trước – dù đã nhanh chóng bị xóa bỏ - đã làm cho nhiều nước bất bình. Ông Dmitri Medvedev khi ấy tuyên bố rằng “Kazakhstan là một quốc gia nhân tạo”. Vào tuần trước, chính quyền Kiev đã chớp thời cơ đưa ra lời cảnh cáo. Trên một tờ báo Uzbekistan, ngoại trưởng Ukraina tuyên bố: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng, nếu chúng tôi thua, quý vị sẽ là người tiếp theo”.

 

Tuy nhiên, một nước Nga đang chịu áp lực về quân sự sẽ nhận được một sự ủng hộ - bằng lời nói - rất rõ ràng từ Trung Quốc. Phát ngôn viên điện Kremlin hôm qua đã xác nhận rằng: “Hai nhà lãnh đạo sẽ nói về Ukraina và Đài Loan”. Và trong cả hai trường hợp nói trên, báo chí Nga đều cho rằng: “Kẻ khiêu khích chính là Hoa Kỳ”.

 

Hải Quân Nga-Trung cùng tuần tra ở Thái Bình Dương

 

Như để nhấn mạnh thêm quan hệ ngày càng chặt chẽ thêm giữa Nga và Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Nga vào hôm nay, 15/09, cho biết Hải Quân Nga và Trung Quốc đang tổ chức tuần tra chung ở vùng Thái Bình Dương. Một thông báo đăng trên mạng Telegram cho biết thủy thủ cả hai bên đã thực hiện các thao tác chiến thuật chung, và tiến hành các bài tập dùng đến pháo binh và trực thăng.

 

Thông cáo xác định rằng các cuộc tuần tra hỗn hợp nhằm thúc đẩy việc “tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giám sát vùng ven biển và bảo vệ các cơ sở kinh tế trên biển của Nga và Trung Quốc”.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ẤN ĐỘ - QUỐC TẾ

Ấn Độ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

TRUNG QUỐC - THƯƠNG MẠI

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ trở thành vùng tự do mậu dịch ?

TRUNG QUỐC

Trung Quốc : An ninh khu vực là ưu tiên hàng đầu của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

 

=================================================

.

.

Tập-Putin gặp nhau và mối duyên ngưu-mã

Hiếu Chân/Người Việt

September 13, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-putin-gap-nhau-va-moi-duyen-nguu-ma/

 

Truyền thông quốc tế đưa tin hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc – ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình – sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO) tại thành phố Samarkand của Uzbekistan trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu tuần này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/BL-Putin-Gap-Tap-Can-Binh-1068x686.jpg

Tổng Thống Vladimir Putin (trái) của Nga gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 4 Tháng Hai. (Hình minh họa: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP via Getty Images)

 

Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của ông Tập từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán cuối năm 2019 và lần gặp trực tiếp thứ hai của hai nhà lãnh đạo sau lần ông Putin sang Bắc Kinh hội kiến với ông Tập rồi khi trở về đã khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Cuộc gặp của hai nhà độc tài lần này sẽ dẫn tới chuyện gì nữa?

 

                                                   ***

So với lần gặp ở Bắc Kinh hồi Tháng Hai, trong đó hai bên cam kết hợp tác “không giới hạn,” cuộc gặp lần này ở Samarkand sẽ không hào hứng lắm do thất bại thê thảm của Nga trên chiến trường Ukraine và khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Dù vậy, hai nhà độc tài sẽ vẫn thể hiện sự đoàn kết chống lại cái mà họ coi là chủ nghĩa bá quyền của người Mỹ.

 

Tổng thống Nga phó hội với một tư thế khá ê chề. Trong hơn tuần qua, quân dân Ukraine đã phản công dữ dội, giành lại được hơn 3,500 dặm vuông lãnh thổ vùng Kharkiv và đang tiếp tục gây sức ép tại các mặt trận hướng Đông Bắc và hướng Nam, buộc quân Nga liên tục tháo chạy.

 

Thất bại trên chiến trường làm cho giới tinh hoa Nga chuyển sang phản đối ông Putin và cuộc phiêu lưu quân sự của ông. Nhật báo The New York Times ngày 12 Tháng Chín tường trình hơn 40 quan chức dân cử khắp nước Nga đã ký kiến nghị yêu cầu ông Putin từ chức.

 

Trên các kênh truyền hình nhà nước, một số chuyên gia và cựu tướng lĩnh quân đội đặt nghi vấn về năng lực quân sự của Nga và công khai thừa nhận Moscow không thể chiến thắng.

 

“Giờ đây chúng ta phải hiểu rằng tuyệt đối không thể đánh bại Ukraine bằng những nguồn lực và phương pháp chiến tranh thời thực dân mà quân đội Ukraine đang sử dụng. Quân Nga đang chiến đấu với một đội quân mạnh, được hỗ trợ đầy đủ từ những quốc gia hùng cường nhất thế giới cả về kinh tế và công nghệ,” ông Boris Nadezhdin, một cựu dân biểu Viện Duma, tức Hạ Viện Nga, lên tiếng trong một chương trình truyền hình NTV, và kêu gọi Moscow nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán với Kiev để tìm lối thoát trong danh dự.

 

                                                                ***

Khó khăn của ông Putin tạo cho ông Tập tư thế bề trên trong quan hệ Nga-Trung. Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Uzbekistan, ông Putin chắc chắn sẽ yêu cầu ông Tập hỗ trợ kinh tế để làm dịu tác động các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và viện trợ quân sự để duy trì cuộc chiến.

 

Trước mắt, ông Putin sẽ yêu cầu đẩy nhanh ký kết hợp đồng xây dựng đường ống Siberia 2 dẫn khí đốt của Nga sang Trung Quốc. Việc đàm phán về đường ống đã bế tắc từ lâu nhưng tuần trước tại Diễn Đàn Kinh Tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga, ông Putin tiết lộ hai bên đã đồng ý được những điều khoản căn bản. Ông Putin cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc cung cấp các sản phẩm công nghệ cao như các vi mạch bán dẫn tân tiến mà Nga không còn mua được từ phương Tây.

 

Cho đến nay, Bắc Kinh tỏ ra thận trọng, vừa giúp Nga những chuyện gì có lợi cho chính Trung Quốc, vừa né các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây.

 

Lượng dầu mỏ mà Nga không bán được qua Châu Âu được Trung Quốc và Ấn Độ mua hết. Trong Tháng Bảy, Trung Quốc mua của Nga 7.15 triệu tấn dầu, cao hơn 7.6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng mua của Nga nhiều mặt hàng khác như than đá và phân bón hóa học. Tiền mua hàng của Trung Quốc giúp ngân khố của Nga không bị cạn kiệt và đồng tiền Nga không bị mất giá.

 

Trung Quốc cũng cung cấp cho Nga hàng hóa tiêu dùng, lấp vào khoảng trống ở các siêu thị mà các công ty đa quốc gia phương Tây bỏ lại. Có đến 80% số xe hơi tiêu thụ ở Nga hiện nay là xe Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cung cấp cho Nga vi mạch điện tử, nguyên liệu và các thiết bị khác. Bộ Thương Mại Mỹ vừa đưa thêm năm công ty Trung Quốc vào danh sách cấm vận thương mại do hợp tác với ngành quốc phòng Nga. Tuy nhiên, bà Gina Raimondo, bộ trưởng thương mại Mỹ, nói chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận kinh tế.

 

Về quân sự, tuần trước, Trung Quốc cử 2,000 binh sĩ, 21 chiến đấu cơ và ba tàu chiến đến tập trận ở miền Đông nước Nga. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cử cả hải lục không quân đi tập trận ở nước ngoài.

 

                                                        ***

Tuy vậy, Bắc Kinh không toàn tâm toàn ý giúp Nga và điều đó làm ông Putin thất vọng. Ông Tập đã từ chối cung cấp vũ khí cho Nga, buộc Moscow phải mua máy bay không người lái của Iran và đạn đại bác của Bắc Hàn dù phẩm chất của những loại vũ khí này rất đáng ngờ.

 

Về mặt chính trị, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục chia sẻ lợi ích chiến lược của việc chống phương Tây: Bắc Kinh không phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine mà đổ lỗi cho Mỹ và NATO, đúng giọng điệu tuyên truyền của ông Putin. Đổi lại, Moscow là đồng minh duy nhất của Trung Quốc lên án chuyến đi thăm Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu Tháng Tám, gọi đó là hành vi gây hấn.

 

Nhưng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga là “có giới hạn.”

 

Nga đang rất cần Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cứ ỡm ờ. Một mặt, ông Tập không thể để ông Putin thất bại một cách nhục nhã có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ ở Moscow, nhưng mặt khác nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại nếu ra mặt hỗ trợ Moscow thì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể gây hại cho chính kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới, hiện đang lao đao vì chính sách phong tỏa chống COVID-19.

 

Xem ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục đu dây vì lợi ích của chính Trung Quốc mà không hết lòng giúp đỡ Nga. Dù tình hình chuyển biến thế nào thì Bắc Kinh vẫn “ngư ông đắc lợi.” Nếu Nga thắng, Trung Quốc có một đồng minh mạnh. Nếu Nga thua, thì Moscow sẽ là một chư hầu mới, một Bắc Hàn mới của Bắc Kinh.

 

Vì thế, trong cuộc gặp ở Samarkand lần này, ông Tập sẽ đưa ra những tuyên bố khuôn sáo để làm Moscow hài lòng nhưng trong thâm tâm ông Putin sẽ rất thất vọng. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ không mạnh lên, đó là điều mà thế giới bên ngoài có thể yên tâm.

 

                                                               ***

Mục tiêu chính của ông Tập trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau đại dịch COVID-19 không phải là để gặp ông Putin và nhắc lại cam kết hợp tác “không giới hạn” Nga-Trung mà là để thúc đẩy vai trò trung tâm của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới lấy SCO làm nòng cốt.

 

SCO do Bắc Kinh đề xướng thành lập năm 2001, quy tụ những nước Cộng Sản cũ, lấy Nga và Trung Quốc làm trung tâm để làm đối trọng với các tổ chức đa phương của Mỹ và phương Tây. SCO đôi khi được gọi là “NATO phương Đông” đối cực với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng cho đến nay, vai trò của SCO khá mờ nhạt.

 

Sau khi dàn xếp ổn thỏa những vụ đấu đá nội bộ trước đại hội toàn quốc đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ diễn ra sau một tháng nữa và sẽ sửa đổi điều lệ đảng để mình tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập đã có thể yên tâm đi ra ngoài để nâng cao vị thế của Trung Quốc.

 

SCO có tám nước thành viên, chiếm 60% diện tích Châu Á, 40% dân số thế giới, và 30% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu nhưng chưa phải là đối thủ ngang tầm với NATO hoặc Liên Minh Châu Âu (EU). Tham vọng của ông Tập là thúc đẩy SCO thành một khuôn khổ hợp tác mới, chứng minh cho các nước nhỏ rằng vẫn có một trật tự khác, một con đường khác để phát triển, ngoài trật tự do Mỹ dựng lên sau Thế Chiến 2 đặt trọng tâm vào dân chủ, nhân quyền và kinh tế thị trường tự do.

 

Hội nghị lần này dự tính sẽ bàn chuyện mở rộng SCO, kết nạp Iran – và có thể cả Belarus và Afghanistan làm thành viên chính thức – định hình một tổ chức quốc tế quy tụ những thể chế chuyên chế phản dân chủ và bảo trợ khủng bố. Và đó mới là điều mà thế giới nên lo ngại. [đ.d.]





No comments: