Việt
Nam muốn thành “cứ điểm” sản xuất thế giới nhưng thiếu cơ sở hạ tầng
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 11/07/2022 - 12:37
Việt
Nam đề ra 3 cột mốc phát triển cho giai đoạn 20 năm : “Đến năm 2025 trở
thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập
trung bình thấp ; đến năm 2030 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại,
thu nhập trung bình cao ; tiến tới đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu
nhập cao”. (1)
Nhà
máy Intel Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 28/03/2007 tại khu Công nghệ
cao Sài Gòn (Saigon High Tech Park), thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh minh
họa. AP - LE QUANG NHAT
Để thực hiện
những mục tiêu này, ngoài những nhà đầu tư chính Hàn Quốc, Nhật Bản,
Singapore…, chính phủ Việt Nam muốn đa dạng các nguồn đầu tư trực tiếp nước
ngoài, đặc biệt là vào những lĩnh vực công nghệ cao. Thủ tướng Phạm Minh
Chính đã tích cực vận động các nhà lãnh đạo các đại tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu
tư, định chế tài chính Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam nhân chuyến công du dự thượng
đỉnh Mỹ-ASEAN tháng 05/2022.
Ngoài ra,
Việt Nam dường như cũng đang muốn thu hút một phần đầu tư từ dự án Hợp tác Đối
tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII, trị giá 600 tỉ đô la trong vòng
5 năm) của Mỹ và G7 dành cho các nước đang phát triển. Do đó, thủ tướng Phạm
Minh Chính cũng đề nghị Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiếp
tục tư vấn chuyên môn cho Việt Nam để đạt thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác
chuyển đổi năng lượng với các nước G7.
Tuy nhiên,
cơ sở hạ tầng và nền tảng pháp lý ở Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận những nguồn
đầu tư mới ? Việt Nam đáp ứng được tiêu chí “minh bạch” được
các nước G7 nhấn mạnh khi thông báo PGII ? RFI
Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Eric Mottet, giảng viên trường Đại học
Công giáo Lille, Pháp.
*****
RFI
: Trước tiên, xin ông giải thích về chính sách đầu tư nước ngoài hiện
nay của Việt Nam ! Hà Nội chủ yếu ưu tiên những lĩnh vực nào ? Và những lĩnh vực
này khác với trước ra sao ?
Eric
Mottet : Hiện tại,
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam rất lớn và ngày càng nhiều. Ví
dụ tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2021 là 31 tỉ đô la
Mỹ, cao hơn rất nhiều so với 10 tỉ đô la vào năm 2014. Có nghĩa là tăng gấp ba
lần chỉ trong vòng 7-8 năm.
Chúng ta
thấy là năm 2021, cuối cùng Việt Nam lại không bị tác động vì khủng hoảng kinh
tế. Điều này được giải thích qua việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất
mạnh, tiếp theo là nhiều nước bị xáo trộn hoạt động sản xuất, đặc biệt là Trung
Quốc với chiến lược chống Covid-19 vô cùng nghiêm ngặt ở Bắc Kinh, trong khi ở
Việt Nam thì ngược lại, nới lỏng rất nhiều do trở lại bình thường từ vài tháng
nay, và cuối cùng là qua việc căng thẳng chính trị-thương mại giữa Trung Quốc
và Hoa Kỳ.
Trước đây,
thường thì đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu hướng vào ngành
công nghiệp nhẹ. Nhưng vài năm gần đây, vốn đầu tư chuyển sang ngành công nghiệp
nặng và bất động sản công nghiệp (ví dụ nhà xưởng), có nghĩa là những vùng, những
khu công nghiệp đang tuyển dụng tới gần 4 triệu người ở Việt Nam. Đó là một
lĩnh vực hoạt động vô cùng quan trọng. Người ta cũng thấy đầu tư gia tăng trong
các ngành du lịch, hoạt động chuyên ngành công nghệ, điện tử mũi nhọn, đặc biệt
là “Green Tech”, ngành sản xuất ô tô, y tế. Có thể thấy là Việt Nam đã trở
thành một quốc gia vô cùng hấp dẫn về đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vậy những
nước nào đang đầu tư vào Việt Nam ? Trước tiên, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore - những nước châu Á đang đầu tư ồ ạt vào Việt Nam, và hiện chưa có
nhiều nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Còn tại sao lại đầu tư vào Việt Nam ? Đó là vì
Việt Nam có nhiều điểm mạnh, như tăng trưởng mạnh và ổn định từ khoảng 20 năm gần
đây, nhân công trẻ, giá rẻ lại có tay nghề cao và ngày càng thành thạo, chính
trị-xã hội ổn định, thêm vào đó là vị trí địa lý thuận lợi nên Việt Nam trở
thành trung tâm công nghiệp vừa mang tính cạnh tranh vừa hấp dẫn trong vùng.
Điều thay
đổi so với khoảng 10-20 năm trước đây, đó là chính phủ tìm cách tự do hóa thị
trường và đưa ra nhiều biện pháp cải cách dựa trên thị trường tự do. Một yếu tố
quan trọng khác giải thích cho các nguồn đầu tư lớn, đó là lĩnh vực nông nghiệp,
cũng như các nguồn tài nguyên, vẫn chưa được khai thác đúng mức ở Việt Nam. Đây
là điểm ít thay đổi trong những năm gần đây. Do đó, có thể thấy một loạt yếu tố
khiến các nhà đầu tư trực tiếp, trước tiên là châu Á, tiếp theo là ngày càng
nhiều nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam.
*
RFI : Liệu
khuôn khổ pháp lý liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã có những
thay đổi lớn trong 30 năm qua ?
Eric
Mottet : Có, bởi
vì đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ được phép từ năm 1988, còn trước đó bị cấm.
Tất cả nằm trong khuôn khổ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ các quyền
sở hữu trí tuệ, trong đó có vốn nước ngoài được đầu tư, bảo vệ lợi ích và các
nhà đầu tư nước ngoài, triển khai những điều kiện thuận lợi, như đơn giản hóa
thủ tục giúp người nước ngoài đầu tư lớn vào Việt Nam.
Một điểm mới
xuất hiện gần đây trong Luật Đầu tư nước ngoài, đó là hiện giờ, người lao động
nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được phép chuyển tiền ra nước ngoài. Trước đây,
điều này là không thể, họ có thể đầu tư, rút lợi nhuận từ các khoản đầu tư đó ở
Việt Nam nhưng không được phép chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng hiện giờ thì
hoàn toàn có thể. Ngoài ra, cũng phải kể đến những tiến bộ đáng kể về mặt tòa
án, về quyền lợi ở Việt Nam. Hiện có nhiều cơ chế trọng tài Việt Nam cho phép
giải quyết một tranh chấp giữa một nhà đầu tư nước ngoài với chính quyền hoặc
các đối tác Việt Nam.
Việt Nam
đã thăng hạng rất nhiều trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh “Doing Business” của
Ngân Hàng Thế Giới. Việt Nam đang đứng thứ 70 trên tổng số 190 nước. Đây là
thành tích tốt so với năm 2010 khi Việt Nam đứng ở vị trí 93. Có thể thấy là Hà
Nội đã có những chuyển biến tích cực về việc tạo điều kiện kinh doanh. Chính phủ
đã không ngừng nỗ lực thu hút thêm các công xưởng, các nguồn đầu tư vào trong
nước.
Nhìn
chung, đầu tư nước trực tiếp nước ngoài được định hướng theo một khuôn khổ cụ
thể. Chính phủ Việt Nam đề nghị đầu tư vào 10 lĩnh vực chủ đạo. Tôi không liệt
kê ra hết ở đây, nhưng có thể nêu một số lĩnh vực chế biến và sản xuất, sản xuất
và phân phối điện trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần để phát triển kinh tế, đặc
biệt là ở miền nam, cũng như các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại bán
sỉ bán lẻ… Có thể thấy rõ là bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nhắm đến mục tiêu thu hút
thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, công nghệ
cao. Chính phủ Việt Nam cố gắng kiện toàn hệ thống tư pháp, tài chính, một
hệ thống cho phép Việt Nam tôn trọng những cam kết của cộng đồng quốc tế, và về
dài hạn sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế.
Việt Nam
đã ký một loạt hiệp định thương mại và có hiệu lực từ năm 2020, như Hiệp định Đối
tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự
do Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam - EVFTA, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh
Quốc - UKVFTA. Do đó, có thể thấy, thông qua một đạo luật mới, Việt Nam đang tạo
điều kiện tiếp cận tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu, đồng thời khuyến khích cải
cách cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.
*
RFI : Việt
Nam vẫn thường bị chỉ trích về điều kiện cơ sở hạ tầng. Liệu đây vẫn là điểm yếu
của Việt Nam ?
Eric
Mottet : Nếu
nhìn vào tất cả các tài liệu quảng bá đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thì điểm đầu
tiên, chính là nhược điểm về cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng. Đúng là Việt
Nam có nhiều điểm yếu, ví dụ lưu thông từ bắc xuống nam rất phức tạp với nút cổ
chai trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai miền. Đây là sự kìm hãm cho phát
triển sản xuất và hoạt động thương mại ngay trong nước.
Chính phủ
đã cố gắng triển khai nhiều dự án từ vài năm gần đây : khuyến khích đầu tư nước
ngoài, kể cả với các định chế tài chính quốc tế ; đầu tư mạnh vào những dự án
phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn giúp giao thông trong nước được dễ dàng
hơn. Vấn đề ở chỗ, phát triển cơ sở hạ tầng cần phải có thêm nhiều tác nhân,
nhiều bên tham gia. Hơn nữa, trên thực tế, xây dựng cơ sở hạ tầng mất nhiều thời
gian, ít lợi nhuận về mặt kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng không có nhiều cảng
lớn hiện đại, không đủ năng lực như các cảng ở Singapore, Malaysia, Trung Quốc,
có nghĩa là những nước mà Việt Nam cạnh tranh.
Theo tôi,
Việt Nam còn nhiều điểm yếu khác không chỉ liên quan đến cơ sở hạ tầng, mà còn
về cơ cấu tài chính, như lĩnh vực ngân hàng, hoặc mang tính nhạy cảm liên quan
đến các quyết định chính trị. Ngoài ra còn phải kể đến những nhược điểm về minh
bạch luật pháp, ví dụ một tranh chấp thương mại có thể mất đến vài năm để giải
quyết giữa hai bên, rồi nguy cơ lớn về tham nhũng. Sự phát triển bất cân xứng
giữa các địa phương trong nước cũng bị coi là điểm yếu cho các nhà đầu tư nước
ngoài vào một số lĩnh vực hạ tầng ở Việt Nam.
*
RFI : Liệu
những vấn đề về môi trường và sinh thái có được đưa vào những dự án đầu tư mới
để tránh đầu tư “bẩn” (như trường hợp Formosa từng làm ô nhiễm vùng biển miền
trung Việt Nam) ? Đây có phải là một mối bận tâm của chính phủ không ?
Eric
Mottet : Đó là một
mối bận tâm đối với chính phủ Việt Nam. Chúng ta biết là thủ tướng Phạm Minh
Chính, tại Hội nghị COP26 vào tháng 10/2021, đã thông báo Việt Nam đặt mục tiêu
trung hòa khí thải CO2 vào khoảng năm 2050. Đây là một mong muốn, một cam kết
thực sự được chính phủ Việt Nam đưa ra và cũng có ý định giữ lời.
Có thể thấy
quyết tâm của chính phủ Việt Nam từ vài năm gần đây trong việc khuyến khích cho
đầu tư xanh, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả về năng lượng.
Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, Việt Nam đã triển khai và
đã cố gắng giảm đáng kể sản xuất nhiệt điện. Việc này hiện còn khá phức tạp
nhưng đó thực sự là nguyện vọng của chính quyền Việt Nam hướng đến mốc năm
2050.
Tóm lại,
cùng với mong muốn phục hồi kinh tế, Việt Nam đang tìm cách thu hút các nguồn đầu
tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào kinh tế xanh. Phía các nhà đầu tư nước
ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư, tài trợ lớn châu Âu, cũng phản hồi khá tích
cực. Họ coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp trong
lĩnh vực năng lượng. Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, nhiều nước Liên Hiệp Châu
Âu như Bỉ, muốn phát triển các hải cảng “xanh” ở Việt Nam. Phía Mỹ, trong khuôn
khổ dự án kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - IPEF, cũng muốn đầu tư vào năng lượng
tái tạo.
Có thể thấy
chính phủ Việt Nam mong muốn và nhận thức được rằng phải nỗ lực và tập trung mạnh
mẽ hơn vào đầu tư xanh, phát triển “nền kinh tế xanh”. Dù phải nói là sẽ không
đạt được khối lượng và cấp độ có thể thấy ở châu Âu nhưng đã có sự nhận thức thực
sự nếu nhìn vào những khoản đầu tư ngày càng tăng từ nhiều năm gần đây vào những
lĩnh vực này và chủ yếu là từ các nước Liên Hiệp Châu Âu.
*
RFI
Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Eric Mottet, giảng viên trường
Đại học Công giáo Lille, Pháp.
******
(1)
Facebook Thông tin Chính phủ ngày 16/05/2022
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Việt
Nam ký nhiều thỏa thuận với Pháp nhân chuyến thăm của thủ tướng Phạm Minh Chính
Hà
Nội muốn Mỹ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở Việt Nam
Việt
Nam điều chỉnh chống dịch để giữ sức hút đầu tư nước ngoài
No comments:
Post a Comment