Việt Nam hấp dẫn Hollywood
nhưng bị chế độ kiểm duyệt ngăn chặn
Hình minh họa: Cờ Mỹ treo trên biểu tượng Hollywood ở
đồi Hollywood, California, Mỹ. Reuters
Việt Nam
được nói có tiềm năng thu hút các đoàn làm phim từ kinh đô điện ảnh Hollywood của
Mỹ. Tuy nhiên, chế độ kiểm duyệt vẫn là sợi dây trói lơ lửng đối với lĩnh vực
này. Một bài viết trên mạng Nikkei Asian hôm 11/7 nêu ra vấn đề
vừa nói.
Cụ thể, Quốc
hội Việt Nam tháng trước thông qua Luật Điện Ảnh sửa đổi, nhấn mạnh thêm việc
‘cấm tư tưởng phản động và tệ nạn xã hội' thông qua một danh mục cấm. Ngoài ra,
các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay phim ở VN phải nộp kịch bản tóm tắt cho
cơ quan kiểm duyệt trước.
Chế độ kiểm
duyệt của một Nhà Nước độc đảng như ở Việt Nam liệu có cản trở ngành công nghiệp
điện ảnh đang muốn cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, cũng như đang cố vượt
qua nỗi ám ảnh với ‘yếu tố nước ngoài’ về cuộc chiến đã chấm dứt từ lâu, là câu
hỏi mà bài viết đặt ra.
Càng kiểm
soát thì càng trói buộc, kìm hãm sự phát triển điện ảnh nước nhà là nhận định của
đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với báo Nikkei Asia. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với
bộ phim ‘Em và Trịnh’ mong muốn cơ quan kiểm duyệt Việt Nam ‘thay đổi tư duy và
chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ’.
Nêu thí dụ
Hàn Quốc từ một thể chế độc tài cho đến những năm 1980, đạo diễn Phan Gia Nhật
Linh nói với Nikkei Asia rằng Hàn Quốc đã thay đổi suy nghĩ cuối những năm 90
và đã xây dựng nền điện ảnh nước họ thành một trong các nền công nghiệp giải
trí có ảnh hưởng nhất thế giới, cạnh tranh cả với Hollywood.
Còn theo đạo
diễn Charlie Nguyễn, từ Mỹ về Việt Nam với những bộ phim hành động như
“Giòng Máu Anh Hùng’, ‘Bụi Đời Chợ Lớn’…bị cho là phim về xã hội đen gây khá
nhiều tranh cãi và bị kiểm duyệt gắt gao hồi 2013, những qui định hay những hạn
chế trong Luật Điện ảnh VN trước nay là rào cản, là trở ngại khiến điện ảnh
Việt Nam không phát huy được hết tiềm năng của nó.
Hoàn toàn
đồng ý với hai nhà làm phim trẻ hơn này là đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả hai
bộ phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế gây tiếng vang nhưng chưa bao giờ
được trình chiếu chính thức trong nước.
Theo vị đạo
diễn cao tuổi này, thực ra người ta không quan tâm đến luật mới này lắm bởi
người ta cũng dự đoán sửa hay không sửa thì luật cũng chỉ phục vụ mục đích, định
hướng nào đó của giới cầm quyền mà thôi:
“Tôi thấy
những vấn đề nêu lên trong bài viết rất chính xác. Là người bị va vấp nhiều
trong vấn để kiểm duyệt, tôi thấy tốt nhất nên có sự cởi mở như bài viết giới
thiệu về Hàn Quốc đã tiến những bước dài trong lãnh vực điện ảnh,văn hóa, du lịch
và tài chính nữa. Bài viết rất khách quan mà nếu những người thực thi luật học
hỏi, cầu thị và chia sẻ được thì rất có lợi.”
Khoan nói
Việt Nam có thu hút được Hollywood hay chưa, chỉ biết kiểm duyệt chẳng những
không che giấu được diện mạo thật của một bộ phim hay một tác phẩm, trái lại
còn gây tác dụng ngược hay trái khoáy, là khẳng định của đạo diễn Trần
Văn Thủy với trường hợp điển hình của một số tác giả trong nước và của chính
ông:
“Tại một
liên hoan phim ở Brooklyn Academic Music mà thời kỳ đó người ta có chiếu mấy
phim của tôi. Hôm đó có mặt nhiều đạo diễn lớn của Mỹ, người ta hỏi tôi đã gặp
trở ngại gì trong vấn đề kiểm duyệt. Tôi thừa nhận rằng ở Việt Nam chẳng riêng
gì điện ảnh mà nhiều lĩnh vực khác thuộc văn học nghệ thuật, khoa học xã hội
này khác cũng bị kiểm duyệt.”
“Tôi
nói một câu tưởng như đùa nhưng rất thật là nếu Việt Nam không có chế độ kiểm
duyệt thì làm sao tôi được nổi tiếng như thế này. Tôi bảo ở Mỹ làm phim thì phải
có khoản tiền lớn để quảng cáo. Còn ở Việt Nam, một cuốn sách, một vở diễn, một
bộ phim chỉ cần nhà cầm quyền lên án thì người ta đã đổ xô nhau đi xem rồi. Đây
là sự quảng cáo không công cho những nhà làm phim,những người sáng tác nói
chung. Cái gì cấm là người ta xem, cấm là người ta tò mò.”
Hầu hết
các nhà làm phim ở Việt Nam gần như không rõ lắm về cái gọi là ‘vi phạm pháp luật’,
đạo diễn Charlie Nguyễn nói với Nikkei Asia từ TPHCM. Theo ông, các nhà kiểm
duyệt trong nước dựa vào những qui định khác nhau để chính trị hóa, để cắt bỏ
những nội dung hay cảnh quay bị cho là không phù hợp, thí dụ nội dung
liên quan đảng cầm quyền là cấm kỵ. Các bộ phim thể hiện tuyên bố chủ quyền của
Trung Quốc ở Biển Đông- đang có tranh chấp với Việt Nam - cũng bị cấm chiếu.
Họ suy diễn,
họ cắt bỏ mà không chịu hiểu làm như vậy là gây tổn thương người sáng tác và cả
người kiểm duyệt, đạo diễn Trần Văn Thủy phân tích thêm:
“Suy diễn
là bệnh của những người kiểm duyệt ở Việt Nam. Thật ra mà nói họ cũng không tận
dụng đúng và chính xác những ngôn từ trong văn bản cấm ấy. Nhiều khi người ta cứ
suy diễn ra là có ngụ ý này ngụ ý kia, rồi là chống phá rồi là phản động.. vân
vân…”
“Tôi
tán thành những quan điểm và nhìn nhận của bài về tình hình điện ảnh Việt Nam.
Đúng là nếu cứ giữ chế độ kiểm duyệt này thì không ai vào Việt Nam, không ai
chơi với Việt Nam. Đổ không ít tiền để làm phim ở Việt Nam rồi cuối cùng qua
khâu kiểm duyệt thì mới thấy suy diễn nọ kia. Các bạn quan tâm đến việc
Hollywood vào VN chứ tôi thì không”.
Hình minh họa: Một cậu bé đứng nhìn tấm biển quảng
cáo phim Người Tuyết Bé Nhỏ tại một rạp chiếu phim ở Hà Nội hôm 14/10/2019. Bộ
phim bị cấm ở Việt Nam vì có cảnh quay tấm bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do
Trung Quốc tự vẽ ra đòi chủ quyền phần lớn vùng nước đang tranh chấp với các quốc
gia khác. AFP
Thực tế,
theo Nikkei Asia, có nhiều bộ phim không được phép trình chiếu ở Việt Nam vì vi
phạm qui định của Luật Điện Ảnh, nhưng ra tới hải ngoại thì được hoan
nghênh vì nội dung thâm thúy, hình ảnh đẹp và nét diễn xuất chân thực.
RFA đã
liên lạc tiếp xúc với các đạo diễn những bộ phim được chú ý bên ngoài. Rất tiếc
không một đạo diễn nào muốn bình luận điều gì về điện ảnh Việt Nam bây giờ và
trong thời gian tới.
Các nhà lập
pháp Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của những quy định kiểm duyệt nhằm ngăn chặn
các bộ phim bạo lực, độc hại hoặc có nội dung xúc phạm an ninh quốc gia và lợi
ích chính trị.
Làm
phim mà bị kiểm tra, theo dõi và chí trích là một cảm giác không dễ chịu, có
khi còn rất nguy hiểm, là trải nghiệm của nhà làm phim người Pháp gốc Việt
André Menras, tác giả bộ phim ‘Hoàng Sa Nỗi Đau Mất Mát’ và ‘Việt Nam Tiếng
Thét Từ Bên Trong’:
Qua điện
thư trao đổi cùng RFA, ông Andre Menras bày tỏ:
“Bộ
phim đầu tiên tôi thực hiện năm 2010 ‘ Hoàng Sa Nỗi Đau Mất Mát’, mặc dù được sự
ủng hộ của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và được dựng ngay tại cơ quan
Hãng phim Truyền hình TP.HCM, nhưng đã bị cấm chiếu ở Việt Nam suốt bốn
năm.
Cảnh
sát đã xâm nhập địa điểm chiếu phim, cắt điện và quay phim cận cảnh mọi người
có mặt.
Tôi bị
theo dõi từ tối hôm đó, phải rời khách sạn nơi tôi không cảm thấy an toàn. Tôi
đến ở với những người bạn nhưng công an đã theo dõi và gây áp lực mãi cho
đến khi tôi trở về Pháp.
Không một
lý do nào được đưa ra cho sự can thiệp thô bạo này từ bất cứ công an viên hay
quan chức nào. Một cán bộ tuyên truyền cấp cao ở TP HCM gián tiếp gợi ý rằng
“Phim không có tính Đảng mà chỉ đơn giản cho thấy cuộc sống bất hạnh của những
góa phụ miền Trung Việt Nam bị hạm đội Trung Quốc tấn công hàng ngày ở quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam”.
Kịp đến
khi giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt
Nam vào năm 2014, ông Menras viết tiếp, phim của ông mới được trình chiếu một lần
duy nhất tại nhà hát IDECAF ở TPHCM. Sau đó, tại Đà Nẵng, nhân Hội thảo Quốc tế
‘Hoàng Sa, Trường Sa và Sự Thật Lịch Sử’, nhà làm phim Menras được mời phát biểu.
Đó là cơ may bộ phim cũng được VOV chiếu trên màn ảnh truyền hình rồi biệt tăm
sau đó:
“Bộ phim tài
liệu thứ hai của tôi được quay vào năm 2017, kể về cuộc sống trên biển của
ngư dân thợ lặn ở Hoàng Sa “Những Hiệp Sĩ Cát Vàng”, bị các nhà kiểm duyệt bỏ
qua hoàn toàn mà tôi tin chắc là vì ‘không có tính Đảng’. ”
Đây
là phim giành được một giải thưởng tại liên hoan quốc tế "Pêcheurs du
Monde" ở thành phố Lorient, Pháp.
“Với kinh
nghiệm bị kiểm duyệt gắt gao, năm 2019 và 2020 tôi không xin phép
và đã quay chui bộ phim ‘Việt Nam: Tiếng Thét Từ Bên
Trong’. Đó là một phim tài liệu về Đồng Tâm, về tự do biểu đạt ở Việt
Nam, đã giành được bảy giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.”
“Vụ
bạo lực nhất mà tôi phải chịu diễn ra tại sân bay Nội Bài, sau khi tôi vừa
quay xong đoạn phim về Đồng Tâm (vụ công an tấn công vào làng Đồng Tâm – ngoại
thành Hà Nội năm 2020 làm chết một dân thường). Tôi bị ba công an mặc thường phục,
một nữ, hai nam, áp sát ‘ mời nói chuyện chút’. Họ bảo tôi phải hiểu ý cấp
trên là nếu tôi làm hại uy tín Đảng thì phải chịu hậu quả.”
Phim ảnh
là nghệ thuật, là văn hóa của một đất nước, ông André Menras nhấn mạnh. Một khi
nghệ thuật và văn hóa nằm giữa gọng kềm chính trị thì nó khô héo như cây thiếu
nước chứ không mong phát triển cho bằng người, nhà làm phim này quả quyết.
Nghệ thuật
thứ 7 của Việt Nam không thể ngang bằng các lân bang nếu để cho kiểm duyệt thao
túng, cũng là lối nghĩ giống nhau từ những nhà sản xuất các thể loại phim ảnh ở
Việt Nam.
---------------------
Tin,
bài liên quan
Tăng
cường kiểm duyệt có phải là dấu hiệu của một chế độ đang suy yếu?
Lên
tiếng về việc Facebook, Google chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt của Việt Nam
Facebook
cao rao tự do ngôn luận; nhưng tại Việt Nam lại hỗ trợ kiểm duyệt!
Việt
Nam học cách kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc đến mức độ nào?
No comments:
Post a Comment