Wednesday, July 20, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/07/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/07/2022

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

20/07/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/07/20/the-gioi-hom-nay-20-07-2022/

 

Theo hãng tin Reuters, tập đoàn Gazprom của Nga sẽ tái khởi động việc cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 vào thứ Năm, nhưng công suất sẽ giảm. Đường ống này đã bị đóng vào tuần trước để bảo trì, nhưng trước đó Ủy ban châu Âu cho biết họ không mong đợi nó sẽ mở cửa trở lại đúng hạn. Một số người nghi ngờ Nga đang dùng đường ống khí đốt làm công cụ chính trị để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU.

 

Một thẩm phán ở Delaware đã ấn định rằng phiên tòa giữa Elon MuskTwitter sẽ diễn ra vào tháng 10 này, từ chối yêu cầu xét xử vào năm sau của Musk. Các luật sư lập luận rằng sự chậm trễ kéo dài và sự bất định xung quanh thỏa thuận đã gây hại cho Twitter “mỗi giờ mỗi ngày.” Tập đoàn truyền thông đã kiện Musk sau khi ông tìm cách hủy bỏ thỏa thuận mua lại với giá 44 tỷ đô la.

 

Chính phủ Trung Quốc cảnh báo họ sẽ sử dụng “các biện pháp mạnh mẽ” nếu Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đến thăm Đài Loan. Tờ Financial Times đưa tin Pelosi có kế hoạch đến thăm hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vào tháng tới. Bà sẽ là nhà lập pháp Mỹ cấp cao nhất đến thăm Đài Loan kể từ khi Newt Gingrich đến hòn đảo này với tư cách Chủ tịch Hạ viện vào năm 1997.

 

Trung Quốc đã báo cáo gần 700 trường hợp nhiễm covid-19 mới vào thứ Hai, con số cao nhất trong gần hai tháng. Hầu hết các ca nhiễm được ghi nhận ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây và phía tây bắc tỉnh Cam Túc. Lệnh phong tỏa đã được áp dụng ở cả hai nơi. Tại Thượng Hải, thủ đô tài chính của đất nước, các quan chức đã phát động một chiến dịch xét nghiệm cho khoảng 20 triệu người để ngăn chặn một vụ phong tỏa khác.

 

Chính phủ Pháp đã đưa ra đề nghị trị giá gần 10 tỷ euro để quốc hữu hóa công ty năng lượng hạt nhân đang gặp khó khăn EDF. Chính phủ hiện đã sở hữu 84% cổ phần của công ty, nhưng dự định mua lại cổ phiếu từ cổ đông thiểu số với mức giá € 12/cổ phiếu để nắm toàn quyền kiểm soát. Đề xuất này là cao hơn 53% so với giá đóng cửa của EDF trước khi kế hoạch quốc hữu hóa được công bố vào đầu tháng Bảy. Cổ phiếu của công ty đã tăng gần 15% vào đầu phiên giao dịch sau khi có tin trên.

 

Theo Financial Times, việc niêm yết tại London của Arm, một công ty thiết kế chip của Anh, đã bị trì hoãn trong bối cảnh bất ổn chính trị tại nước này. SoftBank, tập đoàn Nhật Bản sở hữu Arm, đã được các chính trị gia Anh vận động để niêm yết công ty chip, một trong số ít câu chuyện thành công về công nghệ của Anh, ở London. Dù SoftBank từng cân nhắc việc niêm yết kép ở cả London và New York, nhưng việc Thủ tướng Boris Johnson từ chức đã làm thay đổi kế hoạch.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Ngày phán quyết của Draghi

 

Thủ tướng Ý sẽ phải đối mặt với Nghị viện vào thứ Tư này để tìm kiếm lá phiếu tín nhiệm từ cả hai viện cho chính phủ đang chao đảo của ông. Mario Draghi đã cố gắng từ chức vào tuần trước, sau khi Phong trào Năm Sao (Five Star Movement, M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh của ông, không ủng hộ ông trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước đó. Nhưng Tổng thống Ý, Sergio Mattarella, đã bác bỏ đơn từ chức và yêu cầu Thủ tướng kêu gọi sự ủng hộ tại Nghị viện.

 

Draghi là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm vững vàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và quân sự đang nhấn chìm châu Âu. Những người ủng hộ hy vọng sẽ thấy ông lãnh đạo một chính phủ mới mà không có M5S đối lập. Tuy nhiên, cho đến nay, Draghi vẫn từ chối đứng đầu một nội các loại trừ Phong trào Năm Sao, nói rằng nếu không có đảng này thì “thỏa ước tin cậy” làm nền tảng cho liên minh rộng lớn của ông sẽ không còn. Trong khi đó, các đảng cực hữu trong liên minh của ông có thể cố gắng tìm kiếm một cuộc bầu cử trong tương lai gần, và sẽ thành lập liên minh với Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) cực hữu, hiện đang ở phe đối lập. Các cuộc thăm dò cho thấy đây có thể là một liên minh đi đến chiến thắng. Nhưng việc tổ chức bầu cử sẽ tạo ra sự trì hoãn và bất định vốn có thể làm rung chuyển thị trường – cũng như đồng euro.

 

 

Cuộc bầu cử tổng thống đáng thất vọng ở Sri Lanka

 

Lại một tuần lễ đầy biến động ở Sri Lanka. Ngày 13/07, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn tới Maldives và tuyên bố từ chức một ngày sau đó, tại Singapore. Thứ Tư này, Nghị viện Sri Lanka sẽ bỏ phiếu để bầu ra người thay thế Rajapaksa. Nhưng không ai trong số ba ứng viên tổng thống là người đặc biệt truyền cảm hứng.

 

Ranil Wickremesinghe, người sáu lần làm Thủ tướng và hiện là Tổng thống lâm thời, được xem là đồng minh của Rajapaksa; ngôi nhà của ông đã bị thiêu rụi trong bối cảnh biểu tình bạo lực khiến cựu tổng thống phải chạy trốn. Dullas Alahapperuma thì từng phục vụ trong chính phủ của Rajapaksa cho đến gần đây. Còn Anura Kumara Dissanayake đứng đầu một đảng Marxist mà lập trường kinh tế hiện vẫn chưa rõ ràng.

 

Những ứng viên tổng thống không đạt chất lượng sẽ khiến Sri Lanka bị tổn thương. Rajapaksa rời đất nước trong tình trạng hỗn loạn. Sự quản lý kinh tế yếu kém của ông đã khiến người dân rơi vào cảnh thiếu thốn nhiên liệu, thực phẩm, và thuốc men. Với việc hầu như không có dự trữ ngoại tệ, và đàm phán về khoản cứu trợ khẩn cấp của IMF vẫn chưa hoàn tất, Sri Lanka đang tuyệt vọng trông chờ vào một lãnh đạo đích thực.

 

 

Các ứng viên cho ghế Thủ tướng Anh đối mặt với lạm phát

 

Vào thứ Tư, ba ứng viên cho chức vụ lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh Quốc sẽ bước vào vòng bỏ phiếu chọn ra hai người cuối cùng. Các thành viên của đảng sau đó sẽ chọn người kế nhiệm Boris Johnson làm Thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, với việc số liệu lạm phát cũng được công bố vào thứ Tư, nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Các nhà dự báo dự đoán rằng giá cả sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 9,3% vào tháng 6, tăng so với mức 9,1% trong tháng 5.

 

Các ứng viên đều có kế hoạch giúp xoa dịu căng thẳng. Ngoại trưởng Liz Truss muốn có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với Ngân hàng Trung ương Anh, cũng như cắt giảm thuế. Penny Mordaunt cũng ủng hộ việc giảm hóa đơn thuế. Nhưng Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, sẽ chỉ cắt giảm thuế một khi lạm phát đã giảm. Ông ví kế hoạch của các đối thủ của mình như “một câu chuyện cổ tích”.

 

Dù việc giúp đỡ những người khó khăn nhất là có cơ sở, nhưng cắt giảm thuế có lẽ không phải là câu trả lời. Nếu chi tiêu tiêu dùng cao hơn đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, kìm hãm những người đi vay. Thuế có thể là điều không được ưa thích, nhưng chống lạm phát là câu chuyện hiếm khi có kết cục có hậu.

 

 

Tesla đối mặt với khó khăn

 

Trong những năm gần đây, nhà sản xuất xe hơi điện tiên phong của Elon Musk, Tesla, đã trở thành con cưng của ngành. Kết quả vào tháng 4 cho thấy doanh thu của công ty này đã tăng khoảng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 18,8 tỷ USD. Nhưng những con số mới nhất của Tesla, sẽ được công bố vào thứ Tư, có lẽ không còn đáng mừng như thế.

 

Công ty chỉ giao được 254.000 xe trong quý 2 năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với con số 310.000 xuất xưởng trong quý 1. Sự sụt giảm sản lượng phần lớn là do lệnh phong tỏa covid-19 ở Thượng Hải, buộc Tesla phải đóng cửa tạm thời nhà máy tại thành phố này, vốn là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất.

 

Nhưng công ty cũng có những vấn đề khác. Nó có thể đã mất 360 triệu đô la khi đầu tư 1,5 tỷ đô la vào bitcoin, đồng tiền đang sụt giá. Và còn phải đối mặt với tăng trưởng doanh số nhanh chóng từ các đối thủ cạnh tranh như BYD, một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào lĩnh vực xe hơi, Musk hiện đang bị phân tâm bởi các cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc hủy bỏ thương vụ mua lại Twitter. Đối với Tesla, chặng đường phía trước có vẻ không suôn sẻ.





No comments: