Suy
ngẫm (1) - Sao lại phải giống nhau?
Tôi có
thói xấu là hay chửi chính phủ. Bà Merkel luôn bị tôi phê phán là „thân tàu“,
là „ngậm miệng ăn tiền“. Ông Schröder, thủ tướng của đảng SPD thuộc cánh tả,
thì bị tôi phê là „đồng chí của bọn chủ“. Chính phủ mới toanh của ông Scholz
thì tôi coi là bọn „vừa éo vừa run“. Nói ủng hộ Ukraine nhưng lại sợ Nga nó coi
mình là bên tham chiến. Thế là có mấy cái xe tăng mà cứ thậm thà thậm thụt.
Nhưng ở Đức
không ai coi những kẻ như tôi là „bất đồng chính kiến“ (Dissident), là „phản động“
(Reaktionär).
Khái niệm
„bất đồng chính kiến“ (Dissident theo tiếng Latin „dissidēre" là „bất đồng,
mâu thuẫn") dùng để chỉ một người công khai chống lại quan điểm chung hoặc
đường lối chính trị, tôn giáo. Thời trung cổ và cận đại, thuật ngữ này chủ yếu
được gắn cho những ai chống lại giáo hội thiên chúa.
Ngày nay
trong các nền dân chủ tự do bày tỏ ý kiến của riêng mình là một quyền cơ bản và
được coi là đương nhiên nên ở đó không có ai là người „bất đồng chính kiến“. Từ
thời chiến tranh lạnh đến nay, khái niệm „bất đồng chính kiến“ chỉ còn được gắn
cho các nhân vật đối lập trong chế độ độc tài và toàn trị.
Gọi là „đối
lập“ chứ họ lấy gì mà đối với chả lập với cái hệ thống khổng lồ đó. Những vị được
coi là vĩ nhân, được cả thế giới biết đến, được giải thưởng Nobel, có tác phẩm
lưu truyền toàn cầu như Boris Pasternak, Alexandre Solzhenitsyn hay Andrey
Schakharov còn chả có lấy một văn phòng kèm thư ký thì lực với lượng gì. Tên tuổi
và uy tín của các ông chỉ giúp cho các ông không bị ăn đòn kiểu GULAG vào cuối
đời.
Còn ở các
nước thế giới thứ ba lạc hậu, ít được để ý đến thì cuộc đời „bất đồng chính kiến“
thật là thảm hại. Những người này khổ lắm. Nặng thì bị tù đày, hành hạ đến chết,
nhẹ thì bị người ta ném cứt đái vào nhà. Vì đã chống lại đường lối của giới cầm
quyền nên họ thường chấp nhận sự trừng phạt đối với bản thân. Nhưng họ đau nhất
là: con cái đi học luôn gặp khó khăn, người thân thì bị đóng dấu vào lý lịch, bạn
bè họ hàng thì xa lánh, hàng xóm thì ghẻ lạnh.
Khổ thế mà
họ không chịu bỏ cuộc hoặc chặc lưỡi „Thôi thì uốn mình, hòa mẹ nó vào dòng chảy
chung, cam chịu sống như mọi người cho xong“.
Đó là cái
đáng nói nhất ở họ.
Dissident
nếu viết lái thành Diss-Ident cũng còn có nghĩa là không chịu giống ai. Thế giới
chúng ta phát triển được như ngày nay chính là nhờ tính khác biệt (diversity) của
muôn loài. Sự khác biệt càng lớn, quá trình phát triển càng mạnh.
Bọn „Môi
trường“ đang sống chết đấu tranh để giữ cho thiên nhiên được đa dạng sinh học
như trước đây. Công nghiệp hóa và nông lâm nghiệp đơn canh đang đe dọa đa dạng
sinh học. Rừng cà phê, cao su, rùng keo lai đang thay thế rừng nguyên sinh. Đồn
điền chuối đang hủy hoại rừng già Amazon... Tất cả cây cối giống nhau cũng là một
kiểu chết của hệ sinh thái.
Động vật
cũng vậy: một quần thể càng nhiều khác biệt sẽ phát triển mạnh cả chất và lượng.
Một quần thể khép kín, tự đồng hóa nhau, không chịu mở rộng ra ngoài sẽ suy kiệt
giống nòi và ắt sẽ dẫn đến diệt vong (nạn Incest hay là sinh nở cận huyết).
Xã hội dân
chủ, cởi mở, cho phép tự do tư tưởng, luôn giao lưu du nhập cái mới thì luôn tạo
ra nhân tài trong mọi lĩnh vực. Ngược lại sẽ làm thui chột hết. Tôi đã viết về
đề tài này trong bài “Tự do và con người sáng tạo“.
Vì vậy các
nước có tự do không chỉ sản sinh ra nhân tài mà còn là nơi thu hút nhân tài.
Người tài từ các xứ thiếu tự do cũng tìm cách bỏ mảnh đất chôn nhau của họ để đến
đây. Họ đến đây để được phép „không phải nghĩ giống người khác“.
Nói vòng
vo loằng ngoằng như vậy chỉ để khẳng định rằng: Bất đồng chính kiến không hề có
hại cho bất cứ xã hội nào, mà thật ra là rất cần thiết. Kể cả khi trong các tư
tưởng mà họ đưa ra không phải cái gì cũng tốt. Đại văn hào Solzhenitsyn lừng lững
như vậy vẫn là một kẻ mang nặng tư tưởng đại Nga bệnh hoạn mà Putin bám vào đó
để phát động chiến tranh.
Do đó nếu
như ở Việt Nam có những người được gán cho cái mác "bất đồng chính kiến"
một mặt ca ngợi dân chủ nhưng vẫn ủng hộ ông Trump tham quyền và thích độc đoán
thì đâu có gì lạ.
Thiên
nhiên đa dạng cần cả cây ăn quả, hoa thơm lẫn cỏ dại, cần có thú ăn cỏ, thú ăn
thịt và cả côn trùng độc. Chúng bù trừ và và tạo lý do tồn tại cho nhau. Quan
trọng là sự đa dạng.
Vì vậy
cũng chớ có ảo tưởng nhiều ở những người „bất đồng chính kiến“. Họ cũng là người
bằng xương bằng thịt như bạn và tôi. Họ cũng có những lo toan về cuộc đời, cũng
cần tiền để sống. Họ cũng mang mọi đức tính tốt và xấu như người đời, cũng biết
ghen tỵ, biết cãi nhau, gây xích mích. Điều nổi bật duy nhất là họ không chịu
khép mình, chịu nấp sau đám đông để ù xọe sống. Họ dám nói ra điều họ nghĩ, dám
hành động theo lương tâm của họ.
Tôi phục họ
ở điều đó, nhất là ở Việt Nam, nơi mà sư sãi cũng cam kết đi theo kinh tế thị
trường định hướng XHCN, nơi mà đảng viên thi nhau vào chùa cúng như tế sao, nơi
mà trẻ em thèm „phiếu bé ngoan“ hơn cả bánh trái...
Tôi có nhiều
bạn bè đã và đang nắm các chức vụ „tốt“ trong chính quyền. Tốt vì nó đủ cho họ
một cuộc sống sung túc (hơn xa tôi), đủ địa vị trong xã hội, mà không đến nỗi bị
nhòm ngó như hàng loạt các ông bộ trưởng, thị trưởng lần lượt khóc van xin trước
tòa. Khi nói chuyện với tôi, họ tỏ ra rất thức thời. Ít ra là không ngu si đến
mức coi „cần thép Formosa hơn là cá biển“, hay coi „Hoàng Sa, Trường Sa như những
cồn cát chim ỉa“.
Họ biết rất
rõ các vụ quan chức ra tòa và các vụ xử người bất đồng chính kiến.
Tháng
6.2009 tôi về Hà Nội tư vấn cho một đối tác xây mạng truyền hình DVB-T đơn
kênh, phủ sóng toàn quốc. Mắt nhắm mắt mở mới sáng ra gặp một tay bạn kiểu này.
Anh ta bảo tôi: Màn hình LCD bị tắt rồi“. Tôi hỏi: Màn hình nào?
Thì ra anh
ta nói vụ Lê Công Định (LCD) mới bị bắt hôm qua.
-OK hiểu.
Vậy sao gọi là màn hình?
-Vì cậu ta
là luật sư sáng giá, đã có công góp phần bảo vệ các nhà sản xuất & chế biến
cá ba sa Việt Nam bị phía Hoa Kỳ kiện vì tội bán phá giá. Không phải luật sư
nào của ta cũng dám chơi với tòa án Mỹ nhé.
Có nghĩa
là bạn tôi biết hết. Anh coi đám quan chức ngồi tù chỉ là „bọn không biết chùi
mép“ và „không may“. Còn người bất đồng chính kiến thì bị anh coi là bọn „cầm
đèn chạy trước ô-tô“.
-Thời này
mà „cầm đèn chạy trước ô-tô“ thì tội nặng như tội "khi quân" thời xưa
- Anh ta nói.
(Còn tiếp)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8125028010848534&set=pcb.8125065710844764
Boris
Pasternak (29.01.1890 – 30.05.1960) Nhà văn
Liên Xô, tác giả cuốn “Doctor Zhivago”, Giải thưởng Nobel văn học 1958. Ảnh tư
liệu
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8125027947515207&set=pcb.8125065710844764
Andrej Schakarov (21.5.1921 – 14.12.1989) Tiến sỹ vật lý hat nhân,
viện sỹ viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Giải thưởng Nobel về Hòa bình 1973
https://www.facebook.com/photo?fbid=8125027997515202&set=pcb.8125065710844764
Alexandre Solzhenitsyn, (11.12.1918 – 3.8.2008) nhà văn, nhà tư tưởng Nga,
giải thường Nobel văn học 1970, tác giả cuốn "Quần đảo GULAG"
.
No comments:
Post a Comment