Monday, July 11, 2022

NGƯỜI NHẬT và NGƯỜI VIỆT . . . (Thái Hạo)

 



Người Nhật và Người Việt . . .   

Thái Hạo

11-7-2022  09:58   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0bmYUQu5EVZMd4XKs3KmdYuRoPsfhxoaWhXDNFVmQUetZcN1sSjBcizk88pnYaMGcl&id=100059910855657

 

Tôi nhớ, từng đọc Phan Khôi trong một bài ông dẫn “Lương dân truyện” của Phan Châu Trinh. Đại thể, bài ấy nói cái ý sau: đối với người làm quan thì phải đánh giá họ ở việc đã làm được gì cho dân cho nước, chứ không phải ở cái chuyện người đó có “lương thiện” hay không. Một ông quan mà chỉ vô hại thôi thì chẳng khác gì hạng lương dân, suốt đời không hại đến ai, nhưng cũng chẳng làm nên điều chi công ích.

 

“Thực ra thì làm thượng thư mà làm cho ích quốc lợi dân thì dù có ô-tô nhà lầu, có đồn điền trại ấp, trong túi cứ xọc xạch bạc trăm, cũng chẳng hại chi; hơn nữa là mỗi bữa ăn giết hàng trăm con gà lấy mỗi con một cái lưỡi để nấu được một bát thang như một ông tể tướng bên Tàu đời xưa, cũng không lấy chi làm xa xỉ. Còn nếu không làm ra trò gì thì có thanh liêm cũng chẳng ai kể số. Ví chẳng khác trong đám làm báo chúng tôi, kẻ hút mỗi ngày ba chỡ [g] thuốc phiện, mang tiếng nghiện ngập mà viết được bài hay, thì hẳn xứng đáng hơn kẻ chẳng hút điếu nào mà cũng chằng viết được nên hình bài nào” (Phan Khôi).

 

Trên đây là ý cụ Phan Châu Trinh, do cụ Phan Khôi diễn lại. Tôi nhắc lại điều trên để làm nguyên tắc xét đoán một người làm quan/chính trị gia.

 

Trở lại với tình cảm của người Việt đối với ông Abe. Xin nói ngay là tôi bỏ ngay ra ngoài những tình cảm nỉ non của con người đối với con người, cái đó tôi cũng có vậy. Ở đây tôi chỉ nhìn về một chính trị gia bằng con mắt một công dân (toàn cầu).

 

Tôi đã lặng lẽ đọc và suy ngẫm suốt mấy ngày nay sau khi ông Abe bị ám sát. Xin cung cấp chút thông tin mà tôi cho là cần thiết để tham khảo. “Từng có những cuộc biểu tình rầm rộ chống Abe lên tới cả 3 vạn người (Nhật) tham gia. Tỷ lệ ủng hộ chính quyền do ông đứng đầu trước khi ông từ chức còn xuống đến 27%, so với 64% không ủng hộ” (Satoki Tsuyuri).

 

Khi ông Abe từ chức thì dư luận Nhật Bản “không những không bày tỏ lòng cảm thông ông ấy đã vất vả chống dịch mà ngược lại, họ còn trách rằng giữa lúc đang có dịch mà lại bỏ chạy. Thậm chí đài NHK còn có hẳn một chương trình với tiêu đề "Abe - công và tội". Kể về công và tội của ông ấy suốt 4 nhiệm kỳ lãnh đạo” (Tran Van Quan).

 

“Ngay cả sau sự kiện ông Abe bị ám sát, truyền thông NB và VN cũng đưa tin rất khác nhau, truyền thông NB thì ban đầu tập trung chủ yếu vào sự việc ám sát, sau đó họ chuyển sang quan tâm đến việc liệu chính sách kinh tế Abenomic có được duy trì hay không; đường lối ngoại giao, đặc biệt là cứng rắn với TQ có thay đổi không, chứ ít nhắc tới những điều như là "di sản của ông". Ngược lại phía VN thì chủ yếu nói về tình cảm ngoại giao của ông với VN chứ ít đánh giá xem nó có lợi hay hại gì với VN” (Tran Van Quan).

 

Có hai vấn đề chủ yếu gây ra tranh cãi và sinh ra đối lập về ông Abe, là chính sách kinh tế và chính sách quốc phòng của ông. Về kinh tế thì tôi không rành, còn việc sửa điều 9 hiến pháp, biến Nhật trở lại thành một nước có quân đội và theo đuổi đường lối chính trị diều hâu thì đáng phải suy ngẫm. Và tất nhiên rất nhiều người Nhật cũng vì lý do này mà không ủng hộ, vì hơn ai hết nhân dân Nhật Bản hiểu được những mất mát đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho đất nước này. Nó đang ám ảnh họ suốt nhiều thế hệ. Tôi đã có bài viết riêng cho nội dung này, nhưng chưa tiện đăng.

 

Bạn Phạm Phương (hiện đang sống ở Nhật) bình luận trên trang nhà thơ Thận Nhiên, khá gay gắt: “Hầu hết những người khóc ở Việt Nam đều không hiểu gì về chính trị Nhật, cũng ko hiểu gì về chính trị gia mang tên Abe. Họ vẫn giữ thói quen nghe hơi nồi chõ khi nhìn về chính trị. Đó là lý do họ bị cộng sản cai trị thành công cho đến giờ”.

 

Có nhiều thứ để nghĩ, nhưng tạm ghi lại một số thông tin và quan điểm như trên để ai quan tâm thì tham khảo.

 

Thái Hạo

 

.

18 BÌNH LUẬN   





No comments: