Giới trẻ Mỹ chán ngấy hệ thống chính trị già nua
Lương Thái Sỹ -
Saigon Nhỏ
17 tháng 7, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/gioi-tre-my-chan-ngay-he-thong-chinh-tri-gia-nua/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1241897913.jpg
Cả hai cụ đều thuộc thế hệ chính trị
gia già nua của nước Mỹ. Thủ lĩnh phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng
hòa) đã 80 tuổi; và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ) đã 82 (ảnh: Tom
Williams-Pool/Getty Images)
Các cử
tri trẻ Mỹ đang thất vọng và tức giận – như được thuật từ CNN.
Nhiều người trong số họ cảm thấy hệ thống chính trị Mỹ đã tan vỡ. Các quan chức
quá già nua và mất khả năng chạm vào tâm tư của người dân. Bế tắc và “rối loạn
chức năng chính trị” đã trở thành “bình thường” trong xã hội Mỹ hiện nay. Hết vấn
đề này đến vấn đề khác, các cuộc khủng hoảng vẫn chưa thể giải quyết hoặc không
được giải quyết đến nơi đến chốn.
Thế giới cằn cỗi của những ông già bà cả
Trong một
bài viết gần đây của tờ The New York Times về cơn giận dữ âm ỉ của thế hệ trẻ
trước cuộc bầu cử năm 2022, một cử tri ở độ tuổi 20 sau khi nghi ngờ năng lực của
Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo đảng Dân chủ đã hỏi: “Làm thế nào một người
có thể lãnh đạo chính xác đất nước của mình nếu đầu óc của bạn vẫn còn sống
trong thời kỳ cách đây 50, 60 hay 70 năm?”. Nhiều người Mỹ trẻ tuổi từng góp
tay đưa cựu Tổng thống Donald Trump ra khỏi chiếc ghế tổng thống cũng bất mãn
sâu sắc với Biden.
Theo một
cuộc khảo sát từ The New York Times và Siena College, chỉ 1% trong thành phần
dân số từ 18 đến 29 tuổi tán thành mạnh mẽ cách Biden đang điều hành đất nước.
Đáng lo hơn nữa là nhóm tuổi này nói rất có thể họ sẽ không bỏ phiếu cho Biden
hoặc Trump trong một cuộc đối đầu tiềm năng vào năm 2024. Không có gì lạ khi
người Mỹ thường nghe câu hỏi: “Cần làm gì để giới trẻ tham gia nhiều hơn vào
chính trị?”.
Đây cũng
là loại câu hỏi mà các giáo sư đại học phải đối diện trước sinh viên. Rồi, các
trường có cần môn giáo dục công dân không? Có cần một số loại chương trình dịch
vụ quốc gia không? Những tổ chức có nên tài trợ và trao học bổng cho những người
Mỹ trẻ muốn làm việc trong khu vực công không?
Những câu
hỏi này rất quan trọng, nhưng cũng cần nhìn lại và phân tích kỹ lưỡng những gì
hệ thống chính trị Hoa Kỳ đang đi chệch hướng. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều
người Mỹ trẻ tuổi nhìn các quan chức công quyền ở thủ đô Washington và các thủ
phủ tiểu bang với thái độ thất vọng nghiêm trọng. Cảm giác này hình thành khi
giới trẻ trải nghiệm cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng, bất công chủng tộc,
rạn nứt các thể chế và chuẩn mực dân chủ, bất bình đẳng giới và mất an ninh
kinh tế, những vấn đề từng được những công bộc của dân thảo luận nhiều nhưng hiếm
khi được giải quyết. Nhiều người trong số người trẻ đã trưởng thành trong một đất
nước liên tục xảy ra các cuộc “đấu súng” ở trường.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1408849507.jpg
Độ
tuổi trung bình của Quốc hội thứ 117 hiện nay là 59.5 và Thượng viện hiện nay
cũng… già nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (ảnh: Massimo Di Vita/Archivio Massimo Di
Vita/Mondadori Portfolio via Getty Images)
Không giống
kiểu diễn tập trú ẩn hồi thập niên 1950 để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt
nhân chưa bao giờ xảy ra, nước Mỹ đang chứng kiến tiếng
trống cảnh báo dai dẳng của các vụ xả súng trong khuôn viên trường học. Các lãnh
đạo chính trị không thể đổ lỗi cho những người trẻ tuổi mất niềm tin vào một hệ
thống chính trị dung dưỡng cho những thảm kịch như thế.
Nhìn lại những động lực trong thập niên 1960
Kể từ
Tháng Ba, 2020, giới trẻ Mỹ đã trải qua một giai đoạn quan trọng khi phải “chiến
đấu” để tồn tại trong một đại dịch toàn cầu và nhiều nhà lãnh đạo đưa ra các
chính sách sơ sài, mâu thuẫn, nửa vời, trong khi những định chế cốt lõi, gồm cả
trường học, phải đóng cửa. Người Mỹ từng trải qua những khoảnh khắc tồi tệ như
thế này trước đây.
Thật vậy,
ngay cả trước thời kỳ thường được xem là “một trong những kỷ nguyên đẹp nhất của
nền chính trị Hoa Kỳ”, với sự ra đời của sáng kiến Great Society (Xã hội Vĩ đại)
do Tổng thống Lyndon Johnson đề xướng, mà điểm sáng là một loạt đạo luật được
ban hành để giải quyết các vấn đề nghèo đói, giáo dục, an sinh xã hội và hơn thế
nữa; giới trẻ Mỹ của đầu thập niên 1960 cũng thất vọng với việc Washington
không có khả năng hành động trước những vấn đề lớn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng
ngày của họ.
Trớ trêu
thay, lực cản lớn để đạt đươc tiến bộ lúc đó vẫn là… chế độ lưỡng đảng như hiện
nay. Các học giả như James McGregor Burns đã viết về “sự bế tắc của nền dân chủ”
khi các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa miền Nam hợp tác để ngăn chính phủ giải
quyết một số vấn đề cấp bách, từ phân biệt chủng tộc, mất quyền bầu cử, chăm
sóc sức khỏe không đầy đủ, trường học thiếu kinh phí và môi trường xuống cấp.
Lúc đó cũng có những lời phàn nàn gay gắt về độ tuổi của các nhà lãnh đạo cấp
cao tại Quốc hội giống như hôm nay.
Đây là một
phần lý do để sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin này, nhiều người trẻ tuổi xúc
động khi nghe bài phát biểu nhậm chức chấn động ở tuổi 43 của Tổng thống John
F.Kennedy trong đó có câu: “Ask not what your country can do for you –
ask what you can do for your country”. Tuy nhiên, lời hùng biện mang
tính kêu gọi hành động này cũng chỉ làm hưng phấn thôi rồi tàn dần…
Nhà báo
Richard Strout nhớ lại trên tờ Christian Science Monitor: “Kennedy đã
phát triển nhiều đề xuất với các cố vấn của mình, chỉ để chứng kiến các ủy ban
Quốc hội vẫn rơi vào tay các chủ tịch già nua quỷ quyệt từng chứng kiến các
tổng thống đến rồi đi”.
Những ông
bà già kiên trì giữ ghế không nghĩ ra được dự luật nào mang tính “cách mạng”,
nhưng lại rất thành thạo trong việc phủ quyết. Tuy nhiên, vẫn có một số thay đổi.
Quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử từ năm 1948 đến 1964 là làn sóng các nhà
lập pháp Dân chủ trẻ hơn, những người dám đưa các vấn đề nhạy cảm ra Quốc hội
như quyền công dân, để đấu tranh chống lại sự cản trở của lưỡng đảng. Johnson
giành chiến thắng thuyết phục trước Thượng nghị sĩ cực hữu Cộng hoà Barry
Goldwater năm 1964, và những tiếng nói mới trẻ trung trong Quốc hội đã trấn áp
được các “cận vệ già” của các ủy ban, đủ để thông qua rất nhanh các đạo luật cấp
tiến mà cho đến hôm nay vẫn là một phần của cấu trúc xã hội Mỹ.
“Quốc
hội mới trẻ hơn Quốc hội cũ!”
– một bài viết vào Tháng Một 1965 trên tờ The Washington Post nêu. Độ tuổi
trung bình của các nhà lập pháp giảm từ 52.7 xuống 51.9, trong khi độ tuổi
trung bình của các chủ tịch ủy ban là 66 tại Thượng viện và 65 tại Hạ viện (cần
biết, độ tuổi trung bình của Quốc hội thứ 117 hiện nay là 59.5 và Thượng
viện hiện nay cũng… già nhất trong lịch sử Hoa Kỳ! Một bước lùi đáng kể).
Được thúc
đẩy bởi những gương mặt mới trẻ trung này, Quốc hội thứ 89 đã làm việc với tốc
độ đáng nể: năm 1965 thông qua được các Đạo luật: Luật về Quyền Bầu cử để bảo vệ
quyền bầu cử; Luật Sửa đổi An sinh Xã hội, Luật Medicare và Medicaid; Luật Giáo
dục Tiểu học, Trung học và Luật Giáo dục Đại học (cả hai đạo luật này đều giúp
đưa ngân sách liên bang vào giáo dục); Luật Chất lượng Nước và nhiều hơn nữa.
Tiếng nói thế hệ trẻ đương đại vẫn mạnh mẽ
nhưng…
Nhưng những
đột phá lập pháp này vẫn chưa thỏa mãn giới trẻ Mỹ và họ muốn nhiều hơn nữa.
Các phong trào xã hội thập niên 1960 chiếm ưu thế cảnh quan chính trị Mỹ, nhờ
nói lên tiếng nói của những người trẻ đòi hỏi có các chính sách mới về quyền
công dân, công bằng kinh tế và giải phóng xã hội, văn hóa. Nhưng cuộc chiến thảm
khốc của Johnson ở Việt Nam đã kéo chậm lại tiến độ mà đảng Dân chủ “thay máu”
đang thực hiện cho đất nước; để rồi vụ bê bối nghe lén Watergate của Tổng thống
Cộng hoà Richard Nixon chứng minh nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của giới trẻ về lạm dụng
quyền lực của giới cầm quyền là đúng.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1408595002.jpg
Giới
trẻ Mỹ vẫn biểu thị chính kiến ở gần như tất cả mọi vấn đề nhưng họ vẫn không
thay đổi được tư duy chính sách của những ông bà nghị quá già nua (ảnh: John
Parra/Getty Images for MoveOn)
Nhưng bất
chấp những bất mãn dai dẳng về Watergate và cuộc chiến tàn khốc ở Đông Nam Á, một
điều quan trọng mà người Mỹ cần nhớ là vào năm 1964 và 1965, những người Mỹ trẻ
tuổi đã từng giúp đưa những khuôn mặt mới, trẻ trung đến Washington để giải quyết
một số vấn đề chính trị và chính sách bị bế tắc trong hơn một thập niên. Những
đạo luật cấp tiến mới thông qua đã tiếp thêm năng lượng cho mọi người và cho thấy
áp lực xã hội và chính trị của cử tri có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.
Và mặc dù
các cuộc biểu tình của sinh viên không thể chấm dứt vũng lầy ở Việt Nam trước
năm 1973, các nhà hoạt động trẻ đã tạo ra mô hình đối thoại quốc gia và giành
được sự ủng hộ cho phong trào phản chiến, đồng thời một lần nữa chứng minh sự
tham gia của giới trẻ có ý nghĩa quan trọng. Họ đã thuyết phục các chính trị
gia, gồm cả Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, đáp ứng các mối quan tâm của họ. Kết
quả rất khả quan, từ năm 1971, độ tuổi bỏ phiếu được giảm từ 21 xuống 18.
Thượng nghị
sĩ Ted Kennedy, một trong những động lực chính của sự thay đổi này, nói: “Đối với
tôi, đây là nguyên tắc duy nhất và quan trọng nhất mà chúng ta có thể theo đuổi
với tư cách là một quốc gia nếu chúng ta thành công trong việc đưa thanh niên
tham gia đầy đủ và lâu dài vào thể chế chính phủ dân chủ của Hoa Kỳ”.
Năm 2022,
nước Mỹ cũng cần một “khoảnh khắc lịch sử” khác như vậy. Vào lúc cao điểm của đại
dịch, cả nước chứng kiến làn
sóng mạnh mẽ những
người trẻ biểu tình trên đường phố để phản đối vụ sát hại dã man George Floyd.
Nhưng gánh nặng tạo ra sự thay đổi không nên dành riêng giới trẻ dấn thân mà phải
đặt lên vai các nhà lãnh đạo chính trị. Họ nên bắt đầu lắng nghe, phản hồi và đối
thoại với một thế hệ cử tri mới, những người cảm thấy chính hệ thống chính trị
đã dẫn đến sự thất bại của họ.
No comments:
Post a Comment