Chuyến
thăm của Ngoại trưởng Lavrov: Lợi bất cập hại đối với Việt Nam
11/07/2022
https://gdb.voanews.com/10070000-0aff-0242-82e3-08da5f4e38b1_w650_r1_s.jpg
Ngoại trưởng Nga, Lavrov, hội kiến TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội,
6 tháng Bảy
Không
ngẫu nhiên, hôm Ngoại trưởng Lavrov rời Hà Nội, ngày 7/7, trang mạng “Asia
Times” đăng bài phân tích khá dài với tựa đề “Tại sao Việt Nam không thể và sẽ
không rời bỏ Nga”.
Chuyến
thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Nga trong hai ngày 6 và 7/7 lẽ ra phải là sự kiện
nổi bật trên sân khấu ngoại giao của Việt Nam lẫn khu vực. Đằng này, như hòn đá
ném xuống ao bèo, mặt hồ đã yên tĩnh trở lại. Nhưng như thế không có nghĩa là
“cuộc trình diễn Nga – Việt” trước đó không để lại điều gì “gợn sóng”.
*
Nhắc lại một câu chuyện ngụ ngôn
Thời Chiến
tranh Lạnh có một tiếu lâm chính trị về quan hệ giữa Liên Xô với các nước nhỏ ở
Đông Âu (cũ). Chuyện như thế này: Một con chuột bám trên lưng một bác voi không
lồ đi qua chiếc cầu tre lắt lẻo. Dưới sức nặng của voi, chiếc cầu rung bần bật
như chuẩn bị sắp sập đến nơi. Thấy vậy, chuột bèn ỏn ẻn: “Bác thấy không, chúng
ta ‘cùng hành tiến’ và chiếc cầu tre đang ‘run rẩy’ dưới sức nặng của hai ta…”
Không biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dùng những lời lẽ tự tin như thế
trong câu chuyện với Ngoại trưởng Lavrov hôm 6/7 hay không? Chỉ biết hai chi tiết
mà truyền thông Nga và Việt Nam đã để lộ ra ngoài cho thấy tương quan tay đôi
Nga – Việt trên chiếc “cầu tre lắt lẻo” ấy.
Ngay trong
buổi họp báo chiều 6/7 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Lavrov lớn tiếng đe dọa Mỹ và
châu Âu – vốn là các quốc gia được Hà Nội tuyên bố đó là những đối tác quan trọng
hàng đầu của Việt Nam: “Chúng tôi đã bàn về các vấn đề kinh tế toàn cầu do các
nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra”. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga và
Việt Nam biết cách cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong
môi trường hiện tại sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn
phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố.
Hẳn nhiên nội dung này chỉ có tìm thấy trên các bản tin của TASS. Truyền thông
Việt Nam có cho kẹo cũng chưa dám “chơi trội” kiểu ấy. Tuy
nhiên, có một trang mạng đã công khai nêu rõ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “lắng
nghe quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov về Ukraine”.
“Lắng
nghe” chứ không có đối thoại để trao đổi lại thì liệu thuyết âm mưu cho rằng,
Việt Nam “diễn” vai trò trung gian, có nên “cơm cháo” gì? Việt Nam muốn hóa giải
xung đột giữa Nga và Ukraine bằng cách cho hai bên “mượn bãi” chắc (?) Giống
như năm nào đã thu xếp chỗ cho Mỹ và Triều Tiên gặp nhau (Tuy không thành công
nhưng lúc bấy giờ cũng được tiếng thơm). Còn với cuộc này, thuyết âm mưu nghe
vô lý đùng đùng, vì vị thế của Việt Nam làm sao có thể so sánh nổi với vị thế của
Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau khi đến Kiev gặp Tổng thống
Ukraina Volodymyr Zelensky, đã bay thẳng sang Matxcơva gặp đồng nhiệm Nga
Vladimir Putin. Ông
Widodo đã trao cho Putin thông điệp của đồng nhiệm Zelensky, nhưng cả hai chuyến
đi cấp tập của Tổng thống Indonesia đâu có giải quyết được vấn đề gì.
Tuy Ngoại
trưởng Sergei Lavrov ghé thăm Việt Nam trước khi đi dự Hội nghị Ngoại trưởng
G20, nhưng thực tế cho thấy Matxcơva chẳng trông chờ gì từ Hà Nội. Ngoại trưởng
Sergei Lavrov hôm 8/7/2022 đã rời khỏi cuộc họp tại Indonesia với các đồng nhiệm
trong nhóm G20, sau khi đại diện các nước phương Tây đồng loạt lên án cuộc chiến
tranh xâm lược của Nga đối với Ukraina. Đây là một tình thế đã được dự báo trước.
Rất nhiều nhiều dấu hiệu cho thấy, G20 ở Bali trên thực tế là một sân khấu với
ba diễn viên chính Mỹ, Nga và Trung Quốc mà ở đó Bắc Kinh và Matxcơva cùng nhau
hợp lực chống lại Washington. Khác
hẳn với thượng đỉnh G20 đầu tiên, lúc bấy giờ các nước còn tập trung khắc phục
hậu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Lần này, sự hợp tác dường như
không còn là ưu tiên giữa ba cường quốc nói trên.
Theo lời
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu khi bế mạc Hội nghị Bali, các đại
biểu tham dự đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hậu quả nhân đạo của
chiến tranh Ukraine”. Nhưng cũng theo lời ngoại trưởng Indonesia, nhóm
G20 đã không nhất trí lên án cuộc xâm lược của Nga, mà chỉ có một số nước thành
viên lên án. Tuy vậy, các nước phương Tây cho rằng họ đã thành công trong việc
mở rộng mặt trận chống Nga và đã nêu rõ trách nhiệm của Matxcơva trong cuộc chiến
tranh Ukraina và trong các khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu. Trả lời
AFP, ngoại trưởng Pháp Catherine Colona khẳng định: “Nước Nga đã bị cô
lập đến mức ông Lavrov đã rời khỏi hội nghị vào giữa ngày, sau khi đã phát biểu”. Bà
Colona ghi nhận là đã không có một quốc gia nào, kể cả các nước trong nhóm
BRICS, tức là những quốc gia phát triển lớn thân cận với Matxcơva hơn, lên tiếng
bênh vực thái độ của Nga.
Ngoại giao Việt Nam có “rớt giá”?
Một hậu quả nhỡn tiền có thể có liên quan đến lịch
trình Hà Nội của ông Lavrov là, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy (cancel)
chuyến thăm Việt Nam vốn đã lên kế hoạch vào hai ngày mồng 9 và 10/7, sau Hội nghị
G20. Chuyến đi Việt Nam của
Ngoại trưởng Blinken vốn được hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ bắt tay chuẩn
bị ngay sau khi Thứ trưởng Wendy Sherman kết thúc các cuộc hội đàm. Sau những
ngày làm việc ở Việt Nam, dường như cả Hà Nội lẫn Whashington đạt được thỏa thuận
quan trọng, Hà Nội thuyết
phục được bà Thứ trưởng phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống
Biden trong năm 2022 này, đồng thời cam kết sẽ nâng tầm quan hệ đối tác lên mức
cao hơn. Thật ra, cho đến giờ này cũng chưa thể đo lường được hết hệ quả
lâu dài của việc Bliken “quay xe”. Hy vọng, nhân dịp Hội nghị các Ngoại trưởng
Đông Á tháng 8/2022 tới đây, Ngoại trưởng Blinken có thể trở lại Việt Nam, tuy
điều này hiện nay chưa có gì bảo đảm. Trong trường hợp ông Blinken không quay lại,
bang giao Việt Mỹ có thể có những ảnh hưởng nhất định.
Trên các mạng
xã hội, dư luận đối với chuyến thăm của Lavrov chia làm hai mảng. Xu hướng ủng
hộ chuyến thăm dựa vào các nhân tố truyền thống. Liên Xô (cũ) là chỗ dựa vững
chắc của miền Bắc trong các cuộc chiến trước đây. Còn hiện nay, Nga là nguồn
cung cấp vũ khí chủ yếu cho Hà Nội, với khoảng hơn 80% vũ khí của quân đội Việt
Nam là nhập từ Nga. Các công ty năng lượng của Nga cũng đang tham gia vào nhiều
dự án dầu khí ở Việt Nam. Về mặt chiến lược, Nga có thể là một đối trọng trong
cuộc đối đầu với Trung Quốc. Thậm chí đã có những ngộ nhận khá ngây thơ, ông
Lavrov vừa mới sang Hà Nội mà giá xăng dầu ở Việt Nam đã giảm (?!). Tuy nhiên,
các quan điểm phê phán cũng không phải là ít. Có ý kiến chất vấn chính quyền,
Việt Nam từng là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lược, nên không thể cứ “khép nép”
mãi trước cuộc xâm lăng của Nga làm đảo lộn trật tự quốc tế. Nỗi lo hiện nay là
chiến tranh Ukraina không biết bao giờ mới chấm dứt, Việt Nam liệu có thể giữ lập
trường trung lập như vậy một cách lâu dài hay không? Hay
đến một lúc nào đó Hà Nội sẽ buộc phải xét lại quan hệ với Matxcơva, nhất là
tìm một nguồn cung cấp vũ khí thay thế để không còn quá phụ thuộc vào vũ khí
Nga như hiện nay?
Không ngẫu
nhiên, hôm Ngoại trưởng Lavrov rời Hà Nội, ngày 7/7, trang mạng “Asia Times”
đăng bài phân tích khá dài với tựa đề “Tại sao Việt Nam không thể và sẽ không rời bỏ Nga”. Theo
tác giả bài báo, Ngoại trưởng Lavrov, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Bùi Thanh
Sơn, đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với Việt Nam, vì đã từ chối tham gia vào hệ
thống trừng phạt quốc tế “bất hợp pháp” do Mỹ cầm đầu. Ngoại trưởng Lavrov có lẽ
đã bất chấp cả đạo lý khi kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc
tế (?!). Ông đã sử dụng cơ hội này để đả kích Hoa Kỳ, phương Tây và chính phủ
Ukraine, rằng sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine tương đương với việc tài
trợ cho chủ nghĩa khủng bố nhà nước (?) Nhiều điều Lavrov tuyên bố trong cuộc họp báo đã khiến
Ngoại giao Việt Nam “rớt giá”, vì Việt Nam không dám tỏ ra có bất cứ một phản ứng
hay đính chính gì. Điều chọc tức Washington hơn cả là khả năng Việt Nam
và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung vào cuối năm nay, như đã đưa tin từ hồi
tháng 4. Từ đấy đến nay, Việt Nam không xác nhận mà cũng không phủ nhận rằng
các cuộc tập trận sẽ diễn ra hay không. Có
nhiều suy đoán rằng cuộc tập trận có thể không diễn ra. Tuy nhiên, triển vọng của
nó khiến Washington phải kinh ngạc.
Trong khi
đó, theo ghi nhận của trang mạng “The Diplomat” ngày 5/7, lập trường rất thiểu
số của Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine đã phần
nào gây căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước EU. Chưa kể đến việc, do vẫn mua nhiều
vũ khí của Nga, và khẳng định tiếp tục thúc đẩy các quan hệ làm ăn với Nga, Việt
Nam có thể sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt, chiếu theo một đạo luật năm 2017. Đó là luật “Chống
các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (Countering America’s Adversaries
Through Sanctions Act/ CAATSA), dự trù các trừng phạt đối với những nước
mua vũ khí của Nga. Gần đây, điều này không còn là tin đồn nữa, mà là bắt đầu
có địa chỉ hẳn hoi. Một
công ty có văn phòng tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh bị chính quyền Mỹ đưa vào danh
sách đen thương mại vào hôm 28/6 vì bị cáo buộc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc
phòng và quân sự của Nga. Công ty nói trên có tên là King-Pai Technology
(Technology Kim Phái), một nhà cung cấp linh kiện điện tử của Hồng Kông có trụ
sở chính ở quận Cửu Long, Hồng Kông và các tỉnh thành khác của Trung Quốc như
Thâm Quyến, Vũ Hán và có mặt ở cả Nga và Việt Nam.
No comments:
Post a Comment