Saturday, December 18, 2021

BÉ LỚP 6 NHẢY LẦU Ở HÀ NỘI : ÁP LỰC HỌC TẬP và TRÁCH NHIỆM NGƯỜI LỚN (Minh Thư - BBC News Tiếng Việt)

 


Bé lớp 6 nhảy lầu ở Hà Nội: Áp lực học tập và trách nhiệm người lớn?

Minh Thư

BBC News Tiếng Việt

18/12/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59710054

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/F8DD/production/_120790736_hgiang.jpg.webp

TS Đặng Hoàng Giang là tác giả của ba cuốn sách phi hư cấu lấy người vô danh làm trung tâm, trong dó có cuốn "Đại dương đen" về những người bị bệnh trầm cảm

 

Câu chuyện một nam sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử ở chung cư Goldmark City (Hà Nội) với lý do được cho là 'áp lực học tập' hôm 16/12 gây xôn xao dư luận và đặt nhiều câu hỏi về áp lực điểm số, thành tích học tập mà học sinh Việt Nam đang gặp phải hiện nay.

 

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn TS Đặng Hoàng Giang, cây bút và nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội.

 

Đồng sáng lập hotline hỗ trợ tâm lý Ngày mai, ông bình luận về áp lực thành tích học tập với học sinh và sức khỏe tâm thần của các em ở lứa tuổi này.

 

.

BBC: Vụ em học sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử được cho là vì làm bài thi không tốt đang gây xôn xao dư luận. Ông thấy áp lực học tập với học sinh Việt Nam hiện nay như thế nào?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Trong trường hợp cụ thể của bạn trai này, chúng ta chưa rõ áp lực học tập nó chiếm bao nhiêu phần dẫn đến quyết định tự sát của bạn ấy.

Tuy nhiên, nhìn bức tranh tổng thể thì chắc chắn mọi người ở Việt Nam đều đồng ý rằng hiện nay trẻ em đang chịu một áp lực vô cùng lớn về thành tích, trường chuyên lớp chọn và điểm số tốt. Điều này cũng thống nhất với văn hóa của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Áp lực này hiển nhiên tác động lên phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường, nhưng các em học sinh là nấc cuối cùng phải chịu áp lực này mà không có sự tự vệ nào cả vì các em là những người yếu đuối nhất.

Đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay chưa có các con số thống kê về số lượng học sinh tự tử, nhưng qua những câu chuyện tôi biết về bạn bè đồng nghiệp, có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra, đặc biệt là vào mua thi cử, và đối với các bạn học sinh lớp 9 vì các em cần phải thi lên lớp 10. Đấy là nhóm có thể gặp những khủng hoảng tâm lý khủng khiếp nhất và những tình huống đau lòng nhất.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/15EF7/production/_122274898_gettyimages-1211674221.jpg.webp

Trẻ em Việt Nam hiện nay đang chịu một áp lực vô cùng lớn về thành tích, trường chuyên lớp chọn và điểm số tốt, theo TS Đặng Hoàng Giang. (Hình chỉ có tính chất minh họa)

 

BBC: Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm chính trước việc trẻ em phải chịu áp lực học tập lớn như vậy? Phụ huynh, giáo viên, xã hội hay tất cả các chủ thể đó?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Hiển nhiên là gia đình và các giáo viên đều sống trong môi trường xã hội, và đều có những quan điểm về mục đích sống. Những quan điểm đó được tạo ra bởi xã hội, và văn hóa nói chung.

Nên có thể nói người lớn vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân bới chính cái vòng kim cô mà gia đình, họ hàng, trường học, xã hội tạo ra cho chính những cá nhân của xã hội. Chính họ thường chạy theo cái mô hình sống là cần phải có thành tích, con cháu mình cần có điểm cao để mình được sáng sủa mặt mày.

 

.

BBC: Nhưng có những ý kiến nói có học sinh tự gây áp lực cho bản thân. Giáo viên, phụ huynh không yêu cầu cao ở các em, thậm chí còn an ủi khi các em làm bài không tốt. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi không tin vào lý thuyết là có một đứa trẻ đẻ ra đã có tâm trí là mình phải được điểm cao, nếu mình không được điểm cao thì mình không có giá trị gì cả, mình không có ý nghĩa gì hết. Mình là con số không.

Chắc chắn là cái suy nghĩ đấy, cái hệ tư tưởng đấy phải được nhồi vào chúng, phải được hình thành ở bên ngoài.

Có thể là gia đình hay thầy cô giáo truyền đạt cách nghĩ đó một cách có ý thức. Nhưng mà tất cả những cái vô thức, những ánh mắt, cử chỉ mà chính người lớn không ý thức được đã khiến cho trẻ em hiểu là chúng phải đạt thành tích thì mới xứng đáng được yêu thương, mới có giá trị gì đấy. Nếu không chúng sẽ khiến bố mẹ buồn và thất vọng, và rộng lớn hơn là thầy cô giáo và xã hội thất vọng.

Không có đứa trẻ nào lớn lên tự nhiên có tư duy như vậy cả. Chắc chắn nó phải được bơm vào đầu chúng vì những yếu tố xung quanh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/03B3/production/_122274900_gettyimages-760249711.jpg.webp

Sức ép quá lớn về thành tích học có thể gây khủng hoảng tâm lý cho các em học sinh

 

BBC: Lại có quan điểm khác cho rằng xã hội hiện đại đòi hỏi có sự cạnh tranh cao hơn. Không thể so sánh xã hội ngày xưa với ngày nay được, và áp lực cao hơn cho trẻ em là điều dễ hiểu. Ông thấy quan điểm này thế nào?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Áp lực của xã hội nó không phải trên trời rơi xuống. Nó không phải là một định luật vật lý như là sức hút của trái đất.

Chúng ta biết là các xã hội vận hành rất khác nhau. Xã hội của Nhật Bản, của Việt Nam thì tạo cho cá nhân một áp lực khổng lồ, dẫn đến những bi kịch cá nhân. Còn các xã hội Bắc Âu hay Trung Âu thì họ có quan điểm hoàn toàn khác về việc con người nên được phát triển như thế nào, và thế nào là hạnh phúc.

Cho nên không thể nói là cái áp lực đó là cái gì trên trời rơi xuống và chúng ta phải chấp nhận nó như một cái gì thuộc về số phận.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng thiết kế cuộc sống của chúng ta theo một mô hình mà chúng ta cho là hợp lý.

Tất nhiên có rất nhiều người coi trọng việc con cái họ học giỏi và sau này thăng quan tiến chức, và cái áp lực phải chịu là trả giá cho hạnh phúc của họ. Thì đấy là lựa chọn tự do của họ.

Nhưng tôi cũng lưu ý rằng khi bố mẹ lựa chọn như vậy thì những đứa trẻ phải lãnh đủ với cái mô hình sống mà bố mẹ đặt ra cho nó.

Có nhiều phụ huynh khác đang khước từ cái rat race hay cuộc chạy đua của những con chuột trong lồng như vậy. Người ta hiểu rằng con người có thể sống hạnh phúc với cái nhân phẩm, với sự nảy nở của tất cả những con người mà không phải tham gia cái cuộc chạy đua rất độc hại như thế này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/78E3/production/_122274903_danghoanggiang.jpg.webp

TS Đặng Hoàng Giang trong một buổi giao lưu với các bạn trẻ

 

BBC: Nếu phụ huynh muốn ra khỏi rat race như ông nói, trong môi trường Việt Nam, liệu họ có vô tình gây sức ép tâm lý lên con cái vì các em có thể cảm thấy thua kém bạn bè?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ là nếu cha mẹ thành công trong việc truyền đạt cho các em là các em được yêu thương vô điều kiện, các em là những con người có giá trị bất kể điểm số như thế nào, bất kể sau này điều kiện vật chất và chỗ đứng xã hội của các em ra sao thì các em sẽ vững vàng với thế giới mà các em ấy chia sẻ cùng với bố mẹ. Các em sẽ không coi cái thế giới của các cuộc chạy đua độc hại kia là cái gì đáng để mình hướng đến và khao khát.

Còn nếu bố mẹ không thành công trong việc truyền cho các em hệ giá trị này vì có thể không thuyết phục được các em hay bản thân bố mẹ cũng không chắc chắn về hệ giá trị đó thì chắc chắn các em sẽ bị ảnh hưởng bởi giá trị rộng lớn hơn của xã hội ngoài kia.

Hiện nay trong xã hội còn có những trào lưu nhất định phản đối cái rat race này. Họ cho rằng cuộc sống có rất nhiều phương án sống khác chứ không chỉ có phương án như chúng ta biết hiện nay.

Những trào lưu như bỏ phố về rừng, tách rời khỏi cuộc sống công sở để thực hiện những giấc mơ của bản thân … theo tôi là sự lành mạnh để chúng ta có sự đa dạng trong xã hội

Tuy nhiên, đa số người trong xã hội vẫn đang hiến mình cho cái cuộc đua độc hại ấy, và nạn nhân là các trẻ em, người chịu sự chăm sóc của xã hội.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/749/cpsprodpb/110D7/production/_122274896_ngaymaihotlineimage.jpg.webp

Đường dây nóng Ngày mai cung cấp thông tin về sức khoẻ tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm và người thân của họ

 

BBC: Là một trong những người đồng sáng lập đường dây nóng Ngày mai, ông cho biết đường dây có nhận được nhiều cuộc gọi từ lứa tuổi học trò? Và nếu có thì những vấn đề tâm lý chính các em gặp phải là gì?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Đường dây nóng ngày mai cũng nhận được kha khá các cuộc gọi từ các bạn học sinh cấp ba. Vì các em dưới cấp ba còn quá nhỏ để chủ động gọi điện đến một cái hotline với cái văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Có nổi lên hai vấn đề khiến cho các em bị khủng hoảng tâm lý và đau đớn.

Một là chuyện bị bố mẹ ép về thành tích học. Và sự ép buộc này có thể là rất khủng khiếp, tức là bố mẹ sẽ tước đi sự yêu thương của mình nếu con không đạt được cái thành tích mà họ mong muốn. Cái thành tích đấy có thể ở dạng viễn tưởng, ví dụ con phải đứng thứ nhất trong nhiều năm chứ không thể thứ hai hay thứ ba. Điều đấy khiến các em trở thành những công cụ của cha mẹ, những con lừa, con bò của cha mẹ và sống một cuộc sống rất khủng khiếp.

Dạng vấn đề thứ hai là các em học sinh cấp ba không được sống đúng với bản thể của mình, ví dụ không được sống đúng với xu hướng tình dục của mình. Các bạn ấy có thể là gay hoặc lesbian và bị bố mẹ chỉ trích, tấn công, căm ghét vì họ cho đấy là điều sai trái.

Tựu chung lại hai lý do đấy đều có mẫu số là các em ấy không được sống đúng với con người mình, hoặc các em ấy là công cụ của bố mẹ để họ thỏa mãn cái tôi của họ qua điểm số, hay bị khước từ cái bản dạng tình dục của mình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0EB7/production/_122276730_gettyimages-1259614004.jpg.webp

'Thông điệp của tôi là phụ huynh, giáo viên cần phải hiểu rõ về sức khỏe tinh thần giống như chúng ta hiểu về dinh dưỡng hay sức khỏe thể chất', TS Đặng Hoàng Giang nói

 

BBC: Khi nghe câu chuyện đau lòng của bé trai lớp 6 nhảy lầu, có thể không ít phụ huynh cũng tự hỏi hay lo lắng có thể con mình gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Ông có thông điệp gì dành cho người lớn - các bậc phụ huynh và, giáo viên?

 

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ rằng về mặt truyền thống thì các cha mẹ Việt Nam không có sự hiểu biết, sự quan tâm và ý thức về sức khỏe tinh thần. Cha mẹ Việt Nam có thể vô cùng lo lắng khi con mình bị đau dạ dày, gẫy chân hay hở van tim vv. Họ có thể dành toàn bộ tài sản và thời gian công sức để chạy chữa cho con mình với những bệnh vật lý như vậy.

Tuy nhiên, họ không có ý thức, không hiểu rằng con mình có thể đang bị rất stress, lo âu, trầm cảm hay các rối loạn khác, cho nên họ không có những phản ứng và hỗ trợ phù hợp cho con cháu của mình.

Thậm chí tệ hơn, họ còn coi thường những vấn đề đấy và khi thấy những hiện tượng như con cháu bị trầm uất, lo âu, họ cho rằng chỉ cố gắng lên một chút thì sẽ vượt qua thôi, ai cũng bị như thế. Họ cho rằng những người có tâm thế như vậy là yếu đuối, vô kỷ luật hoặc kém cỏi.

Chính những điều đó đẩy những người có rối loạn tâm lý vào khủng hoảng nặng hơn và có thể đến chỗ chết.

Thông điệp của tôi là phụ huynh, giáo viên cần phải hiểu rõ về sức khỏe tinh thần giống như chúng ta hiểu về dinh dưỡng hay sức khỏe thể chất.

Các bạn nhỏ, các em học sinh cũng phải được giáo dục để các bạn ấy cũng hiểu về lĩnh vực đó để quan sát bản thân và quan sát bạn bè xung quanh xem có dấu hiệu gì về sức khỏe tinh thần hay không để thông báo với người lớn và tìm sự trợ giúp.

Ở rất nhiều nước, giáo viên được học về sức khỏe tinh thần, về trầm cảm, tự sát, tự hại… Đấy là phần không thể thiếu được trong việc đào tạo giáo viên nói chung. Và kiến thức đấy được phổ biến rộng rãi và làm mới cứ hai năm một lần trong trường. Các em học sinh cũng được hướng dẫn đầy đủ.

Đã đến lúc chúng ta cần phải làm như thế ở Việt Nam.

 

------------------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Qua sách Đặng Hoàng Giang kể chuyện hộ người vô danh, yếu thế ở VN

23 tháng 10 năm 2021

.

Nhật Bản: Nạn tử tự tăng thời Covid là cảnh báo cho thế giới?

19 tháng 2 năm 2021

.

Bị trầm cảm ở nơi 'hạnh phúc nhất thế giới'

27 tháng 12 năm 2019

.

Chế độ ăn uống và chứng bệnh trầm cảm

19 tháng 3 năm 2019

 




No comments: