Wednesday, December 29, 2021

HỒI ỨC của MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI sau 1975 / PHẦN 3 & 4 (Lê Nguyễn)

 


Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 3)   

Lê Nguyễn

25/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/25/hoi-uc-cua-mot-tri-thuc-cu-trong-xa-hoi-moi-sau-1975-phan-3/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/R.jpg

Bà Ba Thi (tên thật Nguyễn Thị Ráo). Ảnh trên mạng

 

III) MỘT VÀI TRƯỜNG HỢP “ĐỘT PHÁ” VỀ CƠ CHẾ VÀ QUẢN LÝ NHÂN SỰ TẠI SÀI GÒN-TP.HCM

 

1) CÔNG TY LƯƠNG THỰC TP.HCM

 

Ai cũng biết rằng vào ít nhất 10 năm đầu tiên sau 1975, cơ chế hoạt động của miền Bắc XHCN được áp dụng trên cả nước, hình thức bao cấp và ở không ít nơi, chủ nghĩa lý lịch, chi phối khá nhiều đời sống cộng đồng. Vào những tháng năm đó, người xuất thân từ một chế độ đã tàn lụi sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn có rất ít cơ hội hòa nhập vào cuộc sống mới, nhất là trong cơ quan công quyền, khi mà mọi ưu tiên được dành cho những ai có công góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào thắng lợi sau cùng.

 

* Bên cạnh các vấn đề chính trị thời hậu chiến, nền kinh tế cũng gặp khá nhiều bế tắc do tình trạng bao cấp trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hiện tượng “ngăn sông cấm chợ” phổ biến khiến cho không những người dân nông thôn khốn đốn mà người thành thị cũng sống trong cảnh túng thiếu. Mặt hàng quan trọng nhất chi phối mọi mặt của đời sống là gạo đã gây ra bao tình huống cười ra nước mắt, trong đó có câu chuyện chiếc xe chở bao gạo cho một vị lãnh đạo cao cấp bậc nhất bị ách lại trên đường di chuyển.

 

Từ tháng 4.1975 đến những năm đầu thập niên 1980, mặt hàng gạo được nhà nước phân phối cho từng hộ dân, tính trên từng đầu người, giá rất thấp, vừa bán vừa cho. Hệ quả của tình trạng này là giá thu mua lúa gạo do người nông dân một nắng hai sương làm ra rất thấp. Họ không thể sống được với cơ chế này nên làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Cách phổ biến nhất của họ là giấu giếm, tẩu tán hay bán chui lúa gạo cho thương lái.

 

Suốt nửa đầu thập niên 1980, các buổi họp tổ dân phố diễn ra liên tục và một trong những chủ đề chính là phân phối gạo cho dân, mỗi người từ 13 đến 15kg mỗi tháng, nhiều buổi họp bàn qua tán lại tốn cả buổi tối. Bản thân người viết bài này mãi đến năm 1985 mới được nhập hộ khẩu chính thức trong căn nhà mình đã thực sự làm chủ từ trước đó gần 20 năm (1966). Có được “bảo bối” trong tay, việc đầu tiên là chạy ra Cửa hàng lương thực quận Tân Bình nằm trên đường Cách mạng tháng 8 (nay là đường Trường Chinh) để khai báo và được ghi thêm tên vào sổ lương thực.

 

Vào thời điểm đó, đời sống người thành thị khó khăn một thì đời sống người nông dân khó gấp nhiều lần. Một trong những người lãnh đạo đầu tiên nghĩ đến giải pháp cho vấn đề là ông Võ Văn Kiệt, đó là phải làm thế nào phá vỡ thế bế tắc bị ràng buộc bởi lối suy nghĩ và hành xử giáo điều. Công ty Lương thực TP.HCM ra đời trong hoàn cảnh này.

 

Ngày nay, không mấy người từng trải qua thời kỳ giữa thập niên 1980 tại Sài Gòn biết hay nhớ đến cái tên Nguyễn Thị Ráo, song khi nói đến cụm từ “bà Ba Thi” thì hầu hết nhận ra ngay. Đó là người Giám đốc đầu tiên của Công ty Lương thực TP.HCM (CTLTTP), người đã thổi luồng gió mới vào thị trường lúa gạo trên cả nước.

 

Từ sự ra đời của đơn vị này, tình trạng bao cấp về lúa gạo tàn lụi dần. Mối quan hệ giữa Công ty Lương thực TP.HCM với người nông dân miền Tây là quan hệ thuận mua vừa bán và giá gạo bán ra trên thị trường TP.HCM được điều chỉnh sao cho nhà nước có một khoản lãi đủ để nuôi bộ máy điều hành của công ty lương thực. Đời sống nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, kéo theo những chuyển biến của thành phố và danh tiếng bà Ba Thi nổi như cồn. Lúc bấy giờ, tuy ông Võ Văn Kiệt đã về trung ương, song khi nhắc đến Công ty Lương thực TP.HCM, người ta thường gắn liền tên tuổi của ông với tên tuổi của bà Ba Thi.

 

Để thực hiện được một nhiệm vụ vừa quan trọng vừa nặng nề như thế, người lãnh đạo cơ quan không thể áp dụng chủ nghĩa lý lịch xơ cứng như những năm tiếp sau 1975, mà phải dành một khoảng không gian đủ rộng cho những người có năng lực, bất luận xuất thân từ đâu. Những năm 1986-1987, tôi có nhiều lần ghé lại Công ty Lương thực TP.HCM thăm một người bạn đồng môn QGHC đang làm tại phòng Kinh doanh, bộ phận quan trọng bậc nhất của công ty. Tại đây, tôi trố mắt nhìn anh bạn của mình “tả xông hữu đột” trong vòng vây khách hàng là đại diện các công ty cung ứng lương thực đến từ nhiều tỉnh ở miền Tây. Họ thảo luận rôm rả, đôi lúc căng thẳng, về những vấn đề có liên quan, với một tinh thần trách nhiệm cao của mỗi phía.

 

Có hôm rảnh rỗi đôi chút, người bạn đồng môn, anh Nguyễn H.P., trước 1975 từng là một Phó Thị trưởng (thời đó Phó Thị trưởng và Phó Tỉnh trưởng ngang nhau), kéo tôi ra một quán cà phê nhỏ gần công ty kể lể đôi điều. Anh kể rằng sự hiện diện của anh và một số anh em từng là viên chức chế độ cũ tại công ty lương thực TP.HCM cũng kéo theo không ít lời ra tiếng vào. Một hôm, bà Ba Thi gặp riêng anh và mở đầu bằng câu hỏi: “nghe nói trước đây cậu là Tỉnh phó phải không?”. Biết bà muốn nói đến điều gì, anh Ph. trả lời rất thản nhiên, đại khái là: “lý lịch của tôi, tôi khai đầy đủ trong hồ sơ xin việc, cô Ba xem trong đó thì rõ”.

 

Thực tình câu hỏi của bà Ba Thi chỉ có ý cho biết bà có nghe lời qua tiếng lại về lai lịch người bạn đồng môn của tôi, song nó không phản ánh mối quan tâm của bà. Bởi vì không lâu sau câu hỏi đó, bà cử nhiệm Ph. làm Phó phòng Kinh doanh của công ty! Việc làm đó của bà Ba Thi chứng tỏ bà biết quan tâm đến hiệu quả của công việc hơn là lý lịch của bản thân viên chức thuộc quyền. Chính điều này góp phần mang lại thành công của Công ty Lương thực TPHCM trong tình trạng đời sống kinh tế của thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Cũng từ sự “thăng tiến” của người bạn đồng môn, sự điều hành nhân sự khá thoáng của bà Ba Thi và sự thành công của Công ty Lương thực TP.HCM, mà tôi suýt trở thành một nhân viên của công ty này, chuyện đó xin kể lại sau.

 

2) CÂU CHUYỆN NHÂN SỰ Ở XÍ NGHIỆP XÂY LẮP ĐẠI DƯƠNG

 

Sau tháng 4.1975, đất nước đứng trước nhiều vấn đề phải giải quyết: kẻ thắng người thua, kẻ cũ người mới, bộ máy hành chánh mở rộng gấp đôi, khó khăn về mặt nhân sự càng tăng khi chủ nghĩa lý lịch chưa có dấu hiệu suy giảm. Nó vững mạnh nhất ở thành phần các cơ quan, đơn vị được gọi dưới cái tên “hành chánh sự nghiệp”, hoạt động với sự bao cấp toàn diện của ngân sách nhà nước.

 

Tuy nhiên, vào nửa đầu thập niên 1980, từ cái trớn của các công ty XNK và tinh thần cởi mở phần nào của cấp lãnh đạo TP.HCM, một số đơn vị được thành lập không bám vào bầu sữa ngân sách mà tự đứng trên đôi chân của mình. Tại những nơi đó, hiệu quả hoạt động là trên hết, nên chủ nghĩa lý lịch phải nhường bước cho những tuyển chọn công tâm dựa vào năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng của người công chức đối với những nhiệm vụ đặt ra.Một trong những đơn vị tiêu biểu cho hoạt động tự lập theo cách trên là Xí nghiệp xây lắp Đại Dương, trụ sở đặt tại quận 4 – TP.HCM.

 

Vào nửa đầu thập niên 1980, xí nghiệp nằm dưới sự điều hành của ông Charles Đức hay Ba Đức (Nguyễn Văn Đức). Ông là phu quân của nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết mà trước 1975, nhiều tờ báo tại miền Nam gọi là “cải lương chi bảo”. Nghe đâu trước 1975, ông Đức là đảng viên hải ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, có lẽ vì thế mà cách quản lý nhân sự của ông rất thoáng chăng?

 

Dù muốn dù không, với chức năng của một xí nghiệp xây lắp, tự thu, tự chi, hoạt động gần như hoàn toàn có tính kỹ thuật, bộ máy nhân sự của xí nghiệp phải bao gồm những chuyên viên trong lãnh vực xây dựng, lắp đặt thiết bị, máy móc.

 

Một sự tình cờ khá trớ trêu là những người làm việc gần gũi nhất với ông Giám đốc Charles Đức lúc bấy giờ lại là… bạn đồng môn của tôi, một thành phần công chức mà hầu hết đều có dịp sống trong các trại cải tạo! Phó Giám đốc xí nghiệp, anh Lữ T.L., là cựu sinh viên QGHC khóa 14; Trợ lý Giám đốc, anh Trần C.L. là cựu sinh viên QGHC khóa 11. Lạ lùng nhất, Phòng tổ chức vốn là bộ phận “trung kiên” nhất của một đơn vị, lại có Trưởng phòng là anh Trần Q.T., cựu sinh viên QGHC khóa 12! Ngoài ra, tại văn phòng xí nghiệp, tôi còn biết có anh Đèo C.M., cựu sinh viên QGHC khóa 17.

 

Vào những năm 1984-1985, thỉnh thoảng tôi ghé Xí nghiệp xây lắp Đại Dương thăm anh L., vừa là bạn đồng môn QGHC, vừa là bạn học suốt 3 năm trung học đệ nhị cấp (cấp 3). Tại đây, tôi chứng kiến cách làm việc gần gũi, chan hòa giữa Giám đốc và các phụ tá.

 

Bộ phận chuyên môn của xí nghiệp chia thành các đội công tác mà hầu hết đội trưởng, đội phó là những kỹ sư, cán sự thuộc các ngành công chánh, kiến thiết, điện lực…, làm việc trong chế độ cũ, không ít người trở về từ các trại cải tạo. Khoảng năm 1985, một trong những công tác quan trọng mà xí nghiệp được lãnh đạo thành phố giao thi công là Nhà hát quận 10, một kiến trúc khá bề thế so với qui mô xây dựng lúc bấy giờ.

 

Khoảng giữa năm 1986, tôi bắt đầu bận rộn với công việc mới ở một xí nghiệp XNK, ông Charles Đức được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty XNK thành phố (Imexco), tôi không có thì giờ theo dõi hoạt động của Xí nghiệp xây lắp Đại Dương nữa.

 

Qua những năm tháng này, điều đọng lại trong tôi là cung cách sử dụng con người mạnh dạn và có hiệu quả của bà Ba Thi, của ông Charles Đức, và nhiều người nữa, vào thời điểm mà cái mới và cái cũ đan xen nhau, chủ nghĩa lý lịch còn gieo rắc nhiều ngang trái đến đau lòng, và trường hợp cậu học trò Nguyễn Mạnh Huy, thi đậu nhiều trường đại học với số điểm cao mà vẫn không được nhập học mấy năm liền là một vì dụ tiêu biểu.

 

Một nước Nhật tan hoang sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), phải đầu hàng vô điều kiện, vậy mà 15 năm sau đã có mặt trên thị trường thế giới, có đủ điều kiện để tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964 và xuất khẩu ra bốn bể năm châu những sản phẩm điện tử hàng đầu.

 

Chúng ta đã thống nhất đất nước hơn 46 năm rồi, trong một thế giới tiến nhanh như vũ bão, chính những suy nghĩ giáo điều, rập khuôn và sự phân hóa lòng người đã kìm hãm đà đi lên của đất nước, ngăn cản nhiều cơ hội của những người thật sự muốn đóng góp cho xã hội.

 

Các bài viết sau sẽ xin kể lại đôi chút về một quãng đời riêng, song thiển nghĩ, thân phận của một cá nhân bao giờ cũng gắn liền với xã hội mà anh ta đang sống. Không bao giờ có thể tách rời hai yếu tố con người và xã hội. Sự thành bại, vui buồn, sướng khổ của một cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa anh ta và cộng đồng xã hội. Vì thế tôi vẫn hi vọng bạn đọc tìm thấy trong hồi ức riêng tư đó những gì có ích chung cho mọi người.

 

 

                                                            *****

 

Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 4)

Lê Nguyễn

29/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/29/hoi-uc-cua-mot-tri-thuc-cu-trong-xa-hoi-moi-sau-1975-phan-4/

 

III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG

 

Từ bài viết này trở đi, hồi ức mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn, song thiển nghĩ, thân phận của một cá nhân bao giờ cũng gắn liền với xã hội mà anh ta đang sống. Vì thế không bao giờ có thể tách rời hai yếu tố con người và xã hội. Sự thành bại, vui buồn, sướng khổ của một cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa anh ta và cộng đồng xã hội. Vì thế tôi vẫn hi vọng bạn đọc tìm thấy trong hồi ức riêng tư này những gì có ích lợi chung cho mọi người.

 

1) NHỮNG “PHÓ THƯỜNG DÂN”

 

Tháng 4.1982, khi tôi trở về với cuộc sống xã hội, bỏ lại sau lưng những năm tháng nhục nhằn, thì cũng là lúc quãng thời gian từ 30 đến 40 tuổi mà nhiều người cho là thời kỳ sung mãn nhất của một đời người cũng sắp kết thúc. Giống như một vận động viên đã dành gần trọn tuổi thanh xuân leo lên lưng chừng một ngọn núi cao và bỗng trượt tay rơi xuống đáy vực, năm 1982 ấy, tôi lóp ngóp bò lên theo đúng cụm từ mà nhiều người gọi là “bắt đầu từ con số âm”.

 

Không có hộ khẩu, không có quyền công dân vốn là những điều kiện tối thiểu dành cho một con người bình thường nhất trong xã hội, những người đồng cảnh ngộ với tôi phải phấn đấu cật lực, phải đổ mồ hôi, và cả nước mắt, để bù đắp lại sự hi sinh từ nhiều năm qua của bao nhiêu người thân trong gia đình. Nguyễn Đình Quang (1940-2020), một người bạn thân của tôi sau này, là một người như thế.

 

Trước 1975, Quang là Thiếu tá Chánh võ phòng của Trung tướng Lữ Lan, Tổng thanh tra quân lực VNCH. Sau 6 năm tù cải tạo trở về, anh đã gom tiền mua chiếc xích lô đạp, đạp kiếm từng đồng bạc nhỏ. Song lực bất tòng tâm, sau một thời gian, đạp không nổi nữa, anh bán chiếc xích lô, mua xe ép nước mía, nhưng không còn đủ tiền để gắn thêm chiếc mô-tơ, lúc ấy giá khoảng một chỉ vàng.

 

Những năm 1982-1983, theo lời một người bạn chung, nhà Quang nghèo đến nỗi vợ anh vì ăn không đủ chất dinh dưỡng mà sinh bệnh lao phổi. Lúc đó, tôi đang có một việc làm kha khá, túi có chút tiền (sẽ xin kể sau), thương bạn, thỉnh thoảng buổi chiều đi làm về, tôi vào chợ mua một ký thịt heo, ghé lại anh, nói dối rằng tôi được công ty chia cho 2 ký thịt, san sẻ cho anh một ký. Anh vui vẻ nhận lấy ký thịt, thật tình, không thắc mắc, không sĩ diện. Anh biết tôi mệt mỏi sau một ngày làm việc, kêu con gái ép cho tôi ly nước mía “cây nhà lá vườn”. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé hơn 10 tuổi, gầy gò, kéo không nổi tay quay, phải đu cả người lên để có thêm sức nặng cho tay quay chuyển động.

 

Khoảng năm 1993-1994, Quang được xuất cảnh theo diện HO, bắt đầu những năm tháng cực nhọc trên xứ người. Về sau, khi có dịp gặp lại nhau, Quang kể rằng trong những ngày mới qua Mỹ, một hôm anh được người bạn cũ ở gần đó dẫn đi ăn sò ở một quán ăn trong thị trấn. Giữa bữa ăn, anh chủ quán người Mỹ lại hỏi chuyện chơi:

 

– Ở Việt Nam anh làm gì?

 

– Tôi là sĩ quan quân đội, đi tù cải tạo về.

 

– Ồ, tôi là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đây! Anh có việc làm chưa? Nếu chưa, anh đến làm với tôi cho vui

 

Thế là ngày hôm sau, Quang đến làm nghề công nhân cạy sò cho quán ăn đó, vớt vát chút thu nhập ban đầu cho gia đình.

 

Khoảng nửa năm sau, được tin người mẹ của anh ở quê nhà bị bệnh nặng, tôi đến thăm bà cụ. Từ lâu, người em gái của anh giấu những lá thư anh gửi về thăm gia đình, vì không muốn làm cho bà mẹ buồn thêm. Có mặt tôi, chị lấy một lá thư ra đọc, trong đó, Quang kể chuyện phải kiếm 2 job (việc làm) mới đủ sống, nửa khuya trên đường lái xe về nhà, lòng thật buồn vì nhớ quê nhà quay quắt. Người mẹ già nghe chưa hết lá thư đã khóc nức nở, tôi cũng không kìm được cảm xúc của mình.

 

Ở Mỹ, với những phấn đấu không ngừng, Quang đưa cuộc sống ngày một khá hơn, tìm được việc làm ở một hãng dầu khí, mặt khác lại được của “hoạnh tài” từ một hãng dầu khí khác. Theo lời kể của anh, hãng dầu khí này trả cho anh hàng tháng một khoản tiền 1.700 USD do một tình cờ, miếng đất trên có ngôi nhà của anh ở bang Louisiana nằm trên một túi dầu đang do hãng ấy khai thác. Đó là tính công tâm và thẳng thắn của người Mỹ, vì nếu họ không tự ý làm thế, anh cũng chẳng bao giờ biết mình có được cái may mắn đó.

 

Sau một thời gian khổ nhọc, gia đình Quang khá lên thấy rõ, con cái học hành nên người, bản thân anh cũng sống thanh thản hơn. Chỉ thương bà mẹ già đã không còn nữa! Khi còn sống, mỗi lần nhắc đến người con trai ly hương là bà khóc.

 

Một hôm Quang gọi tôi qua đường dây điện thoại, khoe rằng anh vừa sắm được một chiếc xe hơi mới. Ai cũng biết rằng anh em tù cải tạo khi xuất cảnh theo diện HO, những tháng năm đầu tiên, chỉ cần bỏ ra 2 -3 ngàn đô la là có được một chiếc xe hơi cà tàng làm chân bay nhảy. Vì thế, sắm được một chiếc xe hơi mới hơn 20 ngàn đô là điều đáng mừng, chứng tỏ bạn đã thoát qua thời kỳ gian khổ.

 

Nghe bạn báo tin vui, tôi đặt vấn đề:

– Chúc mừng ông, tôi muốn gửi đến ông một đề nghị, được không?

– Đề nghị gì ông cứ nói ….

– Tôi muốn ông mang chiếc xe ra garage gần nhà…

– Xe tôi mới toanh, ông bảo mang ra garage làm gì?

– Ông nhờ họ vẽ bên trong cửa xe hình ảnh một chiếc xích lô thật đẹp để đừng quên những ngày gian khó!!

 

Quang đáp lại đề nghị của tôi bằng một tràng cười dài bên kia đường dây viễn liên.

 

Với Nguyễn Đình Quang, tôi biết rằng chuyện xa quê hương đối với anh là điều bất đắc dĩ. Anh vẫn mang hoài một nỗi hoài hương sâu đậm nên vẫn thường về Việt Nam thăm nhà. Một hôm cô cháu gái gọi anh bằng cậu, nhà là nơi anh đến ở mỗi lần về thăm Việt Nam, gọi điện thoại cho tôi, hẹn tôi ra quán cà phê quen thuộc gặp cô vào sáng hôm sau.

 

Tôi giật mình vì cái hẹn bất ngờ này, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cô gái mà tôi chưa từng gặp mặt, song đúng giờ hẹn, cũng thử ra quán để xem cô này định gì đây. Vừa bước vào quán, tôi đã thấy Quang ngồi lù lù ở đó, hai đứa cười vang với trò đùa đó của anh. Những lần anh về thăm nhà, buổi cà phê cuối cùng của hai người bạn xa nhau nửa bán cầu bao giờ cũng thật bùi ngùi, bao giờ nắm chặt tay tôi, Quang cũng rưng nước mắt!


Những năm 2018-2019, sức khỏe Quang đã suy yếu nhiều, song anh là người duy nhất gọi điện báo cho tôi về cái chết của người bạn chung, rất thân với Quang (Nguyễn Phú Huấn).

Nhiều lần sau đó, anh chủ động gọi thăm tôi, giọng yếu ớt thấy rõ. Năm 2020, khi vừa đến Mỹ, tôi gọi cho Quang, con trai anh bắt máy trả lời, cho biết anh không còn nói được nữa. Mấy tháng sau, anh qua đời, để lại cho tôi một hình ảnh khó quên, hình ảnh gã cựu tù cải tạo gò lưng trên chiếc xích lô, mồ hôi trán chan hòa.

 

Cô bé gái con anh từng đu trên tay quay xe ép nước mía ngày nào, nay đã là một tiểu doanh nhân thành đạt, làm chủ một ngôi nhà trị giá hơn 700 ngàn USD trên đất Mỹ.

 

Mấy dòng hồi ức này là nén tâm hương gửi đến một người con đất Việt, rất yêu quê hương, khi sống chẳng thể dung thân trên xứ sở của mình, khi mất đi, phải gửi thân nơi xứ lạ quê người.

 

(Còn tiếp)

 

--------------------------------------------------------------------

 

Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 1)

Lê Nguyễn

23/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/23/hoi-uc-cua-mot-tri-thuc-cu-trong-xa-hoi-moi-sau-1975-phan-1/

 

 

Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 2)  

Lê Nguyễn

23/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/23/hoi-uc-cua-mot-tri-thuc-cu-trong-xa-hoi-moi-sau-1975-phan-2/




No comments: