Friday, December 10, 2021

ĐẢNG BỎ TÙ NGƯỜI CHỈ TRÍCH ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT (David Brown - Asia Sentinel)

 


Đảng bỏ tù người chỉ trích được yêu thích nhất

David Brown  -  Asia Sentinel

Song Phan, dịch

10/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/10/dang-bo-tu-nguoi-chi-trich-duoc-yeu-thich-nhat/

 

Nhà cầm quyền Việt Nam sắp xét xử cô Phạm Đoan Trang vào ngày 14 tháng 12 chỉ vì cô luôn đòi hỏi họ tôn trọng quyền tự do công dân được quy định trong hiến pháp Việt Nam.

 

Trong bức ảnh chụp vào đêm cô bị bắt, Trang lộ rõ ​​vẻ kiệt sức, héo mòn qua mấy năm trốn lánh. Hai công an đi kèm hai bên, một thường phục, người kia mặc sắc phục, Trang đang bước đi khỏi tầm máy ảnh. Cô bước đi loạng choạng, hậu quả của những vết thương do các tay cảnh sát khác gây ra vài năm trước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/0-28-696x464.jpg

Nguồn: Luật Khoa

 

Đoan Trang bị cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’. Ba tài liệu và hai cuộc phỏng vấn, một với BBC và một với Đài Á Châu Tự Do, đã được thêm vào để làm bằng chứng cho ý định lật đổ của Trang. Khi – chứ không phải nếu – bị kết án, cô có thể lãnh án lên tới 12 năm tù.

 

Những năm trước khi bị bắt, Trang có sức viết rất phi thường. Dù bị cấm, nhưng sách của cô vẫn được lưu hành rộng rãi trên internet hoặc dưới dạng photocopy. Blog của cô rất nổi tiếng.

 

Một trong những cuốn sách của cô là “Chính trị bình dân”, tài liệu sơ khởi về cách người dân Việt Nam có thể (và hàm ý không phải ngần ngại) thực hiện các quyền hiến định của mình. Phần lớn cuốn sách đó khá thực tế, là sự giải thích có ích về các khái niệm và quy tắc chi phối một xã hội dân chủ. Nó trở nên sắc bén hơn khi Trang vạch ra cho mọi người thấy rằng, các tổ chức chính trị và thực tiễn của Việt Nam khác xa so với lý tưởng.

 

Trong “Cẩm nang nuôi tù”, Trang cho thấy mặc dù luật pháp Việt Nam và việc thực thi luật pháp của Việt Nam có vẻ ‘bình thường’ đối với hầu hết người Việt Nam, nhưng trên thực tế, chúng chỉ là một mô phỏng tàn tệ của các chuẩn mực quốc tế.

 

Khi gặp bạn bè, Trang sử dụng lời lẽ đơn giản để vạch trần sự dối trá về thể chế của Đảng cầm quyền, một khối thuần nhất phô trương các nguyên tắc tự do khi thuận tiện nhưng không hề tin tưởng vào hoặc không áp dụng các nguyên tắc đó. Cô ôm đàn và hát những bài hát đầy hy vọng. Cách lật tẩy độc đáo của Trang nằm ở chỗ cô vờ rằng các định chế của Việt Nam là thực chất như quy định trong hiến pháp của họ, tức là dân chủ, để tất cả những gì cô làm chỉ là dạy mọi người cách trở thành công dân tốt.

 

Trang năm nay 43 tuổi, đã không trở thành một người cấp tiến ngay lập tức. Ở tuổi 30, cô là một phóng viên lý tưởng, đã ăn mừng sự ra đời của internet. Trong vài năm, mạng xã hội đã lôi kéo hàng triệu người Việt Nam vào cuộc thảo luận chưa từng có về các vấn đề chính trị gay gắt: liệu Nhà nước có nên cho phép công ty Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên của Việt Nam không? Hay liệu Nhà nước không nên đối đầu trước các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển ngoài khơi Việt Nam?

 

Khi bài phóng sự của Trang làm phật lòng các nhà kiểm duyệt của chính phủ, cô đã bị sa thải khỏi công việc làm báo của mình. Trớ trêu là thất nghiệp nhưng lại được tự do; Với tư cách là một cây bút và là một blogger độc lập, Trang đã ghi lại các sự kiện mang tính bước ngoặt: cuộc tranh luận quốc gia về việc sửa đổi hiến pháp, các cuộc biểu tình đông đảo ủng hộ lực lượng tuần duyên Việt Nam đối đầu với đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối việc đốn cây che bóng mát cho các đường phố Hà Nội, các cuộc biểu tình trên toàn quốc khi chất độc thải ra từ nhà máy thép do Đài Loan làm chủ đã tàn phá nghề cá dọc theo bờ biển của sáu tỉnh.

 

Năm 2014, Trang ra nước ngoài để vận động cho các quyền tự do chính trị tại Việt Nam. Trong nước, các nhà vận động dân quyền đã thể hiện chút sức mạnh. Điển hình là họ đã tận dụng sự có vẻ thụ động của chế độ khi đối mặt với sự xâm lấn của Trung Quốc để khiến hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố lớn.

 

Khi Trang trở về Việt Nam, công an đã đưa cô vào diện đặc biệt chú ý. Họ theo dõi cô, gạ gẫm cô và bắt giữ cô những lúc cô được mời gặp các vị khách nước ngoài (trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama).

 

Làn sóng đã đang quay qua chống lại điều mà bây giờ được gọi là Phong trào Dân chủ. Tại một đại hội vào cuối năm 2016, Đảng Cộng sản đã bầu chọn những nhà lãnh đạo có ý định làm sạch không gian công cộng của Việt Nam về cái mà họ cho là bọn kích động quần chúng. Công An đã được tự do ra tay: trong vòng vài năm, số lượng các nhà hoạt động bị giam giữ tăng gấp ba lần. Hàng ngàn dư luận viên được giao nhiệm vụ gây rối mạng xã hội và triệt hạ những blogger bất đồng chính kiến từng người một. Thay vì để mất một thị trường quảng cáo béo bở, Facebook và YouTube chấp nhận các yêu cầu của chế độ rằng chính chế độ – chứ không phải Facebook – sẽ quyết định bài nào không thể chấp nhận được.

 

Cuối cùng, khi công an đến bắt Trang hồi tháng 10 năm 2020, Phong trào Dân chủ Việt Nam đã trở thành một nhóm hổ lốn, những người bị ám ảnh bởi Trump một cách kỳ lạ và gần như không còn tính thích đáng.

 

Không lâu trước khi bị bắt, Phạm Đoan Trang tuyên bố nhất quyết không chấp nhận sống lưu vong để đánh đổi án tù.

 

Trang nói với BBC: “Thay vì làm điều gì đó để tăng thêm tự do cho con người, chế độ có thể ghi điểm bằng cách thả một nhà hoạt động. Đó là một chiến thuật bắt và thả cho phép họ bỏ qua sự cần thiết phải thay đổi cơ bản. Chế độ có thể trông đẹp ra bằng cách thả chúng tôi ra và hy vọng đổi lại được thứ gì đó từ các nước khác. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng, nếu tôi vào tù, việc tôi ở tù sẽ không phải là thứ mà họ có thể lợi dụng và khai thác, mà tạo ra áp lực lên chính phủ, buộc họ phải thay đổi”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/0-29.jpg

Phạm Đoan Trang

 

Đó là những lời dũng cảm, nhưng hầu như không có khả năng các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam cân nhắc tới việc nhượng bộ dù là nhỏ đối với những người quyết đấu tranh cho nhân quyền. Việt Nam là một nhà nước Leninist. Khoảng 5 triệu trong số 98 triệu dân của đất nước là đảng viên Đảng Cộng sản (ĐCSVN). Đảng không chịu sự thách thức nào đối với quyền lực tuyệt đối của mình. Cán bộ được dạy bảo rằng, Đảng cung cấp động lực hội nhập cốt yếu cho Việt Nam, các quy định chính thức và không chính thức và các thủ tục tuân thủ điều tiết nền chính trị, cấu trúc hoạt động kinh tế và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

 

Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, là một người đang trong tình trạng vội vàng. Ông sắp kết thúc năm thứ mười một với tư cách là Tổng Bí thư Đảng và không còn khỏe lắm. Trong nửa thế kỷ, ông Trọng đã thực hiện sứ mệnh của mình là trấn áp những người ‘tự diễn biến’. Chừng nào ông còn nắm quyền lãnh đạo hoặc thành công trong việc chuyển giao quyền lực cho những người đồng ý kiến với ông, Đảng sẽ không chấp nhận trao đổi ý kiến với những người chỉ trích mình. “Xã hội dân sự” là một cụm từ bị cấm. Bộ Công an báo cáo cho Bộ Chính trị chứ không báo cáo cho Chính phủ. Những nhà lãnh đạo như ông Trọng kiên định rằng sẽ không có việc Đảng tử tế hơn, mềm mỏng hơn, không có ở Việt Nam một ‘Chủ nghĩa Cộng sản có bộ mặt của con người’.

 

Trên nguyên tắc, điều này phải là sự quan tâm đến các nước châu Á – Thái Bình Dương có nền dân chủ. Trên thực tế, họ dường như không quan tâm nhiều lắm. Họ đang tìm cách lôi kéo Việt Nam vào một dạng tương tự với liên minh chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc ở Đông Á. Khi những hành động của Hà Nội còn xa mới ăn khớp với những lời hứa trong các hiệp ước thương mại và các đối thoại kéo dài 25 năm về nhân quyền, cả Mỹ và các đồng minh đều không bận tâm nhiều.

 

Ở Việt Nam, sẽ luôn có những người có lý tưởng, nhưng hiện tại, hầu như không thể tưởng tượng được sự thay đổi trong cách tiếp của Đảng đối với các thành phần ngoài Đảng. Nhà nước độc đảng không quan tâm đến tư duy độc lập hoặc việc giải quyết vấn đề từ dưới lên. Hơn nữa, chừng nào mà chế độ còn có thể mang lại ổn định và mức tăng trưởng hơn 6% mỗi năm, thanh niên Việt Nam có nhiều khả năng gia nhập ĐCS hơn là tìm cách lật đổ nó. Trong khi những nhà dân chủ như Phạm Đoan Trang mòn mỏi chết trong tù, thì những người cùng thời trong bộ máy sẽ không phải chịu đựng gì tồi tệ hơn những giờ họp Đảng tẻ nhạt – trả giá có lẽ bằng sự hủy hoại tâm hồn để có một việc làm ổn định và cơ hội đổi chác lấy chút tiền tài.




No comments: