VÌ SAO "TRÊN BẢO DƯỚI
KHÔNG NGHE"?
Lâm
Khang
Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021
http://xuandienhannom.blogspot.com/2021/10/vi-sao-tren-bao-duoi-khong-nghe.html
Đúng là có hiện tượng như vậy. Và ngay cả Thủ
tướng cũng đã nhắc đi nhắc lại hiện tượng này với yêu cầu “Các địa phương
không được cát cứ, muốn làm gì thì làm, không được ban hành những gì
trái với trung ương”. Đây là tình hình rất hiếm thấy trong hoạt động của
Chính phủ từ trước đến nay.
Vì sao trên bảo dưới không nghe:
Thứ nhất là vì công cuộc chống dịch
được phát động với trách nhiệm của người đứng đầu, ở đây là các bí thư tỉnh ủy,
thuộc quyền quản lý của bên Đảng; Thủ tướng không có quyền kỷ luật họ;
Thứ hai là Nghị định 128 của
Chính phủ khi ban không kèm theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên không có hiệu lực
thi hành ngay, các địa phương còn phải chờ Bộ Y tế;
Thứ ba là vì Bí thư tỉnh ủy là
người chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu, nên họ phải có bước đi chắc chắn
trong việc chống dịch, tránh chủ quan “lơ là, mất cảnh giác” với dịch (cũng là
giặc theo quan điểm chống dịch của Việt Nam).
Điều này cho
thấy việc chống dịch bằng hô hào theo kiểu “chính trị” hiện nay sẽ đưa lại những
bất cập và duy ý chí, trong khi muốn chống dịch thì phải bằng dịch tễ học và khoa
học.
Việc huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc để
chống dịch có ưu điểm là huy động được cả bộ máy từ trung ương đến địa phương
trực tiếp chống dịch, huy động sức người sức của và kể cả là những yêu cầu cứng
rắn vượt qua cả khung khổ pháp luật. Nhưng những con người trong hệ thống chính
trị vốn không phải là các nhân viên y tế, hoặc những chuyên gia về dịch tễ học,
hơn nữa, dịch covid-19 lần đầu tiên xuất hiện và cả thế giới còn chưa hiểu về
nó thì việc dẫn đến sai lầm là đương nhiên, trong đó có cả hiện tượng “trên bảo
dưới không nghe”.
Hiện tượng này nếu tiếp diễn thì sẽ phá vỡ những
kế hoạch về an sinh xã hội, kế hoạch về kinh tế và gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng
đến sức mạnh của quốc gia và gây tổn hại tới cộng đồng và làm mất lòng tin của
người dân vào chính quyền.
Đây là một thử thách lớn đối với Thủ tướng
Chính phủ cũng như của hệ thống chính trị Việt Nam, vì chưa có tiền lệ. Thủ tướng
cần được trao quyền nhiều hơn, đồng thời người đứng đầu chính quyền các tỉnh (ở
đây là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chứ không phải Bí thư tỉnh ủy, Bí thư
thành ủy) cũng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
No comments:
Post a Comment