Thursday, October 21, 2021

TRUNG QUỐC ĐEM ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH VÀO PHIM ẢNH (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Trung Quốc đem ảo tưởng sức mạnh vào phim ảnh

Hiếu Chân/Người Việt

October 19, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-dem-ao-tuong-suc-manh-vao-phim-anh/

 

Người dân Trung Quốc vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, gọi là Tuần Lễ Vàng, nhân kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 1 Tháng Mười hằng năm. Năm nay, do đại dịch COVID-19, lượng người Trung Quốc đi du lịch sụt giảm hẳn, nhưng các rạp chiếu bóng lại hốt bạc, một phần nhờ cơ quan tuyên truyền tận dụng kỳ nghỉ này để tung ra các bộ phim “bom tấn” do Trung Quốc sản xuất.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/A1-Trung-Quoc-ao-tuong-1068x712.jpg

Poster phim “Trận Chiến Hồ Trường Tân” (The Battle at Lake Changjin) tại một rạp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 2 Tháng Mười. (Hình: Getty Images)

 

Bộ phim nổi đình đám năm nay là phim “Trận Chiến Hồ Trường Tân” (The Battle at Lake Changjin), phá kỷ lục về tiền bán vé, thu được $60 triệu trong ngày chiếu đầu tiên 29 Tháng Chín và đến nay đã thu được $769 triệu tiền bán vé, theo số liệu của Artisan Gateway được trang Variety dẫn lại. Thành công bất ngờ của phim này là “sự kết hợp hoàn hảo và phi thường giữa kinh doanh tư bản và tuyên truyền chính trị” như nhận xét của một giáo sư về điện ảnh Trung Quốc tại Bắc Kinh.

 

“Trận Chiến Hồ Trường Tân” là phim hành động chiến tranh dài gần ba tiếng đồng hồ, được chính phủ Trung Quốc tài trợ với chi phí sản xuất lên tới $200 triệu, lớn nhất từ trước tới nay. Nội dung phim mô tả cuộc thảm bại đáng kinh ngạc của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953.

 

Nổi bật và xuyên suốt trong phim là cảnh binh sĩ Trung Quốc tấn công và tiêu diệt binh sĩ Mỹ ở hồ chứa nước Trường Tân gần biên giới Trung Quốc-Bắc Hàn bất chấp thời tiết băng giá và địa hình hiểm trở. Trong phim, kẻ thủ ác là binh sĩ và chỉ huy quân đội Mỹ, còn anh hùng là những “chí nguyện quân” Trung Quốc chống lại kẻ thù được coi là đội quân hùng mạnh nhất thế giới khi ấy.

 

                                                            ***

 

Về mặt lịch sử, trận chiến hồ Trường Tân mà người Mỹ gọi là “Battle of Chosin Reservoir” bắt đầu vào ngày 27 Tháng Mười Một, 1950, hơn một tháng sau khi quân đội Trung Quốc bí mật vượt sông Áp Lục (Yalu) ở biên giới vào lãnh thổ Bắc Hàn, khi ấy đã bị quân đội Liên Hiệp Quốc chiếm sau cuộc phản công đẩy lùi cuộc xâm lăng của Bắc Hàn chiếm Nam Hàn năm tháng trước đó.

 

Tại khu vực hồ Trường Tân phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, 12 sư đoàn quân Trung Quốc thuộc Quân Đoàn 9 với quân số khoảng 120,000 người đã bao vây 30,000 quân Liên Hiệp Quốc, phần lớn là lính Mỹ, Nam Hàn và Anh. Cuộc giao chiến đẫm máu kéo dài 17 ngày trong thời tiết băng giá, cuối cùng quân Liên Hiệp Quốc phá được vòng vây và rút về cảng Hungnam, rời khỏi Bắc Hàn. Cuộc chiến giằng co thêm hơn hai năm trước khi hai bên ký kết hiệp định đình chiến vào Tháng Bảy, 1953, Triều Tiên tạm thời bị chia đôi thành hai miền ở vĩ tuyến 38 như phân định của quốc tế trước năm 1950.

 

Sử liệu về trận chiến hồ Trường Tân trong bách khoa toàn thư Wikipedia ghi nhận, quân đội Mỹ và đồng minh thương vong 10,495 người, trong đó có 4,385 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ; 2,812 lính Nam Hàn, 78 lính Anh; cùng với 7,338 người chết và bị thương không liên quan tới chiến đấu mà do thời tiết băng giá; đưa tổng số thương vong của quân Liên Hiệp Quốc lên 17,833 người. Phía Trung Quốc có 19,202 lính tử trận; gần 30,000 thương vong do thời tiết và chết đói; tổng số thương vong là 48,146 người, hơn một phần ba quân số tham gia trận chiến; Quân Đoàn 9 của Trung Quốc tạm thời bị loại khỏi vòng chiến. Từ 30 sư đoàn đi vào Bắc Hàn trước đó hai tháng, quân số của Trung Quốc tại chiến trường Triều Tiên vào thời điểm 31 Tháng Mười Hai, 1950, chỉ còn 18 sư đoàn.

 

Tuy Trung Quốc bị tổn thất nặng nề, nhưng trong việc tuyên truyền của nước này, trận chiến hồ Trường Tân được coi là một “chiến thắng lẫy lừng” của công cuộc “chống Mỹ viện Triều” năm 1950, của nhà nước Cộng Sản Trung Quốc non trẻ. Tuyên truyền về cuộc chiến tranh “chống Mỹ viện Triều” là đề tài thường xuyên dù không mấy thành công của văn nghệ Trung Quốc, nhưng đã đột ngột nóng lên trong hai năm gần đây, nhằm phục vụ chiến lược bóp méo lịch sử, tuyên truyền cho sức mạnh của quân đội của Trung Quốc và thổi phồng thất bại của đối phương.

 

Bộ phim là một phần trong nỗ lực được dàn dựng công phu của Bắc Kinh để kích thích chủ nghĩa dân tộc Đại Hán nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Việc ca tụng chiến thắng của quân Trung Quốc vào thời điểm hiện nay khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang trong tình trạng căng thẳng còn thể hiện ý đồ của Trung Quốc muốn chuẩn bị tâm lý cho dân chúng trước nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc.

 

                                                           ***

 

Cũng trong chiều hướng tuyên truyền về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các nhà làm phim Bắc Kinh đã từng thành công lớn với phim “Chiến Lang II” (Wolf Warrior II) sản xuất năm 2017, cũng do chính phủ Trung Quốc tài trợ, đạt doanh thu bán vé $882 triệu.

 

Phim “Chiến Lang” vẽ ra hình ảnh một người lính Trung Quốc dấn thân vào vùng chiến sự ở Châu Phi xa xôi và cứu hàng trăm mạng người khỏi bàn tay tàn sát của bọn lính đánh thuê phương Tây. Cốt truyện của phim bắt chước các bộ phim hành động Hollywood nhưng đề cao người lính Trung Quốc như là người thực hiện công lý, khôi phục sự bình an cho thế giới. “Ai xúc phạm Trung Quốc đều sẽ bị tiêu diệt” là chủ đề chính của bộ phim và sau này trở thành phương châm hoạt động của ngành ngoại giao Trung Quốc, được gọi là “ngoại giao chiến lang” hay “ngoại giao chó sói.” Đạo diễn và diễn viên chính của phim “Chiến Lang II,” Ngô Kinh (Wu Jing), cũng là diễn viên chính của phim “Trận Chiến Hồ Trường Tân” nói trên.

 

Chỉ hai tuần trước đây, khán giả Việt Nam đã phẫn nộ và lên mạng phản đối một bộ phim tương tự của Trung Quốc, phim “Quân Đội Vương Bài” (Ace Troops), mà họ cho rằng đã xuyên tạc lịch sử cuộc chiến bảo vệ biên giới của Việt Nam. Sáng 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc bất ngờ xua quân đánh chiếm sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào lúc quân đội Việt Nam đang đấu với Khmer Đỏ ở chiến trường Cambodia xa xôi.

 

Vấp phải sức kháng cự bền bỉ của dân quân địa phương, quân Trung Quốc không tiến xa được; và sau khi Việt Nam điều động quân chính quy từ miền Nam ra tham chiến thì phía Trung Quốc phải rút quân ngày 18 Tháng Ba, 1979, dù vẫn duy trì lực lượng ở biên giới, quấy phá lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.

 

Tuy vậy, phim “Quân Đội Vương Bài” gọi sự kiện 1979 là “cuộc chiến phản công tự vệ trước sự xâm lược của Việt Nam” – một sự xuyên tạc trắng trợn làm cộng đồng mạng ở Việt Nam dậy sóng. Phim này chưa đưa ra rạp chiếu bóng nhưng các đoạn giới thiệu (trailer) và hình ảnh quảng cáo đã đăng đầy trên các mạng xã hội Trung Quốc.

 

                                                         ***

 

Xâu chuỗi lại những tác phẩm điện ảnh kể trên, có thể thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến thuật kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lòng ái quốc mù quáng của người dân, nhất là thế hệ trẻ, thông qua phim ảnh.

 

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi Tháng Bảy, ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch Trung Quốc, nhấn mạnh: “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các thế lực nước ngoài bắt nạt, đàn áp hoặc nô dịch chúng tôi… Ai nuôi dưỡng ảo tưởng làm điều đó sẽ sứt đầu mẻ trán và đổ máu trên cái Vạn Lý Trường Thành bằng thép được xây dựng từ máu thịt của 1.4 tỷ người dân Trung Quốc.” Phim ảnh, cũng như mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc đều phải minh họa cho ý tưởng đó của nhà lãnh đạo độc tài.

 

Tham vọng của Trung Quốc thì không có gì mới, thủ đoạn xuyên tạc và bóp méo lịch sử để biện minh cho sự độc quyền chính trị hiện nay cũng không mới, cái mới là đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng thành thạo và tinh vi trong việc khai thác sức mạnh của truyền thông đại chúng và nghệ thuật điện ảnh để nhồi sọ cả một dân tộc. Và trong một môi trường thông tin khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài, bị kiểm soát gắt gao và kết hợp với đàn áp, những người Cộng Sản Trung Quốc đã thành công.

 

Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn: kinh tế chậm, thiếu điện năng, chuỗi cung ứng gián đoạn, tăng trưởng quý 3-2021 chỉ đạt 4.9% so với cùng kỳ năm ngoái, và một môi trường quốc tế không thuận lợi nữa. Trong bối cảnh đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình nỗ lực để tạo dựng cái mà ông gọi là “quan điểm đúng đắn về lịch sử;” sách sử được viết lại để bôi xóa những sai lầm trong quá khứ của đảng như Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, Thảm Sát Thiên An Môn… và vẽ ra hình ảnh của đảng như là một lực lượng bất khả chiến bại, trải qua chiến tranh và hỗn loạn để lèo lái sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Ngay cả những phương châm nổi tiếng của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình về mối nguy của sự cai trị độc tài cá nhân, về lợi ích của ngoại giao khiêm tốn “giấu mình chờ thời” cũng bị đưa ra khỏi phiên bản chính thức về lịch sử Trung Quốc hiện đại theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.

 

Ông Tập cũng nổi tiếng là người tận dụng rất tốt các công cụ truyền thông hiện đại để quảng bá tư tưởng và đánh bóng hình ảnh. Ý đồ của ông là nhồi nhét vào đầu óc người Trung Quốc cái ảo tưởng về sức mạnh của đảng, động viên họ vượt qua thách thức và sẵn sàng cho cuộc đối đầu, thậm chí xung đột với Hoa Kỳ để giành vị thế thống trị thế giới. Bộ phim “Trận Chiến Hồ Trường Tân,” trong đó một đội quân quốc tế dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ bị thảm bại trước sự anh dũng hy sinh của quân Trung Quốc có thể coi là khúc dạo đầu cho cái ảo tưởng đó. (Hiếu Chân) [qd]

 




No comments: