Thuốc
uống trị bệnh COVID 19 ra đời?
Thục-Quyên
05:46 | Posted by BVN1
https://boxitvn.blogspot.com/2021/10/thuoc-uong-tri-benh-covid-19-ra-oi.html#more
Sau gần 2 năm đại dịch chưa nhìn thấy hồi kết,
cách thức ngăn chặn lây lan vi rút SARS-CoV-2 trong xã hội không thành công vì
khó thực hiện trong cuộc sống bình thường hàng ngày, thuốc chủng ngừa tuy rất
có hiệu quả nhưng không tới được những nước nghèo khó vì đắt tiền và cũng vì
không sản xuất và phân phối kịp.
Không ngừa bệnh được hữu hiệu thì tâm trạng
chung của mọi người là mong muốn có viên thuốc thần để lỡ lây bệnh chỉ cần uống
vào là hết bệnh.
Cho tới nay, các bệnh viện chỉ có những thuốc
tạm để chữa trị bệnh nhân COVID 19 nặng phải nhập viện. Tạm, vì đó là những thuốc
đã có sẵn, dùng để chữa những bệnh khác do những loại vi rút khác gây ra. Tạm,
vì chẳng đặng đừng, hiệu quả điều trị không cao như mong muốn mà phải chấp nhận
những tác dụng phụ, theo cách suy nghĩ tuy nặng nhưng còn hy vọng sống sót. Cho
tới nay những thuốc này chỉ được dùng khi bệnh đã tới giai đoạn nặng phải nhập
viện.
Đại dịch gây hỗn
loạn
Một con vi rút mới, gây bệnh mới, gặp sự chống
trả của môi trường nên con virút tự thay đổi biến hoá để thích nghi, buộc con
người (khoa học, y tế) cũng phải thường trực theo dõi, quan sát, rút kinh nghiệm,
uyển chuyển để hiểu kẻ tấn công mà tìm cách, trước hết là bảo vệ mình, rồi nếu
có thể thì tiêu diệt nó.
Nhưng con vi rút SARS-CoV-2 tấn công qúa vũ bão
nên ngành khoa học/ y tế của con người không có thì giờ để tìm hiểu cặn kẽ mà
đã phải tìm cách chống trả, vừa đỡ đòn vừa học hỏi từ những thua thắng để xây dựng
thành trì, mong tạo vũ khí hữu hiệu.
Những nhà khoa học, những chuyên viên y tế, dù
biết mình chưa nắm hoàn toàn vấn đề, vẫn phải chia sẻ hàng ngày những kiến thức
và kinh nghiệm của họ với những đồng nghiệp đang trực tiếp điều trị các bệnh
nhân, chia sẻ với những nhân viên chính phủ có bổn phận tổ chức chống dịch. Do
đó họ thường dùng những cách nói thận trọng, rào trước đón sau, nên họ dễ bị những
người không có kiến thức căn bản về y tế hiểu lầm hoặc cố tình xuyên tạc với mục
đích trục lợi kinh tế hay chính trị.
Thêm nữa, dịch bệnh tấn công ào ạt, nạn nhân
không thuộc riêng một nhóm người nào, và con số cao tăng hàng giờ, nên dân
chúng khắp thế giới không thể không lưu tâm, đưa tới hiện tượng những người
không có kiến thức y học cũng phát tán tin tức y khoa theo nguồn tin mình ưa
thích, theo khả năng hiểu và suy luận của mình, có khi lại còn theo cả cách
mình muốn hiểu. Những người này chỉ trích bắt lỗi những nhà nghiên cứu, chuyên
viên lỗi lạc nhất của thế giới là bất nhất, thay vì mừng là kiến thức khoa học
đứng đắn phải luôn luôn thay đổi theo những khám phá mới, theo những hiểu biết
sâu hơn.
Làm sao ra khỏi đại
dịch?
Chủng ngừa vẫn là phương pháp tối thượng,
nhưng thực tế cho thấy không thể thực hiện được nhanh hơn là sức lan tràn của bệnh,
nhất là tại những nước nghèo đông dân. Những nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm
và hiện nay mục đích là tìm được thuốc có những đặc tính sau:
- Vô hiệu hoá được sức gây bệnh của vi rút
SARS-CoV-2 ngay từ đầu.
- Dễ sử dụng (uống /nuốt thay vì chích hay
truyền thẳng vào máu).
- Không có hay ít có hại.
- Càng rẻ càng tốt.
Nhiều công ty dược
phẩm quốc tế đang trong giai đoạn thử nghiệm thuốc của họ:
Gilead Sciences,
California đang phát triển một phiên bản thuốc viên của Remdesivir. Remdesivir
là thuốc truyền tĩnh mạch được toàn cầu hiện nay sử dụng trong các nhà thương
cho những bệnh nhân giai đoạn trung bình và nặng.
Atea Pharmaceuticals Boston, Massachusetts phối hợp cùng Roche, Basel, Thụy sĩ, trong khi Pfizers
đang trong giai đoạn 2/3 thử nghiệm thuốc trên những người vừa bị nhiễm vi rút.
Nhanh nhất là công ty dược phẩm Merck của Mỹ với
thuốc Molnupiravir.
Molnupiravir chưa được đưa ra thị trường,
nhưng kết quả nghiên cứu có nhiều hứa hẹn. Theo Merck tại Hoa Kỳ, công ty đã nộp
đơn xin phê duyệt khẩn cấp cho loại thuốc này.
Khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, vi rút cần
nhân đôi bộ gen RNA của nó để tạo thành vi rút mới. Molnupiravir hoạt động bằng
cách nhập vào các sợi RNA đang phát triển, thay đổi cấu hình của RNA. Những sợi
RNA đó trở thành bản thiết kế lỗi cho vòng tiếp theo của bộ gen virus. Những
thay đổi cấu trúc tiếp tục xảy ra dưới ảnh hưởng của Monulpiravir cho tới khi
vi rút hoàn toàn bị sụp đổ. Một nhà nghiên cứu mô tả hiện tượng này như sau:
"vi rút tự biến đổi cho đến chết". Và bởi vì các đột biến tích tụ ngẫu
nhiên, rất khó để vi rút tiến hóa khả năng kháng lại Molnupiravir - một điểm
sáng giá của hợp chất này.
Vấn đề quan trọng là những tác dụng phụ độc hại
ra sao?
Theo một số nhà nghiên cứu,
tiềm năng gây đột biến của hợp chất trong tế bào người - khả năng Molnupiravir
có thể tự kết hợp vào DNA - làm dấy lên những lo ngại về an toàn.
Merck chưa công bố bất kỳ dữ liệu chi tiết an
toàn nào, nhưng đã cảnh báo 400 người dùng thuốc phải hoàn toàn tránh việc mang
thai trong suốt thời gian thử nghiệm.
Một loại thuốc kháng vi-rút đường uống hiệu quả
sẽ là một vũ khí vô giá trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Nhưng liệu giá cả
có cho phép Molnupiravir tới với người dân các nước thu nhập thấp và trung bình
không?
Hoa
Kỳ đã đồng ý mua 1,7 triệu liều Molnupiravir với giá 1,2 tỷ đô la Mỹ, tương
đương khoảng 700 đô la cho mỗi liều dùng trong 5 ngày. Mức giá đó thấp hơn nhiều so với giá của Remdesivir nhưng vẫn còn quá
đắt đối với nhiều nơi trên thế giới. Merck đã ký thỏa thuận cấp phép cho năm
nhà sản xuất thuốc gốc (generica) của Ấn Độ. Những thỏa thuận đó cho phép các
nhà sản xuất tự định giá ở Ấn Độ và 100 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp
khác.
Tình trạng thuốc tại
Việt Nam
Cuối tháng 9/2021, Molnupiravir đã được Bộ Y tế
cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Có loan báo là thuốc hiện trong quá
trình thử nghiệm, chưa được bán trên thị trường. Tuy nhiên không biết trên thực
tế, những người được phát thuốc có biết đây là thuốc thử nghiệm và thuốc có những
chỉ định hạn chế?
Trên cổng thông tin của Bộ Y tế cũng có nhấn mạnh
thuốc kháng viêm corticoid dùng sớm có hại, nhưng trong một trung tâm cách ly
F0 tại huyện Hóc Môn, thuốc Dexamethasone đã được phát rộng cho mọi người mà
không hề có theo dõi tình trạng bệnh, đo lượng Oxy SPO2.
Bộ Y tế cũng báo động có thuốc Molnupiravir
bán lậu ngoài thị trường. Suy ra, chỉ có thể là thuốc ăn cắp hay thuốc giả.
T.Q.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment