Thursday, October 14, 2021

TĂNG CƯỜNG KHO VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC, BÌNH NHƯỠNG ĐE DỌA LIÊN MINH MỸ - HÀN? (Minh Anh - RFI)

 


Tăng cường kho vũ khí chiến lược, Bình Nhưỡng đe dọa liên minh Mỹ - Hàn ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/10/2021 - 15:51

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20211014-vu-khi-chien-luoc-binh-nhuong-lien-minh-han-quoc-hoa-ky-bac-trieu-tien

 

Ngày 04/10/2021, đường dây nóng giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã được nối lại sau một loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong tháng Chín. Bắc Triều Tiên gần đây tuyên bố cởi mở đối thoại với Hàn Quốc, nhưng đồng thời lại từ chối đề nghị « nói chuyện » với Hoa Kỳ. Chế độ Bình Nhưỡng đang tính gì ? Làm thế nào giải thích những sự kiện đó ? Bắc Triều Tiên có những chiến lược gì trên trường quốc tế ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/f8076590-2cea-11ec-a7bb-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP21285035304153.webp

 Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm một triển lãm các hệ thống vũ khí ở Bình Nhưỡng, ngày 11/10/2021. AP

 

Bốn chiếc tên lửa và một đường dây nóng

 

Giới quan sát đều có chung một nhận định : Việc giới chức quân sự hai miền Nam – Bắc giờ có thể nói chuyện lại với nhau mỗi sáng và tối, là một tin tốt lành. Kể từ giờ Bình Nhưỡng chấp nhận nhấc điện thoại khi quân đội Hàn Quốc ở phía bên kia đường ranh khu phi quân sự gọi điện cho các đồng nhiệm phía Bắc.

 

Đối với nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), cử chỉ này mang một ý nghĩa biểu tượng mạnh bởi vì Bắc Triều Tiên đang gởi đi thông điệp là nước này sẵn sàng nối lại đối thoại với Hàn Quốc. « Có hai điểm đáng chú ý : Thứ nhất, đó là vẫn còn có một kênh liên lạc cho các cơ quan tình báo giữa hai miền Nam – Bắc. Thứ hai, vấn đề thật sự được đặt ra không còn phải chờ xem Bắc Triều Tiên có nhấc điện thoại hay không, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện điều này hai lần trong ngày buổi sáng và chiều tối, mà là biết được nội dung mà Bắc Triều Tiên cần thảo luận với Hàn Quốc. » (France Culture)

 

Cử chỉ này được Bình Nhưỡng đưa ra sau một tháng Chín đầy căng thẳng. Bắc Triều Tiên liên tiếp thông báo thử nghiệm thành công bốn loại tên lửa : Một tên lửa đạn đạo bắn đi từ một tầu lửa. Một tên lửa hành trình có khả năng bay ở độ cao thấp để đánh lừa ra-đa đối phương. Rồi một quả tên lửa phòng không mới. Và gần đây nhất là một tên lửa siêu thanh có khả năng bay xuyên hành tinh ở Mach 5 (tức khoảng 6.100km/giờ).

 

Với thành công sau cùng này, chế độ Kim Jong Un khẳng định gia nhập được câu lạc bộ các cường quốc rất khép kín, có khả năng thử nghiệm những loại tên lửa mới bay ở Mach 5 (một km/giây). Một cựu chuyên gia quân sự ở Seoul trả lời báo Le Figaro lưu  ý : « Thử nghiệm là một chuyện nhưng việc triển khai trên quy mô lớn các loại vũ khí mới còn là một chuyện khác. Bắc Triều Tiên đang phô trương ».

 

Hiện tại giới chuyên gia chưa thể kiểm chứng tính xác thực của thông tin trên từ bên ngoài. Nhưng theo giải thích của nhà báo Dorian Malovic, trưởng ban châu Á nhật báo Công giáo La Croix, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thì mối bận tâm của giới quan sát tập trung vào một điểm khác.

 

« Điều đáng chú ý cho các nhà quan sát là không phải muốn biết chiếc tên lửa này có thể bay với tốc độ trên 4.000km/giờ hay không mà là muốn tìm hiểu xem chúng được đổ đầy nhiên liệu như thế nào. Đó là nhiên liệu lỏng theo truyền thống ? Hay là Bắc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ nhiên liệu rắn, dễ vận chuyển hơn, có nghĩa là chiếc tên lửa này có thể vận chuyển khắp nơi, do vậy khó định vị hơn ? »

 

Có thể nói, Bắc Triều Tiên giờ mỗi lúc một hoàn thiện hơn trong kỹ thuật dẫn hướng, xác định mục tiêu và sử dụng nhiên liệu cho các loại tên lửa bất kể đó là tên lửa hành trình, đạn đạo hay là siêu thanh. Để rồi từ đó đi đến một mục tiêu tối hậu là một ngày nào đó sẽ cho thử nghiệm tên lửa liên lục địa bắn đi từ tầu ngầm.

 

Theo quan sát của chuyên gia Antoine Bondaz, đây thật sự là một mối đe dọa lớn cho chiến lược phòng thủ của Hàn Quốc trong dài hạn. Cho dù từ tháng 9/2017, Bắc Triều Tiên tuy không tiến hành một vụ thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào, nhưng sự việc cho thấy quốc gia khép kín này vẫn theo đuổi một chương trình hạt nhân và đạn đạo nhằm tăng cường năng lực quân sự. 

 

« Điều đáng lo ở đây là không những Bắc Triều Tiên tiếp tục sản xuất các vật liệu phân hạch và tập hợp những nguyên liệu này để sản xuất vũ khí, mà nước này còn theo đuổi chương trình đạn đạo tầm ngắn, và nhất là một chương trình tên lửa tầm ngắn cực kỳ năng động, đặt ra một thách thức thật sự cho chính sách phòng thủ của Hàn Quốc trong dài hạn.

 

Bởi vì, Bắc Triều Tiên phát triển những loại tên lửa có độ chính xác cao hơn trước rất nhiều. Những loại tên lửa có một quỹ đạo rất đặc biệt, nhất là đường quỹ đạo lõm khiến hệ thống phòng thủ khó thể bắn chặn. Đây quả thật là một đe dọa thêm cho các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. »

 

 

Trường đoạn « Yêu, không Yêu »

 

Dù vậy, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng Bắc Triều Tiên đang « khua chiêng gõ trống ». Bằng chứng cụ thể là chế độ Bình Nhưỡng chưa vượt qua lằn ranh đỏ, thử nghiệm tên lửa đạn đạo có khả năng đi tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện tại, Bắc Triều Tiên tiến hành kiểu « chiến lược », một mặt, tăng cường năng lực quân sự, tạo thế mạnh trong các cuộc đàm phán. Mặt khác, tuy hé mở cánh cửa đối thoại với Hàn Quốc, nhưng lại từ chối đối thoại với Hoa Kỳ.

 

Trên đài RFI, nhà báo Dorian Malovic nhắc lại rằng trường đoạn « Yêu, Không Yêu » là màn kịch muôn thuở của Bắc Triều Tiên dành cho người anh em phía Nam.

 

« Tất cả những điều đó đều nằm trong chiến lược được Bình Nhưỡng điều khiển rất tài tình bởi vì Bắc Triều Tiên biết cách sử dụng « đồng minh » Hàn Quốc – tôi nói là đồng minh khi Bình Nhưỡng thấy cần thiết. Bắc Triều Tiên hiểu rằng vào lúc này tổng thống Hàn Quốc cần có các kết quả trong chính sách đối ngoại với phía Bắc. Bởi vì tháng 3/2022, Hàn Quốc tổ chức bầu tổng thống mới, trong khi chính sách xích lại gần với Bắc Triều Tiên chưa cho kết quả rõ ràng, và người dân Hàn Quốc cũng không mấy gì hài lòng trên phương diện kinh tế. »

 

Kể từ sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội năm 2019, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên hầu như rơi vào bế tắc. Những nỗ lực « chìa bàn tay thân thiện » từ tổng thống Moon Jae In, khi kêu gọi đưa ra một tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh, dù chỉ là một tuyên bố mang tính chính trị, đều không được hưởng ứng.

 

Seoul muốn đi đến một chế độ hòa bình để rồi từ đó khởi động các cuộc đàm phán và như vậy bốn nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể đi đến một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh từ gần 60 năm qua. Vậy lần này Bình Nhưỡng muốn gì khi lại chơi trò « vừa đấm, vừa xoa » với Seoul ? Trưởng ban châu Á tờ La Croix phân tích tiếp :

 

« Bắc Triều Tiên hiểu rõ là với người anh em phía Nam, họ có thể duy trì những đề nghị "đường mật". Bắc Triều Tiên biết là Hàn Quốc sẽ luôn đáp trả, chỉ cần một cử chỉ chìa tay là Hàn Quốc sẽ bắt lấy ngay, đến mức Seoul muốn xích lại gần hơn, muốn có những tiến bộ nhiều hơn, có những trao đổi mậu dịch cho dù cả hai phía đều khẳng định muốn có hiệp định hòa bình . (…)

Việc Bắc Triều Tiên sử dụng Hàn Quốc bằng những đề nghị "nóng bỏng" là một chuyện, nhưng mặt khác, Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ là Seoul sẽ chẳng làm được gì nếu như đồng minh Mỹ không bật đèn xanh. Ngược lại Hàn Quốc cũng cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không gởi tên lửa xuống phía nam. Đương nhiên, chỉ còn lại Nhật Bản là cảm thấy lo lắng vì là nước láng giềng nhưng không phải là dân tộc Triều Tiên. »

 

 

Hiểm họa chạy đua vũ trang

 

Về phần mình, nhà nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Quỹ FRS nhận định những mong mỏi này của tổng thống Moon khó thể mà thực hiện do việc đôi bên đều trông đợi bên kia đưa ra những tín hiệu cụ thể. Washington và Seoul muốn trông thấy có những bước đi phi hạt nhân hóa cụ thể. Còn Bắc Triều Tiên muốn Hoa Kỳ và Hàn Quốc chấm dứt điều mà Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua gọi là « chính sách thù nghịch ». Đối với hai bên, đây là những chiếc chìa khóa chính mở cổng cho các cuộc thương lượng.

 

Antoine Bondaz giải thích : « Điều này thực sự phức tạp nếu nhìn từ quan điểm của Bình Nhưỡng do việc mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn không ngừng tăng cường. Cũng đừng quên rằng mới đây Hàn Quốc còn cho thử nghiệm thành công một loại tên lửa hải đối địa, nghĩa là một loại tên lửa đạn đạo, về mặt kỹ thuật, có thể được phóng đi từ tầu ngầm hay như thử các loại tên lửa tầm trung nặng hàng tấn. Bắc Triều Tiên cho rằng "mối đe dọa" đến từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn dai dẳng.

 

Hơn nữa cũng phải nhìn nhận là từ nhiều năm qua, người ta vẫn chưa thấy có một bước đột phá nào trong ngoại giao. Năm 2018, người ta hy vọng rất nhiều khi Bắc Triều Tiên quyết định tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, thượng đỉnh Liên Triều, thượng đỉnh Singapore nhưng kể từ kỳ thượng đỉnh Hà Nội năm 2019, giữa tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong Un, tất cả các cuộc đàm phán đều bị ngưng lại. »

 

Giờ đây, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung mỗi lúc một căng thẳng, nguy cơ chạy đua trang bị vũ khí mỗi lúc một gia tăng nhất là với thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS quy tụ ba nước Anh, Úc và Mỹ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bùng lên gay gắt khi Hàn Quốc gần đây lại bày tỏ nguyện vọng sở hữu tầu ngầm nguyên tử.

 

Vẫn theo chuyên gia Antoine Bondaz, điều quan trọng là phải có một cơ chế để tái khởi động các cuộc đàm phán đó và để thuyết phục Bắc Triều Tiên phải giảm dần một cách bền vững các căng thẳng trên bán đảo cũng như là phải có những biện pháp rõ ràng nhằm hạn chế chương trình đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đương nhiên, đối với Hàn Quốc, đây thật sự là một điều cực kỳ phức tạp bởi vì nước này không có một đòn bẩy nào như là Hoa Kỳ đang có !

 

                                                   ***

Các nội dung liên quan

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nối lại kênh liên lạc trực tiếp

 

Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây căng thẳng

 

Tên lửa siêu thanh: Kim Jong Un “khua chiêng gõ trống” để thúc ép Joe Biden

 



No comments: