Saturday, October 9, 2021

TẠI SAO QUAN CHỨC VIỆT NAM VẮNG MẶT TRONG HỒ SƠ PANDORA? (Lê Hồng Hiệp)

 



Tại sao quan chức Việt Nam vắng mặt trong Hồ sơ Pandora?  

Lê Hồng Hiệp

08/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/08/tai-sao-quan-chuc-viet-nam-vang-mat-trong-ho-so-pandora/

 

Hồ sơ Pandora, được xuất bản bởi Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế hôm mồng 3 tháng 10, đã làm chấn động toàn thế giới. Báo cáo tiết lộ rằng 336 chính trị gia và quan chức nhà nước, bao gồm 35 lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo quốc gia tại hơn 91 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã sử dụng các thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la. Tuy nhiên, không có chính trị gia hay quan chức Việt Nam nào bị nêu tên trong Hồ sơ. Điều này có đồng nghĩa với việc tham nhũng ở Việt Nam không nghiêm trọng bằng ở một số nước khác hay không?

 

Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (PCI) năm 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp hạng 104 trong số 180 quốc gia được khảo sát. Kể từ năm 2016, chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã dẫn đến việc truy tố hàng chục quan chức cấp cao, bao gồm một cựu ủy viên Bộ Chính trị, một số cựu bộ trưởng và hơn 30 tướng lĩnh quân đội và công an. Tuần trước, 9 tướng lĩnh trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã bị kỷ luật vì tham nhũng và sai phạm trong quản lý, trong đó 2 người bị khai trừ Đảng và 7 người bị cách hết các chức chức vụ trong Đảng. Sau các biện pháp kỷ luật nội bộ, một vài người trong số họ cũng sẽ phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Như vậy, sự vắng mặt của các chính trị gia và quan chức chính phủ Việt Nam trong Hồ sơ Pandora không có nghĩa là các quan chức Việt Nam ít tham nhũng hơn các quan chức nước ngoài. Một cách giải thích hợp lý hơn là họ có những cách khác, tuy có thể ít tinh vi hơn nhưng vẫn hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam, để che giấu sự giàu có bất minh của mình. Một biện pháp phổ biến là sử dụng những người đứng tên hộ để thay mặt họ nắm giữ tài sản tại Việt Nam.

 

Cách làm này phổ biến ở những cán bộ, công chức nằm trong diện phải kê khai tài sản theo quy định pháp luật. Những người đứng tên hộ có thể là người thân, cộng sự hoặc thậm chí là người được thuê. Trong nhiều trường hợp, cho dù họ có không kê khai hết tài sản của mình thì khả năng cao họ vẫn không hề bị phát hiện. Đây là vì các cơ sở dữ liệu chính thức về đăng ký tài sản cá nhân của Việt Nam vẫn còn phân mảnh. Mặt khác, việc thiếu một nền báo chí độc lập cùng xã hội dân sự năng động cũng giúp họ dễ dàng che giấu tài sản bất minh của mình khỏi con mắt giám sát của công chúng.

 

Đồng thời, cũng chưa có các cơ chế chính thức hữu hiệu để xác minh các bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách chỉ bắt đầu xác minh các nguồn thu nhập và tài sản của quan chức khi họ bị điều tra chính thức do các cáo buộc tham nhũng hoặc sai phạm quản lý, thường bị phanh phui trong một vụ việc không liên quan. Trong khi đó, các cuộc thanh tra định kỳ đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc phát hiện tài sản bất minh của các quan chức tham nhũng. Ví dụ, năm 2017, cả nước chỉ có 3 trường hợp bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực.

 

Việc sử dụng người đứng tên hộ cũng liên quan đến cách làm phổ biến khác là thành lập các ‘công ty sân sau’ để nắm giữ tài sản hoặc giành lợi thế kinh doanh không công bằng. ‘Công ty sân sau’ là các công ty được thành lập bởi các thành viên gia đình hoặc thân hữu của các chính trị gia, quan chức chính phủ hoặc cán bộ quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước. Những người này khai thác mối quan hệ với các chính trị gia và quan chức để tiếp cận độc quyền các cơ hội kinh doanh, chẳng hạn như giành hợp đồng cung cấp cho các dự án do ngân sách nhà nước tài trợ. Cách làm này phổ biến đến nỗi tại một hội nghị về cải cách doanh nghiệp nhà nước hồi năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó nói rằng một số quan chức mà ông biết không chỉ có một hoặc hai mà thậm chí có tới 14, 15 công ty sân sau.

 

Một ví dụ gần đây về việc sử dụng người đứng tên hộ để nắm giữ tài sản và thành lập các công ty sân sau liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ông Chung bị phát hiện đã can thiệp vào quá trình đấu thầu để trao ba hợp đồng dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước cho Nhật Cường, một công ty do một thân hữu của ông Chung sở hữu. Trong một trường hợp khác, ông Chung đề nghị chính quyền Hà Nội chọn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic là nhà nhập khẩu và cung cấp một chế phẩm để làm sạch nước cho các hồ trên địa bàn thành phố, mặc dù thành phố có thể mua hóa chất này trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài với giá thấp hơn nhiều. Đáng chú ý, mặc dù hai cá nhân dường như không liên quan đến ông Chung được đăng ký làm cổ đông của Arktic, nhưng các nhà chức trách sau đó phát hiện ra rằng họ thực ra chỉ là người đứng tên hộ, còn bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ ông Chung, mới là chủ sở hữu thực sự của công ty.

 

Tuy nhiên, việc phơi bày tham nhũng như của ông Chung vẫn là trường hợp hiếm hoi. Trong hầu hết các trường hợp khác, các quan chức có thể thoát tội tham nhũng và che chắn thành công tài sản bất minh của họ khỏi sự giám sát của công chúng bằng cách sử dụng người đứng tên hộ và ‘công ty sân sau’.

 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng Đảng không chỉ phải ‘ngăn chặn và đẩy lùi’ mà còn phải chủ động ‘tấn công’ tham nhũng. Để hướng tới mục tiêu này, Đảng cần đưa ra các cơ chế chặt chẽ hơn nhằm phát hiện các cán bộ kê khai tài sản không chính xác. Nếu xét nguồn lực hạn chế cũng như sự thiếu độc lập của hầu hết các thể chế chống tham nhũng chính thức ở Việt Nam, việc cho phép báo chí và xã hội dân sự đóng một vai trò tích cực hơn trong quá trình này là điều cần thiết. Cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thắt chặt các biện pháp chống rửa tiền để tăng cường khả năng của các nhà điều tra pháp y tài chính trong việc theo dõi dấu vết dòng tiền. Các cơ chế về mặt pháp lý và thể chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các quan chức sử dụng người đứng tên hộ và các công ty sân sau cũng cần được xem xét.

 

Với việc không có chính trị gia hay quan chức Việt Nam nào bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đối với họ cũng như công chúng Việt Nam, đây không nên là một lý do để ăn mừng. Thay vào đó, đây nên được coi là một điều đáng lo ngại vì nó hàm ý rằng các cơ chế chống tham nhũng của Việt Nam vẫn còn yếu, và các quan chức tham nhũng vẫn có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn cho các tài sản bất minh của mình ngay ở trong nước mà không bị phát hiện.

 

----------

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.





No comments: