Sunday, October 17, 2021

NHỮNG DI DÂN TUYỆT VỌNG TRONG HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ VỀ QUÊ (Ngọc Lễ)

 


Những di dân tuyệt vọng trong hành trình gian khổ về quê

Ngọc Lễ

15/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-di-d%C3%A2n-tuy%E1%BB%87t-v%E1%BB%8Dng-trong-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-gian-kh%E1%BB%95-v%E1%BB%81-qu%C3%AA/6272605.html

 

https://gdb.voanews.com/3FE093EF-B18F-4373-A832-28D1E20B1A7F_w650_r1_s.jpg

Dòng người về quê sau khi bị kẹt lại trong nhiều tháng vì phong tỏa

 

Những người dân tứ xứ từ vùng dịch vượt quãng đường dài về quê bằng xe gắn máy trong thời gian qua là do họ đã cùng đường, không cầm cự nổi nữa, theo tìm hiểu của VOA, và trong thời gian tới họ sẽ tìm kế sinh nhai ở quê nhà thay vì trở lên phố đi làm lại.

 

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và lệnh giãn cách xã hội gắt gao ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã khiến nhiều dân lao động nhập cư lâm vào cảnh khốn đốn. Và khi lệnh giãn cách được nới lỏng, hàng chục ngàn người đã từ bỏ tất cả, gói ghém đồ đạc, lên xe máy tìm đường về lại cố hương.

 

‘Chắt bóp mà sống’

 

Bà Nguyễn Bích Thủy, 63 tuổi, quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một trong số đó. Trước khi có dịch, hai vợ chồng là công nhân thời vụ của hãng sản xuất hàng gia dụng Lock&Lock thuộc khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bà Thủy cùng chồng, hai người cháu gọi là cô ruột và một người bạn của bà, đã chở nhau trên ba chiếc xa máy về đến Đầm Dơi vào ngày 11/10.

 

Nói với VOA, bà cho biết mấy tháng bị kẹt ở Vũng Tàu vì dịch bệnh, bà luôn trông ngóng ngày được về quê vì tình cảnh của bà lúc đó rất tuyệt vọng. Theo lời bà thì lúc đầu bà tính đợi qua dịch thì xin đi làm lại nhưng sau thấy cuộc sống vất vả quá nên quyết định về quê.

 

“Hồi đầu nghe nói địa phương lo cho ăn uống này kia nhưng cuối cùng không có gì hết trơn. Đâu gần ba tháng trời mà cho được có 20 ký gạo hà. Rồi nói có tiền bạc này kia cuối cùng cũng không có hỗ trợ gì luôn,” bà cho biết.

 

“Nhà nước kêu gọi cán bộ ráng lo cho dân mà có lúc tụi tôi đói muốn chết mà không có ông cán bộ nào ghé hỏi thăm hết. Nguyên khu tôi ở họ về muốn hết luôn đó,” bà nói thêm.

 

Trong mấy tháng bị kẹt lại, vợ chồng bà sống bằng tháng lương cuối cùng mà cả hai lãnh, tổng cộng là 9,7 triệu đồng, bà cho biết. “Hai vợ chồng chắt mót ăn từ từ. Có bữa mua 5 ngàn đồng tàu hũ về kho hai vợ chồng ăn một ngày, có bữa mua đậu bắp về kho chứ đâu dám ăn thịt cá gì đâu,” bà nói.

 

Vợ chồng bà có vào hỏi công ty thì được cho biết họ chỉ nhận lại công nhân chính thức chứ chưa đến lượt công nhân thời vụ cho nên bà không thể ở lại đợi được nữa.

 

“Thấy khó khăn vậy thì tôi quyết định thôi về, về có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo,” bà giãi bày với VOA.

 

‘Phải có giấy xét nghiệm’

 

Bà thuật lại hành trình bà đi từ Vũng Tàu về đến Cà Mau mà lúc đầu bị ‘công an làm khó’ ở chốt chặn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo lời bà thì công an đòi bà phải có giấy phép xét nghiệm âm tính Covid-19 mới cho qua. Mấy hôm trước bà đã được xét nghiệm âm tính ở khu trọ nhưng lại không được cấp giấy nên công an đòi vợ chồng bà phải đi xét nghiệm lại.

 

“Tôi mới năn nỉ. Tôi nói là tại vì bây giờ ở lâu quá rồi nên cạn tiền rồi, không có tiền trả tiền trọ, tiền ăn, đồ đạc bán hết trơn để gom tiền làm phí đi về, còn mấy trăm ngàn mà bây giờ đi xét nghiệm nữa thì tiền đâu tôi về,” bà kể.

 

Tuy nhiên, công an trực chốt không chấp nhận. Cuối cùng, hai vợ chồng bà phải đi đến phòng khám để làm xét nghiệm nhanh. Tiền xét nghiệm hết 400 ngàn đồng và sau đó trong túi bà chỉ còn lại 70 ngàn đồng, bà Thủy nói.

 

“Từ đó tôi đi dài xuống đến phía này thì có mạnh thường quân cho đồ ăn, có cô đó cho tôi được 100 ngàn đồng. Tới Cần Thơ gặp được anh kia cho chai xăng 5 xị đủ chạy về tới Cà Mau luôn.”

 

Theo lời bà thì trừ chốt chặn ở Long Thành, Đồng Nai, các chốt còn lại ‘đều rất dễ’ và ‘thương dữ lắm’. “Họ hỏi về đâu, có ăn uống gì chưa, nếu chưa thì ghé lại lấy đồ ăn thức uống,” bà kể.

 

Khi bà về tới thành phố Cà Mau vào lúc khuya, bên cạnh vợ chồng bà còn có ‘đoàn xe 50-60 chục chiếc người về’. Bà đợi tới sáng thì có cảnh sát giao thông dẫn đường cho đoàn xe của bà về đến quê nhà ở ấp Tân Thạnh B, xã Tạ Khương Nam, huyện Đầm Dơi, bà Thủy nói.

 

“Đoạn đường từ Cà Mau về tới Đầm Dơi, tôi thấy sung sướng, phấn khởi lắm vì đã về tới quê nhà,” bà bày tỏ và cho biết bà về sống với các con và sẽ không quay lại Vũng Tàu nữa.

 

“Thứ nhất là sợ dịch bệnh. Thứ hai là tôi thấy cuộc sống sao bấp bênh quá,” bà giải thích lý do vì sao sẽ không lên lại.

 

‘Không còn tiền ăn’

 

Đồng cảnh ngộ với bà Bích Thủy là anh Nguyễn Văn Thể Anh, một di dân vào sống ở Sài Gòn được 5 năm. Trước khi có dịch anh đi phụ sửa xe ô tô ở Vũng Tàu được 1 năm. Anh Thể Anh đã chạy xe vượt đoạn đường hơn 1.000 km trong gần 2 ngày đêm để về đến quê nhà ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hôm 7/10.

 

Lý do anh về quê cũng giống như bà Thủy. Anh nói với VOA: “Khi đó dịch chính quyền đã cấm ra khỏi nhà 3 tháng. Tiền trọ thì người ta không giảm. Bản thân em chỉ đi phụ sửa ô tô lương thì không cao. Nếu tiếp tục ở lại sẽ không còn tiền ăn cũng như không còn tiền đóng nhà trọ nên em đành đi xe máy về quê.”

 

Mặc dù khi đó nhiều nơi đang mở cửa lại dần, nhưng nếu anh Anh đi xin việc trở lại thì phải trong 1 tháng sau mới có lương. “Em không còn tiền ăn để lấy sức đi làm trong 1 tháng đó nữa,” anh phân trần.

 

Khi được hỏi tại sao quãng đường xa như vậy mà lại đi xe máy thay vì bắt xe khách, anh nói vì giá vé ‘lên đến 3 triệu đồng’ nên anh không đủ khả năng. Anh cùng với một người bạn có hoàn cảnh tương tự thay phiên nhau lái trên đoạn đường dài.

 

“Lúc em về 2 anh em vay mượn gom lại được 2 triệu, đi xét nghiệm lấy giấy âm tính hết 440 ngàn, đổ xăng hết 1,2 triệu rồi vá ruột thay nhớt…,” anh cho biết.

 

Khác với bà Thủy, trong thời gian giãn cách anh được chính quyền sở tại hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng vì đồ ăn lên giá gấp mấy lần ‘nên số tiền đó chỉ đủ cho hơn một tuần ăn uống’. “Một tuần thì cả dãy phòng trọn nhận được bó rau muống héo chia cho mười mấy phòng,” anh nói thêm.

 

Khi được hỏi phải chạy xe máy đường trường như vậy thì có lo lắng không, anh nói ‘rất lo vì chưa bao giờ chạy xa như vậy trong thời tiết mưa bão’. “Nhưng vì đói quá mà chúng em phải tháo chạy về,” anh giãi bày.

 

Hành trình gian khổ

 

Theo lời anh thuật lại thì hành trình về quê của hai anh ‘gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại’.

 

Có lúc xe thủng lốp giữa đường phải dắt bộ tầm 10km mới có chỗ vá xe, anh kể, mặc dù trên đường có nhiều tiệm vá xe nhưng không ai dám làm vì ‘sợ lây bệnh’’.

 

“Khi qua các chốt thì tụi em cũng được các anh công an động viên và phát bánh nước. Dọc đường chúng em còn nhận được những hộp cơm 0 đồng dân địa phương phát,” anh nói.

 

Khi ra đến Bình Thuận thì gặp mưa bão nhưng ‘vì mong muốn về nhà sớm nên chúng em cố gắng chịu mưa gió lạnh thay đổi nhau để chạy’, anh Anh nói thêm và cho biết ‘có lúc mệt quá nhưng cố chạy. Có mấy lần ngủ gật nhưng may mắn không có chuyện gì xảy ra’.

 

Tổng cộng thời gian ngủ của anh trong hai ngày đi đường là 10 tiếng, anh kể. “Chúng em mặc áo.mưa ngủ dưới hiên nhà dân. Vì lần đầu chạy xe máy đi xa nên chúng em chưa có kinh nghiệm mang theo đồ để lót ngủ,” anh nói.

 

Theo lời anh thì khi đi qua các chốt, anh phải trình giấy xét nghiệm âm tính và khai báo thời gian, địa điểm đi và đến. Trên đường đi hai anh gặp rất nhiều đoàn nhưng ‘không ai giúp nhau trên đường, ai theo không kịp thì sẽ bị bỏ lại phía sau’.

 

“Về đến địa phương thì chúng em chạy thẳng vào trạm y tế xã khai báo và cách ly tập trung luôn,” anh nói. Dự định của anh là ‘đợi Đài Loan mở cửa thì sẽ đi xuất khẩu lao động’.

 

“Trong khi chờ đợi thì em sẽ đi đánh bắt cá dưới sông Lam, vì em là người con sông nước,” anh nói với VOA.

 

Khi được hỏi có dự định vào Nam trở lại sau dịch không, anh Anh giãi bày: “Chắc là không vì sau đợt dịch này em nhận ra rằng thà ăn bát cơm rau muống luộc với ăn cá mà ở quê vẫn đậm tình người hơn. Ở miền Nam nơi đất khách không tiền thì chỉ có đói thôi.”

 

Anh cho biết trước lúc dịch bệnh thì cuộc sống anh vẫn bình thường nhưng đến dịch thì ‘rơi vào bế tắc’. “Trước đó chưa bao giờ em nghĩ sẽ bỏ miền Nam về quê,” anh nói.

 

“Về đến địa phận Nghệ An là cảm xúc dâng trào trong lòng,” anh nói thêm.




No comments: