Mạc
Văn Trang
16/10/2021
https://baotiengdan.com/2021/10/16/nghi-van-vo/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/10/MVT.jpg
Ảnh: FB tác giả
Lắm lúc chẳng muốn viết, muốn đọc gì nữa, nằm
nghĩ vẩn vơ, nói lảm nhảm cho “thằng thư ký” iPhone nó ghi lại…
Thực ra mấy ông nghĩ ra cái Chủ nghĩa cộng sản
cũng là ước mơ đẹp tuyệt vời. Ai chả mơ một xã hội không có người bóc lột người,
mọi người đều bình đẳng, yêu thương nhau trong một thế giới đại đồng; Ai chả
mong đến lúc sản xuất thừa mứa, nhân cách con người phát triển cao đến mức có
thể làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu; Ai chả mơ con người được phát triển
toàn diện vừa giỏi lao động chân tay kết hợp với trí óc, thể chất và tinh thần
phát triển hài hòa, mọi năng khiếu đều có cơ hội thăng hoa;
Ai chả thích được tự do, và tự do của mỗi người
không cản trở tự do của người khác; Ai chả thích nam nữ được tự do yêu nhau chỉ
vì tình yêu chứ không vì cái gì khác, và khi có con thì được xã hội chăm lo; Ai
chả thích một xã hội mà từ đứa trẻ lọt lòng đã được chăm sóc y tế và giáo dục
miễn phí, người già được an dưỡng không phải lo lắng điều chi…
Cái ước mơ ấy lan truyền sang xứ ta từ những
năm 30 của thế kỷ trước và hấp dẫn tầng lớp trí thức đến mức họ say mê bất chấp
tù đày, kể cả cái chết. Tố Hữu từng say mê kể chuyện với “Ông lão đầy tớ”:
… “Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giàu riêng một cõi?
Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.
Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm
Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng”.
Lão ngơ ngác nhìn tôi
Rối rít: “Ồ hay nhỉ!
Ai già nua được nghỉ
Cũng no ấm trọn đời?
Ai cũng có nhà cửa
Cũng sung sướng bằng nhau?
Đã không ai đè đầu
Làm chi có đầy tớ?
Cậu bảo: Cũng không xa?
– Nước Nga?
– Ờ nước ấy”.
Và há mồm khoan khoái
Lão ngồi mơ nước Nga…
(Tháng 6-1938)
Tố Hữu còn tự tin hứa với cô kỹ nữ trên sông
Hương:
– “Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Trong như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong nắng trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”…
(tháng 8/1938)
Cái ước mơ đó từ những ông Tổ của chủ nghĩa cộng
sản bên Tây còn lan đến những người nông dân ở làng quê Việt Nam, trở thành một
sức mạnh tinh thần ghê gớm. Tôi còn nhớ ông Đoàn Văn Bài, cậu tôi, mù chữ, đi vệ
quốc đoàn được học bổ túc văn hóa chắc đến lớp 3 lớp 4 thôi, khi về phục viên,
ông làm Tổ trưởng Tổ đổi công, rồi sau đến chức Phó Chủ nhiệm HTX kiêm Bí thư
chi bộ.
Ông học ít, chắc chả sờ đến cuốn sách Mác-Lê,
vậy mà ông nói về chủ nghĩa cộng sản bà con nông dân cứ há mồm, tròn mắt ra
nghe. Ông còn kể chuyện đã được nghe anh hùng Nguyễn Thị Chiên đi tham quan
Liên Xô về kể, chủ nghĩa cộng sản là thế nào.
Này nhá, những tòa nhà mấy mươi tầng, leo cầu
thang cả buổi sáng mới đến nóc; những đường tàu điện chui dưới đất sâu hàng
trăm mét, muốn đi đâu, nó đưa mình đến đó; mình ngồi trong bếp mãi trên tầng 5,
cứ mở bếp ra là có hơi ở đâu đến lửa cháy xanh, đun nấu gì cũng được; bánh mì,
thịt, sữa, táo, lê tha hồ ăn thích thì thôi; tắm thì nằm vào cái bồn mở vòi nước
nóng lạnh ra, nước từ đâu chảy đến, mình cứ nằm yên mà nước cứ dâng đầy…
Sướng nhất là thăm nông trường: Cánh đồng bát
ngát, máy cày, máy bừa, máy gặt, bò sữa từng đàn, vận tải gì đã có xe, không phải
cày bừa, gánh, vác nữa… Máy làm thay người hết… Ối giời ôi, các cô các bà nông
dân béo tốt, hồng hào to bằng 2 người minh; họ ăn bánh mì, khoai tây, uống sữa
thả cửa… Ngày đi làm, tối về ca hát, nhảy múa tưng bừng, nông trường có điện
sáng trưng…
Ông kể say sưa, bà con nghe háo hức. Cuối cùng
ông kết luận, ta vào HTX làm ăn tập thể là để như Liên Xô. Nhưng bây giờ ta mới
là giai đoạn quá độ lên CNXH, nên phải làm theo năng lực, hưởng theo ngày công,
làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm miễn ăn, trừ các đối tượng diện ăn
theo. Ta phải “gian khổ ba năm, mới có hạnh phúc muôn đời”, lúc đó mới làm theo
năng lực, hưởng theo nhu cầu…
Bây giờ phải ra sức phấn đấu… Bọn thanh niên
chúng tôi tin lắm nhé, lại noi gương Paven Coocsaghin chiến đấu quên mình vì sự
nghiệp của toàn nhân loại! Nói như mấy ông xứ Nghệ là, mặc quần xà lỏn với mo
cơm nắm, nhưng có tấm lòng cộng sản, cùng “toàn dân bàn việc nước, sắp xếp lại
giang sơn”. Ghê chưa! Nghĩ lại thật buồn cười, thật bi hài…
“Gian khổ ba năm”, rồi 30 năm, rồi 60 năm… mà
giữa năm 2021, hàng triệu người nông dân tha hương cầu thực, “tự phát” chạy trốn
tán loạn về quê tìm đường sống, trong tuyệt vọng mịt mùng.
Ừ thì Chủ nghĩa cộng sản là giấc mơ đẹp có gì
sai?
Chỉ có điều lạ lùng là để xây dựng một xã hội
ước mơ đó, thì biện pháp lại hoàn toàn ngược lại: Người ta đem tiêu diệt hết những
tầng lớp thông minh, giỏi giang: “Tri, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”,
để đưa tầng lớp ngu dốt trong xã hội lên lãnh đạo; họ cố tình tạo ra những cuộc
đấu tranh giai cấp để con người căm ghét nhau, tiêu diệt nhau, chia rẽ, hận
thù; người ta kiên quyết, kiên trì thực hiện một phương thức sản xuất kém năng
suất và sáng tạo, ngày càng lụn bại, khiến con người lao động như khổ sai và mọi
nhu cầu bị co thắt lại, thậm chí bị triệt tiêu; người ta lại cai trị xã hội bằng
chế độ công an trị, kiểm soát không cho mỗi cá nhân được tự do suy nghĩ, tự do
biểu đạt suy nghĩ của mình;
Người ta xây dựng xã hội
mơ ước đẹp tuyệt vời đó bằng cách sinh ra một “giai cấp thống trị mới”, đặc quyền
đặc lợi, độc tài toàn trị; chuyên dùng bạo lực, dối trá lừa bịp và các thủ đoạn
gian manh nhất để quyết duy trì quyền thống trị của giai cấp mới…
Thế là những biện pháp thực hiện đã tiêu diệt
hoàn toàn những ước mơ tốt đẹp! Như vậy hoá ra những điều tuyên truyền cho ước
mơ tốt đẹp nhất về xã hội, về con người của CNCS trở thành những điều dối trá,
lừa bịp.
Các Cụ Tổ của CNCS thấy cay đắng chưa? Ngày
nay hậu duệ biến thể của các Cụ càng cho thấy, họ luôn luôn tuyên bố những điều
tốt đẹp nhất, nhưng để thực hiện những điều đó thì toàn dùng các biện pháp đi
ngược lại.
Tại sao thế nhỉ? Một câu hỏi lớn mà những người
lãnh đạo đất nước chưa chịu tìm ra lời đáp!?
No comments:
Post a Comment