Lê
Minh Hà
18/10/2021 15:12
https://www.diendan.org/sang-tac/mieng-khi-doi
Không phải là chuyện đói một lúc nhé, mà là
chuyện đói của một thời. Thế nên những miếng ăn ngon khi đó nghĩ lại thấy cay sống
mũi và buồn cười. Biết chắc giờ có được ăn thì tài thánh cũng chẳng thể cảm được
vị ngon xưa.
Hồi mới qua Đức, mình đã lùng sục mua đủ loại
thịt hộp ở siêu thị về nếm để tìm lại cảm giác tuổi bé thơ được xơi thịt hộp
quân dụng. Chẳng biết binh nhất binh nhì thời chiến chinh ấy có được phát
không, nhớ là mấy hộp thịt đó là quà của mấy chú khách sĩ quan cấp tá. Tìm mãi
tìm mãi thì ra, nhưng mà chao ơi, cơ thể không còn nạp nổi cái vị béo thừa mứa
đó nữa, và do đó, cũng chẳng còn bị quyến rũ bởi mùi thơm. Cũng vậy, giờ mà mời
nhau thanh lương khô qúy báu hay là thỏi bánh sữa Mộc Châu xưa, đồ rằng giỏi ra
cũng chỉ nhấm nổi một mẩu, dù đã ăn với cả quyết tâm và một tấm lòng xốn xang
bao triền kí ức.
Những tưởng chỉ một mình hâm dở với những
thương nhớ tuổi nào, thế mà vừa post mấy đoạn viết về món mì bao cấp, bao nhiêu
bạn nhảy vào bình luận, nhắc nhớ thêm bao nhiêu là món ngon tuổi bé được sáng tạo
từ mấy nắm mì mốc nhà nước bán cho dân ăn độn với gạo lẫn toàn sạn và cứt gián.
Mì ngâm mềm, cho vào chảo đảo cháy cháy rồi ngào với tí đường. Nói là ngào đường
nhưng đường đâu có nhiều, tháng vài ba lạng, toàn đường chảy đựng trong bao giấy
xi măng, một lũ trẻ con được giao đi xếp hàng, mua được rồi vừa đi vừa đi vừa
thò ngón tay vào chấm chấm rồi đưa lên miệng mút. Mình khảnh, không ăn được thế,
nhưng mì ngào đường thì xơi. Đường chạm đáy chảo nóng chảy ra, sém màu caramel,
các sợi mì vô sản liên hiệp lại được với nhau rồi thì nhấc cả tảng ra chờ nguội
và ăn như ăn kẹo. Giá kể có thêm thìa mỡ lúc rang mì thì còn ngon nữa, vì ngoài
vị kẹo lại còn thêm vị bánh rán, dù cảm giác thật là xa xôi. Đừng có tưởng, có
mảnh mì dính tịt vào nhau nhờ tí đường tí mỡ ấy trong tay, đi ra ngõ, khối đứa
thòm thèm, còn mình thì có cơ hội tỏ ra rộng bụng bằng cách bẻ từng sợi từng sợi
chia cho nhau. Mà nếu không chia nhau, có chạc cây cho mình trèo lên ngồi nhấm
nháp và mơ mộng thì phải biết !
Lớn hơn chút nữa, tự củi lửa được rồi, lại có
những món ngon tương tự nhưng cao cấp hơn. Bánh mì rán chẳng hạn. Bánh mì bán
có định lượng thay gạo, vài ba chiều ít bài tập về nhà lại đi xếp hàng đổi về,
may được bánh mì tươi mới ra lò, có hộp sữa đặc để chấm thì hết nhẽ, không thì
chấm với tí đường nâu nâu bẩn bẩn, không thì xào rau muống xơi cùng, cũng hết
được dăm ba cái, còn lại thì thả lỏng chỏng trong thùng gạo, bữa bữa đem hấp
trên chốc nồi cơm. Vô duyên nhất là bánh mì Liên xô, chả hiểu sao lại gọi thế,
xốp xộp và chua chua và dễ mốc. Ông chú bà cô độc thân nào có quê xa vài ba
tháng về thăm nhà thì không vướng mắc gì với đống bánh mì này, dồn phiếu lại đổi
bánh đem về quê làm quà Hà Nội. Bằng không, vẫn có cách giải quyết : chờ lúc nhập
nhoạng mang ra trước cửa hàng gạo bán tống bán tháo cho mấy bà phe phẩy. Nhắm
trong nhà âu mỡ hộp đường chưa cạn đáy thì giữ lại một hai chiếc. Đường đem pha
nước đặc đặc, bánh mì cắt khoanh tròn tròn nhúng vào nước đường rồi thả vào chảo
đã tráng qua hàng mỡ. Thề là không có thứ bánh trái nào qua mặt được món này :
có bột có đường, có đạm. Nhưng rồi đến một lần tôi không còn thấy món này hấp dẫn
nữa. Đấy là lúc vừa hết cấp ba.
Trưa nắng nhưng còn lâu mới nóng như bây giờ,
may thế vì ngày ấy chả mấy khi ban ngày ban mặt mà có điện. Mấy đứa con gái
hàng xóm tụ ở nhà mình. Vừa buột miệng nhà còn bánh mì mà chả có... Thế là đứa
về múc vài thìa mỡ đứa về xúc mấy thìa đường. Thế rồi là quây xung quanh cái
đĩa có mấy miếng bánh nhúng nước đường rán sém. Ve sôi bền bỉ đến độ chẳng còn
ai để ý. Nắng lẳng lặng vàng. Đột nhiên lòng không yên. Thấy sợ. Những niềm vui
thú nhỏ nhặt thế này. Tuổi mười bảy ních chặt toàn những ước ao tủn mỏn thế
này. Lúc đó bộ Đại học còn chưa báo điểm thi nhưng trước khi thi mình đã chắc chắn
có một suất ở một trường rồi, trong mắt nhiều người thì tương lai gần dăm ba
năm nữa thế là vững chắc, mà còn thế.
May mà ý nghĩ đến rồi đi. Để thấy ngày sống vẫn là đáng sống như mẹ nói với bà
trước ngày mẹ mất, “ dù sao thì cũng hết chiến tranh rồi ”. Đáng sống, kể cũng
thảm, nhiều khi nhờ vào những niềm vui thú tủn mỏn mà mình cứ thấy nó quẫy cựa
nhiều trong lòng là thấy sợ. Tủn mỏn, vì loay hoay toàn chuyện có cái gì bỏ vào
mồm.
Nhưng chính nhờ thế mà vốn liếng từ ngữ của
dân tộc mình phổng. Không tin ? Thì cứ tầm tra đi, những từ ăn tươi, cải thiện,
ăn bồi dưỡng xuất hiện ở thời nào ở đất nào ? Không có công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội trên miền Bắc thì hổng có đâu nha. Sau 1975, những từ này cũng xuất
hiện ở trong Nam với tần suất không nhỏ theo bước chân của đoàn quân chiến thắng,
của những cuộc nam tiến đời mới đưa cán bộ công nhân nông dân từ Bắc vào Nam tiếp
quản đô thị, khai hoang, xây dựng khu kinh tế mới. Theo chiều ngược lại, người
ngoài Bắc dần quen với nhiều từ bắc tiến, thành phổ cập toàn dân tới bây giờ,
những trấn lột, bồ bịch, ông xã bà xã mất quách cái hương xa của đất phương nam
sau gần nửa thế kỉ thống nhất nghe và nói.
Ăn tươi, cải thiện, hay là ăn bồi dưỡng thì không nhất thiết phải là thứ gì quá
độc đáo. Chẳng hạn như cái món mỡ gì nhà nước bán theo phiếu thịt hồi tôi vừa
xong lớp 7, vừa mất mẹ, cứ chiều chiều các nhà nổi lửa mà dùng nó xào rán là
tôi chỉ muốn vớ ngay cái khăn quàng đỏ vẫn phải đeo ngày ngày đi học chờ đến tuổi
tiến lên đoàn viên để bịt chặt mũi. Nó khét. Nó hôi. Cứ thấy hành lang nơi các
nhà đặt bếp dầu cơm nước toả cái mùi lờm lợm đó là con bé con hàng xóm mới sáu
tuổi ranh hét “nghén rồi”, buồn cười là ai nghe cũng cười.
Lại giống như ngày cửa hàng mậu dịch bán cá biển, các bà nội trợ mày mò chỉ
nhau cách đưa được thứ mỡ chắc cũng bổ béo này vào bụng. Hết đem rán cái gì đó
cho bớt mùi rồi mới dùng để xào rau tới phi cho bốc khói rồi đứng lên dịch ra
xa vẩy nước vào cho khói bốc ác liệt hơn mang bớt mùi đi. Chẳng biết đúng hay
sai, nghe truyền tai thì đó là mỡ cừu, chẳng biết là Mông Cổ hay Na Uy viện trợ.
Có điều ở châu Âu gần ba chục năm, tôi chưa bao giờ thấy siêu thị bán loại mỡ
đó, cũng chưa ngửi thấy bao giờ. Vậy khi đó nhà nước mình nhập từ đâu về và thực
ra thứ mỡ đó dùng để làm gì thì tốt hơn là ăn nhỉ ?
Thơm, nhưng cũng chẳng hợp mũi miệng người Việt cho lắm thời buổi ấy còn có bơ
mua bằng phiếu thịt. Chả ai thích, nhưng làm gì có thịt mà mua. Rõ khổ, đúng
lúc đó thì cửa hàng gạo lại bán khoai tây bi ron ron, không có bánh mì để thanh
toán bơ. Tủ lạnh khi đó là đồ xa xỉ lắm, chỉ có ai đi Nga hay vào Sài gòn công
tác thì mới mua được, hãnh diện đặt ở phòng khách, trên nóc bày lọ hoa giả tươi
đủ bốn mùa. Tủ lạnh mà nhiều khi cũng chẳng lạnh hoặc là đồ cũ của Nhật đã dùng
qua cả cuộc chiến tranh vừa chấm dứt, hoặc là tủ Saratov đằng sau có cái ống nhỏ
thò ra để cắm vào cái chai đặt ngoài hứng nước mỗi khi mất điện. Có tủ lạnh thì
còn bảo quản được âu bơ, không, thì bơ đấy để trong chạn cứ chảy ra, đông lại,
rồi lại chảy ra tùy thời tiết, từ cửa hàng về nhà. Khỏi phải nói là mùi của nó
đặc biệt thế nào. Để giải quyết nhanh, bà chị gái khoẻ mạnh của tôi nghĩ ra món
cơm trộn bơ như trộn mỡ nước vừa rán, bảo là ngon. Còn tôi đem rang cơm, hạt
cơm se mình muốn nẩy lên trong chảo rồi thì cho một hai thìa đường vào đảo, thế
gọi là đổi vị. Nhưng thế chưa thể coi là ăn tươi, cải thiện hay là bồi dưỡng.
Thuở chả ai phải lo ngậm miệng giữ thân sao cho không phì nhiêu, nói ăn tươi, cải
thiện, cả bồi dưỡng nữa đều là nói chuyện cơm có thịt và không phải chém to chặt
nhỏ kho mặn rim có nước hay rang khô, là thứ bây giờ mình chỉ muốn kiêng, vì
môi trường, à, vì cả tình yêu nữa.
Có đĩa thịt trên mâm không rang kho mà luộc, thái mỏng, bày biện cùng khế chua
chuối chát và bát mắm cùng thếp bánh đa để cuốn, thế là ăn tươi. Ốm lử đử cả tuần,
bà chủ tịch công đoàn dẫn thêm vài mặt đồng nghiệp tới thăm, làm quà cho cân đường
hộp sữa, trịnh trọng bảo gửi chị / anh ăn bồi dưỡng cho khoẻ khoẻ lại để còn đi
làm. Chị gái ốm o bị cái bệnh gì làm đau bụng quanh năm mà bệnh viện huyện không
chẩn ra được, ra Hà Nội khám, nghỉ ở nhà cô em tiếng là đi thoát li được sớm có
lương nhà nước mà khổ hơn cả con Thắm cái Gái cùng học ngày xưa vẫn ở làng. Đi
chữa bệnh, ngoài đãy quần áo, bao gạo, đùm lạc, đóng góp cho gia chủ để đỡ miệng
ăn, bà chị nào cũng thường mang theo đôi ba chục trứng gà, bảo để dì bồi dưỡng,
đẻ lần này hậu sản sao mà mặt xanh rớt thế. Em nhìn chị gầy mòn, biết chị vét
khéo cả chục trứng định để cho con mái mơ ấp đem ra tỉnh làm quà, quay qua bảo
cô con gái mười ba mười bốn mai đi xếp hàng mua hết thịt phiếu tháng này về làm
bữa cải thiện mời bác. Ngôn ngữ bắt nguồn từ đời người đấy, biết nên buồn hay
nên vui ?
Bây giờ nhớ thì buồn. Chứ bụng dạ trẻ con đâu
có hướng tới sự xa xỉ tinh thần như thế. Sáng mai ra, mẹ đã dậy từ lúc nào đi xếp
hàng mua được thịt rồi. Thường nếu không phải là cái chân giò để nấu măng thì sẽ
là mấy lạng thịt dọi nhìn là biết sẽ được ăn bún chả. Con lớn con bé giục nhau
đi chợ, đứa mua rau sống, than hoa, đứa cắp cái rá có mấy bơ gạo đứng xếp hàng ở
tổ phục vụ đổi bún, rẻ hơn mua bún ngoài hàng.
Cũng có những ngày nhất loạt vui, gần như cả khu tập thể ăn tươi, cũng là ăn mừng
gì đó, ngày Quốc tế lao động 1. 5, ngày quốc khánh 2. 9 mà giờ chả biết sao người
ta cứ làm ra vẻ chất phác thật thà bảo là tết Độc lập, bắt chước đồng bào Tày
Nùng thuở còn chiến khu Việt Bắc… Ăn tươi gì thì cũng quanh quẩn thế, con vịt
xáo măng, rẻo thịt nửa thái miếng nửa băm đem nướng chả, cái chân giò thui cho
kĩ nấu giả cầy… Ra chợ thấy cả hàng dài người đứng chầu đổi bún ở tổ phục vụ,
ngày lớp nhớp mưa phùn, ngày co ro gió bấc, ngày hanh hao thu về, ngày nào thì
mùi nước thải quanh quanh chợ cũng nồng cũng đượm và mặt người đứng trong hàng
ngũ đổi bún đều tươi tỉnh nhẫn nại như nhau.
Những ngày vui ấy tôi thường không thật vui, vì một con bé hàng xóm kém mình
hai tuổi. Cái ngày chị em nó theo mẹ lấy chồng về đây, ai cũng tấm tắc được cả
con lẫn mẹ. Mẹ đẹp, con xinh. Mẹ nó đâu như người ở dưới chợ Mơ, ăn mặc giống
như mấy bà vẫn bệ vệ ngồi trong các quầy hàng khô : quần satin, áo cánh trắng,
tóc dày và mượt búi chặt sau gáy, vàng lấp lánh cổ với tay, gái góa nhìn thế là
biết chẳng phải người dựa cậy nhà nước mà là người vén khéo cơ chỉ lắm. Hai đứa
con gái thật xinh, quần áo toàn đồ mua ở hiệu Đức Hạnh trên Hàng Trống.
Rồi chỉ mấy năm thôi, người đàn bà không còn
vàng nữa, không còn tươi tắn mỡ màng sau những lần chửa đẻ nạo thai liên miên.
Chỉ nết xởi lởi dù ngày nào cũng bị chồng không tẩn thì chửi là nguyên vẹn.
Hai đứa con gái cứ lầm lũi sống, đứa em này đặt
được xuống biết chạy lại đứa em mới cắp bên sườn, và cũng hay bị cả ông bố dượng
lẫn bà mẹ đẻ tẩn và chửi. Khổ quá thì tẩn với chửi vòng quanh tới ai không tẩn
và chửi được tiếp thì dừng, chứ nào có phải không biết thương con. Chúng nó hay
mang bát sang nhà tôi vay mỡ, khi còn sống chả bao giờ mẹ tôi từ chối, thành thử
mẹ mất rồi chị em tôi theo lệ vẫn cho vay, biết có vài ba thìa mỡ đó là chúng
nó nấu được nồi mì với rau cho cả bầy em. Nhà chúng nó, ngay cả trong lúc thiên
hạ hân hoan ăn tươi cũng chả bao giờ thấy ồn ĩ quạt than nổi lửa. Khổ vậy, thế
mà hai chị em chúng nó học lại rất được, mà thế cũng là nhờ ông bố dượng cấm cảu
lảu bảu cả ngày vì vợ con cơm áo nhưng không bắt đứa nào nghỉ học.
Tôi hay nhớ cái đứa em. Nó thật là xinh. Mắt to miệng nhỏ, tính lại dịu dàng.
Nhưng nó gầy gò, đi đứng thường so hai vai lại. Có lần tôi thấy nó chạy vội ra
đầu nhà móc họng, nôn cả đống mì với rau chưa kịp tiêu, nước mắt nước mũi ràn rụa.
Những ngày thiên hạ được nghỉ làm, bận bịu hỉ hả liên hoan, nó vẫn thầm lặng đi
rửa cả rổ rau lớn. Dáng nó gầy yếu với cái chậu và rổ rau to tướng cắp bên sườn,
dáng nó nghiêng người tránh khói than quạt chả của các nhà, tránh va vào lũ trẻ
con đang hí hửng vì sắp đến bữa ngon, và mắt nó nhìn nữa, chẳng vui chẳng buồn,
không biết tại sao đã khiến tôi chạnh lòng từ cái tuổi lẽ ra phải rất vô tư ấy.
Nó học xong cấp 3, nhưng trượt đại học. Chưa
thấy nó đi làm thật sự ở đâu, nhoắng cái đã thấy nó đưa thiếp mời. Nó lấy một
anh chàng sắp thành kĩ sư ở trường cùng tuyến đường tôi đi học đại học, con một
gia đình thế giá. Ai cũng bảo chắc là thằng chồng nó mê con bé xinh, thế này là
con bé may quá, sướng rồi. Chồng nó mất đột ngột khi con gái nó chưa đầy một tuổi.
Thỉnh thoảng chị em gặp lại, thấy con bé con bám bên chân mẹ, cao dần. Hỏi, nó
kể em chẳng định đi bước nữa đâu chị ạ, em sợ con em khổ lắm, em học xong cái
Tài chính tại chức rồi, ông bà nội cháu thương em bảo em còn trẻ quá gặp
ai hờm hợp thì…
Nghe nói sau này nó khá, cũng là vì được bố mẹ
chồng thương qúy, thành thử nó lo được công ăn việc làm cho mấy thằng em cùng mẹ
khác cha lười học lại có tính ưa phá giời.
Giờ khéo nó đã thành bà ngoại.
Ơ nhưng mà tôi đang nói chuyện ăn. Ăn và tươi cơ mà.
Lê Minh Hà
Berlin 9. 06. 2021
No comments:
Post a Comment